woensdag 14 april 2021

Căng thẳng Ukraina: Khối G7 và liên minh NATO kêu gọi Nga « xuống thang » + Kiev và Washington tố cáo Nga tập trung quân ở biên giới phía đông Ukraina

 

Căng thẳng Ukraina: Khối G7 và liên minh NATO kêu gọi Nga « xuống thang »

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trao đổi với ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba trước cuộc gặp tại trụ sở NATO ở Bruxelles, Bỉ, ngày 13/04/2021.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trao đổi với ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba trước cuộc gặp tại trụ sở NATO ở Bruxelles, Bỉ, ngày 13/04/2021. REUTERS - POOL

Ngừng « các hành động khiêu khích », chấm dứt tăng quân tại vùng biên giới với Ukraina, đó là thông điệp mà các nước phương Tây gửi đến Nga trong 24 giờ qua.

Hôm nay, 13/04/2021, khối NATO kêu gọi Nga « ngừng tăng cường binh lực » tại vùng biên giới với Ukraina, ngừng ủng hộ các lực lượng ly khai vùng Donbass, miền đông Ulraina. Trong một cuộc trả lời báo giới hôm nay cùng với ngoại trưởng Ukraina, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định : « Việc tăng cường lực lượng ở quy mô đáng kể của Nga là không thể biện minh, không thể giải thích được và rất đáng lo ngại. Nước Nga cần chấm dứt việc tăng cường quân đội trong lãnh thổ Ukraina và xung quanh Ukraina, chấm dứt ngay lập tức mọi hành động leo thang ».

Về phần mình, ngoại trưởng Ukraina, ông Dmytro Kuleba, nhấn mạnh đến nguy cơ Nga có những quyết định bất ngờ, như đã từng xảy ra vào năm 2014, khi đưa quân vào bán đảo Crimée, và hậu thuẫn lực lượng thân Nga ở Donbass, trong lúc đa số các nước phương Tây chưa biết xoay xở ra sao. Lãnh đạo ngoại giao Ukraina báo động : « Với nước Nga, không gì có thể loại trừ ».

Trước đó, hôm qua, 12/04, ngoại trưởng các nước G7 và lãnh đạo ngoại giao Liên Âu đã ra tuyên bố chung kêu gọi Nga « xuống thang ». Ngoại trưởng các nước G7 lưu ý : « các hoạt động chuyển quân trên quy mô lớn này, được tiến hành không báo trước, là một mối đe dọa và yếu tố gây bất ổn định ». Khối G7 kêu gọi Nga « minh bạch » về các hoạt động quân sự này như đã cam kết với Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). G7 tái khẳng định « sự ủng hộ không gì lay chuyển đối với nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina », đồng thời ca ngợi thái độ « kiềm chế » của Kiev trong bối cảnh căng thẳng hiện nay.

Nga cáo buộc phương Tây biến Ukraina thành « thùng thuốc súng »

Về phần mình, điện Kremlin cáo buộc Hoa Kỳ và NATO đang « gia tăng hỗ trợ Kiev về quân sự », biến Ukraina thành « thùng thuốc súng ». Trong cuộc trả lời báo chí Nga hôm nay, thứ trưởng ngoại giao Nga Sergueï Riabkov khẳng định Matxcơva sẵn sàng can thiệp để bảo vệ kiều dân Nga tại Ukraina.

Theo AFP, chính quyền Nga đã phát hàng trăm nghìn hộ chiếu Nga cho dân cư vùng Donbass (Ukraina), tuy nhiên bác bỏ mọi hậu thuẫn về chính trị và quân sự đối với lực lượng ly khai. Chính quyền Nga cũng yêu cầu Mỹ không đưa tầu chiến vào sát bán đảo Crimée và bờ biển nước Nga ở vùng Hắc Hải. Theo chính quyền Kiev, riêng tại vùng Donbass, có khoảng 2.000 cố vấn và quân nhân Nga, đảm nhiệm trò huấn luyện quân sự.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có chuyến công du châu Âu ba ngày, từ hôm nay đến thứ Năm 15/04, để thảo luận với các đồng minh NATO về nhiều hồ sơ nóng. Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba hôm nay gặp lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ, cùng tổng thư ký khối NATO, tại trụ sở của khối tại Bruxelles. Ngày mai, tổng thư ký NATO có kế hoạch làm việc với bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin.

Căng thẳng Ukraina: Khối G7 và liên minh NATO kêu gọi Nga « xuống thang » (rfi.fr)

Kiev và Washington tố cáo Nga tập trung quân ở biên giới phía đông Ukraina

Binh sĩ Ukraina tại một điểm canh gác gần Vodiane, cách thủ đô Kiev 750km về phía đông nam, ngày 05/03/2021.
Binh sĩ Ukraina tại một điểm canh gác gần Vodiane, cách thủ đô Kiev 750km về phía đông nam, ngày 05/03/2021. AP - Evgeniy Maloletka

Các quan chức Ukraina và Mỹ hôm 01/04/2021 báo động về những hoạt động bất thường của quân đội Nga ở vùng biên giới với Ukraina. Kiev tố cáo “các hành động khiêu khích”, trong khi Washington cảnh cáo Matxcơva về mọi mưu toan "đe dọa" Ukraina.

Trong một bản thông cáo, tổng thống Ukraina cho rằng “việc phô trương lực lượng dưới hình thức tập trận và có thể là các hành động khiêu khích dọc theo biên giới (với Ukraina) là hoạt động truyền thống của Nga”, nhằm hù dọa và gây sức ép với nước ông.

Tại Washington, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price cũng lên tiếng cảnh báo Matxcơva nên tránh mọi “hành động gây hấn nhằm đe dọa" Ukraina, đồng thời tỏ ý lo ngại trước những "hành động gây hấn và khiêu khích gần đây” của Nga.

Mỹ và Ukraina đã phản ứng như trên sau khi phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitry Peskov xác nhận những động thái chuyển quân của lực lượng vũ trang Nga, nhưng khẳng định Matxcơva có quyền di chuyển quân đội “trên lãnh thổ của mình khi thấy phù hợp”, và điều đó “không đe dọa bất kỳ ai và không nên khiến ai phải lo lắng”.

Theo thông tín viên RFI Jean-Didier Revoin tại Nga, tuyên bố của điện Kremlin có mục tiêu rõ rệt là bác bỏ những điều mà Matxcơva  cho là tin đồn về chiến sự leo thang ở vùng Donbass thân Nga ở miền đông Ukraina.

Từ Matxcơva, thông tín viên RFI tường trình:

Chặn đứng những tin đồn về một sự leo thang mới ở vùng Donbass, đó chính là mục đích không che giấu của người phát ngôn điện Kremlin. Ông Dmitry Peskov đã tuyên bố nguyên văn như sau:

“Liên bang Nga có toàn quyền di chuyển quân đội trong phạm vi lãnh thổ của mình tùy theo ý muốn của mình. Điều này không nên gây lo lắng cho bất cứ ai và không đe dọa bất kỳ ai. Liên bang Nga đang thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh tại vùng biên giới của mình”.

Tuy nhiên, phát ngôn viên điện Kremlin cũng báo hiệu rằng Nga không có ý định để mình bị đe dọa. Ông nói: “Ai cũng biết rằng ở phía bên kia biên giới của Nga có những hoạt động đáng kể của quân đội từ các quốc gia thuộc khối NATO, của các đơn vị khác và các nước, v.v. Tất cả những điều đó buộc chúng tôi phải đề cao cảnh giác”.

Kể từ đầu năm đến nay, tổng cộng đã có 19 binh sĩ Ukraina thiệt mạng ở tiền tuyến, trong bối cảnh Kiev và Matxcơva cáo buộc lẫn nhau là đã cản trở tiến trình đàm phán.

Một số chuyên gia tin rằng những động thái chuyển quân của Nga có thể có hai lý do. Điều tiết nguồn cung cấp nước cho vùng Crimée, sau khi chính quyền Kiev chặn nguồn đến từ các kênh đào dẫn nước từ sông Dnepr, hoặc thăm dò phản ứng của tân chính quyền Mỹ sau những lời lẽ gay gắt của tổng thống Joe Biden về đồng nhiệm Vladimir Putin.

Kiev và Washington tố cáo Nga tập trung quân ở biên giới phía đông Ukraina (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten