maandag 12 april 2021

Biển Đông: Lãnh đạo Quốc Phòng Mỹ và Philippines hội ý về tàu dân quân Trung Quốc + Trung Quốc cho tàu tên lửa đuổi tàu dân sự Philippines chở báo chí

 

Biển Đông: Lãnh đạo Quốc Phòng Mỹ và Philippines hội ý về tàu dân quân Trung Quốc

Đội tầu cá Trung Quốc ở Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Ảnh do lực lượng tuần duyên Philippines chụp ngày 21/03/2021.
Đội tầu cá Trung Quốc ở Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Ảnh do lực lượng tuần duyên Philippines chụp ngày 21/03/2021. AP

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và đồng nhiệm Philippines vào hôm qua, 10/04/2021 đã thảo luận với nhau qua điện thoại về tình hình Biển Đông và các hoạt động gần đây của tàu “dân quân biển” Trung Quốc đã tràn ngập vùng Đá Ba Đầu ở khu vực Trường Sa.

Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby, trong cuộc điện đàm, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin đã đề xuất với đồng nhiệm Delfin Lorenzana một số biện pháp để tăng cường hợp tác quốc phòng, trong đó có việc “tăng cường năng lực nhận thức về các mối đe dọa ở Biển Đông”.

Manila trong nhiều tuần lễ nay đã liên tục lên tiếng báo động về vụ hàng trăm chiếc tàu Trung Quốc tràn đến neo đậu tại vùng Đá Ba Đầu ở Trường Sa, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines trước khi một số tỏa ra nhiều nơi khác trong khu vực.

Theo chính quyền Philippines cũng như nhiều nhà phân tích, đó là những chiếc tàu của lực lượng dân quân biển Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh đã phản bác, cho đấy chỉ là tàu đánh cá của họ đi tìm nơi tránh bão.

Theo hãng tin Mỹ AP, ngày 10/04, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cũng xác nhận trở lại việc tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cùng nhóm tác chiến kèm theo, cũng như tàu đổ bộ USS Makin Island, đang hoạt động ở Biển Đông.

Việc tàu Trung Quốc tập trung gần đây trong vùng biển Philippines đã bị Washington tố cáo là hành vi đe dọa các nước nhỏ hơn trong khu vực.

Cuộc điện đàm giữa hai bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ-Philippines cũng diễn ra trong bối cảnh có tin cho biết là hai chiến hạm Trung Quốc có vũ trang đã đuổi theo một tàu dân sự chở nhà báo Philippines.

Nếu được xác minh, thì đây là một hành động leo thang rõ nét, vì là lần đầu tiên Bắc Kinh cho tàu hải quân đối phó với tàu dân sự

Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, vụ việc đang trong vòng điều tra nhưng Bắc Kinh đã khẳng định rằng tàu của họ hoạt động “bình thường và hợp pháp” và chính phủ Trung Quốc có duy trì liên lạc chặt chẽ với Philippines.

Biển Đông: Lãnh đạo Quốc Phòng Mỹ và Philippines hội ý về tàu dân quân Trung Quốc (rfi.fr)

Biển Đông: Trung Quốc cho tàu tên lửa đuổi tàu dân sự Philippines

Ảnh tư liệu: Tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận trên Biển Đông ngày 19/10/2012.
Ảnh tư liệu: Tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận trên Biển Đông ngày 19/10/2012. AP

Hôm qua, 08/04/2021, Trung Quốc đã cho tàu tên lửa hiện đại rượt đuổi một tàu dân sự chở các nhà báo Philippines tại Bãi Cỏ Mây. Ngoại trưởng Mỹ trong cuộc điện đàm cùng ngày với đồng nhiệm Philippines đã tái khẳng định cam kết hiệp ước hỗ tương quân sự giữa đôi bên, trong lúc các chiến hạm Mỹ tập trận trên Biển Đông.

Theo Bloomberg, tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), hai tàu phóng tên lửa Type 22 của Trung Quốc (NATO xếp vào lớp Houbei) đã rượt đuổi một tàu chở phóng viên đài ABS-CBN của Philippine trong suốt một tiếng đồng hồ. Các tàu vũ trang hiện đại này tiến gần đến nỗi có thể nhìn thấy bằng mắt thường số hiệu « 5101 », đôi khi áp sát tàu dân sự Philippines. Chiếc tàu chở các nhà báo rốt cuộc phải quay về.

Đây là lần đầu tiên tàu quân sự Trung Quốc công khai uy hiếp tàu dân sự của một nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, có thể là một bước leo thang mới trong khi lâu nay Bắc Kinh chỉ sử dụng lực lượng dân quân biển.

Về lực lượng này, Reuters đưa tin ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và đồng nhiệm Philippines Teodoro Locsin trong cuộc điện đàm hôm qua, đã bày tỏ quan ngại trước sự hiện diện của trên 200 tàu dân quân biển Trung Quốc tại Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) ở Trường Sa, mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Ngoại trưởng Mỹ tái khẳng định các cam kết trong Hiệp ước phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Philippines, và đôi bên kêu gọi Bắc Kinh chấp hành phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016.

Trước đó hãng tin AP dẫn lời phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Philippines, Arsenio Andolong, khẳng định « để ngỏ mọi lựa chọn », trong đó có khả năng kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ.

Tình hình Biển Đông càng thêm sôi động khi Hạm đội Thái Bình Dương ra thông cáo cho biết nhóm tác chiến do hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt dẫn đầu cùng với nhóm tàu đổ bộ tấn công USS Makin Island hôm nay bắt đầu cuộc tập trận nhằm xúc tiến « Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở ».

Trung Quốc thăm dò nguồn khí đốt tại Biển Đông

Aljazeera hôm nay (09/04) dẫn tin Tân Hoa Xã cho biết các nhà khoa học Trung Quốc trên một tàu nghiên cứu đã dùng thiết bị Sea Bull 2 để khoan thăm dò sâu hơn 2.000 mét trong lòng Biển Đông để lấy mẫu trầm tích. Mục đích là tìm nguồn băng cháy, hình thành từ khí thiên nhiên (như mê-tan) và nước ở áp suất cao và nhiệt độ thấp ở đáy biển, được cho là một nguồn năng lượng khổng lồ. Địa điểm khoan không được cho biết.

Biển Đông: Trung Quốc cho tàu tên lửa đuổi tàu dân sự Philippines (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten