Bị kềm kẹp trong nước, các hãng công nghệ Trung Quốc sang Singapore « lánh nạn » ?
Đăng ngày:
Singapore đang là miền đất hứa cho những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Sự kềm tỏa ngày càng chặt của Bắc Kinh và áp lực ngày càng lớn từ nhiều thị trường quan trọng khác do những căng thẳng địa chính trị là những nguyên nhân chính của hiện tượng di dời hoạt động. Tuy nhiên, theo giới quan sát, nguồn nhân lực khan hiếm tại đảo quốc nhỏ bé này có lẽ sẽ là một trong những cản trở lớn cho các hãng công nghệ Trung Quốc.
Tuy có dòng vốn đầu tư từ các hãng công nghệ Trung Quốc ồ ạt đổ vào, Singapore cũng đang bị tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 và hiện đang tìm cách xây dựng cho mình một hình ảnh như là « trung tâm công nghệ » khu vực Đông Nam Á.
Sau Facebook, Google và Twitter, sắp tới Singapore sẽ có Tencent, Tiktok và Alibaba. Chỉ trong vòng hơn nửa năm, từ tháng 9/2020 – 02/2021, AFP nhận thấy 1/3 số tin thông báo tuyển dụng của Tiktok – chủ sở hữu ứng dụng ByteDance là ở Singapore, nhiều gấp hai lần so với các quảng cáo ở Trung Quốc. Và các vị trí tuyển dụng chủ yếu là kỹ sư chuyên ngành, theo như nhận định của ông Ajay Thalluri, một chuyên gia về phân tích dữ liệu thuộc hãng GlobalData.
Cũng theo AFP, tập đoàn Alibaba của Mã Vân (Jack Ma) trong năm 2020 đã mua 50% cổ phần một tòa tháp văn phòng. Ant Group, một nhánh tài chính của Alibaba còn giành được một giấy phép hoạt động trong lĩnh vực khai thác ngân hàng kỹ thuật số bán buôn tại đảo quốc.
Vẫn theo lời chuyên gia Thalluri, Alibaba « đang xây dựng các đội ngũ nhân viên tại Singapore, ở các vị trí trung – cao cấp quan trọng liên quan đến việc tuyển dụng nhân tài, quản lý sản phẩm và tuân thủ luật lệ ».
Giới quan sát đưa ra nhiều lý do để giải thích cho hiện tượng chuyển vốn đầu tư từ Hoa Lục sang Singapore.
Thứ nhất, tình trạng bất ổn chính trị kéo dài khiến Hồng Kông, đối thủ truyền thống của Singapore, ngày càng trở nên kém hấp dẫn.
Thứ hai, ở trong nước, chính quyền Bắc Kinh bắt đầu siết chặt các quy định vì lo sợ tầm ảnh hưởng mỗi một lớn của những hãng công nghệ trong nước. Thời gian gần đây các cơ quan quản lý Trung Quốc đã mở một chiến dịch tấn công chớp nhoáng nhắm vào nhiều hãng công nghệ hàng đầu khi đưa ra nhiều hình phạt nặng và đe dọa cắt giảm quy mô doanh nghiệp trong khi mà phạm vi hoạt động của những hãng này mỗi lúc bám sâu vào đời sống thường nhật của người dân Trung Quốc.
Thứ ba là sự gia tăng căng thẳng Mỹ - Trung. Những đòn tấn công của chính quyền tiền nhiệm Donald Trump nhắm vào nhiều hãng công nghệ lớn của Trung Quốc làm nước Mỹ không còn là điểm đầu tư hấp dẫn nữa.
Cuối cùng, áp lực không chỉ đến từ trong nước, từ Mỹ mà còn từ nhiều thị trường quan trọng khác. Những hãng công nghệ Trung Quốc bị hứng đòn trừng phạt từ Ấn Độ cho đến cả Liên Hiệp Châu Âu và nhiều cường quốc phương Tây khác, do những vấn đề địa chính trị như tranh chấp lãnh thổ, hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ…
Trong bối cảnh này, Đông Nam Á nói chung và Singapore nói riêng được cho là những thị trường mới trỗi dậy đầy hấp dẫn với 650 triệu người sử dụng tiềm tàng. Ngoài ra, đảo quốc bé nhỏ này còn có một lợi thế hơn nhiều nước khác trong khu vực : Không chỉ là một trung tâm tài chính thịnh vượng, Singapore biết cách duy trì một mối quan hệ hữu hảo cả với phương Tây lẫn Bắc Kinh. Đối với nhiều tập đoàn công nghệ, Singapore được xem như là một cuộc cược an toàn để mở rộng các hoạt động mà không làm mếch lòng bên nào.
Tuy nhiên, với chỉ có 5,7 triệu dân, việc tuyển dụng lao động có tay nghề cao tại Singapore sẽ là một trong những thách thức lớn nhất cho các hãng Trung Quốc ! Một cuộc đua khác không kém phần gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc chăng ?
Bị kềm kẹp trong nước, các hãng công nghệ Trung Quốc sang Singapore « lánh nạn » ? (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten