woensdag 22 maart 2017

Việt Nam đòi Trung Quốc ngưng tổ chức du lịch ở Biển Đông + Trung Quốc tiết lộ bước mới trong chiến lược thôn tính Hoàng Sa

Việt Nam đòi Trung Quốc ngưng tổ chức du lịch ở Biển Đông

mediaDu khách Trung Quốc trước tượng Quan Âm Nam Hải ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, ngày 14/04/2008.AFP PHOTO/Frederic J. BROWN
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình ngày 13/03/2017 tuyên bố « Việt Nam phản đối mạnh mẽ » việc Trung Quốc đưa tàu du lịch đến Hoàng Sa, « yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, tôn trọng luật pháp quốc tế và ngưng ngay lập tức những hoạt động này ».
Hãng tin Reuters nhắc lại, đầu tháng 3/2017, tàu du lịch của Trung Quốc đã khởi hành từ thành phố Tam Á, thuộc đảo Hải Nam, đưa hơn 300 du khách đến nhóm đảo Lưỡi Liềm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan cùng khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Hà Nội mạnh mẽ lên án các tour du lịch đến vùng đảo mà « Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa »
Về phía Manila, sau khi tố cáo tàu khảo sát Trung Quốc thâm nhập hải phận Philippines hồi năm 2016 tại khu vực Benham Rise, hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, ông muốn tin vào giải thích của Bắc Kinh, theo đó tàu Trung Quốc đã vào hoạt động ở Benham Rise trong ba tháng liền vì mục đích « nghiên cứu », nhưng điều này không cấm cản « Manila tăng cường các chiến dịch tuần tra trong vùng biển giàu tàu nguyên thiên nhiên này ». Benham Rise là một khu vựcrộng 13 triệu hecta và được xem là nơi giàu khí đốt.
Năm 2012, Liên Hiệp Quốc đã công nhận Benham Rise thuộc chủ quyền của Philippines.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170313-viet-nam-doi-trung-quoc-ngung-to-chuc-du-lich-o-bien-dong

Thêm một tàu Trung Quốc đưa du khách đến Hoàng Sa

mediaThành phố Tam Sa (Sansha), trong vùng quần đảo Hoàng Sa, nơi đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam, ở Biển Đông (Ảnh chụp ngày 27/01/2012)STR / AFP
Một tàu du lịch mới của Trung Quốc vừa mở chuyến đi đầu tiên đưa hơn 300 du khách đến quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam.
Hãng tin Reuters ngày 03/03/2017, trích dẫn Tân Hoa Xã của Trung Quốc, cho biết là tàu du lịch mang tên Trường Lạc Công Chúa (Changle Princess) đã khởi hành vào chiều hôm trước từ thành phố Tam Á thuộc tỉnh đảo Hải Nam chở theo 308 du khách trong một chuyến đi bốn ngày ba đêm đến nhóm đảo Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Tàu du lịch mới này có thể chuyên chở tổng cộng 499 người, có 82 phòng, với các dịch vụ ăn uống, giải trí, mua sắm, chăm sóc y tế và bưu điện. Trước đó, phía Trung Quốc đã tiết lộ các dự án khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng và các thương xá trên nhóm đảo Lưỡi Liềm.
Vào tháng 06/2016, Trung Quốc đã loan báo các kế hoạch đưa tàu du lịch đến Biển Đông và phát triển các khu nghỉ mát theo kiểu Maldives ở vùng này. Bộ Ngoại Giao Việt Nam lúc đó đã lên tiếng phản đối, xem đây là hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 02/03, một phát ngôn viên của của Chính Hiệp Trung Quốc (Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc) đã bác bỏ những chỉ trích của quốc tế về Bắc Kinh xây dựng các cơ sở quân sự trên những đảo nhân tạo ở Biển Đông và cho rằng các đảo và đá ở vùng biển này là của Trung Quốc, việc xây dựng các cơ sở ấy là chuyện « hoàn toàn bình thường ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170303-them-mot-tau-trung-quoc-dua-du-khach-den-hoang-sa

Trung Quốc mở tuyến bay dân sự thường xuyên ra Hoàng Sa

mediaThành phố Tam Sa, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi có tranh chấp chủ quyền.STR / AFP
Đúng như đã từng đe dọa, Trung Quốc chính thức đưa tuyến bay dân sự nối liền đảo Hải Nam với quần đảo Hoàng Sa (Biển Đông) vào hoạt động. Theo Tân Hoa Xã, chuyến charter đầu tiên đã được thực hiện ngày 21/12/2016, bay từ Hải Khẩu, thủ phủ Hải Nam đến Phú Lâm, đảo lớn nhất tại Hoàng Sa.
Theo bản tin của hãng thông tấn Nhà Nước Trung Quốc, mỗi ngày đều có một chuyến bay ra Hoàng Sa, khởi hành lúc 8h45, và từ Phú Lâm trở về lúc 13h. Tân Hoa Xã còn cho biết giá vé là 1.200 yuan một chiều, tức là hơn 170 đô la. Để chuẩn bị cho việc khởi động đường bay dân sự này, hôm 16/12 vừa qua, chính quyền Trung Quốc đã thông qua quyết định cho phép sử dụng các cơ sở vừa quân sự, vừa dân sự, trên đảo Phú Lâm vào mục tiêu dân sự.
Quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông là khu vực hiện có ba bên tuyên bố chủ quyền : Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Vào năm 1974, Bắc Kinh đã dùng võ lực chiếm trọn quần đảo này từ tay Việt Nam Cộng Hòa, và từ đó đến nay đã không ngừng bồi đắp, xây dựng hạ tầng cơ sở, và đưa quân đội ra đồn trú trên đảo.
Trong mục tiêu khẳng định quyền kiểm soát của mình trên Hoàng Sa, Bắc Kinh đã thực hiện chiến lược biến Hoàng Sa thành một địa điểm du lịch, mà truyền thông Trung Quốc hồi tháng 5/2016 vừa qua đã không ngần ngại cho là có sức hấp dẫn không kém quần đảo du lịch nổi tiếng thế giới là Maldives.
Bước đầu, Trung Quốc đã tổ chức các chuyến du lịch Hoàng Sa bằng đường biển, từ năm 2013. Việc mở đường bay dân sự là bước kế tiếp. Để quảng bá cho các tuyến du lịch này, Trung Quốc đã hô hào công dân của họ thể hiện lòng yêu nước bằng cách đi thăm Hoàng Sa.
Câu hỏi đang được đặt ra là liệu Trung Quốc có mở thêm đường bay dân sự đến Trường Sa hay không ? Ngày 13/07 vừa qua, Bắc Kinh đã cho phi cơ dân sự đáp thử xuống hai phi đạo mà họ mới xây dựng trên Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Đá Xu Bi (Subi Reef) ở quần đảo Trường Sa. Báo chí Trung Quốc khẳng định là lần thử nghiệm đó đã thành công.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161223-trung-quoc-tuyen-bay-dan-su-hoang-sa

Trung Quốc thúc đẩy du lịch đến Biển Đông

mediaMáy bay hãng hàng không Hainan Airlines, ngày 13/07/2016 hạ cánh xuống sân bay mà Trung Quốc vừa xây dựng trên bãi đá Subi trong quần đảo Trường Sa.REUTERS/Stringer
Trong vòng 5 năm tới, sẽ có đến 8 chiếc tàu của Trung Quốc đưa du khách đến Biển Đông, trng khi đó, Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy du lịch đến những khu vực đang tranh chấp tại vùng biển này.
Nhật báo chính thức Trung Quốc bằng Anh ngữ China Daily hôm nay, 21/07/2016, cho biết công ty Phát triển Du lịch Quốc tế Tam Á sẽ mua từ 5 đến 8 chiếc tàu. Tam Á là công ty liên doanh giữa Tập đoàn vận tải biển Trung Quốc (COSCO), Tập đoàn dịch vụ du lịch quốc gia Trung Quốc và Tập đoàn xây dựng truyền thông Trung Quốc.
Các tàu du lịch của công ty Tam Á dự trù sẽ đưa khách đến nhóm đảo Lưỡi Liềm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam vào năm 1974. Hiện giờ công ty Tam Á đã sử dụng một tàu mang trên “Dream of South China Sea”  và sẽ thêm 2 tàu du lịch vào mùa hè tới. Theo tờ China Daily, các khách sạn, biệt thự và cửa hàng sẽ được xây dựng trên nhóm đảo Lưỡi Liềm.
Công ty Tam Á còn dự trù một chuyến du lịch vòng quanh Biển Đông “vào một thời điểm thích hợp”. Ngoài ra, họ cũng sẽ xây các 4 cảng để tàu du lịch neo đậu ở Tam Á, thành phố nghỉ mát ở miền Nam đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Ngay từ năm 2013, Trung Quốc đã bắt đầu đưa du khách đến tham quan quần đảo Hoàng Sa. Vào tháng trước, báo chí Trung Quốc loan tin nước này sẽ mở các chuyến du lịch đầu tiên tới quần đảo Trường Sa trước năm 2020. Bắc Kinh cũng đã từng tuyên bố muốn xây dựng các khu nghỉ dưỡng kiểu Maldives ở vùng Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160721-trung-quoc-thuc-day-du-lich-den-bien-dong

Trung Quốc tiết lộ bước mới trong chiến lược thôn tính Hoàng Sa

mediaThành phố Tam Sa (theo tên gọi của Trung Quốc) trên quần đảo Hoàng Sa, Biển Đông (Ảnh chụp ngày 27/07/2012)CHINA OUT AFP PHOTO
Báo chí Trung Quốc vào hôm nay 27/05/2016 đã tiết lộ : Bắc Kinh đã có kế hoạch biến vùng quần đảo Hoàng Sa mà họ đã đánh chiếm từ tay Việt Nam vào năm 1974, thành một khu du lịch giải trí « tương tự như quần đảo Maldives » nổi tiếng ở Ấn Độ Dương. Theo hãng tin Pháp AFP, động thái này của Trung Quốc sẽ làm tình hình khu vực căng thẳng thêm lên.
Theo nhật báo Anh Ngữ China Daily, ông Tiêu Kiệt, thị trưởng của « thành phố Tam Sa », tên đơn vị được Bắc Kinh trao quyền quản lý Biển Đông, đã cho biết là Trung Quốc hy vọng sẽ biến khu vực quanh đảo Phú Lâm, hòn đảo chính ở vùng Hoàng Sa, thành nơi hút khách du lịch. Đó sẽ là những nơi « không có sự hiện diện của quân đội ».
Nhân vật này vẽ ra nhưng cảnh tượng như những chuyến bay du lịch trên biển, lướt sóng, câu cá, lặn dưới biển, hay dịch vụ đám cưới trên đảo. Tuy nhiên, ông Tiêu Kiệt cũng thừa nhận rằng việc này « sẽ rất khó khăn ».
Trong chiến lược khẳng định quyền kiểm soát hành chánh thực tế tại Hoàng Sa, Trung Quốc đã dùng đến vũ khí du lịch.
Ngay từ năm 2013, họ đã cho mở tuyến du lịch bằng đường thủy đến Hoàng Sa, với một du thuyền duy nhất. Một chiếc thứ hai sắp được đưa vào hoạt động. Theo quan chức Trung Quốc được AFP trích dẫn, cho đến nay, đã có khoảng 30.000 « du khách » Trung Quốc đi thăm Hoàng Sa theo kiểu này, với 16.000 người, riêng trong năm 2015.
Trung Quốc cũng dự định mở các đường bay thương mại thường xuyên giữa đảo Hải Nam và đảo Phú Lâm, để đẩy mạnh tuyến du lịch này.
Mục tiêu chính trị của kế hoạch du lịch Hoàng Sa của Trung Quốc rất rõ khi tuyến du lịch chỉ dành riêng cho người Trung Quốc, trong lúc các quan chức chính quyền đã khuyến khích người dân thể hiện « tinh thần yêu nước » bằng cách đi du lịch Hoàng Sa.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160527-trung-quoc-tiet-lo-buoc-moi-trong-chien-luoc-thon-tinh-hoang-sa

Geen opmerkingen:

Een reactie posten