dinsdag 21 maart 2017

Trung Quốc : nguy cơ khủng bố Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ

Cảnh báo nguy cơ khủng bố Hồi giáo, Trung Quốc chuẩn bị dư luận

media
Cảnh sát bán quân sự tham gia tập huấn chống khủng bố ở Ashgar, vùng tự trị Tân Cương, ngày 27/02/2017.REUTERS/Stringer
Từ khi một đoạn video với những chiến binh Duy Ngô Nhĩ trong hàng ngũ Daech ở Irak và Syria được công bố trên mạng, chính quyền Trung Quốc liên tục cảnh báo về khả năng thánh chiến xâm nhập để khuynh đảo chế độ. Tuyên truyền « bản sắc Trung Hoa », phát động « chiến tranh nhân dân » là những biện pháp được cổ vũ để chống lại nguy cơ này.
Theo AP ngày 13/03/2017, các quan chức Trung Quốc đều tỏ ra lo ngại về khả năng Daech tập trung vào địa bànTrung Quốc một khi bị đánh đuổi ra khỏi Irak và Syria.
Sharhat Ahan, quan chức đặc trách chính trị và pháp lý ở Tân Cương, cảnh báo diễn tiến tình hình chống khủng bố quốc tế sẽ gây bất ổn cho Trung Quốc và ông kêu gọi « phát động chiến tranh nhân dân » như là giải pháp đối phó.
Tân Cương đúng là một lò lửa, vì có đông đảo cộng đồng Duy Ngô Nhĩ nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và rất bất bình trước chính sách « Hán hóa » và phân biệt đối xử của chính quyền Trung Quốc. Trong những năm vừa qua, nhiều cuộc xung đột đã xảy ra, làm hàng trăm người chết. Điển hình là vụ bạo loạn năm 2009 đã làm chủ tịch Hồ Cẩm Đào phải bỏ một cuộc họp quốc tế ở Roma, khẩn cấp về nước.
Tuy không đưa ra bằng chứng, chính phủ Trung Quốc luôn lên án người Duy Ngô Nhĩ liên kết với Al Qaida và , Daech. Cuối tháng 2, Daech cho loan truyền một đoạn video 28 phút, trong đó các chiến binh nói tiếng Hoa, được huấn luyện tại Syria và Irak, dọa sẽ tấn công vào Hoa lục trong nay mai.
Chính quyền ở Ninh Hạ cũng có những tuyên bố lo ngại Hồi giáo cực đoan. Theo AP, cộng đồng người Hồi ở vùng tự trị Ninh Hạ có truyền thống ôn hoà, không chủ trương ly khai hay tranh đấu bạo lực như ở Tân Cương. Thế mà, tuần trước, trong cuộc hội thảo về tôn giáo mà báo chí quốc tế được tham dự, ông Lý Kiến Hoa, bí thư đảng Cộng sản ở Ninh Hạ, dựa vào sắc lệnh nhập cư của tổng thống Mỹ Donald Trump để lập luận : tốt hay xấu không biết, nhưng tổng thống Mỹ phải tìm cách chận Hồi giáo cực đoan xâm nhập văn hóa Mỹ. Một cựu quan chức đặc trách tôn giáo vận ở Ninh Hạ là Ngô Thế Dân cho rằng cần phải làm công tác « tuyên truyền bản sắc Trung Hoa trong cộng đồng người Hồi » .
Vài ngày trước khi Daech công bố đoạn đe dọa, Bắc Kinh tăng viện cho Tân Cương 10.000 quân để « phản công toàn diện » chống khủng bố, không rõ là ngẫu nhiên hay dự phòng.
Theo giải thích của Sharhat Ahan, những động thái biểu dương lực lượng, mít-tinh chính trị là nhằm mục đích « tuyên chiến với khủng bố, phô trương quyết tâm của chính phủ và sức mạnh của đại cường Trung Quốc ».
Vì sao chính quyền Trung Quốc đột nhiên tỏ thái độ lo âu một cách công khai và đưa ra những giải pháp như « tuyên truyền, hạn chế đi lại và chiến tranh nhân dân » ? Cho đến nay, chế độ do Mao lập ra vẫn xưng là « vô thần » và nghi kỵ tôn giáo. Bắc Kinh rất khắc nghiệt với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, một phần vì dân cư địa phương có ngôn ngữ riêng, văn hóa riêng và cũng vì một phong trào đòi độc lập. Nhưng cùng lúc đó, chính quyền Trung Quốc tỏ ra bao dung với người Hồi ở Ninh Hạ.
Theo giới phân tích, những tuyên bố báo động trên đây của cấp lãnh đạo đảng Cộng sản địa phương phản ảnh tâm lý lo ngại của chính quyền trung ương đối với đạo Hồi nói chung. Để ban hành những biện pháp trấn áp, Bắc Kinh cần chuẩn bị dư luận.
Michael Clark , một chuyên gia về Tân Cương của Úc, thẩm định Trung Quốc đã trở thành mục tiêu hù dọa của Daech. Còn Bắc Kinh thì sợ thánh chiến lập « sào huyệt » sát biên giới Afghanistan-Tân Cương.
Xu hướng lo sợ Hồi giáo chính trị đang lan rộng trong giới lãnh đạo Trung Quốc. Liệu chủ tịch Tập Cận Bình, luôn lo ngại uy thế độc tôn của đảng bị tôn giáo cạnh tranh, sẽ « nhẹ tay » trong nhiệm kỳ hai ?

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170313-canh-bao-nguy-co-khung-bo-hoi-giao-trung-quoc-chuan-bi-du-luan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten