zondag 22 maart 2015

Xung đột sắc tộc ở miền bắc, quan hệ Miến Điện -Trung Quốc rạn vỡ

Châu ÁTrung QuốcMiến ĐiệnXung độtNgoại giaoPhân tích

Xung đột sắc tộc ở miền bắc, quan hệ Miến Điện -Trung Quốc rạn vỡ

mediaLực lượng nổi dậy tại Kokang, Miến Điện kiểm tra vũ khí đạn dược, 10/03/2015.REUTERS/Stringer
Cuộc xung đột sắc tộc ở miền bắc Miến Điện sát biên giới với Trung Quốc đã bắt đầu đi quá xa, không chỉ phá hỏng tiến trình hòa giải của chính quyền trong nước mà còn gây căng thẳng trong quan hệ với người láng giềng Trung Quốc.
Giao tranh khốc liệt giữa quân đội chính phủ với các nhóm vũ trang nổi dậy người thiểu số trong vùng Kokang, thuộc tiểu bang Shan, miền bắc Miến Điện kéo dài hàng tháng nay vẫn không có dấu hiệu dịu xuống thậm chí còn có nguy cơ tràn qua bên kia biên giới khiến láng giềng Trung Quốc không thể làm ngơ.
Tuần trước, một sự cố chết người đã xảy ra khi một quả bom của không quân Miến Điện đã rơi sang lãnh thổ thuộc tỉnh Vân Nam làm 5 nông dân Trung Quốc bị thiệt mạng. Tình hình ngay lập tức trở nên căng thẳng. Sau những lời tố cáo, lên án qua kênh ngoại giao, Trung Quốc đã điều quân đội, cho triển khai máy bay chiến đấu dọc biên giới với Miến Điện.
Bắc Kinh trước đó đã cảnh báo về mối đe dọa đối với sự ổn định ở khu vực biên giới nước này sau khi thấy xung đột sắc tộc leo thang nhanh chóng ở khu vực Kokang của Miến Điện.
Sự kiện trên được giới quan sát đánh giá là sự đổ vỡ bất ngờ trong quan hệ giữa hai nước từng là đồng minh lâu năm của nhau.
Theo chuyên gia phân tích, Yun Sun, thuộc trung tâm nghiên cứu Stimson Center’s East Asia Program, thì vụ bom rơi đạn lạc trên là một « sự cố nghiêm trọng nhất » kể từ sau vụ sứ quán Trung Quốc tại Miến Điện bị tấn công năm 1967 trong làn sóng bạo động chống Trung Quốc khi đó.
Các cuộc xung đột trong vùng Kokang bùng phát dữ dội từ đầu tháng Hai đã làm cho hàng nghìn người phải bỏ chạy sang tỉnh Vân Nam bên kia biên giới. Bắc Kinh đã cảm thấy bị phiền toái. Nghiêm trọng hơn khi chính quyền Miến Điện tố cáo chính quyền tỉnh Vân Nam hậu thuẫn cho quân nổi dậy. Tất nhiên Bắc Kinh đã phủ nhận cáo buộc như vậy và cam đoan không để quân nổi dậy Kokang sử dụng lãnh thổ Trung Quốc làm căn cứ, đồng thời không quên cảnh cáo chính phủ Miến Điện đừng để chiến sự tràn qua biên giới.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cách đây vài ngày cũng lên tiếng cảnh cáo, quân đội Trung Quốc sẽ hành động kiên quyết và cứng rắn nếu máy bay của quân đội chính phủ Miến Điện tiếp tục vượt biên xâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc hoặc có những động thái gây xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Ngược lại thời gian không lâu, quan hệ giữa Miến Điện và Trung Quốc đã từng rất gắn bó trong suốt thời kỳ chế độ độc tài quân sự như là những đồng minh thân cận. Trong những năm Miến Điện dưới chính quyền quân sự bị cả thế giới cô lập, thì Trung Quốc luôn là hậu phương về kinh tế và lá chắn về chính trị cho nước này. Đổi lại, Miến Điện cũng đã dành cho người Trung Quốc những khoản đầu tư béo bở. Sau khi chuyển hóa qua chế độ dân sự từ năm 2011, nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác mỏ và hạ tầng cơ sở năng lượng mới bắt đầu gây tranh cãi.
Cũng từ khi bắt đầu tiến trình cải cách dân chủ, mở cửa ra với thế giới bên ngoài, người ta ngày càng thấy nhiều dấu hiệu Miến Điện muốn tìm cách giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Đây là điều khiến Bắc Kinh khó chịu. Đã không ít lần Bắc Kinh phải lên tiếng yêu cầu các doanh nghiệp của họ tại Miến Điện phải được bảo vệ, nhất là là từ sau khi dự án xây đập thủy điện do Trung Quốc đầu tư bị hủy bỏ.
Ông Ellot Brennan, chuyên gia Viện nghiên cứu an ninh chính sách phát triển nhận định, đúng là thời gian gần đây, người ta bắt đầu cam nhận thấy tâm lý chống Trung Quốc đang trở nên phổ biến ở Miến Điện và đó mới là mối quan ngại lớn của Bắc Kinh.

http://vi.rfi.fr/20150318-md-tq//

Trung Quốc đưa quân xuống biên giới Miến Điện

mediaẢnh tại một căn cứ quân sự của lực lượng nổi dậy -Quân đội liên minh dân chủ quốc gia Miến Điện-ở vùng Kokang. Ảnh ngày 10/03/2015.REUTERS/Stringer
Sau vụ 5 công dân Trung Quốc tại tỉnh Vân Nam thiệt mạng do trúng bom của Miến Điện, Bắc Kinh điều quân đến khu vực biên giới hai nước. Đây là nơi đang diễn ra giao tranh giữa quân đội Miến Điện với lực lượng nổi dậy trong vùng Kokang. Naypyidaw quy trách nhiệm cho phe nổi dậy và xin lỗi Trung Quốc về sự cố tai hại nói trên.
Theo báo chí Trung Quốc, ngày 13/03/2015 chiến đấu cơ của Miến Điện đã thả bom xuống một cánh đồng mía tỉnh Vân Nam, làm 5 người chết, 8 người bị thương. Để trả đũa Trung Quốc đã lập tức điều không quân đến tuần tra và tăng cường an ninh cho dân cư trong vùng. Quân đội Trung Quốc kêu gọi cho mở cuộc điều tra và trừng phạt đích đáng những kẻ đã gây ra tang tóc cho nhiều gia đình của người dân ở Vân Nam.
Giao tranh bùng phát giữa quân chính phủ Myanmar và lực lượng nổi dậy mang tên Quân đội liên minh dân chủ quốc gia Miến Điện ở vùng Kokang sát biên giới với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo ngày 15/03/2015 thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh là Bắc Kinh « có trách nhiệm và khả năng bảo đảm ổn định tại biên giới hai nước, bảo đảm an ninh cho tất cả các kiều dân Trung Quốc ».
Về phía Miến Điện, hôm qua một quan chức cao cấp đại diện cho phủ tổng thống đã quy tách nhiệm vụ ném bom xuống tỉnh Vân Nam cho phe nổi dậy ở Kokang. Trong một thông cáo đề ngày 16/03/2015 đăng trên tờ Global New Light of Myanmar, Naypyidaw gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân người Trung Quốc và thông báo bộ Quốc phòng và Ngoại giao hai nước cùng làm việc với nhau đề điều tra về sự cố nói trên.
Vụ ném bom tại biên giới Miến-Trung cuối tuần trước gây thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Naypyidaw và Bắc Kinh trong bối cảnh nhiều dự án đầu tư Trung Quốc tại Miến Điện đang bị phản đối, đặc biệt là trong các lĩnh vực khai thác quặng mỏ, địa ốc, hay dự án xây dựng đường ống dẫn khí ra tận cửa ngõ Ấn Độ Dương.

http://vi.rfi.fr/20150316-tq-mien-dien//

Quân đội Miến Điện ném bom làm 4 người Trung Quốc thiệt mạng

mediaMột người dân Kokang sát biên giới Trung Quốc đang thiêu xác cha mẹ bị chết do các cuộc giao tranh của quân đội Miến Điện và lực lượng nổi dậy. Ảnh chụp ngày 16/2/2015.REUTERS/Stringer
 Bốn người Trung Quốc đã thiệt mạng hôm qua, 13/03/2015, tại tỉnh Vân Nam, khi một phi cơ quân sự Miến Điện ném một quả bom xuống đây. Bắc Kinh đã cực lực lên án vụ này và ngay lập tức đã điều chiến đấu cơ đến tuần tra ở khu vực biên giới Miến – Trung.
Theo tin của Tân Hoa Xã hôm nay, 14/03, quả bom đã rơi xuống một cánh đồng mía ở thành phố Lâm Thương ( Lincang ), thuộc tỉnh Vân Nam, khiến 4 người làm việc tại đó thiệt mạng và 9 người khác bị thương.
Theo một thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân ngay tối qua đã khẩn cấp triệu Đại sứ Miến Điện tại Trung Quốc Thit Linnohn lên để đưa ra « phản ứng nghiêm khắc » về vụ ném bom của quân đội Miến Điện.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu chính quyền Miến Điện« điều tra cặn kẽ » vụ ném bom và « trừng trịnghiêm khắc » những kẻ gây ra vụ này, cũng như thi hành những « biện pháp hữu hiệu » để bảo đảm ổn định và an ninh cho các vùng biên giới giữa hai nước.
Hôm qua, Tân Hoa Xã trích dẫn một phát ngôn viên quân sự cho hay nhiều chiến đấu cơ của không quân Trung Quốc đã được triển khai đến vùng biên giới để « tìm kiếm, giám sát, cảnh cáo và truy đuổi » các phi cơ quân sự Miến Điện. Phát ngôn nói trên tuyên bố là quân đội Trung Quốc sẽ thi thành các biện pháp để bảo vệ chủ quyền không phận Trung Quốc.
Trước đó, trong tuần này, bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã thông báo có một ngôi nhà ở vùng biên giới bên phía Trung Quốc bị trúng đạn pháo từ phía Miến Điện, nơi mà quân đội đang chiến đấu chống lực lượng ly khai ở vùng Kokang. Tại vùng này, tình trạng khẩn cấp đã được ban hành từ ngày 09/02.
Từ đầu năm, các trận giao tranh cũng đã tái diễn ở hai bang Kachin và Shan, ở miền Bắc Miến Điện. Chiến sự đã khiến hơn 30 ngàn thường dân phải chạy sang tỉnh Vân Nam, Trung Quốc lánh nạn. Tình hình này gây lo ngại cho Bắc Kinh, vì họ xem đây là mối đe dọa đối với an ninh trong vùng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150314-quan-doi-mien-dien-nem-bom-xuong-van-nam-4-nguoi-trung-quoc-thiet-mang/

Xung đột Kokang khuấy động quan hệ Miến Điện Trung Quốc

mediaTổng thống Miến Điện Thein Sein (T) nâng cốc cùng Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, trong chuyến thăm Trung Quốc, tháng 05/2011REUTERS/David Gray
Từ ngày 09/02/2015 vừa qua, giao tranh ác liệt đã bùng lên ở miền Đông Bắc Miến Điện giữa quân đội và lực lương nổi dậy sắc tộc Kokang. Hàng chục người đã bị thiệt mạng, cả trăm ngàn người phải băng qua biên giới, chạy vào Trung Quốc. Chiến sự bùng lên ở Kokang không chỉ làm cho quan hệ giữa chính phủ với các dân tộc thiểu số ở miền đông bắc thêm khó khăn, mà còn tác động cả tới quan hệ với Trung Quốc.
Thông tín viên RFI trong khu vực, Arnaud Dubus, nêu lên bối cảnh vụ xung đột :
- Dân tộc thiểu số Kokang, về văn hóa, khá gần với người Trung Hoa, là một trong số các sắc dân ít người được chính thức công nhận tại Miện Điện. Trước năm 1989, họ thuộc đảng Cộng sản Miến Điện, một lực lượng du kích hùng mạnh được hậu thuẫn của Trung Quốc để chống lại chính quyền trung ương Miến Điện trong nhiều thập niên.
Nhưng vào năm 1989, đảng Cộng sản Miến Điện bị suy sụp và những cộng đồng thiểu số như Wa hay Kokang đã có thỏa thuận ngưng bắn với chính quyền.
Tuy nhiên, qua năm 2009, chính quyền trung ương đã muốn biến lực lượng Kokang thành một lực lượng bán quân sự để trấn giữ biên giới giữa Miến Điện và Trung Quốc. Lãnh đạo Kokang, Bành Gia Thanh (Peng Jiasheng) đã từ chối, quân đội Miến Điện liền tấn công vùng này buộc rất nhiều người dân phải chạy sang Trung Quốc lánh nạn.
Ngày mùng 9 tháng Hai vừa qua, Bành Gia Thanh và binh lính của ông đã mở chiến dịch tấn công để lấy lại vị trí của mình ở Kokang.
RFI : Hiện nay chính quyền Miến Điện lên tiếng tố cáo các cộng đồng thiểu số khác và cả Trung Quốc nữa ? Anh nhận định ra sao ?
- Đúng như vậy, chính quyền Miến Điện đã tố cáo du kích quân người Wa thuộc lực lượng United Wa State Army, bao gồm 20.000 chiến binh, đã giúp đỡ người Kokang trong cuộc đấu tranh vũ trang. Người Mongla cũng như du kích quân Kachin cũng bị chính quyền tố cáo.
Trong một bức thư gởi đến tổng thống Thein Sein, người Wa và Mongla đã chính thức phủ nhận mọi liên can.
Riêng người Kachin - đang công khai chống lại chính quyền Miến Điện - thì không có phản ứng gì, nhưng họ không thật sự lâm chiến trong vùng này, mà chỉ hoạt động ở phía bờ bên kia sông Salween.
Chính phủ Miến Điện cũng hàm ý tố cáo chính quyền địa phương Trung Quốc giúp đỡ lực lượng Kokang bằng cách cung cấp vũ khí và lính đánh thuê. Trung Quốc đã dứt khoát cải chính, nhưng chính quyền Miến Điện cho biết có bằng chứng là chiến binh Kokang nói tiếng Hoa. Tuy nhiên, điều này cũng không có ý nghĩa gì nhiều vì người Kokang nói tiếng tương tự như người Trung Quốc.
RFI : Thế phản ứng của dư luận Miến Điện, của 67% dân chúng người gốc Miến Điện, về cuộc chiến với Kokang, ra sao ?
- Đây là một điểm lý thú. Do việc chính quyền Miến Điện tố cáo Trung Quốc hỗ trợ phong trào vũ trang Kokang, điều này đã cải thiện hình ảnh của chế độ trong con mắt dân chúng.
Người Miến Điện thường nhìn người Trung Quốc với con mắt không thiện cảm. Người Trung Quốc bị nghi ngờ muốn thống trị kinh tế Miến Điện, và mọi chỉ trích nhắm vào Trung Quốc chắc chắn là được lòng dân.
Người ta đã thấy nhiều thông điệp ủng hộ chính phủ và quân đội Miến Điện trên các mạng xã hội. Người ta đưa lên logo với khẩu hiệu ‘Tôi yêu Tatmadaw’ tức là quân đội. Ngay cả những cựu tù nhân chính trị của chế độ quân phiệt, như diễn viên hài nổi tiếng Zagana, cũng lên tiếng ủng hộ quân đội.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150302-xung-dot-kokang-khuay-dong-quan-he-mien-dien-trung-quoc/

Đập thủy điện Trung Quốc gây hại môi trường Miến Điện

mediaCầu nối liền Trung Quốc với Miến Điện trên sông Irrawady, nơi dự kiến xây thêm một đập thủy điện.Eitan Simanor
Dòng sông Thanlwin của Miến Điện bị cạn kiệt, tỷ trọng muối gia tăng sát hại thủy sản và đe dọa đời sống của hàng triệu dân Miến Điện. Thủ phạm là các đập thủy điện của Trung Quốc xây trên thượng nguồn bất chấp hệ quả gây ra cho dân tộc láng giềng. Thế mà Miến Điện, vì lý do phát triển kinh tế, cũng có kế hoạch xây thêm 6 đập. Nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh giác.
Lời báo động được đưa ra trong buổi hội thảo về hậu quả của các đập thủy điện trên dòng sông Thanlwin, diễn ra tại đại học Mounlmein, Miến Điện, cùng với sự tham gia của hơn 200 chuyên gia quốc tế, theo loan báo của hãng tin AsiaNews.
Tại hội nghị này, các chuyên gia Miến Điện, Thái Lan và cả Trung Quốc cho biết họ đã ghi nhận những thiệt hại cho môi trường và đời sống dân chúng ở lưu vực sông. Nguyên nhân thứ nhất là các đập thủy điện của Trung Quốc xây trên thượng lưu sông Thanlwin hoặc Salween (đoạn thượng nguồn của sông tại Trung Quốc gọi là Nu Jiang [Nộ Giang]). Ngoài hệ quả do dòng nước bị cạn kiệt, các chuyên gia tố cáo tình trạng ô nhiễm hóa chất do các tập đoàn công nghiệp Trung Quốc đổ chất phế thải ra sông.
Min Min Nwe, điều hợp viên tổ chức hội thảo cho biết tình trạng ô nhiễm hóa chất vừa đe dọa cá tôm vừa kích thích côn trùng và ốc bưu lớn nhanh phá hoại mùa màng của nhiều làng mạc.
Đời sống người dân ở hạ lưu sông sẽ ra sao nếu Miến Điện cũng quyết định xây thêm 6 đập thủy điện? Trong bản phúc trình gửi Quốc hội Miến Điện, hai trăm chuyên gia quốc tế kêu gọi cơ quan lập pháp « tránh » cho đất nước « kịch bản tai họa » này.
Hội thảo về hệ quả đập thủy điện trên thượng nguồn sông Thanlwin do các hiệp hội Năng lượng tái tạo Miến Điện REAM, Mạng lưới sinh thái và năng lượng Mekong Mee Net… tổ chức.
Sông Thanlwin dài khoảng 2.800 km, đứng thứ hai ở Đông Nam Á, sau sông Mêkông. Chảy qua Miến Điện còn có Irrawady, một dòng sông lớn khác.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20140907-dap-thuy-dien-trung-quoc-moi-truong-mien-dien/

Dưới áp lực của dư luận, Miến Điện hủy dự án đường sắt với Trung Quốc

mediaĐường sắt dự kiến xây dựng sẽ dọc theo đường ống dẫn khí đốt từ cảng miền tây Miến Điện sang vùng Vân Nam Trung QuốcDR
Một lần nữa, chính quyền Miến Điện chứng tỏ họ không ngại làm mích lòng láng giềng khổng lồ Trung Quốc, qua việc đình chỉ một dự án đường sắt hàng chục tỷ đô la, mở đường cho Trung Quốc ra đến Ấn Độ Dương.
Hôm qua, 22/07/2014, một quan chức cao cấp của Miến Điện thông báo rằng, do dư luận trong nước phản đối quá mạnh và do bị nhiều trễ nải, chính phủ nước này đã quyết định đình chỉ dự án đường sắt do Trung Quốc xây dựng từ Côn Minh, miền Nam Trung Quốc, đến thành phố Kyaukpyu, ở bang Rakhine miền Tây Miến Điện, dài hơn 1.200 km.
Thỏa thuận về dự án đường sắt này đã được Miến Điện và Trung Quốc ký kết vào tháng 04/2011. Vốn đầu tư cho công trình lên tới 20 tỷ đô la, phần lớn là vốn của Trung Quốc. Đường sắt này theo dự kiến sẽ được xây dọc theo đường ống dẫn khí đốt nối các mỏ khí ở vùng biển Andaman đến nhà máy lọc dầu nằm gần Côn Minh.
Dự án này mang ý nghĩa chiến lược rất lớn đối với Trung Quốc bởi vì tuyến xe lửa Kyaukpyu-Côn Minh có thể thay thế eo biển Malacca như là con đường đi đến vùng Trung Đông. Theo thỏa thuận ký kết năm 2011 với chính phủ Miến Điện, Trung Quốc sẽ có quyền quản lý và khai thác tuyến đường sắt này trong thời hạn 50 năm.
Theo quan chức cao cấp nói trên, nguyên nhân khiến chính phủ Miến Điện phải hủy dự án này đó là đã 3 năm kể từ khi ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận, thế mà dự án vẫn chưa có tiến triển gì. Nhưng thật ra chính những phản đối ngày càng mạnh của dư luận Miến Điện về tác hại môi trường và xã hội của dự án đường xe lửa, đã buộc chính quyền nước này phải đình chỉ dự án.
Chỉ riêng tại bang Rakhine, các tổ chức dân sự ở 17 thị trấn đã tập hợp thành một « mặt trận » để phản đối dự án. Ngoài lý do tác hại môi trường và xã hội, dư luận Miến Điện còn không chấp nhận việc tài nguyên của quốc gia bị đưa ra ngoài như thế.
Hiện giờ, phía Trung Quốc chưa có phản ứng gì về quyết định của Miến Điện hủy dự án đường sắt. Nhưng một nguồn tin từ Công ty Xây dựng Đường sắt Trung Quốc khẳng định với tờ Hoàn cầu Thời báo rằng Bắc Kinh sẽ tôn trọng ý kiến của người dân Miến Điện về dự án này.
Trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Miến Điện Thein Sein vào tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã định nghĩa quan hệ giữa hai nước là « có qua có lại và hai bên đều thắng ». Nhưng việc chính quyền Miến Điện hủy dự án đường sắt của Trung Quốc cho thấy bang giao giữa hai nước láng giềng này không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió.
Đây là lần thứ hai Miến Điện buộc phải đình chỉ một dự án với Trung Quốc do áp lực của dư luận trong nước. Vào năm 2011, chính phủ Miến Điện đã buộc phải hủy dự án liên doanh với Trung Quốc xây đập thủy điện trị giá 3,6 tỷ đôla.
Bắc Kinh nghĩ rằng, bằng cách đổ vốn ồ ạt vào các dự án cơ sở hạ tầng vào các nước Đông Nam Á, họ sẽ « mua » được thêm bạn và có thêm nguồn cung cấp năng lượng cho nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng ít ra là đối với Miến Điện, chính sách này như vậy là đã thất bại.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20140723-duoi-ap-luc-cua-du-luan-mien-dien-huy-du-an-duong-sat-voi-trung-quoc/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten