woensdag 18 maart 2015

EU có thể là trung gian giải quyết tranh chấp biển Ðông

EU có thể là trung gian giải quyết tranh chấp biển Ðông
Tuesday, March 17, 2015 2:23:05 PM





BỈ (NV) - Ðó là ý kiến của ông Erik Franck, người vừa là giáo sư về luật, vừa là thành viên của Tòa Trọng tài về Luật Biển, tại hội thảo quốc tế về biển Ðông, vừa diễn ra ở Bỉ.
Hội thảo vừa kể được xem là một cuộc thảo luận thẳng thắn của cộng đồng quốc tế về các qui định của luật pháp quốc tế, xác định những hạn chế mà luật pháp quốc tế đặt định để buộc các bên có liên quan phải chấp nhận khi đã tham gia Công ước về Luật Biển.

Trung Quốc đã bồi đắp bãi đá Chữ Thập ở Trường Sa thành đảo nhân tạo rồi biến thành căn cứ quân sự - ngoài việc xâm hại chủ quyền, các chuyên gia xem hành động này là tàn phá tài nguyên biển. (Hình: Internet)

Các đại biểu tham dự hội thảo quốc tế về biển Ðông đều là những chuyên gia về khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và những vấn đề có liên quan đến biển Ðông. Nhiều người trong số hàng trăm đại biểu này là công dân những quốc gia nằm bên ngoài khu vực tranh chấp như: Canada, Anh, Úc,... Họ thảo luận về các chủ đề quan trọng và nóng. Trong đó có cả việc đánh bắt cá quá mức và xây dựng các công trình trên những bãi đá ngầm đang tàn phá tài nguyên biển.
Trả lời báo chí quốc tế sau hội nghị vừa kể, ông Franck nhấn mạnh, càng ngày, Liên Hiệp Châu Âu (EU) càng có nhiều lợi ích ở biển Ðông. Chẳng hạn, rất nhiều hàng hóa được vận chuyển qua khu vực này và vì vậy có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Châu Âu trong tương lai. Cũng vì vậy, EU có thể đảm nhận vai trò trung gian, giúp các bên có tranh chấp chủ quyền ở biển Ðông đạt đến một thỏa thuận chung.
Sở dĩ EU có thể đóng vai trò bên thứ ba trong tranh chấp tại biển Ðông vì EU không có lợi ích trực tiếp.
Theo ông Franck, trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên biển Ðông với Trung Quốc, việc chọn luật pháp quốc tế làm giải pháp là điều rất quan trọng đối với những quốc gia ở thế yếu hơn.
Trung Quốc tỏ ra rất cứng rắn khi đòi hỏi quyền lợi tại các “vùng đặc quyền kinh tế,” trong khi các quốc gia ven bờ khác thì lại không chấp nhận những đòi hỏi đó.
Những quốc gia đang có tàu thuyền lưu thông tại khu vực biển Ðông, chẳng hạn như Hoa Kỳ, cũng không chấp nhận các đòi hỏi về quyền lợi của Trung Quốc, bởi cho rằng việc tàu thuyền của họ lưu thông trong khu vực, kể cả các chiến hạm không gây hại đến quyền lợi của các quốc gia ven bờ.
Nhiều quốc gia ủng hộ việc các chiến hạm có một số quyền lưu thông trên biển và trong “vùng đặc quyền kinh tế.”
Ông Franck lưu ý đến thực tế là Trung Quốc đang trở thành một thế lực trên biển và nếu luật pháp không tồn tại thì đó sẽ là một thực tế hết sức khó khăn cho Việt Nam bởi những hạn chế về nội lực. Khuôn khổ pháp luật chính là phương thứ giúp hạn chế sức ép của những quốc gia mạnh hơn, lớn hơn.
Ông Franck nói thêm, nhiều người đang chờ phán quyết định của Tòa án Trọng tài về Luật Biển trong vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên biển Ðông. Ông Franck dự đoán, phán quyết sẽ được công bố vào đầu năm sau. (G.Ð)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=204549&zoneid=1#.VQlw_elFC70

Geen opmerkingen:

Een reactie posten