Cà phê Việt với mục tiêu chục tỉ đô la
Để tăng kim ngạch xuất khẩu cà phê từ 3,56 tỉ USD niên vụ 2013- 2014 lên hàng chục tỉ USD trong thời gian tới, ngành cà phê Việt vẫn còn nhiều việc có thể làm.
Cà phê Robusta VN năng suất và sản lượng hàng đầu thế giới.
Còn chú trọng trồng trọt hơn thương mại, chế biến
Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát trong hội nghị tầm quốc gia “Phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam”, tổ chức ngày 11/3/2015 tại thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột.
Là sinh kế của khoảng 3 triệu nông hộ, trong đó có số lượng khá lớn đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, ngành cà phê Việt Nam (CPVN) đang đối mặt với nhiều vấn đề và yêu cầu phát triển cà phê bền vững (PTCPBV) như phải tái canh hiệu quả cho hơn 100.000 ha cà phê già cỗi trên tổng diện tích khoảng 635.000 ha, truyền bá kỹ thuật thâm canh bền vững đến hàng triệu nông dân, tăng tỉ trọng chế biến sâu cho cà phê (CP) và xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam cho tương xứng trên thị trường quốc tế.
Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời phỏng vấn của báo chí về tái canh cà phê.
Đóng góp của Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (tên tiếng Anh viết tắt là WASI) và bộ máy cán bộ khuyến nông các cấp vào sự lớn mạnh không ngừng của ngành CPVN là rất đáng kể, với việc không ngừng nghiên cứu, lai tạo thành công nhiều giống CP cao sản, kháng bệnh tốt, hướng dẫn nông dân các tỉnh Tây Nguyên biết cách dễ dàng tự ươm giống bằng hạt, tự thực hiện được các kỹ thuật ghép chồi, tái canh, chăm sóc thâm canh cà phê theo hướng tiết kiệm mọi chi phí đến mức cao nhất. Các tổ chức phi chính phủ, tập đoàn nội địa và đa quốc gia tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân thực hiện 4 chương trình cà phê bền vững theo các tiêu chí được thế giới đánh giá cao như Utz Certified, 4C, Liên minh rừng mưa và Thương mại công bằng cũng được Bộ trưởng Cao Đức Phát trân trọng ghi nhận công lao. Tuy nhiên, ông cho rằng, việc đẩy mạnh hoạt động chế biến sâu và quảng bá thương mại cần được chú trọng hơn nữa.
Ông Đinh Văn Khiết- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đưa ra ví dụ: Tỉ lệ xuất thô hiện còn lên tới khoảng 90 %, mà CP đã đứng hàng đầu về kim ngạch xuất khẩu trong tất cả các loại nông sản. Nếu không ngừng tăng tỉ lệ xuất tinh, theo cách tính đơn giản mỗi ký CP rang xay pha được 50 phin, mỗi phin chỉ cần tính 5000đ thôi, thì giá trị xuất khẩu đạt chục tỉ đô la không phải là mục tiêu quá xa vời!
Gian hàng giới thiệu các giống cà phê mới trong lễ hội cà phê .
Những cú bắt tay chặt chẽ giữa “nhiều nhà”
Ông Nguyễn Văn Hòa phó Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT cho biết hiện cả nước có 641.000 ha CP. Trong đó diện tích CP đạt các chứng nhận bền vững mới được trên 20.000 ha, sản lượng chiếm trên 40% tổng sản lượng CP cả nước- 1,7 triệu tấn . Theo định hướng phát triển CPVN bền vững, thì VN sẽ không tăng diện tích, giữ mức 600.000 ha tập trung ở Tây Nguyên; năng suất chỉ cần đạt trung bình 2,6 tấn/ ha để sản lượng ổn định ở mức 1,6 triệu tấn. Tuy nhiên, cần tăng tỉ lệ CP chế biến ướt, CP rang xay và hòa tan để thu được nhiều hơn phần giá trị gia tăng.
Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao VN-Ông Nguyễn Viết Vinh chia sẻ: Qua theo dõi nhiều năm, thì khối lượng xuất khẩu cà phê bình quân tháng tăng cao nhất, lên đến trên 400.000 tấn vào tháng 4, tháng 5/2014 vừa qua. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp và nông dân đã tạm trữ tốt hơn, chờ giá cao hơn mới bán, tránh việc bán ra ồ ạt từ đầu vụ như những năm trước. Điều đó có phần nhờ Bộ NN&PTNT chỉ đạo các bên liên quan ngay từ đầu vụ để điều tiết lượng hàng xuất khẩu, giữ giá CP ổn định quanh mức 2000-2100USD/ tấn. Trong 3 niên vụ gần đây, Đức vẫn là bạn hàng lớn nhất, mua tới 14% tổng lượng xuất khẩu của CP VN. Tiếp là Hoa Kỳ 11%, rồi đến khối EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Angieri…
Ts Dave D’haeze trình bày nghiên cứu về nước cho cà phê Tây Nguyên.
Tiến sĩ Dave D’haeze kể các chuyên gia Thụy Sĩ của tổ chức EDE Consulting đã phối hợp chặt chẽ với WASI và Cục Trồng trọt để thực hiện dự án khảo sát, nghiên cứu và đề xuất chính sách về cách sử dụng nước bền vững cho ngành CP ở Tây Nguyên. Qua đó, sẽ tập huấn cho 50.000 nông dân 5 tỉnh Tây Nguyên cách tiết kiệm được rất nhiều nước tưới mà cây trồng vẫn phát triển tốt, dẫn đến tiết kiệm được khoảng 1 tỉ m3 nước/ năm, đủ nước dùng cho thêm 25 triệu người nữa ở VN.
Một điển hình về ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp với ngành cà phê: Cty CP bảo vệ Thực vật An Giang đã phối hợp chặt chẽ với WASI xây dựng mô hình 5 ha tái canh cà phê tại huyện Krông Pắk- Đắk Lắk để có được các lời giải cụ thể nhất về kỹ thuật, giống, canh tác, chính sách cho nông dân. Tích hợp tất cả các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất, không cần chờ tới 2 năm xử lý đất sạch mầm bệnh theo quy trình Bộ đã duyệt, chỉ sau 8 tháng trồng trên diện tích đất vừa nhổ sạch cà phê già cỗi, 5 ha CP tái canh thí điểm này đã có 12 cặp cành và ra hoa, đậu quả.
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Văn Thòn Anh hùng Lao động, tổng giám đốc Cty CP bảo vệ Thực vật An Giang cho biết lượng hàng hóa Cty tiêu thụ trên Tây Nguyên không lớn, chỉ khoảng 8% tổng lượng hàng của Cty- tương đương 400 tỉ đồng/năm 2014. Tuy nhiên, Cty xây dựng mô hình CP tái canh này vừa là trách nhiệm của DN với nông dân, vừa là tầm nhìn của DN về tương lai CPVN còn nhiều điều đáng kỳ vọng.
Tiến sĩ kinh tế Phan Thế Công lưu ý thị trường Hàn Quốc gần đây đã giảm nhập CPVN từ trên 80 triệu USD xuống còn 60 triệu USD, và toàn bộ số CP này đều mang nhãn mác CP Hàn Quốc, tương tự tình trạng gạo Nàng Hương của VN có mặt ở nhiều siêu thị lớn trên thế giới với “made in Thailand”. Đó là ví dụ cụ thể cho thấy việc xúc tiến thương mại kém cỏi của VN còn thiếu 2 đặc tính “khác biệt” và “sáng tạo”.
http://www.datviet.com/ca-phe-viet-voi-muc-tieu-chuc-ti-do-la/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten