zondag 3 augustus 2014

Trung quốc: Cuộc sống đế vương của các vị "hoàng tử đỏ"

Thứ bảy 02 Tháng Tám 2014

Cuộc sống đế vương của các vị "hoàng tử đỏ"

Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình nhắm vào phe hoàng tử đỏ - Reuters
Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình nhắm vào phe hoàng tử đỏ - Reuters

Lê Vy
Tạp chí Le Nouvel Observateur số ra tuần này quan tâm đến chiến dịch bàn tay sạch của Bắc Kinh và đặt câu hỏi : ai là đối tượng của chiến dịch này ? Tạp chí cho rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình nhắm đến những « hoàng tử đỏ » mà tài sản của những nhân vật này lên đến hàng tỷ euro.

Tạp chí nêu lên một chuyện tình của một hướng dẫn viên chương trình trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc với phó ban lưu trữ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cô gái này vừa hay tin « vị hôn phu » của mình đã kết hôn và đã có con riêng. Ấm ức và cảm thấy bị xỉ nhục, cô ta đã công khai chia sẻ với cộng đồng cư dân mạng vì cô bị xem là vợ bé, tiếng Trung Quốc gọi là « ernai », một từ rất mang nghĩa tiêu cực và miệt thị.
Điều gây xôn xao trên mạng là trong quan hệ ngoại tình, vị viên chức nhà nước này đã cung phụng cho cô vợ bé những món quà cực đắt : khăn choàng lông thú, kim cương, quần áo hàng hiệu, một chiếc xe hơi Porsche màu trắng, giá trị tổng cộng lên đến 1,2 triệu euro. Tạp chí cho rằng, với một đồng lương công chức thì không thể chi tiêu cho những món xa xỉ như vậy. Do đó, hàng triệu dân mạng đặt câu hỏi : tài sản đấy từ đâu ra ?
Từ hai hay ba năm nay, nhiều quan chức bị triệt hạ do một người tình nhân bị bỏ rơi hay vợ lớn bị lừa dối nên các bà, các cô đã tố giác trên các trang mạng xã hội. Bắc Kinh đã quyết định nhập cuộc. Một số thành phố vừa cấm các quan chức dan díu ngoại tình « kể cả ngoài giờ làm việc ». Tại một đất nước mà từ xưa đến nay, vua chúa đều năm thê bảy thiếp, các quan chức hiện nay cũng nối gót cha ông và họ cho rằng có nhiều vọ là bình thường. Một nhà báo giải thích : « có vợ trẻ đẹp là tín hiệu của sự thành đạt và phong độ ». Một nghiên cứu mới đây của trường đại học Nhân dân cho biết, 95% cán bộ bị kết án tham nhũng cung phụng cho một hoặc nhiều mối quan hệ ngoại tình.
Đối với Chủ tịch nước Tập Cận Bình, hiện tượng này là một sự suy đồi đạo đức và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự tồn vong của chế độ. Các vụ bê bối liên tục nổ ra với một nhịp độ chóng mặt cho thấy các quan chức không chỉ ngoại tình mà còn lạm dụng quyền lực, cướp của, cưỡng hiếp, biển thủ, rượu chè, cờ bạc, ma túy thậm chí giết người. Từ khi thuyết cộng sản chỉ còn ‘’hữu danh vô thực’’, xã hội Trung Quốc đang bị mất phương hướng và chính trong giới quan chức là suy đồi rõ rệt nhất.
Tạp chí dẫn nhiều ví dụ, một quan chức nhỏ cũng đã có một tài sản kếch xù với 32 chiếc vali chứa đến 12 triệu euro bị nhà nước tịch thu. Để đếm số tiền này, phải dùng đến 16 máy đếm tiền, trong đó có 4 chiếc đã bị cháy do hoạt động quá công suất. Tuy nhiên, phải nhìn sang các quan chức cấp cao thì mới thật sự thấy tầm cỡ của nạn tham nhũng đang hoành hành tại Trung Quốc.
Các lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc hiện đang rơi vào tay kiểm soát của « những gia đình lớn ». Sở hữu khối tài sản lên đến hàng trăm triệu euro thậm chí cả hàng tỷ euro, « các hoàng tử đỏ » có khuynh hướng bảo vệ lợi ích riêng của mình trước lợi ích quốc gia hay của Đảng.
Một giáo sư dạy tại đại học luật và chính trị Bắc Kinh nhận định : « Những tài năng xuất hiện trong 20 năm gần đây đã thay đổi rất nhiều. Họ thuộc một tầng lớp chỉ biết chiếm lấy tiền tài và điều khiển chính trị theo hướng có lợi cho họ ». Một người dân Bắc Kinh nhận định, « ông Tập Cận Bình biết rằng, tham nhũng là vấn đề hàng đầu. Nếu ông không làm gì cả thì hệ thống chính trị sẽ sụp đổ. Do đó, từ khi lên cầm quyền, ông đã tung ra chiến dịch bàn tay sạch. Một chiến dịch thực sự không phải để che mắt thiên hạ ».
Ngay trong giới quan sát, những người đa nghi nhất cũng thừa nhận tính hiệu quả của chiến dịch này. Từ ngày Đảng Cộng sản ra thông cáo vào năm 2012, yêu cầu đảng viên sống thanh đạm thì không còn các buổi yến tiệc đắt đỏ mà nhà nước phải chi trả, kéo theo việc giảm 90% nhập khẩu ‘’vi cá’’ (vây cá mập).
Việc cấm các quan chức nhận « quà » khiến cho lượng rượu Trung Quốc bán ra thị trường giảm 66%, nhập khẩu rượu ngoại cũng giảm, và các nhãn hiệu đắt tiền như Prada, Vuitton hay Gucci. Một cuộc điều tra được Ngân hàng Trung Quốc công bố vào năm 2011 cho biết, trong 20 năm gần đây, 18 000 quan chức đã bỏ trốn mang theo trong hành lý, một khoản tiền trị giá tương đương 90 tỷ euro.
Le Nouvel Observateur cũng bình luận về việc cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu bị triệt hạ do tham nhũng. Báo chí Hồng Kông đưa tin, để được cựu quan chức này đỡ đầu, phải tặng cả chiếc Mercedes mà trong cốp xe chứa 100 ký vàng. Con gái ông nhận được món quà cuới là một thẻ tín dụng trị giá 2,4 triệu euro. Ông Vương Kỳ Sơn, người lãnh đạo chiến dịch này tuyên bố : « Không một quan tham nào thoát khỏi vòng điều tra ».
Tuy nhiên, một số người Trung Quốc xem đây là một cuộc chiến tranh giành quyền lực cổ điển : dưới vỏ bọc thanh lọc nội bộ, Chủ tịch Tập Cận Bình tìm cách triệt hạ các đối thủ như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang để bổ nhiệm người thân cận của ông vào bộ máy cầm quyền. Một nhà phân tích chính trị nhận định, « không nên xem thường tham vọng của ông Tập Cận Bình. Ông ta muốn để lại dấu ấn trong lịch sử như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Đúng là ông Tập tìm cách hạ gục đối thủ và sử dụng người thân cận nhưng chính vì ông muốn Trung Quốc trở thành cường quốc số một thế giới chứ không phải tích lũy bạc tỷ ở ngân hàng Thụy Sĩ ».
Israël-Hamas : có thể xem là chiến tranh ?
Nhật báo Libération ra ngày hôm nay quan tâm tình hình nóng bỏng tại dải Gaza qua dòng tựa trên trang nhất : « Israël-Hamas : có thể xem là chiến tranh ? ». Theo tờ báo, lệnh ngừng bắn kéo dài ba ngày được đưa ra vào ngày hôm qua nhưng chỉ sau hai giờ từ khi thỏa thuận có hiệu lực, khói lửa lại bùng lên trên dải Gaza.
Libération nhận định, lệnh ngừng chiến đã bị hủy bỏ bằng một bể máu. Một quân nhân Israël 23 tuổi bị bắt cóc và các cuộc oanh kích lại tiếp diễn.
Trong một bài viết khác trên tờ Le Figaro đề tựa : « Kịch bản tệ nhất cho Israël », tờ báo cho rằng, ưu tiên hàng đầu của quân đội Israël hiện nay không chỉ là làm cách nào giải thoát cho binh sĩ bị bắt cóc mà là làm cách nào đáp trả lại phe Hamas vì vụ bắt cóc này được xem là sự xỉ nhục đối với quân đội được xem là « mạnh nhất Trung Đông ».
Giới bình luận Israël cũng không quên nhắc nhở chính phủ Israël đề phòng « cái bẫy » mà phe Hamas giăng ra vì Hamas muốn quân đội Israël « sa lầy » ở dải Gaza. Thế nhưng, giữ thái độ bình tĩnh trong tình hình này vô cùng khó, theo Le Figaro. Từ khi tung ra chiến dịch oanh kích ngày 8/7, quân đội Israël đã thận trọng tối đa không để phe Hamas bắt giữ binh sĩ Israël làm con tin để tránh lặp lại cơn ác mộng mà người Israël phải chịu đựng trong vòng 5 năm.
Đó là số phận của một binh sĩ quốc tịch Pháp- Israël Gilad Shalit bị bắt năm 2006. Để đổi lấy sự tự do của binh sĩ này, Israël đã phải thả 1000 người Palestine, trong đó 280 người bị kết án chung thân vì có liên quan đến vụ tấn công đẫm máu.
Theo các thăm dò mới nhất, đa số dân Israël ủng hộ tấn công mạnh tay đối với phe Hamas. Le Figaro kết luận, trong những điều kiện khó khăn như vậy, Thủ tướng Netanyahou khó tìm được lối thoát cho cuộc chiến tại dải Gaza mà không bị mất mặt.
Khủng hoảng nợ Achentina : Tổng thống Kirchner trấn an dân chúng
Nhìn sang thời sự tại Châu Mỹ, nhật báo Le Monde quan tâm đến phản ứng của Achentina sau khi mất khả năng thanh toán vào ngày 31/07/2014. Theo tờ báo, Tổng thống Kirchner đã xuất hiện trước công chúng. Với thái độ rất điềm tĩnh, bà phát biểu : « Mất khả năng chi trả tức là không trả nợ, nhưng bị bị ngăn cản chi trả không phải là mất khả năng, nên phải nghĩ ra một từ mới để chỉ về tình hình hiện nay của Achentina ». Ý câu nói ám chỉ các chủ nợ Hoa Kỳ đang bắt Achentina chi trả 100% khoản nợ, trong khi trước đó, các chủ nợ đã nhất trí giảm nợ cho nước này còn 93%.
Tổng thống Kirchner kêu gọi người Achentina đoàn kết và yêu nước. Bà khẳng định, chính phủ của bà sẽ tiếp tục đối thoại để bảo vệ quyền lợi dân Achentina. Nếu như tình hình này không mấy nguy kịch bằng cuộc khủng hoảng năm 2001 thì dân chúng lại rất lo ngại. Achentina đang suy yếu bởi sự suy thoái kinh tế, thâm hụt ngân sách và lạm phát tăng cao hơn so với dự báo 30%.
Bà Kirchner phát biểu : « chúng ta đang sống trong một thế giới bất công và bạo lực », ý ám chỉ các cuộc oanh kích tại dải Gaza. « Nếu có một đất nước sống được, đó chính là Achentina » và bà kể ra các thế mạnh như tài nguyên năng lượng, lương thực, sự nhân đạo và diện tích rộng rãi chỉ có 40 triệu dân sinh sống. Bà Kirchner cũng hài lòng vì nhận được sự ủng hộ từ các tổ chức quốc tế, từ Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong vụ tranh chấp với các chủ nợ Mỹ.
Khi thăm Achentina vào trung tuần tháng Bảy, Chủ tịch Trung Quốc Tập cận Bình hứa đầu tư vào Achentina, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Trước đó vài ngày, Tổng thống Nga Putin cũng bày tỏ quan tâm đối với trữ lượng dầu và khí đốt của quốc gia Nam Mỹ này.
Anh mở điều tra công khai về cái chết của cựu điệp viên Nga Litvinenko
Liên quan đến Châu Âu, nhật báo Le Monde quan tâm đến việc Anh chính thức mở cuộc điều tra công khai về cái chết của cựu điệp viên Nga Litvinenko. Theo đó, các tài liệu mật về việc Nga có nhúng tay trong việc sát hại nhà đối lập này sẽ được giới điều tra nghiên cứu.
Cựu điệp viên NgaLitvinenko bị sát hại ngày 23/11/2006. Cái chết nay gây sốc cho cả nước Anh. Các cuộc điều tra nhanh chóng cho biết ông Litvinenko là nhà đối lập với Tổng thống Putin. Nhân vật này đã trốn sang Anh và xin tỵ nạn tại nước này. Ông bị đầu độc khi uống tách trà tại bệnh viện có chứa chất polonium 210, một chất phóng xạ.
Sở cảnh sát Thủ đô Scotland Yard cho biết, hai nhân viên người Nga là Andreï Lougovoï và Dimitri Kovtun đã cho chất độc vào trà. Vụ ám sát này đã gây căng thẳng cho Luân Đôn và Mátxcơva. Yêu cầu đòi Nga cho dẫn độ hai nhân viên bị nghi ngờ hạ độc Litvinenko đã bị Nga bác bỏ. Ông Lougovoï còn trở thành dân biểu năm 2007.
Theo gia đình ông Litvinenko, ông Litvinenko từng hợp tác với tình báo Anh. Lúc xảy ra ám sát, ông Litvinenko đang điều tra về mối quan hệ của mafia Nga với Tây Ban Nha. Tháng 7/2013, chính phủ Anh đã bác bỏ yêu cầu của góa phụ Marina Litvinenko đòi điều tra công khai hồ sơ cái chết của chồng bà.
Vào lúc đó, quyết định của Thủ tướng David Cameron được xem là hành động ưu đãi cho Nga để tránh những tiết lộ gây khó xử cho Nga. Ngày 22/07, chính phủ Anh đã bật đèn xanh cho phép điều tra công khai vụ việc này. Anh cũng khẳng định không có liên quan gì đến các căng thẳng tại Ukraina và các biện pháp trừng phạt Nga.
Giấc mơ nói lên điều gì ?
Bạn đã bao giờ thắc mắc về ý nghĩa của các giấc mơ ? Tạp chí L’Express số ra tuần này chạy tựa trên trang nhất : « Những gì khoa học nói về giấc mơ của chúng ta ».
Từ lâu, con người vẫn tìm cách lý giải ý nghĩa của những giấc mộng với bao điều bí ẩn. Nhờ vào những tiến bộ vượt bậc của ngành khoa học nghiên cứu não bộ, chúng ta bắt đầu hiểu được giấc mơ đến từ đâu. Đối với nhiều nhà khoa học, giấc mơ có hai chức năng.
Chức năng thứ nhất là « nghiền ngẫm » lại những sự kiện đã gặp trong cuộc sống và chuyển tải chúng thành những kinh nghiệm có ích cho bước tiếp theo. Chức năng thứ hai là dự báo những tình huống sắp tới và chuẩn bị nó.
Trong bài viết đề tựa : « Người mộng du nghĩ gì ? », L’Express cho biết, 4% người lớn và 25% trẻ em rơi vào hiện tượng này và có nhiều hoang tưởng. Theo các nhà khoa học, nguyên nhân của bệnh mộng du là do căng thẳng, mệt mỏi trong cuộc sống hàng ngày.
Một số nhà khoa học ngày nay vẫn không tán đồng kết quả nghiên cứu của nhà phân tâm học Freud. Chuyên gia Tobie Nathan nhận định, Freud đã lầm. Giấc mơ của chúng ta không thuật lại quá khứ mà chỉ nói về tương lai và dự đoán ». Chuyên gia này còn khuyến cáo không nên thuật lại giấc mộng cho bất kỳ ai vì một sự diễn giải sai lạc sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
 
TAGS: TRUNG QUỐC - CHÂU Á - ĐIỂM BÁO - THAM NHŨNG - ĐẢNG CỘNG SẢN - XÃ HỘI
http://www.viet.rfi.fr/diem-bao/20140802-tap-can-binh-tung-don-danh-phe-hoang-tu-do

Geen opmerkingen:

Een reactie posten