Phi Hùng/Người Việt
QUẢNG NAM - Chưa bao giờ thu nhập của nghề thầy bói ở Việt Nam lại được đặt ngang với thu nhập của bác sĩ và được xếp hạng như một nhóm 'nghề chân chính' như bây giờ.
Ðôi khi chùa chiền cũng hóa thành chỗ bói toán, chỗ kí thác tham vọng của kẻ có quyền thế... (Hình: Phi Hùng/Người Việt) |
Nghề này đang được xem là 'hot' nhất. Bởi không ai có thể bằng ông thầy bói khi ông có thể sờ ót, cù xoay cả ông/bà bộ trưởng như một đứa trẻ bởi họ quá biết rằng làm quan càng to mê tín càng nhiều.
Thỉnh thoảng, đề tài hấp dẫn ở quán cà phê thường là bình luận về các “linh ứng” của những bà đồng, ông cốt, rồi thầy này bói hay, bà kia bói giỏi...
Một buổi cà phê chúng tôi thử đặt vấn đề về nghề kiếm sống tốt nhất hiện nay, nói xoay quanh một hồi, ông bạn kết luận: “Thôi, không có nghề nào mau giàu hơn nghề thầy bói cả, nên nghiên cứu kinh dịch, ngồi thiền để khai thác siêu thức và uống rượu để đủ liều mà bói toán, nghề này bây giờ đang thịnh hành, giàu nhanh lắm!”
Nói về thầy bói, thầy pháp và thầy ngoại cảm ở Quảng Nam, có lẽ, người có khả năng “ba trong một” này không ai uy tín hơn ông thầy Năm ở Ðại Ðồng, huyện Ðại Lộc. Ông này nổi tiếng là coi hay, coi toàn cho mấy sếp lớn, giàu có và quyền lực.
Gốc gác ông Năm vốn là giáo viên dạy môn toán bậc trung học, không hiểu sao, trong một lần coi bói ngẫu nhiên cho một quan chức cấp huyện, nói đâu trúng đó, ông Năm chuyển dần sang làm thầy bói, rồi nhà ngoại cảm.
Kể với chúng tôi về thành tích coi bói, xem ngoại cảm, ông Năm hãnh diện: “Tui coi toàn mấy ông lớn không à, mấy ông nể tôi lắm, tôi mới vừa đi Hà Nội coi cho một ông quan cấp bộ về đây, thứ hai tuần tới tôi đi sài Gòn, tôi thường coi cho mấy bộ trưởng”.
“Vừa rồi, một thứ trưởng coi xong, cho tôi chiếc Toyota mười hai chỗ ngồi, tôi có tổng cộng ba chiếc xe hơi, toàn của mấy ông đó cúng tạ lễ và tặng cho tôi không à, rất tiếc là tôi chưa được coi cho ông thủ tướng, ước vọng của đời tôi là bói cho ông thủ tướng...”
Trong lúc ông Năm kể chuyện, có người gọi điện thoại hỏi thăm ông có ở nhà không để đến nhờ chút việc. Ông Năm nghe xong, nói nhỏ với chúng tôi là chịu khó ngồi chờ ông một chút, có một ông vụ trưởng ở Hà Nội vào coi bói.
Chúng tôi ngồi chờ, quả thật, người đến coi bói vốn là một vụ trưởng khá quen mặt, chúng tôi hay nhìn thấy trên báo chí và truyền hình.
Coi xong, ông vụ trưởng rút ra một xấp tiền, toàn tờ 500 ngàn, ước đoán chừng 20 triệu đồng, biếu cho thầy Năm và nói: “Cám ơn thầy, nhờ hồng phúc của thầy mà vừa rồi em bán chạy được cái chậu La Hán Tùng, giá một tỉ rưỡi, em đổi con xe và dư một ít tiền đi chơi. Chậu tùng này trước đây là của thằng đàn em nó biếu...”
Trong lúc chuyện trò, thầy Năm còn khoe với ông vụ trưởng về hai con vọc mà trước đây ông vụ trưởng đi săn, gởi vào biếu thầy Năm: “Hai con vọc trên đầu tủ, nhồi bông hết mười triệu tiền công, giờ chú em thấy nó đẹp không? Kỉ niệm của chú đấy!”
Trước khi ra về, chúng tôi còn nghe thấy thầy Năm nhận thêm mấy cuộc điện thoại tư vấn, toàn là những quan chức tai to mặt bự của các tỉnh, người thì nhờ thầy coi thử con mình nên học trường đại học nào, người thì coi cái bếp, người thì coi vì sao tuần này mình hay đau đầu, đủ các loại bói toán...
Nghề dễ kiếm tiền
Ông T., một thầy bói khác ở Ðiện Bàn, Quảng Nam, cho biết: “Nếu nói chuyện về sự thịnh hành thì nghề bói toán hiện giờ cũng quan trọng không kém nghề bác sĩ. Vì sao? Vì nó cũng mang đến những liều thuốc tinh thần, và nó cũng mang lại nhiều lợi nhuận cho người coi bói cũng như người bói”.
“Sở dĩ nói nó mang lại nhiều lợi nhuận cho người bói là vì bây giờ, làm gì người ta cũng nghĩ đến chuyện coi bói, từ sinh con, đến làm nhà, mua bán nhà, chôn cất... Và hơn hết, người coi bói, nếu coi được ngày tốt, tâm lý yên ổn thì sẽ được hanh thông trong làm ăn”.
Nói đến đây, ông T. rút ra một tờ giấy, bảo người đối diện hãy nghĩ điều gì đó trong 10 giây, ông sẽ viết ra điều người kia đang nghĩ. Không biết ông bạn tôi nghĩ gì, nhưng khi ông T. viết ra chữ ‘tiền’ thì ông bạn tôi gật đầu, mỉm cười.
Ông T. còn khoe là chưa bao giờ viết sai ý nghĩ của bất kỳ ai. Tôi cũng thử, ông T. viết ‘mua quà cho con’, tôi gật đầu, cười. Ông T. hỏi đúng không, tôi gật đầu, mặc dù lúc đó tôi chưa có con.
Cặp vọc nhồi bông mà thầy Năm được tặng dùng trang trí trong nhà, ông Năm nói: “Ðây là loại hàng quốc cấm, cỡ thầy mới dám chưng!” (Hình: Phi Hùng/Người Việt) |
Xong chuyện đoán ý nghĩ, ông T. còn kể thêm rằng ông bây giờ chỉ thiếu gan trời là chưa ăn, vì đệ tử và khách hàng sẵn sàng cho ông bất cứ thứ gì ông muốn. Vừa rồi, ông mới cưới được cô vợ 20 tuổi, bằng tuổi cháu ngoại đầu của ông. Vợ trước của ông mất đã hai mươi năm nay. Ông kết luận: “Vợ bây giờ là bà vợ trước đầu thai”.
Nói về các thầy bói, toán, bà đồng ông cốt, riêng ở Quảng Nam, số lượng phải trên dưới 200 người. Có thể nói là ra đường đi đụng đầu, nhưng thầy nào cũng đắt hàng, cũng giàu có. Nếu không xe hơi thì ít nhất cũng vài chiếc xe tay gas. Khách vào ra nườm nượp, từ người nông dân nghèo đi xin chai nước phép về chữa bệnh cho đến ông lớn, bà lớn đi xin lộc.
Nếu tôi nhớ không lầm, trong kinh Hoa Nghiêm có câu mang hàm ý: Thời mạt pháp, lòng người tao loạn, bất chính, đây cũng là lúc mọc ra đầy rẫy những loại thầy giả gây hoang mang và gieo rắc tham, sân, hận...
Và, cũng chưa bao giờ mà người Việt lại chuộng thầy bói, điện, bà đồng, ông cốt... như bây giờ.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=147872&zoneid=310
Geen opmerkingen:
Een reactie posten