maandag 21 mei 2012

Cựu Ðại Sứ Michalak mở công ty cố vấn đầu tư tại Hà Nội

Sunday, May 20, 2012
HÀ NỘI (NV) - Về nước sau 4 năm ở Hà Nội, cựu Ðại Sứ Michael Michalak của Mỹ cho biết sẽ trở lại Việt Nam để điều hành một công ty cố vấn về đầu tư.


Ông Michael Michalak diễn thuyết về giáo dục Hoa Kỳ ở Hà Nội hồi năm 2010. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)


Theo báo Thanh Niên, ông Michalak tiết lộ tin này sáng ngày 18 Tháng Năm, đồng thời cho hay ông sẽ thuyết trình về vấn đề “phát triển trong thời kỳ khủng hoảng” tổ chức tại Hà Nội ngày 27 Tháng Năm tới. Ông cũng nói sẽ thảo luận với các thương gia Việt Nam về nhiều vấn đề liên quan đến thực trạng và xu thế phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Ðược biết, ông Michael Michalak là đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội từ Tháng Mười, 2007 đến Tháng Hai, 2011. Trước đó, ông là đại sứ và là nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ tại một số quốc gia Châu Á và Úc.

Ông cũng là người xuất hiện nhiều lần trên báo chí ở Việt Nam và được coi là một trong những tiếng nói mạnh của ngành ngoại giao tại một đất nước cộng sản thường xuyên bị chỉ trích về vấn đề nhân quyền và dân chủ.

Ông Michael Michalak còn là viên chức ngoại giao của Hoa Kỳ hồi năm 2010 cho rằng Hoa Kỳ giúp Việt Nam “tăng cường tiềm năng con người thông qua hoạt động giáo dục” bằng con số 13,000 sinh viên du học tại Mỹ. Ðây là con số nhiều gấp 16 lần trong vòng 5 năm, mà theo ông Michalak, sẽ là lực lượng “đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam”.

Trả lời cuộc phỏng vấn của báo mạng VietNamNet hồi năm 2010, ông Michael W. Michalak cho rằng số lượng sinh viên Việt Nam du học ở Hoa Kỳ riêng trong hai nhiệm kỳ của ông đã tăng gấp ba lần. Bác bỏ lập luận cho rằng chính sách khuyến khích sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học là hành động “diễn biến hòa bình,” ông nói rằng sinh viên Việt Nam du học Mỹ bằng tiền túi của chính họ và vì mong muốn được thụ hưởng những điều tốt đẹp từ nền giáo dục tiên tiến của Hoa Kỳ.

Cũng theo VietNamNet, ông Michael Michalak còn cho rằng “Hoa Kỳ có lợi khi Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường, thịnh vượng và người dân có nền giáo dục tốt.” Vì vậy, ông ủng hộ việc giúp Việt Nam “có được những công cụ để Việt Nam tự quyết định chính sách của mình”.

Ông cũng cho rằng “sự tiến bộ về nhân quyền tại Việt Nam không tốt bằng lĩnh vực giáo dục và hợp tác kinh tế” và nói “hai bên còn tiếp tục thảo luận và chờ đợi xem liệu có sự tiến bộ nào không trong lĩnh vực nhân quyền tại Việt Nam”.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=149048&zoneid=1

Geen opmerkingen:

Een reactie posten