vrijdag 18 mei 2012

Nhà nhiếp ảnh Nick Út và những bức ảnh huyền thoại

29/9/2003
Bức ảnh em Kim Phúc của Nick Út đoạt giải Pulitzer năm 1973.

Anh mở máy tính xách tay, kích vào file chứa ảnh. Quá khứ và hiện tại nối tiếp nhau: một quả bom napal rơi xuống Tây Ninh; những người lính Mỹ bị thương quằn quại ở Khe Sanh; những đứa bé da đen bụi bặm trên đường phố New York...

Nói đến Nick Út, một phóng viên ảnh của Hãng thông tấn AP, người ta không thể không nhắc tới bức ảnh cô bé Kim Phúc bị bỏng bom napal năm 1972 ở Trảng Bàng (Tây Ninh). Nick tâm sự: "Người ta thường đặt cho tôi nhiều câu hỏi cắc cớ: Vì sao anh có mặt tại Tây Ninh đúng lúc đó? Vì sao trong tình thế khủng khiếp như vậy, chụp xong ảnh anh không bỏ chạy mà quay lại giúp cô bé? Nhiều người hay quên những nhân vật họ chụp, còn anh thì nhớ, và vì sao anh vẫn giữ quan hệ với cô ta?. Tôi trả lời: "Lúc đó, tôi nhìn thấy một bé con họ hàng của Phúc chết trên tay mẹ. Tôi không muốn thêm một bé con nữa chết. Tôi quay lại, bế và tưới nước lên lưng trần của Phúc. Sau đó tôi thường xuyên gặp Phúc, trở thành "nhà biên niên sử bằng hình" của cháu: Phúc được chữa trị, Phúc học ở Cuba, đám cưới Phúc ở La Habana, vợ chồng Phúc sang Nga chơi, Phúc sinh con trai, Phúc sống ở Canada và đi lễ nhà thờ, Phúc nói về hòa bình ở Mỹ... Mỗi lần về Việt Nam tôi gọi cho Phúc: "Có nhắn gì ba mẹ, anh chị không con?". Với Phúc tôi là chú út. Lần nào về Việt Nam tôi cũng về Tây Ninh thăm gia đình Phúc. Tây Ninh thay đổi mỗi năm, không còn dấu ấn chiến tranh".

Đầu những năm 60, hơn mười tuổi, Út rời quê lên Sài Gòn sống cùng anh trai Huỳnh Thanh Mỹ và được anh dạy chụp ảnh. Cái chết của anh Mỹ, một phóng viên ảnh Hãng AP tại mặt trận Cần Thơ, là cú sốc nặng với Út. Ngay sau đó, 16 tuổi Út được Hãng AP nhận vào làm và dần trở thành một phóng viên ảnh chiến trường của hãng. "Tuy nhiên, tôi vẫn thấy mình là một nhà nhiếp ảnh Việt Nam! Tôi làm cho AP khi còn rất trẻ. Hãng đào tạo nghề cho tôi. Gần 30 năm sống ở Mỹ, để hành nghề, để đứng vững, khẳng định tên tuổi, tôi phải phấn đấu nhiều, phải tư duy theo lối Mỹ, nạp nhiều thông tin của xã hội, văn hoá đất nước tôi đang sinh sống. Nhưng trong tôi có hai con người tách bạch. Một người Mỹ và một người Việt Nam. Ở Mỹ, tôi trào dâng hãnh diện khi người ta gọi Vietnammese Nicky - Thằng Nick người Việt Nam. Cái tên Nick Út, tôi có thể tự hào không giấu giếm mà nói, có tiếng trong giới truyền thông Mỹ; nhiều khi nó là "thẻ hành nghề" thuận tiện. Ví dụ vụ tòa Mỹ xử vận động viên O.J. Simpson, rất nhiều báo không sao lọt được vào toà, nhưng người ta lại cho "Thằng Nicky Việt Nam" vào. Và tôi cũng rất hãnh diện khi nghe bạn bè nói "Thằng Nick chỗ nào cũng có mặt". Về Việt Nam, tôi là người Việt Nam. Chụp cảnh Việt Nam với con mắt người Việt Nam. Nguyên tắc hành nghề của tôi là: "Tôn trọng sự thật". Đi thỉnh giảng, tôi thường nói với sinh viên: "Phải loại bỏ ra khỏi đầu chuyện lạm dụng kỹ thuật ảnh để cắt ghép, dàn dựng ảnh".
Nick Út (trái), Kim Phúc tiếp kiến nữ hoàng Anh tại London.
"Tôi ghi lại khuôn mặt của chiến tranh với lời cầu khẩn, niềm mong mỏi: Hoà bình hãy đến càng sớm càng tốt cho Việt Nam! Sau khi bức ảnh Kim Phúc đăng báo, đồng nghiệp bảo tôi mang ảnh đi thi giải Putlizer. Tôi không muốn. Buồn nếu được giải vì chụp nỗi đau đồng loại trong chiến tranh. Một cuộc chiến tranh quá đủ với tôi! Tôi đã từng bị pháo xoẹt qua đầu, bay mất một mảng tóc. Trong bụng và đùi tôi vẫn còn những mảnh đạn phá, mùa đông lại đau nhói lên. Tôi đi phẫu thuật, bác sĩ bảo chờ, miếng đạn rồi sẽ tự lộ ra, đỡ nguy hiểm. Tôi chờ hoài. Hàng năm, thường chủ nhật đầu tiên của tháng 10, những phóng viên chiến trường của Mỹ (giờ còn khoảng 300 người) vẫn tụ họp với nhau. Chúng tôi trò chuyện, thả hoa và bóng bay, nghe những thổ dân da đỏ cầu hồn cho những người đã khuất", Út trầm ngâm.

Thế nhưng tại Bảo tàng Khoa học London, nơi trưng bày bức ảnh Kim Phúc, ông Andrew Nahum, giám đốc, nói: "Tôi tìm nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng và các bức ảnh nổi tiếng về con người, nhưng không thấy bức nào xúc động mạnh mẽ như bức ảnh Kim Phúc của Nick Út, bức ảnh được trưng bày tại đây". Hiện tại, bảo tàng này cũng trưng bày chiếc máy ảnh trứ danh hiệu Leica M2 (Đức) mà Út dùng thời chiến tranh. "Bảo tàng đề nghị mượn từ 10-20 năm, nhưng tôi chưa đồng ý. Một vài bảo tàng Mỹ cũng muốn mượn trưng bày hay mua luôn, nhưng tôi muốn đưa máy ảnh về Việt Nam trưng bày", Út nói.

14 năm sau ngày rời quê hương, 1989 Út quay về, đến Hà Nội, đi theo các đoàn tìm kiếm hài cốt lính Mỹ . "Mất người thân, đau đớn. Nhưng tôi cho rằng, trong vấn đề này, người Mỹ hơi quan trọng hoá. Hàng trăm nghìn người Việt vẫn còn mất tích...", Út nói. Năm 1992, đến một làng ngoại thành Hà Nội chụp cảnh gia đình mất con vì bom Mỹ còn sót lại trên cánh đồng làng, Út xúc động rất lâu rồi mới ghi được những bức hình.

Út tâm sự: "Về quê nhà, được đi khắp nơi, tôi tự do chụp Việt Nam thanh bình. Khi này, trở về Mỹ, tôi sẽ tổ chức triển lãm và có thể bán đấu giá những bức ảnh vừa chụp lấy tiền ủng hộ cho chương trình của AP giúp phóng viên ảnh trẻ các nước. Năm 2005, kỷ niệm 30 năm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, tại Bảo tàng Getty (Los Angeles - Mỹ) tôi sẽ tổ chức triển lãm lớn nhan đề Việt Nam: Chiến tranh và hoà bình. Ngoài ảnh, niềm vui thứ hai của tôi là về thăm nhà trong những kỳ nghỉ hiếm hoi. Về nhà nghỉ ngơi trong yên bình".

Trong chuyến trở về Việt Nam cuối tháng 9 này, đi cùng Nick Út còn có một người bạn Mỹ tên Tim. Tim là con trai đạo diễn danh tiếng của Hollywood Zimberman, người từng đoạt 4 giải Oscar. Tim đi lấy tư liệu về cuộc đời Nick Út để làm một phim truyện nhựa về anh.

(Theo Lao Động)

'Em bé napalm' hội ngộ ân nhân sau 38 năm
Phan Thị Kim Phúc, cô bé Việt Nam trong bức ảnh chiến tranh "Em bé Napalm", hội ngộ với người đã cứu sống cô năm xưa, Christopher Wain, phóng viên ITN, sau 38 năm.
> Ảnh chiến tranh Việt Nam ấn tượng nhất mọi thời đại
Bà Kim Phúc bên cạnh người ân nhân năm xưa, Christopher Wain. Ảnh: BBC.
BBC đã tổ chức cuộc hội ngộ giữa Kim Phúc và Christopher Wain. Cuộc gặp gỡ được phát sóng trên đài BBC Radio 4 hôm nay.
Ngày 8/6/1972, Chris và các đồng nghiệp đã ở Việt Nam được 7 tuần và đưa tin về cuộc chiến đang diễn ra cho hãng ITN. Ký ức về ngày hôm đó với Chris vẫn vô cùng rõ nét. "Buổi sáng hôm đó chúng tôi tới ngôi làng Trảng Bàng, nhiều binh sĩ phía bắc Việt Nam đã tới đây hai ngày trước đó. Họ đang chờ đợi phản công", ông nói.
Rất nhiều dân làng sơ tán vào một ngôi chùa, trong đó có Kim Phúc, 9 tuổi. "Chúng tôi nghĩ nơi đó an toàn, nhưng sau đó tôi thấy máy bay, nó quá gần", Kim Phúc nhớ lại. "Tôi nghe thấy tiếng bom nổ, rồi đột nhiên lửa bùng lên quanh tôi. Tôi hoảng sợ và chạy. Quần áo tôi bị lửa thiêu trụi".
Chris và các đồng nghiệp đứng cách vị trí 4 quả bom napalm phát nổ khoảng 400 mét. "Đó là một vụ nổ nhiệt, cảm giác như ai đó vừa mở cửa một lò nướng. Sau đó, chúng tôi thấy Kim và những đứa trẻ khác. Chúng không kêu la gì cho đến khi thấy người lớn. Và rồi chúng bắt đầu khóc thét lên".
Một phóng viên ảnh người Việt, Nick Út, làm việc cho hãng AP, đã chụp lại được hình ảnh lúc đó. Cô bé Kim Phúc trên người không một mảnh áo quần, đang chạy trên đường, tay cô bé giang ra và kêu cứu. Bức ảnh vừa được tờ New Statesman bình chọn là ảnh thời sự ấn tượng nhất mọi thời đại.
Chris đã chặn Kim Phúc lại và đổ nước lên người cô bé. Ông cũng nói với các đồng nghiệp ghi lại cảnh tượng đó. "Chúng tôi gần hết phim và nhà quay phim Alan Downes sợ rằng tôi đang yêu cầu ông dùng những thước phim quý giá để ghi một cảnh tượng quá kinh khủng. Nhưng tôi nghĩ phải cho thế giới thấy cuộc chiến này thế nào".
Video quay cảnh phóng viên ITN cứu Kim Phúc
Nick Út đã đưa Kim Phúc đến bệnh viện nhi đồng do người Mỹ điều hành. Ngày chủ nhật sau đó, Chris tìm gặp Kim Phúc trong một căn phòng bệnh nhỏ. "Tôi hỏi một y tá Kim thế nào và được thông báo rằng cô bé sẽ chết vào ngày mai", Chris kể lại. Ông đã chuyển Kim Phúc đến một bệnh viện chuyên về phẫu thuật chỉnh hình để cứu mạng sống của cô bé.
Đấy là lần cuối cùng Chris gặp Kim Phúc. Cô bé nằm trên giường bệnh với những vết bỏng cấp độ một trên nửa phần thân thể.
Kim Phúc đã ở lại bệnh viện đó 14 tháng và trải qua 17 cuộc phẫu thuật. Cho đến hôm nay, những cơn đau vẫn thường xuyên hành hạ cô. Hình ảnh "em bé napalm" vẫn còn ám ảnh một thế hệ song Kim Phúc không hề xuất hiện trước công chúng.
Chris đổ nước lên cô bé Kim Phúc. Ảnh: AP.
10 năm sau, một nhà báo từ Đức tìm lại Kim Phúc, lúc này cô đang học y tại một trường đại học ở Việt Nam. Sau đó, Kim Phúc chuyển đến Cuba tiếp tục việc học. Tại Havana, cô gặp Toan, cũng là một du học sinh từ Việt Nam. Họ kết hôn và nghỉ tuần trăng mật ở Nga. Sau đó, Kim Phúc và chồng chuyển đến Canada và họ có hai con.
Về phần Chris, ông tiếp tục làm việc cho ITN trong ba năm với vai trò phóng viên chiến tranh. Sau đó, ông chuyển sang làm cho BBC. Chris nghỉ hưu năm 1999. Ông chưa bao giờ mong gặp lại Kim Phúc. "Khi đó, nó cũng chỉ là một câu chuyện, dù rất kinh hoàng. Tất nhiên, đấy là điều kinh khủng nhất mà tôi từng chứng kiến", ông nói.
Chris cho biết ông từng cảm thấy Kim Phúc bị các phương tiện truyền thông lạm dụng. Đó là lý do vì sao 10 năm trước ông đã từ chối một cuộc gặp mặt với Kim Phúc trong talk show của Oprah Winfrey. Ông cảm thấy nó mang đầy tính thương mại.
Tuy nhiên, trong lần hội ngộ này sau 38 năm, Chris cho biết ông đã thay đổi cách nhìn và không còn nghĩ cô như là một nạn nhân của bức ảnh kinh điển đó.
"Bất chấp mọi thứ xảy đến với cô ấy và tất cả những gì cô ấy trải qua, Kim Phúc đã trở thành một phụ nữ rất ấn tượng", Chris nói. "Cuộc hội ngộ này cảm động hơn tôi mong đợi. Kim Phúc là người rất tình cảm và điều đó thật sự lôi cuốn".
Bức ảnh "Em bé napalm" đã lưu lại một trong những khoảnh khắc dữ dội nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam. Ảnh: AP.
Hải Minh

Geen opmerkingen:

Een reactie posten