maandag 28 mei 2012

Tìm hiểu cội rễ của hiện tượng ngoại cảm

27 Tháng Năm 2012       
Nhà tâm lý học Richard Wiseman
Nhà tâm lý học Richard Wiseman
DR

Trọng Thành
Một cuốn sách mới của nhà tâm lý học, nguyên ảo thuật gia Richard Wiseman, vừa ra mắt công chúng Pháp. Được dịch ra tiếng Pháp với tên gọi “Các thực nghiệm ngoại cảm giản đơn” (Petites experiences extrasensorielles), cuốn sách đưa người đọc đến với thế giới ma thuật và những hiện tượng phi thường, thường được gọi là các hiện tượng ngoại cảm hay “cận tâm lý”.

Như phụ đề của cuốn sách “Thần giao cách cảm, thấu thị, ám thị, …. Những hiện tượng dị thường dưới ánh sáng khoa học”, Richard Wiseman đã dùng các hiểu biết của khoa tâm lý học để soi rọi các hiện tượng có tính ma thuật. Trong cuốn sách được viết cho đại chúng này, chuyên gia về các hiện tượng ngoại cảm đã lần lượt mô tả và lý giải cơ chế của các hiện tượng dị thường, như thấu thị và bói toán, kinh nghiệm ngoài cơ thể, quyền năng của tinh thần đối với vật chất, nói chuyện với người chết, chơi với các âm hồn, kiểm soát ý thức, giấc mơ tiên tri… Trong mỗi hiện tượng lạ được mô tả trong cuốn sách tác giả đều thuật lại hành trạng của một hay vài nhà ngoại cảm danh tiếng.
Nhờ Chúa mở Kinh Thánh
Trong chương 3 cuốn sách giới thiệu về quyền năng của sức mạnh tinh thần làm biến đổi trực tiếp thế giới vật chất, mà ắt hẳn không ít thì nhiều ai cũng đã có lần từng xem hay nghe nói đến. Nhà tâm lý học kể lại câu chuyện về người được coi là “nhà ngoại cảm” lừng danh, James Alan Hydrick, mà vào năm 2002, được một chương trình TV Anh Quốc xếp hạng thứ 34 trong số 50 nhà ngoại cảm có hạng của thế giới, đứng trên cả Uri Geller, người nổi tiếng với nhiều tiết mục vô cùng khó tin, như dùng mắt bẻ thìa... Oái ăm thay, đấy lại chính là lúc James Alan Hydrick đang phải ngồi tù vì tội lừa đảo.
James Alan Hydrick, vốn là một cậu bé có tuổi thơ bất hạnh, vào 18 tuổi đã bị vào tù vì tội trấn lột. Chính ở trong tù, nhà ngoại cảm tương lai nói đã học được các quyền năng đặc biệt để có thể dùng tinh thần điều khiển các đồ vật bên ngoài. Một trong các tiết mục nổi tiếng nhất được trình diễn từ năm 1980, trong chương trình “That’s incroyable !” (Không thể tin được) của kênh truyền hình ABC, là nhà ngoại cảm nhờ chúa Giê Su hiện về để lật mở các trang của cuốn Kinh Thánh. Cũng vào lúc đó, James Alan Hydrick đã lập nên Học viện Công phu Thiếu lâm tại Salt Lake City, để giảng dạy về võ thuật và các quyền năng, như “cách không khiển vật”…
Trong thời gian biểu diễn, nhà ngoại cảm kiêm võ sư đã suýt bị người dẫn chương trình lật tẩy. Tuy nhiên, nhờ ứng phó khôn khéo, tiết mục của James Alan Hydrick vẫn đứng được, và càng thu hút được công chúng, cho đến khi Danny Korem, một ảo thuật gia có hạng xuất hiện và bắt nọn được bí mật của người nhờ chúa Giêsu mở Kinh Thánh. James Alan Hydrick đã thú nhận sự thực và kể lại quá trình học nghề huyễn hoặc người khác.
Nhân câu chuyện của người nhờ chúa Giêsu mở Kinh Thánh, nhà tâm lý học, kiêm ảo thuật gia Richard Wiseman đã chỉ ra ra các nguyên tắc chủ yếu giúp cho nhà ngoại cảm có thể lừa được công chúng trong một thời gian dài, mà một nguyên tắc cơ bản nhất là cái nhìn của người xem chúng ta thường tập trung vào những gì mà chúng ta thích và coi là quan trọng nhất, và không chú ý đến những gì còn lại. Đó là cơ sở khiến cho James Alan Hydrick có thể dùng hơi thở lật giở trang sách một cách khéo léo đến nỗi, ngay cả người dẫn chương trình ở ngay bên cạnh, dù đã nghi ngờ, nhưng không thể phát hiện ra.
Tin vào những điều tưởng tượng : một cơ chế sinh tồn
Cuốn sách “Các thực nghiệm ngoại cảm đơn giản” vén lên bức màn bí ẩn của các hiện tượng dị thường, chủ yếu không chỉ là để phơi bày các kỹ thuật của nhà ngoại cảm, hay ảo thuật gia, mà chính là những bí ẩn trong thế giới tinh thần của mỗi con người. Ở trong sâu thẳm của mỗi người, có một ham muốn được tin tưởng vào những gì kỳ lạ. Rất nhiều người trong chúng ta sẵn sàng trả giá để được nhìn thấy những phép lạ này trở thành hiện thực.
Nhiều thực nghiệm tâm lý học cho thấy, trong những hoàn cảnh đặc biệt người ta thường muốn nhìn thấy những mối liên hệ mang tính tưởng tượng, hơn là nhận ra được những quan hệ mang tính nhân quả có thực. Ví dụ, những hoàn cảnh mang tính sống còn, như khi đi vào một khu rừng, nghe thấy tiếng cây cối rì rào, có người đoán là tiếng hổ, thì mặc dù có thể không có hổ thực, nhưng tốt hơn là vắt chân lên cổ mà chạy, trước khi có thể kiểm nghiệm được có đúng là hổ hay không. Cái cơ chế tâm lý mang tính sinh tồn này đã tiềm ẩn trong trí não con người, và có thể trỗi dậy một lúc nào đó, khi có các điều kiện phù hợp.
Thế giới ta sống còn nhiều điều lạ lùng hơn cả các hiện tượng "siêu nhiên"
Nhà tâm lý Richard Wiseman không có ý định lột trần cơ chế của các hiện tượng ngoại cảm để tận diệt chúng, mà chủ yếu là ông muốn vén bức màn bí ẩn của thế giới tâm lý, để con người có thể hiểu rõ hơn cơ chế của các hiện tượng dị thường, thậm chí có thể tự mình mô phỏng các hiện tượng được gọi là ngoại cảm, như một sinh hoạt mang tính giải trí.
Cuốn sách “Các thực nghiệm ngoại cảm giản đơn” kết thúc với lời của nhà toán học và phổ biến khoa học người Mỹ Martin Gardner, mới qua đời ở tuổi 95, vào năm 2010. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn cuối cùng trước khi mất, nhà toán học có nói, "một dòng sông đầy nước cũng kỳ diệu như một dòng sông rượu vang và những gì gần gũi cũng đầy thú vị như những gì ở một thế giới xa xăm".
Richard Wiseman cho rằng, việc vén lên bức màn bí mật của các hiện tượng siêu nhiên và dị thường không làm mất đi cái kỳ diệu trong thế giới của chúng ta, chính bởi vì trong thế giới chúng ta sống còn có bao nhiều điều đáng kinh ngạc khác.
*Giáo sư Richard Wiseman giảng dạy môn tâm lý học tại đại học University of Hertfordshire (Anh quốc).
Cuốn “Paranormality: Why we see what isn't there” do NXB Pan Macmillan (Luân Đôn) ấn hành vào năm 2011.

http://www.viet.rfi.fr/tong-hop/20120520-muon-tin-vao-nhung-hien-tuong-ky-la-coi-re-cua-ngoai-cam

Geen opmerkingen:

Een reactie posten