woensdag 30 mei 2012

Làng du lịch Cù Lần ở Lạc Dương, Ðà Lạt

May 28, 2012
Trần Tiến Dũng/Người Việt



Mỗi du khách chọn đến Ðà Lạt đều hướng đến không gian và khí hậu tuyệt vời của đô thị cao nguyên. Nhưng hiện nay, đô thị cao nguyên được thiên nhiên mát lành bảo bọc trong vòng tay này đang có nguy cơ biến thành một cái hộp khổng lồ. Những ngọn đồi bị cắt phẳng, những hồ nước thơ mộng bị ô nhiễm, đồi núi bị khoét đào lấy quặng thiếc, những khu du lịch với đủ loại dịch vụ ăn chơi nghẹt thở như dưới miền xuôi.


Cổng làng du lịch Cù Lần như một khu trại hướng đạo. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)


Trên chuyến xe đêm đến Ðà Lạt, người ta lại được nghe về những khu du lịch sinh thái to lớn. Có thật là du lịch sinh thái không? Cái chuyện đưa những phương tiện du lịch hiện đại như cáp treo, đu quay, tượng đài... chính là cách cắn xé cảnh quan thiên nhiên. Dùng những phương tiện phục vụ du lịch kệch cỡm, những trò vui chơi thời thượng coppy từ nước ngoài không khác gì đầu độc không gian và khí hậu Ðà Lạt.

Theo lời đồn về khu du lịch làng Cù Lần, chúng tôi tìm đến. Trên con đường quanh co giữa rừng thông nguyên sơ Lạc Dương. Từ trung tâm Ðà Lạt đến làng Cù lần khoảng hai mươi cây số, chúng tôi ai cũng mong muốn được bắt gặp một loại hình du lịch không khoét thủng rừng, không đun nấu khí hậu.

Nằm gọn trong một thung lũng giữa bốn bề đồi thông, từ trên đầu dốc nhìn xuống, ấn tượng đầu tiên chính là từng mái nhà của làng Cù Lần được che phủ thêm một lớp lá thông khô. Theo cách này, phần nào đó Làng Cù Lần muốn giấu mình để không làm phiền thiên nhiên.

Giữa thung lũng là một bãi cỏ xanh mướt, một hồ nước rộng, nhưng quan trọng là bàn tay con người không bày ra những vật phẩm trang trí kệch cỡm. Ði theo lối nhỏ lát đá xuống khu trung tâm làng là gặp cả một rừng hoa kim châm vàng điểm xuyết bằng những đóa hoa tú cầu tím.


Ðội xe Jeep đưa du khách khám phá rừng Lạc Dương-Ðà Lạt. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)


Nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ, người gắn bó với nhịp sống Ðà Lạt nói giọng xúc động. “Thấy hoa kim châm nhớ mẹ tôi. Ðà Lạt những năm bao cấp, khổ, món canh, món xào bằng hoa kim châm là niềm vui của người mẹ chăm con.”

Nếu sắc hoa vàng kim châm gợi nhớ đến bữa ăn bình dị thì phòng trưng bày tranh của người chủ làng Cù Lần lại là một bữa tiệc nghệ thuật hội họa đương đại Việt Nam giữa đại ngàn. Những họa sĩ thời danh như Lê Thiết Cương, Nguyễn Thanh Bình... có cảm giác gì khi tranh của họ được bày giữa rừng! Có thể đoán rằng, những họa phẩm tài hoa của họ sẽ như những đứa bé đang hòa nhịp sống nghệ thuật với thiên nhiên, đang mơ cùng giấc mơ với cỏ cây và muôn bướm.

Làng Cù Lần đón khách muốn ở lại qua đêm với rừng, nhìn cách mà ngôi làng du lịch này chuẩn bị những căn nhà nghỉ với vẻ ngoài đơn sơ hòa hợp với cảnh rừng và giấu đi những tiện nghi cao cấp của sinh hoạt cá nhân, chính điều đó tạo ra cho khách cảm giác chỉ cách mấy bước chân là du khách có thể trở lại với vòng tay thiên nhiên tuyệt mỹ, rồi quay về với không gian gia đình ấm cúng.


Nhà nghỉ cho du khách qua đêm giữa núi rừng cao nguyên Ðà Lạt. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)


Người tạo ra làng Cù Lần là một nhạc sĩ, ông Văn Tuấn Anh. Có vẻ ông thích mọi người gọi mình là già làng Cù Lần. Ông cho biết, thung lũng này trước kia là rừng cây cù lần, bà con người dân tộc dùng loại cây này tạo ra những con cù lần bằng thực vật và đó là một trong những sản phẩm thủ công làm quà lưu niệm nổi tiếng nhất Ðà Lạt. Nơi này cũng là nơi sinh sống của loài động vật hoang dã có tên là Cù Lần, loài vật hiền lành và có đôi mắt đẹp nhất thế gian.

Theo ông, mục đích lập làng Cù Lần không phải để du khách thấy một cảnh giả theo kiểu đưa nông thôn về phố, đưa phố thị về rừng. Chỉ cho chúng tôi về những chiếc xe Jeep kiểu quân đội, ông nói: “Ða số du khách đến đây đều muốn ngồi trên những chiếc xe này để làm một vòng cao nguyên hoang dã, người lớn tuổi nhất là Việt kiều thì sống lại với Ðà Lạt xưa, người trẻ tuổi thì hăm hở với những cảm giác mới lạ.”


Thảm hoa kim châm ở làng Cù Lần. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)


Như những du khách khác, chúng tôi cũng làm một tour xe Jeep quanh làng du lịch Cù Lần. Ðiều có ý nghĩa mà chúng tôi cảm nhận từ làng du lịch này chuyện rừng thông, suối vàng được tôn trọng giữ gìn đúng mức. Nhiều người có ý lo ngại khi ông nói về bước tiếp theo của làng Cù Lần là dành riêng một góc rừng thưa để những nhóm người trẻ, những đoàn du khách đông người đến chơi những trò chơi vận động giữa rừng và ngủ lại qua đêm trong lều bạt. Nhưng ông già làng Cù Lần nói, nếu không tạo điều kiện cho những người trẻ tuổi hôm nay về với rừng và không tin họ thì lấy gì giáo dục ý thức tôn trọng thiên nhiên.

Trong chiều ngồi ngắm mưa rừng giữa làng Cù Lần, mỗi thời khắc trôi qua là mỗi thời khắc con người thấm đẫm cái đẹp cao cả của núi rừng. Nếu những thời khắc quí giá này mà con người vẫn để bị quấy rầy công việc qua điện thoại di động hay vướng víu những nhu cầu kích động của nhịp sống thị dân thì quả là đáng thương. Nếu cho rằng làng Cù lần là một góc cô đơn thì không gì tuyệt vời hơn là hãy đến và để cho núi rừng cao nguyên Lang Bian lộng lẫy lấp đầy những khoảng trống lạc lõng.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=149407&zoneid=310

Geen opmerkingen:

Een reactie posten