dinsdag 22 mei 2012

Bắt chuột

May 20, 2012
Duy Thức

Vài ba chiếc xe đạp cũ kỹ, trên có chở một số lồng, bẫy chuột bằng loại dĩ sắt mỏng tanh. Lồng chuột bề ngang độ một gang tay, bề dài ba gang tay. Có loại nhỏ hơn giá mười lăm ngàn hay lớn hơn một chút hai mươi lăm ngàn đồng. Một số keo đựng trong hộp dán nhãn keo dính chuột bán sáu ngàn một hộp. Loại này trước kia ở Hà Nội, sau người ta vào Sài Gòn ở vùng Biên Hòa sản xuất bán khắp miền Nam ngược cả ra ngoài Bắc.



Bẫy chuột. (Hình: Duy Thức)


Anh bán hàng chạy xe đạp qua các đường hẻm, ai nấy quen thuộc với các giọng rao qua hẻm. Bây giờ hầu hết hàng rong đều rao qua máy cát sét. Nhà nào cũng đóng cửa kín mít, phố xá ồn ào náo nhiệt nên tiếng rao thông thường không thể đến tai người trong nhà. Suốt ngày người ta nghe bánh mì nóng hổi ba ngàn một ổ, cân sức khỏe hai ngàn đồng... và bên cạnh đó là giọng ồ ồ phát âm từ cái máy cũ kỹ: Keo dính chuột đây! Keo dính chuột đây! Công nghệ mới và siêu dính chuột.

Người đàn ông gầy gò, mới khoảng bốn mươi tuổi mà trông xanh xao yếu ớt ngừng xe, tắt máy cát sét, hỏi:

-Nhà bác có chuột nhiều lắm không. Loại chuột nhắt này để vài miếng siêu dính chuột thì sẽ bắt trọn ổ!

Tôi nói:

-Thật ra thì chỉ có một con chuột cống lớn ở dưới cống, tối chui lên, bị chó rượt nên núp vào mấy chậu kiểng rồi theo thân cây cao mà leo tuốt lên gác nằm trên đó, dưới mấy tấm ván lót gác. Nó chỉ chờ tối thì chạy theo cầu thang, xuống nhà bếp kiếm ăn. Ban đêm nó chạy thình thịch như ma đi vậy. Mấy đứa nhỏ lại sợ chuột, canh chừng lấy cây đập hụt mấy lần khiến nó dạn thêm và còn tỏ ra chọc tức mình nữa chớ.

Con chuột phá hoại nhà cửa quá, để gì cũng tha đi mất, đến nỗi trong nhà không ai dám chửi rủa nó, hễ xỉa xói thì nó càng lộng lên, lục phá nồi niêu, thức ăn, tha cả mấy cục xà bông và luôn chai dầu phong mới mua. Có lẽ chuột khoái uống dầu phong có mùi dừa hay sao.

Anh ta chỉ mấy cái lồng bẫy chuột bằng lưới mắt cáo nói:

-Nó quỷ quái như thế bác phải gài bằng cái bẫy này, cho chuột chui vô, bẫy sập xuống bắt mới được.

Thường bây giờ, người ta dùng lồng hay keo dính chứ ít chuộng bẫy kẹp nữa. Chiếc bẫy kẹp nhỏ nhắn, gọn gàng hơn lồng nhưng bị nhiều người than phiền chưa thấy chuột đâu, chân người đạp trúng trước.

Rác rến người ta thường bỏ khắp nơi, thùng rác không có nắp... nên chuột lộng hành. Ở những khu đông đúc, nhà mặt tiền nếu không buôn bán thường ít mở toang cửa vì sợ chuột cống ngoài đường chạy vào nhà.

Bẫy chuột không phải thứ đắt hàng nên xem chừng anh bán hàng có vẻ mỏi mệt. Anh ta rút chai nước giắt ở giỏ xe uống nghỉ ngơi:

-Ðúng ra tôi là thợ săn, thợ đốn củi và làm rừng, đôi khi săn thú bán thịt nữa nhưng chẳng may tôi leo cây cao, bắt tổ ong rừng thì bị ngã xuống, bị vẹo cột sống từ đó không làm gì nặng được.

Tôi ngạc nhiên:

-Lâm Ðồng nhiều thú rừng à?

Anh ta lắc đầu, vỗ tay lên mấy cái bẫy chuột có vẻ mỏng manh nói:

-Rừng bây giờ đã hết cây cả rồi nên thú cũng lần vào núi hang sâu mất hết. Sau kỳ bị ngã, công việc nhà giao cho vợ làm nương rẫy với vài công đất hoang trồng cà phê. Năm nay thời tiết thất thường quá, lại thiếu vốn, nên cà phê thiếu nước, tôi phải xuống Biên Hòa lãnh hàng. Mỗi ngày bán năm bảy cái cái lồng sắt, vài ba hũ keo dính chuột.

Tôi mời anh uống ly nước rồi nói:

-Ở nhà tôi có con chuột cống lớn tinh quái, ăn hết mồi mà không cách nào bắt được nó. Người ta bảo chuột biết nghe tiếng người nên nếu trong nhà đặt bẫy thì chỉ lặng thinh mà làm, chớ nói ra lời, nó nghe được biết đường tránh...

Trước đây tôi ở vườn Thủ Ðức cũng có một con chuột lớn đen mun như con chồn. Thấy nó chạy chầm chậm trước mặt mà không cách gì đập trúng. Có bao nhiêu gà, vịt con mới nở đều bị nó mò vào tha đi hết. Sau đem con chó berger về thì chuột cống này trốn ra ruộng mất tích luôn.

Ðúng ra, mỗi lần diệt chuột, người ta phải rắc vôi bột chôn. Trong thành phố đất đâu mà chôn, thay vì bỏ thùng rác thì nhiều người có thói quen đợi lúc vắng, mang vất ra ngoài đường, cũng không phải tại đống rác vỉa hè mà ngay giữa đường xe cộ chạy qua lại. Chừng một buổi thì tan vào cát bụi. Xác con chuột nằm phơi giữa đường là một hình ảnh quen thuộc của thành phố.

Người bán bẫy chuột nói:

-Có thời gian tôi đi củi ở Cà Mau, Rạch Giá. Mùa nước nổi trăn, rắn và chuột leo lên mấy cây tràm đánh đu trên đó. Mình cứ bơi ghe lại gần rồi lấy dầm mà đập. Chúng rớt xuống bắt cả giỏ.

Tôi nói tiếp:

-Ở quê người ta dùng chó để săn chuột. Gặp hang chuột thì chó sủa người đi săn cứ việc lấy chĩa ba đâm vào thế nào cũng dính hoặc lấy rơm un vào hang chuột rồi chờ chuột chui ra ngách mà bắt.

Có khi mấy chàng trai đồng thò tay vào hang chuột mà lôi ra con chuột dính sình lem luốc cả, bỏ vào giỏ hay mấy cái thùng thiếc xách theo tay. Ban đêm, người ta xách đèn lồng đuổi chuột mà bắt.

Có nơi nhiều chuột quá thì người ta lấy chà bồi, nhánh cây ủ trong lùm chuối rậm rồi bỏ mồi là các thức ăn thừa như cá mắm, ruột gà ruột vịt và các loại gà vịt con chết, bên ngoài giăng các loại đăng bằng tre như rèm lớn bao quanh chỉ để cửa cho chuột vào. Chuột làm ổ sanh đẻ trong đó cả trăm con, đến ngày bắt chuột, bà con bao tròn cái đăng lớn lại như mành lưới bằng tre rồi xông vào giữa mặc sức bắt chuột. Mỗi dịp như vậy cả xóm rùm beng la lối vui vẻ lắm, bắt bỏ vào giỏ rồi về chia nhau.

Người ta cũng gài dây điện để giật và đuổi cho chuột chạy vào cả trăm cái rọ gài chung quanh bờ ruộng.

Nhớ những mùa lúa sau năm 75, chuột bị động rừng từ Campuchia băng đồng chạy thành đàn dài như vô tận từ hướng biên giới vào Tân An. Tôi có người bạn, sau 75 anh bỏ nghề thợ bạc, mua đất trồng nghệ sát biên giới. Cả chục mẫu nghệ bị chuột từ Campuchia về chỉ qua một hai đêm thì ăn hết sạch. Anh bạn đó dùng bẫy dựng rào điện bao vây bắt chuột không biết cơ man nào cho xuể.

Có lần tại thôn Tam Châu, Thủ Ðức nhiều chuột quá. Nhà nước hô hào diệt chuột, phát thuốc cho dân chúng để giết chuột. Mỗi tối phát mồi, đến sáng có người đi thu lại. Ðó là loại thuốc chuột cực độc. Hại thay, sáng hôm đó quên bỏ thuốc chuột ở đâu, đến trưa phát giác có một em trai ăn nhầm nằm chết sau hè. Do đó, sau này người ta bớt dùng thuốc chuột.

Dưới quê bắt chuột cống nhum ở đồng. Họ nướng như người ta quay heo vậy. Thế là cả xóm hè nhau vừa nhai xương chuột thơm phức vùi ướp tỏi và ngũ vị hương. Chuột nhiều quá hằng trăm ký, họ làm thịt xỏ xâu đem bán cho các chợ búa quanh vùng.

Sau này các nhà hàng ở thành phố, có làm thịt chuột đủ mọi kiểu cách bán cho dân ăn nhậu, vì thế mà thịt chuột trở thành món đặc sản, không đủ bỏ mối cho các nhà hàng, phải lấy thêm từ Campuchia sang bán.

Người sành ăn cho rằng thịt chuột đồng màu trắng, chuột nhà màu đen nhưng thịt chuột cũng như các loại thịt khác, sau khi đã tẩm ướp rất nhiều gia vị, hóa chất không tên rồi chiên xào nấu nướng lên thì thực khách khó mà phân biệt nổi chuột đồng hay chuột nhà, thịt tươi hay thịt ôi.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=149050&zoneid=310

Geen opmerkingen:

Een reactie posten