zaterdag 19 mei 2012

Cannes sức sống tràn đầy, châu Âu phim khó vực dậy

18 Tháng Năm 2012   
Nữ diễn viên Pháp Bérénice Béjo và chủ tịch ban giám khảo là đạo diễn Ý Nanni Moretti (REUTERS)
Nữ diễn viên Pháp Bérénice Béjo và chủ tịch ban giám khảo là đạo diễn Ý Nanni Moretti (REUTERS)
Tuấn Thảo
Vào lúc các ngôi sao màn bạc quốc tế tề tựu về Cannes để tham gia liên hoan tầm cỡ hàng đầu thế giới, thì ở trong hậu trường, giới chuyên nghiệp có mặt tại hội chợ phim không khỏi lo âu trước tình hình không mấy sáng sủa của ngành sản xuất điện ảnh. Riêng tại châu Âu, chỉ có một mình nước Pháp là bội thu trong khi nhiều quốc gia khác lại bị thất thu lỗ lã.
Liên hoan Cannes lần thứ 65 đã mời đạo diễn Ý Nanni Moretti làm chủ tịch ban giám khảo năm nay. Đạo diễn kỳ cựu Bernardo Bertolucci (tác giả của bộ phim The Last Tango in Paris - Điệu Tango cuối cùng ở Paris) cũng đến Cannes để trình làng tác phẩm mới của ông mang tựa đề Io e Te (Em và Anh). Còn trong hạng mục Cannes Classics chuyên giới thiệu lại các tác phẩm kinh điển, tên tuổi của Sergio Leone được vinh danh với phiên bản mới được trùng tu của bộ phim Il était une fois l’Amérique (Huyền thoại nước Mỹ). Điều này có thể làm cho người Ý tự hào phấn khởi, nhưng có lẽ đó là cái tin vui duy nhất.
Theo lời ông Nicola Lusuadi, chuyên viên điều hành phối hợp của tổ chức Cento Autori của Ý, bao gồm gần 500 tác giả, đạo diễn và nhà biên kịch, thì thời kỳ huy hoàng của nền điện ảnh Ý đã thuộc về quá khứ. Nói cách khác, điện ảnh của Ý nếu có tỏa sáng là nhờ vầng hào quang do các thế hệ trước để lại. Các nhà làm phim ở Ý giờ đây khó mà huy động được vốn tài trợ cho các dự án quay phim. Đến khi quay xong, thì chưa chắc gì phim sẽ được phân phối, phổ biến rộng rãi.
Vào năm 2011, nước Ý đã sản xuất khoảng 150 bộ phim truyện, nhưng chỉ có 70 tác phẩm (tức là chưa bằng một nửa) mới được trình chiếu ở các rạp hát. Phần còn lại được khai thác qua ngõ thị trường DVD hay bằng cách bán cho các kênh truyền hình. Tình trạng này phần lớn là do sự cạn kiệt của các nguồn kinh phí của chính phủ cũng như của các công ty tư nhân. Riêng trong năm 2012, bộ Văn hóa Ý do chính sách thắt lưng buộc bụng đã cắt bỏ phần tài trợ cho các dự án làm phim.
Tại Tây Ban Nha, tình hình cũng không tươi sáng hơn. Trong năm nay, chính quyền Madrid đã giảm đến 35% ngân sách dành cho ngành điện ảnh trong nước. Hậu quả đầu tiên là số lượng dự án quay phim đã giảm hơn một nửa. Theo bà Susana de la Sierra, giám đốc Cơ quan phim ảnh quốc gia ICAA, nền điện ảnh Tây Ban Nha tồn tại nhờ xuất khẩu nhiều phim sang nước ngoài, nhưng bụt nhà lại không thiêng, vì trên thị trường nội địa, phim Tây Ban Nha lại ít thu hút khán giả ở trong nước.
Cuộc khủng hoảng kinh tế tác động lên điện ảnh Tây Ban Nha ở hai khía cạnh : khán giả tiết kiệm chi tiêu nên càng ít đi xem phim. Ngành sản xuất hạn chế các dự án làm phim, làm nghèo đi tính phong phú đa dạng của một nền điện ảnh có tầm cỡ. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất phim Tây Ban Nha FAPAE, nhiều nhà đạo diễn nước này tiếp tục hoạt động nhờ các dự án hợp tác làm phim với nước ngoài, chủ yếu là châu Âu, Hoa Kỳ và châu Mỹ La Tinh.
Trong năm qua, số lượng dự án hợp tác với ngoại quốc lên đến hơn 80 phim, tức bằng hơn một nửa số phim sản xuất ở trong nước. Hiện tượng này là một con dao hai lưỡi, do môi trường quay phim không mấy thuận lợi, cho nên một số nhà đạo diễn Tây Ban Nha sang nước ngoài lập nghiệp. Đất lành chim đậu, nhưng điện ảnh Tây Ban Nha lại bị chảy máu chất xám, thất thoát nhân tài.
Tình trạng của Bồ Đào Nha, nước láng giềng của Tây Ban Nha, lại càng thê thảm hơn. Kể từ khi chính sách khắc khổ được ban hành, nguồn tài trợ của chính phủ cho các bộ môn nghệ thuật đã giảm đến 38% trong giai đoạn 2009-2012. Sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 6 năm 2011, Bồ Đào Nha không còn Bộ Văn hóa, mà chỉ giữ lại một Quốc vụ khanh trực thuộc văn phòng chính phủ. Trung tâm điện ảnh quốc gia ICA trước kia tài trợ hàng năm cho khoảng 40 dự án quay phim.
Vào năm 2012, trung tâm này không còn tiền để hỗ trợ cho bất cứ dự án nào. Điều đó đã tạo ra một làn sóng phản đối khá mạnh mẽ trong giới hoạt động văn hóa. Cách đây một tháng, một bức thư ngỏ quy tụ hơn 1.500 chữ ký của giới trí thức, văn nghệ sĩ đã tố cáo chính quyền Lisboa bỏ rơi nền điện ảnh Bồ Đào Nha. Trong số này, có đạo diễn kỳ cựu Manoel de Oliveira, năm nay 103 tuổi, và rất nổi tiếng ở nước ngoài. Ông đã lưu ý các nhà chức trách trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của nền điện ảnh Bồ Đào Nha
Còn tại Anh Quốc, khủng hoảng kinh tế kéo dài đe dọa trực tiếp các hãng phim độc lập nhiều hơn là các công ty sản xuất phim thương mại. Nhờ có truyền thống hợp tác lâu năm với các hãng phim Mỹ, cho nên điện ảnh Anh Quốc tiếp tục hái ra tiền : thu hút 171 triệu lượt người xem trong năm qua, trong khi doanh thu của ngành sản xuất lên đến 1,5 tỉ euro hàng năm. Tuy nhiên, luồng sinh khí này chủ yếu có lợi cho dòng phim thị trường, trong khi các bộ phim độc lập, không thuộc dòng chính chỉ chiếm chưa tới 6% doanh thu hàng năm. Ngoại trừ các tên tuổi lớn như Ken Loach, Stephen Daldry hay Stephen Frears, các nhà làm phim độc lập ngày càng khó mà huy động vốn, do phim nghệ thuật bị đánh giá là quá nhiều rủi ro vì ít có khả năng ăn khách.
Tương lai của các nhà làm phim độc lập lại càng u ám hơn khi mà Hội đồng quốc gia UK Film Council, một cơ quan nhà nước chuyên tài trợ các dự án làm phim, vừa bị giải tán. Thẩm quyền của cơ quan này được chuyển giao cho Viện Phim ảnh Anh Quốc British Film Institute, nhưng liệu cơ quan này có tài trợ cho các dự án làm phim độc lập hay chăng ? Điều đó còn chưa rõ ràng. Vào lúc mà Liên hoan Cannes phô trương nét hào nhoáng lộng lẫy, một loại tủ kính trưng bày của nghệ thuật thứ bảy với sức sáng tạo tràn đầy, thì nhiều nền điện ảnh châu Âu đang khốn đốn lao đao, chật vật xoay sở để tìm cách vực dậy.

http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20120518-cannes-suc-song-tran-day-phim-chau-au-kho-khan-vuc-day

Geen opmerkingen:

Een reactie posten