zondag 13 mei 2012

Cư dân mạng Trung Quốc dùng kiểu "nói lóng" để luồn lách sự kiểm duyệt

12 Tháng Năm 2012       
Một cửa hàng cung cấp dịch vụ internet tại Bắc Kinh (Reuters)
Một cửa hàng cung cấp dịch vụ internet tại Bắc Kinh (Reuters)

Minh Anh
Để luồn lách sự kiểm duyệt thông tin chặt chẽ của chính quyền Bắc Kinh, các cư dân mạng tại Trung Quốc đã sáng tạo ra một kiểu mã ngôn ngữ nhờ vào sự đa dạng thanh điệu trong Hoa ngữ, nên tạo ra hiện tượng đồng âm, để có thể đề cập đến các chủ đề nhạy cảm. Đề tài này đã được tờ phụ san văn hóa của báo Le Monde phản ánh qua bài viết : "Mạng Internet, thật là khó hiểu !"

Câu chuyện bắt đầu từ việc một Hoa kiều sống tại Pháp không thể nào giải mã được nội dung một câu chuyện do một người bạn trong nước gởi qua mạng Internet. Một câu chuyện hiện đang được lan truyền rất rộng rãi trong nước. Vấn đề là mọi nét chữ và các từ đều rất quen thuộc, nhưng anh Hoa Kiều này không tài nào hiểu được ý nghĩa đoạn văn.
Mô phỏng theo các nhân vật rối Teletubbies trong một bộ phim truyền hình nhiều tập giành cho trẻ em nổi tiếng tại Anh, câu chuyện « cuộc chiến của các con rối Teletubbies chống lại giáo chủ Không (Kong)», kể về cuộc chiến của các con rối, dưới sự hỗ trợ của Kumho, một thương hiệu vỏ xe ô-tô Hàn Quốc, chống lại các loại mì ăn liền « Giáo chủ Không ». Các chú rối và đồng minh phá vỡ thành công mưu toan của Giáo chủ Không nhằm áp đặt món lẩu Trùng Khánh lên thị trường. Xuất hiện trong câu chuyện trên còn có các thương hiệu khác như nước uống Vương Lão Cát và bột giặt Tide.
Le Monde giải thích, Teletubbie và Kumho được dùng để ám chỉ hai nhà lãnh đạo chính hiện nay là ông Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao) và ông Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao). Theo phiên âm sang tiếng Hoa, Teletubbies được phiên thành chữ ‘bảo’ (bao), nghĩa là « kho báu ». Còn chữ Kumho có chứa đựng các nét tự « hu » (Hồ) và « jin » (Kim). Teletubbies và Kumho phải đối đầu với Giáo chủ Không – chính là ông Chu Vĩnh Khang. Cả ba người này đều là thành viên của Ban Thường vụ Chính trị - trung tâm quyền lực, mà chín ghế thành viên sẽ được đề cử mới lại vào tháng 10 năm nay nhân Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18.
Theo câu chuyện Teletubbies, cư dân mạng Trung Quốc ám chỉ đến việc ông Chu Vĩnh Khang muốn đề bạt người của mình là Bạc Hy Lai, con trai của một nhà cách mạng lão thành và là nhân vật số 1 của tỉnh Trùng Khánh (được mô tả trong Teletubbies là « lẩu Trùng Khánh ») đối mặt với nhân vật số 1 trong tương lai – Tập Cận Bình (Xi Jinping) – được mệnh danh là bột giặt Tide – viết theo tiếng Hoa là Taizi xiyifen – nghĩa là « bột giặt tẩy sạch các vết bẩn ». Tuy nhiên, qua thay thế vài nét tự tinh tế, thuật ngữ này cũng có thể hiểu là « hoàng tử Tập » tức Tập Cận Bình.
Chính mưu toan chạy trốn của Vương Lập Quân (trong câu chuyện tưởng tượng là Vương Lão Cát) - cánh tay mặt của Bí thư tỉnh Trùng Khánh vào Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô (chính là nhân vật Coca-cola trong Teletubbies) đã dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của Bạc Hy Lai.
Câu chuyện kết thúc với lời kết như sau : « Lẩu Trùng Khánh muốn xâm nhập thị trường bằng mọi giá, nhưng chỉ có ứng viên duy nhất có thể mà thôi và ai cũng thấy rõ đó chính là bột giặt Tide ».
Chỉ trong vòng có vài ngày, câu chuyện Teletubbies và giáo chủ Không đã lan truyền rộng rãi trên Net Trung Quốc. Nhờ vào câu chuyện này, mà cư dân mạng có thể đề cập một chủ đề chính trị nhạy cảm vốn không có chỗ đứng trên các trang báo chính thống. Theo nhận xét của Severine Arsène, chuyên gia về Internet Trung Quốc, cách thức sử dụng này không có gì là mới mẻ. Cách sử dụng ngôn ngữ mã hóa này đã từng được các nô lệ sử dụng trong thời kỳ chế độ nô lệ.
Điều đáng chú ý là hiện tượng này đã được các thế hệ mới, được gọi là « thế hệ sau 80 » dùng đến nhiều nhất. Đây chính là thế hệ sinh sau năm 1980, những giới trẻ thành thị mang tinh thần chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn những bậc anh chị đi trước, là môn đồ của công nghệ mới và là thế hệ không ngần ngại thổ lộ tâm tư của mình trên các trang blog, các diễn đàn và các tiểu blog.
Tuy nhiên, theo nhận định của báo Le Monde, sự trỗi dậy của một nền văn hóa phản kháng cũng chưa hẳn là tín hiệu của một sự cảnh báo triệt để cho đảng Cộng sản Trung Quốc. Khác với các nhà đối lập như Ngải Vị Vị hay như Lưu Hiểu Ba phản đối công khai chế độ thường là đối tượng của các vụ trấn áp (bắt giam hay quản thúc tại gia), « thế hệ sau năm 80 » phần đông vẫn theo chủ nghĩa chính thống.
Họ thích mỉa mai cách « tuyên truyền của thế hệ cha anh » nhưng sẵn sàng thích nghi với các dự án của các nhà lãnh đạo ủng hộ cải cách, những người cấp tiến nhất. Theo Johan Lagerkvist, chuyên gia về Trung Quốc, những « viên chức công nghệ” này muốn dựa vào các công nghệ mới để thiết lập một “cách điều hành tốt” dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten