Mùng hai Tết hàng năm, tám cặp vợ chồng cùng quây quần tại nhà tôi. Các ông chồng xì xồ nói tiếng Hoa, tiếng Anh, cười ha hả. Các bà vợ hì hục xếp dọn bàn ăn. Mâm cỗ có các món của cả người Việt người Hoa. (Minh Hoài, Singapore)
> Gửi bài dự thi Xuân Quê hương
Năm mới tại quốc đảo Singapore. Ảnh: sentosa |
Hai tuần nữa là đến Tết rồi. Ngày Tết của Việt Nam cũng trùng với ngày Tết của người Hoa bên Singapore. Chợ hoa ở khu người hoa đã bắt đầu nhộn nhịp. Các cửa hàng, siêu thị tràn ngập bánh kẹo, nước ngọt, thực phẩm và bánh năm mới.
Suốt buổi sáng, tám đứa chúng tôi đã qua mấy khu chợ: chợ người hoa, chợ Ấn Độ nhỏ để tìm đồ Tết truyền thống của Việt Nam. Chúng tôi tuy nơi cư ngụ tại những nơi khác nhau Hà Nội, Hải Hưng, Thái Nguyên… nhưng đều lấy chồng người Singapore gốc Hoa, cùng theo chồng về đây sinh sống. Quen nhau tình cờ qua các buổi gặp gỡ, họp mặt, cả nhóm kết thành hội vợ Việt tại Singapore, nương tựa vào nhau nơi đất khách quê chồng.
Năm đầu tiên xa nhà, nghĩ đến Tết đứa nào cũng nôn nao, rưng rưng nước mắt. Có xa quê mới biết nỗi lòng của người xa xứ. Đứa nào cũng thèm một cái Tết cổ truyền bên người thân và gia đình. Thế là bàn nhan họp mặt ngày mùng 2 đón Tết cho vơi đi nỗi nhớ nhà. Nhưng Tết không có dưa hành, bánh chưng xanh, câu đồi đỏ thì đâu phải là Tết.
Bàn đi tính lại, cuối cùng cả nhóm quyết định cùng nhau chuẩn bị đồ Tết. Đầu tiên là gói bánh chưng. Gạo đỗ thịt thì có sẵn, chỉ thiếu lá dong và lạt tre. May mắn sao ở trong một khu nhà có trồng rất nhiều cây dong làm cảnh. Năn nỉ xin ít lá về gói bánh, mấy anh bảo vệ khu nhà cứ trợn tròn mắt ngạc nhiên không biết chúng tôi cần lá này để làm gì.
Vậy là cũng nhộn nhịp ngâm gạo, đãi đỗ, ướp thịt, rửa lá, lau lá. Vừa làm vừa nói chuyện râm ran, nhắc những kỷ niệm vui của từng gia đình. Bánh gói vo, không có khuôn lại chẳng quen làm nên cái bánh nào cũng hơi méo méo. Thế mà vẫn vui, vẫn thấy nao nao trong lòng.
Gửi bài dự thi tại đây hoặc xuanquehuongvne@gmail.com Bấm vào đây để xem thể lệ |
Không có lạt tre chúng tôi dùng dây ni lông buộc. Bánh xanh dây đỏ trông cũng rất đẹp mắt. Hì hụi mãi cuối cùng cũng có 16 cái bánh chưng xanh. Không có bếp củi, cũng chẳng có nồi lớn, thế là chia nhau mỗi đứa mang về nhà hai cái, tự luộc.
Có bánh rồi, chúng tôi lại phải lo đến nồi măng. Măng lưỡi lợn thì có trữ sẵn một ít từ những lần về thăm nhà trước đây. Giò heo thì phải đi chợ mua. Cứ tưởng mua giò heo thì dễ, không cần phải nói tiếng Hoa nên chẳng đứa nào chịu học từ giò heo. Đến chợ Ấn Độ nhỏ mới té ra là các sạp bán thịt không bầy giò heo.
Nói tiếng Anh thì họ không hiểu, tiếng Hoa thì chúng tôi không biết. Cuối cùng đành phải dùng đến ngôn ngữ toàn cầu: chỉ trỏ. Tôi ra hiệu rồi cho ông chủ sạp nhìn mình rồi đập đập tay vào chân mình. Thế mà lại OK. Ông chủ lập tức lôi từ trong gầm sạp ra một đống giò heo trắng trẻo, mập mạp. Chủ khách nhìn nhau gật gù rồi cười vang.
Mùng hai Tết, tám cặp vợ chồng cùng quây quần tại nhà tôi. Các ông chồng xì xồ nói tiếng Hoa, rồi tiếng Anh, chơi bài, cười ha hả. Các bà vợ thì hì hục xếp dọn bàn ăn.
Mâm cỗ đầu năm có các món truyền thống của người Hoa: nộm đu đủ cà rốt, cá chiên nước tương, hải sâm hầm vịt, súp vi cá, tôm chiên dầu hào. Cạnh đó là các món truyền thống của người Việt: canh măng chân giò, bánh chưng, dưa hành tím, gà luộc lá chanh, lòng gà xào dứa, nem rán.
Cỗ đã sẵn sàng. Tất cả đứng quanh bàn, trộn nộm đu đủ cà rốt để khai tiệc. Theo phong tục, ai cũng cố gắng giơ đũa nộm của mình cao hơn người khác để lấy hên và cùng nhau đọc những lời chúc tốt lành bằng tiếng Hoa, tiếng Anh và tiếng Việt.
Hạnh phúc đôi khi thật giản đơn: một bữa cơm truyền thống, những người bạn tốt để cùng đón Xuân sang. Nhưng nếu ở quê hương mình thì bao giờ cũng tuyệt vời hơn.
Minh Hoài
Geen opmerkingen:
Een reactie posten