Lực lượng Hoa Kỳ đã sẵn sàng với “nhiều phương án” để đối phó với các hành vi hung hăng ngày càng gia tăng ở Biển Đông nếu được lệnh thực hiện chung và sau khi tham vấn với đồng minh hiệp ước là Philippines, một đô đốc Hoa Kỳ cho biết ngày 29/8.
Đô đốc Samuel Paparo, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ USINDOPACOM, người đứng đầu số lượng quân tác chiến lớn nhất bên ngoài lục địa Hoa Kỳ, từ chối cung cấp thông tin chi tiết về các lựa chọn dự phòng mà ông đề cập.
Bình luận của ông Paparo được đưa ra khi được hỏi tại một cuộc họp báo về việc hai đồng minh hiệp ước lâu năm là Mỹ và Philippines có thể làm gì để đối phó với cái gọi là chiến thuật vùng xám của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp.
“Chiến thuật vùng xám” ám chỉ các phương thức tấn công, như bắn vòi rồng, chặn và đâm húc vào tàu đối phương trong vùng biển tranh chấp, nằm dưới ngưỡng của một cuộc tấn công vũ trang thực sự và sẽ không cho phép Philippines viện dẫn Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 với Hoa Kỳ. Hiệp ước này bắt buộc một trong hai nước phải giúp đỡ nước kia trong trường hợp bị tấn công vũ trang từ bên ngoài.
“Chúng tôi chắc chắn đã chuẩn bị một loạt các phương án và USINDOPACOM luôn sẵn sàng, nếu được yêu cầu, sau khi tham vấn theo hiệp ước để thực hiện các phương án đó cùng với đồng minh của chúng tôi”, ông Paparo nói.
Việc nêu chi tiết các phương án quân sự của Hoa Kỳ sẽ cho phép “kẻ thù tiềm tàng” “xây dựng biện pháp đối phó với những phương án đó”, ông cho biết.
Ông Paparo đã tổ chức một cuộc họp báo chung với Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Romero Brawner Jr., sau khi cả hai chủ trì một cuộc họp thường niên tại thành phố miền núi Baguio ở phía bắc Philippines để thảo luận về các thách thức an ninh và các kế hoạch quân sự. Trong các kế hoạch quân sự đó có cuộc tập trận tác chiến Balikatan lớn nhất của hai đồng minh hiệp ước diễn ra vào tháng 4 với sự tham gia của hơn 16.000 quân nhân Mỹ và Philippines và một phần được tổ chức ở Biển Đông.
Trả lời một câu hỏi, ông Paparo nhắc lại rằng quân đội Hoa Kỳ sẵn sàng, sau các cuộc tham vấn hiệp ước với Philippines, hộ tống các tàu Philippines ở Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila ở vùng biển tranh chấp gia tăng. Viễn cảnh như vậy có nguy cơ khiến các tàu của Hải quân Hoa Kỳ va chạm trực tiếp với các tàu của Trung Quốc.
Washington và Bắc Kinh đã có những xung đột về các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông và mục tiêu tuyên bố sáp nhập Đài Loan của Bắc Kinh, bằng vũ lực nếu cần thiết.
Tướng Brawner nói Philippines vẫn có thể tự bảo vệ mình ở vùng biển tranh chấp, nơi căng thẳng với lực lượng cảnh sát biển, hải quân và các tàu dân quân của Trung Quốc đã tăng đột biến kể từ năm ngoái.
“Nếu chúng ta đã dùng hết mọi phương án mà vẫn không có kết quả, thì đó là lúc chúng ta có thể nhờ giúp đỡ”, ông Brawner nói với các phóng viên.
Khi lực lượng Philippines ở vùng biển tranh chấp “đang bên bờ vực tử thần” vì nguồn cung cấp lương thực bị lực lượng Trung Quốc chặn lại, “thì đó là lúc chúng ta sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ của Hoa Kỳ”, ông Brawner nói, nhưng cũng nói thêm rằng “chúng ta vẫn còn nhiều phương án”.
Trong cuộc tập trận giữa lực lượng Hoa Kỳ và Philippines vào tháng 4, quân đội Hoa Kỳ đã vận chuyển một hệ thống phi đạn tầm trung đến miền bắc Philippines, khiến Trung Quốc tức giận, nước này cảnh báo rằng hệ thống phi đạn này có thể gây ra cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực và gây nguy hiểm cho sự ổn định của khu vực. Bắc Kinh yêu cầu hệ thống phi đạn của Hoa Kỳ, có thể đe dọa Trung Quốc đại lục, phải được rút khỏi Philippines.
Ông Paparo và ông Brawner từ chối trả lời vào ngày 29/8 rằng liệu hệ thống phi đạn này có được đưa ra khỏi Philippines hay không và khi nào. Ông Brawner cảm ơn quân đội Hoa Kỳ đã vận chuyển vũ khí công nghệ cao đến quốc gia này, nói rằng lực lượng Philippines đang được tiếp xúc với các thiết bị quốc phòng tiên tiến mà quân đội Philippines có kế hoạch mua trong tương lai.
“Giống như những gì chúng tôi đã làm với Stingers và Javelin, chúng tôi đã bắt đầu huấn luyện ngay cả khi chúng tôi chưa có chúng trong kho vũ khí của mình”, ông Brawner nói.
Trung Quốc đã khiến Philippines tức giận khi liên tục quấy rối các tàu hải quân và cảnh sát biển của Philippines bằng vòi rồng mạnh, tia laser cấp quân sự, chặn đường di chuyển và có các động tác nguy hiểm khác trên vùng biển gần hai bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông. Việc này đã dẫn đến những vụ va chạm nhỏ khiến một số nhân viên hải quân Philippines bị thương và làm hỏng các tàu tiếp tế của Philippines.
Trung Quốc đã cáo buộc Philippines gây ra các hành động thù địch ở vùng biển tranh chấp bằng cách xâm phạm vào những gì họ nói là lãnh thổ ngoài khơi của Bắc Kinh, được phân định bằng 10 đoạn trên bản đồ. Họ nói rằng lực lượng cảnh sát biển và hải quân Trung Quốc đã buộc phải hành động để trục xuất lực lượng cảnh sát biển và các tàu khác của Philippines khỏi những khu vực đó.
Philippines đã nhiều lần trích dẫn phán quyết trọng tài quốc tế năm 2016 dựa trên Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển, trong đó tuyên bố yêu sách của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ Biển Đông với lý do lịch sử là không hợp lệ.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten