vrijdag 21 februari 2020

Biển Đông : Tổng thống Duterte mở cổng cho Bắc Kinh + Philippines hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ + Duterte ủng hộ Trung Quốc bất chấp quyền lợi quốc gia

Biển Đông : Tổng thống Duterte mở cổng cho Bắc Kinh

Phần âm thanh 09:41
Lực lượng tuần duyên Trung Quốc trên một con tàu đậu tại cảng Manila, Philippines, ngày 14/02/2020
Lực lượng tuần duyên Trung Quốc trên một con tàu đậu tại cảng Manila, Philippines, ngày 14/02/2020 STR / AFP
Một pháo đài chiến lược cản đường Trung Quốc khống chế Biển Đông sắp bị vô hiệu hóa. Ngày 11/02/2020, tổng thống Rodrigo Duterte chính thức kết liễu một thỏa thuận lịch sử cho phép quân đội Mỹ tự do luân lưu sử dụng các căn cứ quân sự ở Philippines.Quyết định này làm suy yếu liên minh quân sự truyền thống Mỹ-Philippines và tác hại đến cán cân lực lượng trong khu vực. Trừ phi có thay đổi bất ngờ trong 6 tháng tới, con đường nam tiến của Trung Quốc sắp khai thông.
Sau bốn năm thịnh nộ, tổng thống Philippines thực hiện lời đe dọa. Thỏa thuận VAF ký kết vào năm 1998, liên quan đến quyền luân lưu đóng quân của Mỹ tại Philippines sẽ chấm dứt hiệu lực trong 180 ngày tới đây.
Tổng thống Phillipines xé thỏa thuận liên minh quân sự sau khi Thượng Viện Mỹ biểu quyết nghị quyết cấm visa nhập cảnh đối với những quan chức Philippines chà đạp nhân quyền. Cựu giám đốc cảnh sát quốc gia Ronald Dela Rosa, chỉ huy cuộc chiến đẫm máu chống ma túy bất chấp luật lệ, do tổng thống Duterte phát động, bị Mỹ cấm visa nhập cảnh.
Vì sao tổng thống Philippines đơn phương hủy bỏ thỏa thuận về an ninh với Mỹ bất chấp các ý kiến chống đối trong nước ? Hệ quả sẽ ra sao cho bàn cờ Biển Đông và nhất là đối với Việt Nam ?
Báo chí Philippines cực lực lên án quyết định độc đoán của vị tổng thống : « Trục phòng thủ chiến lược trong khu vực của chúng ta, tại Đông Nam Á đến tận Đông Á để đối đầu với Trung Quốc đã bị lay chuyển. Chúng ta không phải là loại chính quyền như thế », The Manila Times công kích.
Chia sẻ quan điểm này, nhà báo Lưu Tường Quang nhấn mạnh đến mối nguy trước mắt :
« Đây là một vấn đề rất quan trọng. Nếu liên minh Mỹ-Phi đổ vỡ thì nước được lợi nhiều là Trung Quốc. Cho nên, nó ảnh hưởng đến nhiều đến các nước khác nhất là Việt Nam với tư cách là chủ tịch luân lưu của ASEAN trong năm 2020. Và nó cũng có thể ảnh hưởng đến nước Úc vì Úc cũng có một hiệp định VFA (Visiting Forces Agreement) với Philippines, tương tự như VFA Mỹ-Phi, chấp nhận sự hiện diện của quân đội Mỹ và Úc đến trợ giúp Philippines. Đây không phải là vấn đề nhỏ, nó cũng là một vấn đề gây nhiều thắc mắc và câu hỏi.
Giới lãnh đạo quân sự Philippines tỏ ra bất ngờ về quyết định này. »
Manila bắt đầu chuyển trục từ 2016
Không ít nhà bình luận cho rằng ông Duterte với tính khí nóng giận thất thường tìm cách ép Hoa Kỳ đàm phán lại thỏa thuận VFA.
Tuy nhiên, Manila dường như khóa chặt cánh cửa thương lượng. Trong một tuyên bố được xem là tín hiệu ngầm ngày 10/02/2020, tổng thống Philippines chỉ trích Mỹ xem thường đồng minh : Tập trận xong là họ đem vũ khí tối tân đi mất không để lại cho chúng tôi một thứ gì. Còn Trung Quốc thì không bao giờ hại chúng tôi nếu chúng tôi không làm gì chống lại họ ».
Duterte dứt khoát từ chối các lời mời viếng thăm Washington tuy hai nước vẫn gắn kết với nhau qua hiệp định phòng thủ chung 1951.
Thái độ xa lánh Mỹ của Manila đã được thể hiện ngay từ khi Rodrigo Duterte kế nhiệm tổng thống Aquino năm 2016.
Nhà báo Lưu Tường Quang phân tích các giả thuyết khả tín nhất :
« Quyết định ngưng hợp tác với Mỹ là quyết định của ông Duterte và có thể được các cố vận thân cận ủng hộ. Nhưng, tôi có cảm tưởng bà phó tổng thống Philippines (Leni Robredo,55 tuổi, dân bầu trực tiếp), người đắc cử với tư cách riêng có thể không ủng hộ. Những người có liên hệ gần gũi với Hoa Kỳ, đặc biệt là trong giới tướng lãnh quân đội, người thì công khai, người thì âm thầm, bằng cách này hay cách khác, cũng đã lên tiếng chỉ trích quyết định.
Lý do tại sao ông Duterte quyết định như thế ?
Quyết định làm áp lực với Hoa Kỳ để tái thương thuyết thỏa thuận VFA là giả thuyết có thể đúng nhưng cũng có thể không đúng. Nhưng giả sử nó đúng thì còn tùy thuộc vào thái độ của Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump có thể sẽ không thương lượng lại. Tuy nhiên, nếu nhìn từ phản ứng của bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper thì lập trường của Mỹ có vẻ hòa dịu nhiều hơn bởi vì Mark Esper nói đây là một quyết định « đáng tiếc », Philippines đi con đường trái ngược với thực tế.
Giả thuyết thứ hai mà tôi cho rằng có thể có nhiều tín lực hơn là ông Duterte, trong chính sách đi lại gần gũi với Trung Quốc từ khi đắc cử vào năm 2016. Thì rõ ràng đây là một bước tiến nữa tạo ra những cơ hội để cho Philippines đi lại gần với Trung Quốc.
Điều này lợi hại như thế nào ?
Nhìn từ quan điểm của Duterte thì ông bảo rằng quan hệ với Mỹ không có lợi gì và còn có thể gây ra một cuộc chiến tranh Mỹ-Trung thì càng không có lợi cho Philippines. Cho nên, ông hầu như hoàn toàn hạ cấp bang giao với Washington và nâng cấp bang giao với Bắc Kinh. Tôi nghĩ điều này có vẻ đúng với thực tế. Một điểm nữa không kém phần quan trọng là ông đi gần lại với Nga và sẵn sàng mua vũ khí của Nga thay vì mua vũ khí của Mỹ.
Dù thế nào đi nữa, nhìn từ quan điểm chung của các nước Đông Nam Á và Úc, thì sự suy sụp, sự căng thẳng trong bang giao Washington-Manila sẽ tạo ra nhiều yếu tố tiêu cực cho toàn vùng. Quốc gia được lợi nhiều nhất vẫn là Trung Quốc ».
Mỹ cũng đã dự tính trước biện pháp đối phó
Theo nhà bình luận Lina Sankari của báo Pháp l’Humanité thiên tả, Hoa Kỳ đã phòng ngừa trước diễn biến này cho nên đã chuẩn bị phương án đối phó.
Washington quyết định giảm bớt lực lượng ở vùng sa mạc châu Phi và Trung Đông chuyển sang tái phối trí tại châu Á-Thái Bình Dương. Cụ thể, Donald Trump thực hiện bước thứ hai, hoàn tất chiến lược « tái định vị » của tổng thống Barack Obama, đưa hai phần ba lực lượng hải quân về châu Á vào năm 2020.
Thái độ bất hợp tác của tổng thống Duterte có thể sẽ gây tác hại cho nhiều đồng minh khác của Mỹ trong vùng, từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc cho đến nước Úc, những nước cần hỗ trợ của Mỹ trong hồ sơ an ninh quốc phòng.
Thái độ biến đổi của Manila còn là tin xấu đối với Hà Nội. Trong lúc Trung Quốc gia tăng hoạt động hù dọa tàu cá, lấn áp công tác thăm dò mỏ dầu Việt Nam ở Biển Đông thì Philippines được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa đầu tư 22 tỷ đô la cũng như đã ký với Manila thỏa thuận hợp tác khai thác dầu hỏa và khí đốt ở vùng tranh chấp.
Duterte giúp Bắc Kinh củng cố thế thượng phong.
Nhà báo Lưu Tường Quang :
« Trong bàn cờ chính trị, Philippines có vai trò quan trọng trong bang giao với Mỹ, cho Hoa Kỳ một chỗ đứng, một căn cứ quan trọng tại Biển Đông hay gần Biển Đông. Với lý do đó, thời tổng thống Aquino, sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông rất rõ nét nhưng bây giờ tình thế trái ngược lại, khó khăn hơn.
Tất nhiên, Hoa Kỳ có những căn cứ khác như ở Úc hay bang giao chặt chẽ với Singapore nhưng nếu bây giờ thỏa thuận về luân lưu quân sự của Mỹ tại Philippines bị bãi bỏ trong 180 ngày sắp tới thì các hiệp ước hợp tác quân sự khác kể cả Hiệp Định Quốc Phòng Chung 1951 sẽ trở thành vô nghĩa.
Nhìn từ quan điểm này thì nó sẽ gây nhiều khó khăn cho Việt Nam, theo nghĩa, năm 2020, Việt Nam làm chủ tịch hiệp hội ASEAN với tiêu đề có vẻ gợi nhiều ý nghĩa : gắn kết và chủ động. Gắn kết như thế nào nếu Philippines đi hẳn với Trung Quốc và không hợp tác nữa với Mỹ trong vấn đề Biển Đông ? Việt Nam sẽ bị thiệt hại rất nhiều, Úc và các nước khác trong vùng cũng rất quan tâm. Đây là một biến chuyển rất là quan trọng cho tương lai ổn định của toàn vùng Đông Nam Á.
Hoa Kỳ không còn căn cứ quân sự ở Philippines thì thế đứng của Trung Quốc càng ngày càng lên mà Trung Quốc có những chính sách rất táo bạo về vấn đề Biển Đông. Cho nên trong năm 2020 nó sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đối với tất cả các nước trong khu vực kể cả đối với Việt Nam, nhất là Việt Nam trong vai trò chủ tịch ASEAN ».
Đi ngược lòng dân và quân đội
Bất chấp cảnh báo của Thượng Viện Philippines, và thái độ bất bình của giới tướng lãnh, tổng thống Duterte tặng cho Trung Quốc một món quà vô giá. Theo nhận định của nhà phân tích Lina Sankari trích dẫn bên trên, sau khi đã củng cố các tiền đồn ở Hoàng Sa và Trường Sa, Bắc Kinh đã được một số đặc quyền sử dụng hải cảng, phi trường của Cam Bốt, Miến Điện, Sri Lanka và Pakistan. Chiến lược « chuỗi trân châu » tiến hành thuận lợi cho phép Trung Quốc bảo đảm con đường nhập khẩu nhiên liệu từ Trung Đông và dự án Con đường tơ lụa trong tương lai.
Trong một chương trình truyền hình Pháp cách nay hai hôm, về chiến lược từng bước làm bá chủ thế giới của Trung Quốc, nhà báo Hervé Gattegno, tổng biên tập tuần báo Pháp Journal du Dimanche nêu câu hỏi then chốt : Khi nào Bắc Kinh lập cái « trạm thu phí » (BOT) trên Biển Đông ?
Tuy nhiên, có ít nhất bốn cản lực đang chờ trước mặt Bắc Kinh và Duterte. Theo The Washington Post, quân đội Philippines tiếp tục được Mỹ viện trợ, tập luyện chung. Ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng Philippines không kêu gọi xé thỏa thuận VFA. Thứ hai là người dân Philippines ý thức trục Mỹ-Phi rất cần thiết để bảo vệ an ninh, độc lập cho đất nước họ. Công luận Phi cũng không mặn mà với đầu tư Trung Quốc vì cái giá phải trả rất nặng. Thứ ba, bản thân tổng thống Duterte có được Hiến Pháp cho thẩm quyền đơn phương hủy bỏ hiệp định quốc tế do Thượng Viện quyết định hay không ?
Lý do thứ tư, theo Le Monde, giới quân đội thân thiết với Hoa Kỳ không chấp nhận quyết định của tổng thống Philippines. Nội tình Philippines khó tránh khỏi căng thẳng. Tư lệnh hải quân Giovani Carlo Bacordo đã tuyên bố mạnh mẽ : Chiến hạm Philippines tiếp tục giương cao ngọn cờ quốc gia tuần tra trong vùng Biển Đông.
Nhiều nhà phân tích xem đây là lập trường công khai ủng hộ Hoa Kỳ và rất có thể viên tư lệnh này sẽ « đương đầu » với thái độ bốc đồng cuối cùng của tổng thống Duterte.
http://www.rfi.fr/vi/châu-á/20200220-biển-đông-tổng-thống-duterte-mở-cổng-cho-bắc-kinh

Philippines hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ, cơ hội cho Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông

Hải quân Mỹ trong một cuộc tập trận với quân đội Philippines tại tỉnh Zambal. Ảnh tư liệu chụp ngày 11/04/2019.
Hải quân Mỹ trong một cuộc tập trận với quân đội Philippines tại tỉnh Zambal. Ảnh tư liệu chụp ngày 11/04/2019. REUTERS/Eloisa Lopez
Sau nhiều lần đe dọa, cuối cùng, hôm 11/02/2019, chính quyền của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chính thức thông báo hủy bỏ Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (VFA) với Hoa Kỳ. Giới chuyên gia lo ngại việc Philippines khước từ sự hiện diện quân sự của quân đội Mỹ không chỉ làm rạn vỡ mối quan hệ liên minh Mỹ-Philippines mà còn có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc mở rộng quân sự hóa Biển Đông.
Người phát ngôn của tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo, hôm qua giải thích, tổng thống Duterte quyết định hủy bỏ Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự với Mỹ để cho phép Philippines độc lập hơn trong quan hệ với các quốc gia khác và “tổng thống sẽ không xem xét bất cứ đề xuất nào đến từ chính phủ Mỹ nhằm cứu vãn VFA ».
Việc nguyên thủ Philippines đơn phương hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ có thể làm suy giảm các lợi ích của Washington tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương trong bối cảnh tham vọng của Trung Quốc đang gia tăng. Bên cạnh đó, quyết định này cũng hạn chế sự tiếp cận của Philippines đối với các hoạt động huấn luyện và đào tạo của Mỹ trong việc đối phó với Hồi giáo cực đoan, thảm họa thiên nhiên và các mối đe dọa an ninh hàng hải khác.
Mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines đã tồn tại từ lâu, được ràng buộc bởi Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) được ký vào năm 1951 và Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) đạt được năm 2014 với chính quyền của tổng thống Mỹ Barack Obama.
VFA được ký vào năm 1998, có hiệu lực từ năm 1999. Thỏa thuận tạo cho quân đội Hoa Kỳ một quy chế pháp lý, theo đó, tàu chiến, máy bay và hàng nghìn binh lính Mỹ được luân phiên đồn trú tại Philippines, tham gia các cuộc tập trận quân sự, huấn luyện và hoạt động hỗ trợ nhân đạo….Có khoảng 300 hoạt động như vậy mỗi năm, bao gồm cả các chuyến viếng thăm của tàu chiến Mỹ.
Thỏa thuận VFA ra đời trong bối cảnh Philippines đang phải đối phó với những mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc trên các vấn đề chủ quyền biển đảo trong khi mà các căn cứ quân sự của Mỹ tại Philippines đã đóng cửa và ít nhiều đã có tác dụng hữu hiệu bảo đảm an ninh cho Philippines từ đó đến nay.
Quan hệ giữa Mỹ và Philippines dưới thời ông Duterte liên tục xuống cấp khi mà Washington thường xuyên chỉ trích chiến dịch chống ma túy của nước này. Tổng thống Rodrigo Duterte thường chỉ trích các chính sách an ninh của Mỹ, tỏ ra sẵn sàng ngả sang với Trung Quốc hay Nga, bất chấp mối quan hệ lịch sử chặt chẽ của quân đội Philippines với đối tác Hoa Kỳ.
Hơn ai hết, tổng thống Duterte hiểu rõ rằng, một khi Hiệp định VFA bị hủy bỏ, Philippines lại là bên chịu thiệt hại nhiều hơn. Chính ngoại trưởng nước này Teodoro Locsin mới đây cũng đã cảnh báo, động thái này có thể chấm dứt khoản viện trợ an ninh trị giá 550 triệu USD cùng các hoạt động hỗ trợ huấn luyện và tình báo của Mỹ với Philippines. Đó là chưa kể, quan hệ kinh tế giữa hai bên cũng có nguy cơ trở nên lạnh nhạt.
Đồng thời, phía Mỹ cũng có thể tìm cách sửa đổi, thậm chí hủy bỏ nhiều thỏa thuận quân sự song phương, bao gồm Hiệp ước Phòng thủ Chung hay Thỏa thuận Tăng cường hợp tác Quốc phòng cũng như ngừng các hoạt động tập trận, huấn luyện chung với quân đội Philippines.
Nhiều quan chức Philippines cũng cảnh báo, việc từ bỏ một thỏa thuận an ninh quan trọng hàng đầu với Mỹ sẽ làm suy yếu an ninh của đất nước, cũng như khó ngăn chặn các hành động gây hấn ở Biển Đông - vùng biển vốn đang có tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.
Sự hiện diện quân sự Mỹ ngăn Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông
Theo nhận định của trang tin The Diplomat, việc hủy thỏa thuận VFA sẽ đưa mối quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines trở lại trạng thái của đầu thập kỷ 1990. Đó là một mối liên minh không có sự hiện diện của quân sự của Mỹ. Nhật báo Philippines, Manila Times, hôm qua bình luận : « Chúng ta hãy nhớ rằng sau khi đóng cửa căn cứ quân sự Mỹ Clarck và căn cứ trong vịnh Subic năm 1992, Trung Quốc đã bắt đầu dòm ngó các dải đá ngầm ngoài khơi đảo Palawan, đó là nơi mà quân đội Philippines và Mỹ vẫn dùng làm nơi diễn tập chung. Quân đội của chúng ta quá yếu để ngăn chặn sự xâm nhập của Trung Quốc vào các dải đá ngầm đó ».
Đề cập đến quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Philippines, các chuyên gia quân sự và hàng hải ở Philippines đều có chung nhận định, Trung Quốc là quốc gia được hưởng lợi nhất khi mối quan hệ Mỹ-Phi đổ vỡ. Tại Philippines, giới quan sát đều nhận thấy thỏa thuận VFA với Hoa Kỳ đã từng có tác dụng ngăn chặn Trung Quốc gia tăng xây dựng các công trình quân sự hóa các bãi cạn ở vùng Biển Tây Philippines từ năm 2016.
Philippines để mất VFA, Trung Quốc sẽ có cơ hội trở lại với những toan tính của họ từ lâu về các bãi cạn của Philippines. Trong phiên điều trần của Thượng viện Philippines tuần trước, ông Locsin cảnh báo rằng việc bãi bỏ thỏa thuận an ninh với Washington sẽ làm suy yếu an ninh của Philippines và thúc đẩy sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông đang tranh chấp.
Sự hiện diện của quân đội Mỹ trong tuyến đường thủy chiến lược này đã được coi là một đối trọng quan trọng với Trung Quốc, nước đã tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp gần như toàn bộ vùng Biển Đông.
Đòn mạnh vào quan hệ liên minh của Mỹ ở châu Á
Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự chấm dứt còn làm phức tạp thêm cho mối quan hệ Mỹ - Phi. Washington, trong thời gian qua, duy trì được mối quan hệ đồng minh với Manila không hề dễ dàng, giờ không còn VFA là một đòn đánh mạnh vào quan hệ liên minh truyền thống của Mỹ ở châu Á từ sau thời kỳ chiến tranh lạnh. Nhất là vào lúc mà Hoa Kỳ đang tập trung cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực với các cường quốc như Trung Quốc và Nga.
Với Manila, không có thỏa thuận VFA, nguồn lực bảo đảm an ninh cho Philippines bị giảm đáng kể trong khi mà tiềm lực quân sự của nước này vẫn còn rất hạn chế và mối đe dọa của Trung Quốc là có thực.
Trong Châu Á Thái Bình Dương nhìn chung, mối quan hệ liên minh Phi-Mỹ rạn nứt sẽ làm tăng thêm mối lo ngại mất cân bằng trong vùng giữa lúc Mỹ đang cố gắng làm tròn vai trò kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc. Tất nhiên Philippines vẫn chỉ là một nước mà mối quan hệ đồng minh với Mỹ không thể được coi là ưu tiên như với Nhật Bản hay Hàn Quốc. Nhưng việc bị một đồng minh quay lưng khiến cho các hoạt động của Hoa Kỳ trong khu vực trở nên mất độ tin cậy và điều đó có ý nghĩa rất lớn cho những toan tính và tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực.
The Manila Times, số ra hôm 11/02 nhấn mạnh : Mối liên minh quốc phòng giữa Philippines và Mỹ từ nhiều thập kỷ qua là cơ sở cho sự ổn định không chỉ riêng với Philippines mà còn cả với các láng giềng ở Đông Á và Đông Nam Á.
http://www.rfi.fr/vi/châu-á/20200212-philippines-hủy-thỏa-thuận-quân-sự-với-mỹ-cơ-hội-cho-trung-quốc-tiếp-tục-quân-sự-hóa

Philippines: Duterte ủng hộ Trung Quốc bất chấp quyền lợi quốc gia

Ảnh minh họa : Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 25/04/2019.
Ảnh minh họa : Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 25/04/2019. Kenzaburo Fukuhara/Pool via REUTERS
Càng gần đến ngày mà trên nguyên tắc tổng thống Philippines hết nhiệm kỳ, ông Rodrigo Duterte càng để lộ rõ vai trò người phục vụ đắc lực cho quyền lợi của Trung Quốc.
Ngoài việc chiều ý Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông, mới đây ông đã bất chấp ý kiến phản đối của giới quân sự Philippines, cho một công ty Nhà nước Trung Quốc tham gia đề án xây dựng một sân bay quốc tế mới gần Manila, nằm sát các cơ sở quân sự trọng yếu của Philippines.
Trong bài phân tích đăng trên trang mạng báo Asia Times tại Hồng Kông ngày 14/01/2020, chuyên gia Philippines Richard Javad Heydarian đã phê phán quyết định của ông Duterte, cho rằng việc tổng thống Philippines đang cấp tốc bật đèn xanh cho các đề án được Trung Quốc hậu thuẫn có nguy cơ để lại những hậu quả lâu dài nghiêm trọng cho quốc gia Đông Nam Á này.
Dự án sân bay về tay công ty Trung Quốc đã bồi đắp Đá Vành Khăn cướp của Philippines
Chuyên gia Philippines trước hết ghi nhận quy mô to lớn của dự án sân bay vừa được chính quyền Duterte bật đèn xanh trong một cuộc đấu thầu mờ ám.
Trị giá 10 tỷ đô la, đây sẽ là một sân bay quốc tế mới, nằm ở Sangley Point, tỉnh Cavite vùng ngoại ô Manila. Dự án này đã được trao cho một liên doanh giữa Công Ty Thiết Kế Xây Dựng Giao Thông Trung Quốc (CCCC), một trong những tập đoàn Nhà nước lớn nhất của Trung Quốc trong lãnh vực xây cất cơ sở hạ tầng, và đối tác địa phương MacroAsia, thuộc sở hữu của Lucio Tan, một tài phiệt người Philippines gốc Hoa.
Vấn đề là tiến trình đấu thấu xây dựng sân bay mới đó rất mờ ám, và liên doanh trúng thầu là đơn vị duy nhất tham gia đầu thầu.
Mặt khác, CCCC là một doanh nghiệp từng bị Ngân Hàng Thế Giới đưa vào danh sách đen trong khoảng thời gian từ 2011-2017, và nhất là đã từng tham gia vào các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã cho tiến hành tại vùng Trường Sa, trong đó có Đá Vành Khăn mà Trung Quốc đã cướp từ tay Philippines vào năm 1995.
Sân bay mới có ảnh hưởng lớn đối với an ninh quốc gia
Ngay từ khi ý định trao dự án sân bay Sangley Point cho Trung Quốc được tiết lộ, giới chức quốc phòng và quân sự Philippines đã cảnh báo chính quyền Duterte về những ảnh hưởng đối với an ninh quốc phòng Philippines của dự án nằm gần các cơ sở hải quân hiện có.
Cựu tư lệnh Hải Quân Philippines, đô đốc Alexander Pama, đã từng chỉ trích dữ dội ý định của chính quyền. Đối với đô đốc Pama, cũng như nhiều người khác, mối quan ngại chính yếu đến từ việc giao cho một công ty Nhà nước Trung Quốc dự án phát triển một cơ sở trọng yếu và có một và có vị trí chiến lược của Philippines.
Theo chuyên gia Heydarian, thái độ quan ngại của giới chức quốc phòng Philippines rất có lý trong bối cảnh đảng Cộng Sản Trung Quốc gần đây đã thông qua một quy định mới có hệ quả là biến các đại tập đoàn Trung Quốc thành cánh tay nối dài mà chế độ kiểm soát.
Theo quy định mới, tất cả các quyết định quản lý và kinh doanh quan trọng phải được đảng bộ của tập đoàn thảo luận trước khi trình lên ban giám đốc hoặc ban quản lý để ra quyết định, và chủ tịch tập đoàn Nhà nước và bí thư Đảng bộ phải “cùng là một người”.
Ngoài ra, hội đồng quản trị của tập đoàn cũng phải bao gồm một phó bí thư đảng bộ, có vai trò thuần túy về ý thức hệ, không có trách nhiệm liên quan đến quản lý.
Quy định này như vậy sẽ thắt chặt quyền khống chế của đảng Cộng Sản đối với các quyết định của các đại công ty Trung Quốc, trong đó có các đơn vị tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài trong kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới.
Trả lời tờ báo Nhật Bản Nikkei Asian Review vào tháng 12 vừa qua, một quan chức Hải Quân Philippines cao cấp xin giấu tên đã khẳng định rằng việc trao cho tập đoàn Nhà nước Trung Quốc xây dựng sân bay Sangley Point “không chỉ là mối quan ngại lớn của riêng Hải Quân và Quân Đội Philippines mà còn là của cả đất nước”.
Duterte kiên quyết bác bỏ phản đối của giới quân sự
Trong thời gian qua, với lý do an ninh quốc gia, giới chức quốc phòng Philippines đã nhiều lần chỉ trích và ngăn chặn thành công một số đề nghị của phía Trung Quốc, muốn mua lại hay xin thuê một số cơ sở trong các lĩnh vực chiến lược quan trọng. Nhưng lần này, tổng thống Duterte đã quyết định phớt lờ phản đối của giới quân đội.
Theo ghi nhận chuyên gia Heydarian, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana vào năm ngoái đã từ chối không cho các công ty vận tải biển Trung Quốc mua lại xưởng đóng tàu Hanjin ở vùng Vịnh Subic đang gặp khó khăn về tài chính. Subic là nơi đặt các cơ sở quân sự lớn của Philippines. Thay vào đó, ông đề xuất thành lập một cơ sở hải quân Philippines cho khu vực.
Một ví dụ khác: Khi một công ty Trung Quốc có trụ sở tại Hạ Môn, đề nghị xây dựng một thành phố thông minh 2 tỷ đô la trên đảo Fuga, nằm sát với Đài Loan, Hải Quân Philippines đã lên tiếng công khai chỉ trích. Và sau đó, họ đã xây dựng một tiền đồn trên đảo để ngăn chặn và giám sát mọi hoạt động của Trung Quốc trong khu vực.
Theo báo chí Philippines, vào thời đó, chuẩn tướng Edgard Arevalo, phát ngôn viên Quân Đội Philippines đã công khai cảnh báo rằng Philippines chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng về an ninh và chiến lược nếu đảo Fuga rơi vào tay nước khác.
Đối với phát ngôn viên này, việc giúp kinh tế Philippines phát triển là điều đáng hoan nghênh, nhưng “cũng nên xem xét nguy cơ an ninh bị tổn hại nếu không nghiên cứu đầy đủ ý nghĩa của việc cho nước ngoài thuê”.
Duterte nhắm mắt hậu thuẫn cho các dự án của Trung Quốc
Vấn đề đối với Philippines hiện nay, theo nhà phân tích Heydarian, là tổng thống Duterte đã bác bỏ những quan ngại được nêu lên và càng lúc càng đẩy mạnh các dự án do Trung Quốc hậu thuẫn khi ông bước vào những năm cuối của nhiệm kỳ.
Ông Duterte đã đích thân can thiệp để thúc đẩy cả những dự án gây tranh cãi.
Gần đây chẳng hạn, tổng thống Philippines đã cảnh cáo các tòa án là không nên ngăn chặn các dự án của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn thực hiện, trong đó có dự án thủy lợi Chico River trị giá 66 triệu đô la, và dự án đập Kaliwa 24 triệu.
Cả hai dự án do Trung Quốc tài trợ đều bị chỉ trích nặng nề vì các tác hại môi trường tiềm tàng, cũng như các điều khoản trả nợ mang tính chiến lược, chẳng hạn như phải thế chấp cho Trung Quốc các tài sản chiến lược quốc gia của Philippines như tài nguyên năng lượng tại vùng Bãi Cỏ Rong đang tranh chấp ở Biển Đông.
Duterte đã cực lực bảo vệ các dự án của Trung Quốc và các điều khoản của họ, và công khai đe dọa các tòa án muốn ban hành các Lệnh Cấm Tạm Thời có thể làm đình trệ các dự án, trong đó có cả thỏa thuận về sân bay Sangley Point.
http://www.rfi.fr/vi/châu-á/20200120-philippines-duterte-ủng-hộ-trung-quốc-bất-chấp-quyền-lợi-quốc-gia

Geen opmerkingen:

Een reactie posten