donderdag 9 maart 2017

Vì sao Trung Quốc sợ THAAD của Mỹ ở Nam Hàn đến thế ? + Bắc Kinh gia tăng trả đũa thương mại Hàn Quốc

Vì sao Trung Quốc sợ THAAD của Mỹ đến thế ?

media
Một vụ bắn thử tên lửa thuộc hệ thống lá chắn (THAAD) tại quần đảo Marshalls, nam Thái Bình Dương, hồi 2012.Ảnh : Flirks
Nếu chỉ đơn thuần quan sát thái độ giận dữ của Bắc Kinh trước việc Mỹ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa (THAAD) tại Hàn Quốc, người ta có thể cho rằng mục tiêu nhắm đến của THAAD là Trung Quốc. Nhưng cả Washington và Seoul đều khẳng định hệ thống này là cần thiết để bảo vệ Hàn Quốc trước sự tấn công của Bắc Triều Tiên.
THAAD là gì ?
THAAD viết tắt từ Terminal High Altitude Area Defense (tạm dịch Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối), được chế tạo để bắn hạ các hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn, trung bình và tầm xa trong giai đoạn cuối cùng, tức khi chúng đang rơi xuống.
Theo hãng sản xuất Lockheed Martin, hoạt động này gồm bốn bước. Trước tiên, một hệ thống radar nhận dạng hỏa tiễn địch, và mục tiêu lập tức được nhắm đến. Một hỏa tiễn bắn chận được khai hỏa từ hệ thống phóng tên lửa đặt trên xe chuyên dụng, phá hủy hỏa tiễn địch bằng động năng. Vì mối đe dọa được hóa giải ngay từ trên cao, nên tác động của vũ khí hủy diệt hàng loạt được giảm nhẹ.
THAAD vô cùng cơ động, gồm bốn bộ phận chính : một xe chuyên dụng phóng hỏa tiễn, tám tên lửa bắn chặn, một hệ thống radar cơ động và một hệ thống kiểm tra nối kết nhiều bộ phận khác nhau với trung tâm chỉ huy bên ngoài.
Được thiết kế để chống lại các tên lửa Scud của Irak trong chiến tranh vùng Vịnh, nay THAAD được Hoa Kỳ bố trí tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có đảo Guam và Hawai. Và từ năm ngoái, Lầu Năm Góc loan báo sẽ triển khai tại Hàn Quốc, như biện pháp phòng vệ trước việc Bắc Triều Tiên tiếp tục chương trình nguyên tử và bắn thử hỏa tiễn đạn đạo.
Tuần này, tình hình bán đảo Triều Tiên đột ngột căng thẳng. Hôm thứ Ba, báo chí Bình Nhưỡng loan báo đã cố gắng tấn công các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản. Số hỏa tiễn được Bắc Triều Tiên bắn đi cho thấy nước này đang thử nghiệm làm thế nào nhanh chóng triển khai các tên lửa trong trường hợp chiến tranh. Cùng ngày, Hoa Kỳ thông báo bắt đầu đưa THAAD đến Hàn Quốc. Do địa điểm chưa sẵn sàng, hệ thống lá chắn tên lửa tạm thời đặt tại một căn cứ Mỹ ở Osan, và việc triển khai có thể hoàn tất vào tháng Sáu.
Cũng trong ngày thứ Ba, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Geng Shuang) tuyên bố đây là mối đe dọa quan trọng đối với Trung Quốc, và « sẽ kiên quyết có những biện pháp cần thiết để bảo vệ các lợi ích an ninh của chúng tôi ».

Hệ thống radar tinh vi của THAAD
Washington Post nhận xét, thoạt nhìn thì khó thể hiểu được cơn thịnh nộ của Bắc Kinh đối với THAAD. Một mặt, đây chỉ là một hệ thống phòng vệ. THAAD không mang theo các đầu đạn để tấn công, mà chỉ dựa vào các hỏa tiễn bắn chặn để phá hủy tên lửa địch. Và tuy trên lý thuyết, hệ thống này có thể sử dụng để ngăn chặn các hỏa tiễn đạn đạo của Trung Quốc, nhưng THAAD chỉ can thiệp vào giai đoạn cuối cùng.
Hơn nữa, Trung Quốc, ông anh lớn lâu nay của Bắc Triều Tiên, cũng đã tỏ ra bực tức trước các vụ bắn hỏa tiễn mới đây của Bình Nhưỡng. Bắc Kinh đã ngưng nhập khẩu than đá của Bắc Triều Tiên, làm ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế của đất nước bị cô lập này.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận xét sự giận dữ của Bắc Kinh không nhắm vào các hỏa tiễn, mà chủ yếu do lo ngại trước hệ thống radar tinh vi của THAAD. Các radar này có thể theo dõi những hệ thống tên lửa của Trung Quốc, tạo ưu thế lớn cho Hoa Kỳ trong trường hợp xảy ra xung đột với Bắc Kinh trong tương lai. Một số nhà phân tích Trung Quốc còn cho rằng bản thân THAAD chỉ được sử dụng một cách hạn chế chống lại Bắc Triều Tiên, mà việc triển khai hệ thống radar mới là mục đích chính.
Nhìn rộng hơn, Bắc Kinh lo sợ Hoa Kỳ có thể sử dụng cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản để cầm chân Trung Quốc trong tương lai. Hoàn Cầu Thời Báo đã viết : « Nếu Hàn Quốc nhất định trở thành con rối của Mỹ, Trung Quốc sẽ phải hành động ».

Bắc Kinh sẽ trả đũa thế nào ?
Trước hết là tấn công vào kinh tế Hàn Quốc. Bắc Kinh đã hạn chế các hoạt động kinh doanh của các công ty Hàn Quốc tại Trung Quốc, trong đó có việc đóng cửa các cửa hàng Lotte, một tập đoàn đã nhượng đất sân gôn cho việc triển khai THAAD. Nhiều biện pháp khác có thể được đưa ra, như các công ty du lịch ngưng bán vé đi Hàn Quốc, kêu gọi tẩy chay sản phẩm của Seoul và thậm chí hủy các buổi trình diễn của các ngôi sao K-pop.
Những động thái này sẽ khiến Hàn Quốc thiệt hại nặng vì những năm gần đây lệ thuộc Trung Quốc nhiều về kinh tế. Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của nước này, giá trị xuất khẩu năm 2014 lên đến 142 tỉ đô la, gấp đôi so với doanh số bán sang Hoa Kỳ. Bắc Kinh gây áp lực vào thời điểm nữ tổng thống Park Geun Hye đang vướng xì-căng-đan, số phận của bà có thể sẽ được quyết định trong tuần này.
Đối với Hoa Kỳ, việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc là một trong những động thái thực sự đầu tiên nhằm đối phó với Bắc Triều Tiên, kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức cho đến nay. Tuy nhiên theo Washington Post, phản ứng dữ dội của Bắc Kinh và những hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, cho thấy tình hình hiện rất phức tạp.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170308-vi-sao-trung-quoc-so-thaad-cua-my-den-the

Mỹ bắt đầu triển khai hệ thống tên lửa THAAD ở Hàn Quốc

media
Các thiết bị dàn tên lửa THAAD đang được bốc dỡ tại sân bay quân sự Osan, Hàn Quốc. Ảnh đêm ngày 06/03/2017.Reuters
Ngày 07/03/2017, hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ bắt đầu được triển khai ở Hàn Quốc, một ngày sau khi Bắc Triều Tiên bắn 4 tên lửa đạn đạo vào vùng biển Nhật Bản.
Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias gởi về bài tường trình :
« Máy bay vận tải chở hai xe tải và các dàn tên lửa THAAD đã đáp xuống sân bay quân sự Osan, phía nam Seoul, vào đêm ngày 06/03/2017. Quân đội Mỹ đã phát đi các hình ảnh bốc dỡ các thiết bị từ máy bay. Trong một thông cáo, quân đội Mỹ nhấn mạnh rằng chính những hành động khiêu khích liên tục của Bắc Triều Tiên, trong đó có các vụ bắn tên lửa hôm qua, đã khiến cho hai đồng minh Mỹ- Hàn thêm quyết tâm triển khai hệ thống rất tối tân này, được thiết kế để bắn chặn các tên lửa ở độ rất cao.
Hệ thống THAAD có thể sẽ đi vào hoạt động ngay từ tháng 4/2017, theo dự kiến của quân đội Hàn Quốc. Nhưng tại nước này, việc triển khai hệ thống đó đang gây tranh cãi. Trong giới cấp tiến, nhiều người không tin vào hiệu quả của lá chắn chống tên lửa và lo ngại quan hệ với láng giềng Trung Quốc xấu đi.
Việc triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc đã khiến Trung Quốc và Nga giận dữ, vì Bắc Kinh và Matxcơva xem đây là một mối đe dọa đối với an ninh nước họ. »

Trung Quốc dĩ nhiên là đã có phản ứng ngay lập tức. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cảnh Sảng (Gueng Shuang)  tuyên bố là Bắc Kinh sẽ « kiên quyết » bảo vệ an ninh quốc gia sau khi hệ thống THAAD bắt đầu được triển khai ở Hàn Quốc. Ông Cảnh Sảng dọa là Hoa Kỳ và Hàn Quốc sẽ gánh chịu mọi hậu quả.
Bắc Kinh vẫn cho rằng hệ thống tên lửa THAAD và dàn radar rất mạnh của hệ thống này sẽ làm suy giảm hiệu quả của hệ thống tên lửa Trung Quốc.
Về phản ứng quốc tế sau vụ Bình Nhưỡng bắn tên lửa ngày 06/03/2017, theo yêu cầu của Nhật Bản và Hoa Kỳ, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ họp vào ngày mai để bàn về vụ này. Hôm qua, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã lên án vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên, mà theo Bình Nhưỡng là một cuộc thao dượt nhằm tấn công vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170307-my-bat-dau-trien-khai-he-thong-ten-lua-thaad-o-han-quoc

THAAD : Bắc Kinh gia tăng trả đũa thương mại Hàn Quốc

mediaCửa hàng của siêu thị Lotte tại Hàng Châu, Trung Quốc, bị đóng cửa. Ảnh ngày 05/03/2017.Reuters
Căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Seoul do việc việc triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc. Đảng Tự Do Hàn Quốc, cầm quyền tại miền nam Triều Tiên, ngày 07/03/2017, vừa cho biết Seoul đang xem xét khả năng kiện Trung Quốc ra Tổ Chức Thương Mại Thế Giới- WTO về những biện pháp trả đũa thương mại của Bắc Kinh do việc triển khai THAAD.
Kể từ tháng 7/2016 khi Seoul quyết định cho lắp đặt hệ thống THAAD để đối phó với hiểm họa tên lửa Bắc Triều Tiên, các công ty của Hàn Quốc ở Trung Quốc liên tục bị tấn công tin tặc, bị xử phạt hoặc buộc phải đóng cửa các cơ sở.
Bắc Kinh càng gia tăng các biện pháp trả đũa, đặc biệt nhắm vào tập đoàn Lotte, kể từ khi tập đoàn đứng hàng thứ năm của Hàn Quốc vào tuần trước chấp nhận nhượng cho Nhà nước sân golf của tập đoàn này để lấy đất làm nơi triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa. Tập đoàn Lotte lại có mặt rất nhiều tại Trung Quốc cho nên càng là mục tiêu tấn công dễ dàng.
Uy Long, một công ty thực phẩm của Trung Quốc, vừa rút toàn bộ các mặt hàng của công ty này khỏi 120 cửa hàng của Lotte ở Trung Quốc, và tuyên bố sẽ không bao giờ hợp tác với tập đoàn Hàn Quốc nữa. Một liên đoàn gồm khoảng 100 công ty cung cấp hàng cho các siêu thị cũng đã hứa sẽ « trừng trị » Lotte. Còn tại tỉnh Cát Lâm, sát biên giới Bắc Triều Tiên, người tiêu dùng được kêu gọi tẩy chay Lotte.
Theo thông báo của Lotte, hàng chục cửa hàng của tập đoàn ở Trung Quốc đã phải đóng cửa, với lý do là các cơ sở này không tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Trước đó, chính quyền Bắc Kinh đã buộc tập đoàn Lotte đình chỉ một dự án công viên giải trí 2,5 tỷ đôla ở tỉnh Thẩm Dương. Không những thế, trang web của Lotte trong tuần qua còn bị tấn công tin tặc.
Vốn đã đầu tư hơn 8 tỷ đôla ở Trung Quốc từ năm 1994, Lotte hiện có đến 22 chi nhánh ở nước này, sử dụng tổng cộng 26 000 nhân viên, và mỗi năm thu về 2,5 tỷ đôla. Bị đánh trực diện như vậy, Lotte bị thiệt hại rất nhiều.
Ngay cả tại Hàn Quốc, các cửa hàng miễn thuế của Lotte chủ yếu sống nhờ vào các du khách Trung Quốc. Thế mà các công ty du lịch Trung Quốc dường như vừa được lệnh tạm ngưng bán các tour du lịch sang Hàn Quốc, « vì lý do an ninh ».
Hãng tin Yonhap cũng vừa loan tin là Trung Quốc đã lại bác đơn của các hãng hàng không Hàn Quốc xin mở thêm các chuyến bay giá rẻ giữa hai nước. Trong hai tháng 1 và 2, phía Trung Quốc cũng đã bác những yêu cầu tương tự của các hãng hàng không Hàn Quốc.
Nhưng không chỉ về mặt thương mại, hệ thống lá chắn chống tên lửa này còn ảnh hưởng đến trao đổi văn hóa giữa hai nước. Các chuyến lưu diễn của những nhóm nhạc K-pop, rất ăn khách ở Trung Quốc, đã bị hủy.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc, nhập đến một phần tư hàng xuất khẩu của nước này. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay đã tuyên bố là Hàn Quốc cùng với Mỹ sẽ « gánh chịu những hậu quả nặng nề » do việc triển khai hệ thống tên lửa THAAD. Như vậy không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ có thêm các biện pháp trả đũa thương mại Seoul.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170307-thaad-bac-kinh-gia-tang-tra-dua-thuong-mai-han-quoc

THAAD : Seoul sẽ chất vấn Bắc Kinh về « các trả đũa thương mại »

mediaNgành mỹ phẩm Hàn Quốc chịu nhiều thiệt hại do các trả đũa của Trung Quốc. Trong ảnh, một tiệm mỹ phẩm của hãng Missha.Ảnh : REUTERS/Lee Jae-Won
Seoul sẽ hỏi Bắc Kinh vì sao các chuyến bay giá rẻ của Hàn Quốc trong mùa Tết Âm lịch bị Trung Quốc giới hạn ? Phải chăng hành động gây khó khăn này nhằm trả đũa Hàn Quốc bố trí hệ thống lá chắn THAAD, chống lại tên lửa Bắc Triều Tiên ? Trên đây là tuyên bố của bộ trưởng Thương Mại Joo Hyung Hwan hôm nay, 12/01/2017, trước Quốc Hội.
Theo Reuters, Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ có một cuộc họp về tự do mậu dịch song phương vào ngày mai thứ Sáu 13/01/2017. Bộ trưởng Thương Mại Hàn Quốc Joo Hyung Hwan cho biết ông sẽ đặt thẳng vấn đề với phía Trung Quốc về việc này.
Cách nay một tuần, bộ trưởng Tài Chính Hàn Quốc tỏ ý hoài nghi Bắc Kinh đã cố ý gây khó khăn cho ngành máy bay dân dụng Hàn Quốc, để phản đối dự án của Washington và Seoul bố trí hệ thống THAAD. Theo Bắc Kinh, hệ thống này nhằm theo dõi hoạt động phòng không và không gian của Trung Quốc.
Hàn Quốc sẵn sàng trả đũa, nếu Bắc Kinh phạm luật quốc tế
Căng thẳng thương mại giữa Hàn Quốc và Trung Quốc không chỉ dừng ở vấn đề các chuyến bay giá rẻ dịp Tết. Theo báo Hàn Quốc (tờ The Korea Herald), đây chỉ là một hành động mới « trong danh sách dài các trả đũa chính thức và không chính thức » của Bắc Kinh đối với Seoul.
Cuộc họp ngày mai đặc biệt quan trọng với cả hai bên, vì đây là cuộc họp đầu tiên, kể từ khi Hiệp định Tự Do Thương Mại FTA Hàn Quốc – Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 12/2015.
Bộ trưởng Thương Mại Hàn Quốc tuyên bố « sẵn sàng có các biện pháp tích cực để bảo vệ các công ty Hàn Quốc, bị đối xử bất công », đồng thời chuẩn bị « các biện pháp pháp lý, nếu (các hành động trả đũa của Trung Quốc) vi phạm luật pháp quốc tế ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170112-thaad-han-quoc-dat-thang-van-de-%C2%AB-tra-dua-thuong-mai-%C2%BB-voi-trung-quoc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten