vrijdag 17 maart 2017

Kinh tế Trung Quốc : Tập Cận Bình nói một đàng, làm một nẻo + Liệu Trung Quốc có cải cách nổi doanh nghiệp nhà nước?

Kinh tế Trung Quốc : Tập Cận Bình nói một đàng, làm một nẻo

media
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh chụp tại Bắc Kinh ngày 03/3/2017.REUTERS/Jason Lee

Sau bốn năm cầm quyền, hàng loạt các chương trình cải tổ được ông Tập Cận Bình đề xuất để đưa Trung Quốc thành một nền kinh tế tự do, tôn trọng luật chơi của thị trường vẫn dậm chân tại chỗ. Mọi người còn chờ đợi những biện pháp cụ thể chẳng hạn như hứa hẹn cải tổ các doanh nghiệp Nhà nước. Chính bản thân chủ tịch Trung Quốc đã “giảm tốc độ” cải cách vì sợ bất ổn.
Trên đây là nhận định của một số các chuyên gia được nhật báo Le Figaro số ra ngày cuối tuần (04/03/2017) trích dẫn.
Khai mạc Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc, thủ tướng Lý Khắc Cường cảnh báo trước những nguy cơ Trung Quốc phải “đối mặt với tình hình phức tạp và khó khăn” và Bắc Kinh cần tiếp tục đẩy mạnh cải tổ trong bối cảnh “các xu hướng bảo hộ và chống toàn cầu hóa” ngày càng lan rộng. Trước đó một ngày, lãnh đạo số 1 ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình trong khuôn khổ Hội Nghị Chính Hiệp đã khẳng định là “Trung Quốc nỗ lực cải tổ về chất lượng và tính hiệu quả của nền kinh tế nước nhà, đẩy mạnh các biện pháp cải tổ về cơ cấu từ phía các doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của nhiều chuyên gia về Trung Quốc, dường như ông Tập Cận Bình chỉ chú trọng vào việc củng cố quyền lực và thiếu thiện chí trước mục tiêu cải cách kinh tế. Điển hình là từ 2013 tới nay, hàng loạt các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc làm ăn thua lỗ, sản xuất dư thừa vẫn sống sót nhờ được trợ cấp chủa chính phủ.
Giáo sư Jean-Pierre Cabestan, giảng dậy tại đại học Hồng Kông, thậm chí còn cho rằng chính ông Tập Cận Bình đã “ hãm phanh” những biện pháp cải tổ mà ông không còn muốn thực hiện. Bắc Kinh không dám đóng cửa những nhà máy quốc doanh thua lỗ, mà giới chuyên gia thường gọi là những con “vịt què” của guồng máy sản xuất nước này.
Cũng ông Tập không thực sự mở cửa thị trường Trung Quốc cho các công ty ngoại quốc như những gì ông từng mạnh mẽ cam kết trên các diễn đàn quốc tế.
Trong mắt giáo sư Cabestan, mục tiêu của chủ tịch Trung Quốc vẫn là “bảo vệ Đảng Cộng Sản và vai trò độc quyền” của tổ chức này trong nhiều lĩnh vực chiến lược, từ tài chính ngân hàng đến năng lượng.
Chuyên gia về chính trị học, Lâm Hòa Lập (Willy Lam), cũng thuộc đại học Hồng Kông, lưu ý rằng, dưới nhãn quan của Tập Cận Bình chế độ “Liên Xô sở dĩ đã sụp đổ do các hoạt động kinh tế vượt khỏi tầm kiểm soát của Đảng”. Ông Tập Cận Bình sợ rằng, khai tử các doanh nghiệp Nhà nước, hàng trăm triệu cán bộ công nhân viên bị thất nghiệp, làm dấy lên nguy cơ bất ổn trong xã hội.

“Trong bốn năm, Tập Cận Bình củng cố thế lực nhanh hơn người tiền nhiệm”
Lo sợ bất ổn trong xã hội và chính trị của chủ tịch Tập Cận Bình lớn đến nỗi, gần như đã trở thành một “ ám ảnh ”. Cuối tháng 1/2017 Bắc Kinh đã ra lệnh đóng cửa trang mạng internet của nhóm chuyên gia đặt dưới sự điều hành của giáo sư kinh tế rất có uy tín trên thế giới, Mao Vu Thức (Mao Yushi). Nhà trí thức này đã mạnh dạn ví von : một chế độ độc đảng là “con mối đục khoét tài sản quốc gia”. Toàn bộ tài khoản internet, trang mạng xã hội cá nhân với 2,7 triệu “follower” của giáo sư họ Mao bị đóng cửa.
Một dấu ấn khác của ông Tập Cận Bình trong bốn năm cầm quyền vừa qua được nhà sử học độc lập của Trung Quốc, Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) ghi nhận đó là trong vỏn vẹn 4 năm, ông đã thực sự gây dựng được một đội ngũ trung thành, mà tác giả họ Chương gọi là “quân lính của ông Tập”. Trong 4 năm, Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực nhanh hơn cả những gì mà người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào đã làm trong suốt 10 năm lãnh đạo đất nước.
Từ 2013 tới nay chủ tịch Trung Quốc đã gài người thân tín vào những chức vị then chốt trong guồng máy lãnh đạo ở mọi cấp, mọi lĩnh vực. Chỉ riêng về kinh tế, thì từ cơ quan đặc trách về chính sách kế hoạch hóa ở thành phố Hạ Môn cho đến bộ Thương Mại đều trong tay những cộng tác viên cũ của ông Tập Cận Bình.
Có điều, như kết luận của phóng viên báo Le Figaro Cyrille Pluyette tại Bắc Kinh, chiến lược gài người thân tín vào những tổ chức then chốt trong chính quyền, thanh trừng tất cả những tiếng nói đối lập để chuẩn bị cho Đại Hội Đảng lần thứ 19 vào năm tới mà Tập Cận Bình miệt mài theo đuổi chứng tỏ rằng, có lẽ Đảng Cộng Sản Trung Quốc lo sợ trước uy tín của phong trào cải tổ hơn là dưới thời ông Hồ Cẩm Đào. Đó là một trong những yếu tố giải thích vì sao, những hứa hẹn cải tổ được đưa ra từ năm 2013 tới nay vẫn còn bế tắc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170306-chinh-sach-cai-cach-kinh-te-cua-chu-tich-trung-quoc-tap-can-binh-noi-mot-dang-lam-mo

Liệu Trung Quốc có cải cách nổi doanh nghiệp nhà nước?

mediaTrong một nhà máy Trung Quốc.Ảnh : Reuters
Trung Quốc đang ngả về một nền kinh tế phát triển dựa trên nền tảng cách tân, đổi mới, tri thức và dịch vụ. Tuy nhiên, việc đảng Cộng Sản gia tăng quản lý dường như là lực cản. Le Monde đặt câu hỏi : « Liệu doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có cải cách nổi ? »
Le Monde trích lời hai chuyên gia tài chính Andrew Sheng (thành viên Hội đồng Tư vấn về tài chính bền vững của Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc) và Tiểu Cảnh (Xiao Geng) - giám đốc Diễn Đàn Tài Chính Quốc Tế - nhận định từ lâu nay, dư luận cho rằng việc Đảng Cộng Sản Trung Quốc tăng cường vai trò quản lý đối với các doanh nghiệp nhà nước có vẻ như đang là một bước thụt lùi trên con đường mở cửa.
Theo hai chuyên gia, Trung Quốc đang ngả về một nền kinh tế phát triển dựa trên nền tảng cách tân, đổi mới, tri thức và dịch vụ. Để các doanh nghiệp có thể khẳng định chỗ đứng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đặc biệt chú ý xây dựng kế hoạch cải cách. Trong 30 năm vừa qua, các doanh nghiệp đã đưa Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới. Cũng chính các doanh nghiệp Trung Quốc là ngòi nổ kích thích xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong các lĩnh vực mà nhà nước độc quyền, như truyền thông, sản xuất năng lượng và trong các lĩnh vực chiến lược, như sản xuất thép, than đá và ngân hàng.
Tuy nhiên, nhiều hãng công nghệ như Alibaba hay Tencent đã thâm nhập thị trường sản xuất, làm rối loạn thị trường truyền thống của các doanh nghiệp nhà nước, bằng cách đáp ứng thật nhanh và hiệu quả nhu cầu xã hội. Các hãng này được hưởng nhiều lợi thế trong cạnh tranh, vì dựa vào các biện pháp cách tân, và sức mua của 1,3 tỉ dân.
Mô hình lỗi thời khiến các doanh nghiệp nhà nước không bắt kịp xu hướng nói trên. Các doanh nghiệp nhà nước cũng đã không vượt qua được các thách thức về công nghệ mới, để có thể thay đổi được mô hình tăng trưởng, vốn thành công trong quá khứ. Nhu cầu về sản phẩm lâu bền đã giảm, Trung Quốc giờ đây phải chuyển sang sản xuất các sản phẩm công nghệ cao và phát triển dịch vụ. Do xuất khẩu giảm nên Trung Quốc phải kích thích tiêu dùng trong nước.
Điều hành cứng nhắc
Việc các doanh nghiệp nhà nước không có khả năng cải tổ đã hãm phanh sự phát triển. Các doanh nghiệp này tuy được hưởng nhiều ưu đãi về vốn vay, tài nguyên và quỹ đất, nhưng lại chịu sự kiểm soát cứng nhắc, luân chuyển cán bộ ở mức cao và chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình. Ví dụ : đảng Cộng Sản bổ nhiệm ban giám đốc doanh nghiệp. Để doanh nghiệp phát triển, cần có sự đồng thuận giữa những người này và các lãnh đạo chính trị.
Hiện nay, các cơ sở công nghệ tư nhân - trong đó có rất nhiều cơ sở lên sàn chứng khoán ở nước ngoài - thu hút phần lớn giá trị thặng dư, được tạo ra từ cách làm kinh tế mới. Vì thế các nhà hoạch định chính sách phải tìm ra cách tài trợ, để giải thể các doanh nghiệp nhà nước lỗi thời và phát triển các cơ sở mới.
Có vẻ như tính chất bất trắc của tình hình đã khiến chính quyền phải suy nghĩ lại về dự án cải cách, vốn ban đầu được khởi sự rất quyết liệt. Chính quyền Trung Quốc nghĩ rằng, khi hệ thống kinh tế tài chính được xây dựng trên cơ sở mạng lưới nhiều yếu tố phụ thuộc lẫn nhau, thì chỉ cần can thiệp vào một yếu tố duy nhất cũng đủ gây ra những hậu quả nặng nề.
Câu trả lời nằm trong các thách thức về « an ninh thông tin và cạnh tranh ». Nếu các doanh nghiệp nhà nước tận dụng được ưu thế « kinh tế theo quy mô » (écomonie d'échelle), để tạo ra các « cơ sở nền tảng » (plate-forme) và dịch vụ giá rẻ, thì có thể góp phần quản lý việc sử dụng thông tin của các cơ sở tư nhân lớn và quản lý được các công ty nước ngoài khổng lồ như Facebook hoặc Google trên thị trường Trung Quốc. Các ngân hàng nhà nước sẽ có thể đề xuất nhiều dịch vụ tài chính an toàn cho hàng triệu công ty vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp nhà nước cũng có thể liên kết với các đối tác tư nhân ở địa phương, để xây dựng và quản lý hệ thống giao thông, thoát nước ở đô thị, và để hỗ trợ các tổ chức kiểm soát an toàn thực phẩm, ô nhiễm và an ninh công cộng.
Các nhà chức trách Trung Quốc có lý khi suy tính kỹ trước khi vào cuộc. Đây sẽ là một thử thách lớn. Nhưng thử thách này không là gì cả so với các vấn đề mà chính quyền Trung Quốc phải đối mặt, nếu vẫn duy trì mô hình kinh tế cũ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160714-cac-doanh-nghiep-nha-nuoc-trung-quoc-lieu-co-duoc-cai-cach

Trung Quốc : Nền kinh tế không « hạ cánh cứng » và tiếp tục cải cách

media
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại cuộc họp báo sau khi phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc.REUTERS/Kim Kyung-hoon

Tại buổi họp báo bế mạc kỳ họp Quốc Hội ngày 16/03/2016, thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định rằng dù tăng trưởng đang chựng lại, nhưng nền kinh tế Trung Quốc sẽ không « hạ cánh cứng ». Người đứng đầu chính phủ cũng hứa tăng cường các biện pháp cải cách tổ cơ cấu, trong đó có việc cắt giảm các tập đoàn nhà nước làm ăn thua lỗ.
Trước báo giới, thủ tướng Lý Khắc Cường nói : « Nền kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn lẫn lộn giữa khó khăn và hy vọng. Nhưng về cơ bản, niềm hy vọng vượt trội mọi khó khăn ».
Trong khi tăng trưởng của nước này chỉ đạt mức 6,9% vào năm 2015, mức thấp nhất từ 1/4 thế kỷ qua, thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh : Chính phủ đã « có những biện pháp điều tiết đầy sáng tạo » để kích thích hoạt động kinh tế trong trường hợp nền kinh tế gặp khó khăn.
Ông Lý Khắc Cường trấn an rằng chừng nào chính phủ tiếp tục tiến hành cải cách (cơ cấu) và chính sách mở cửa, thì nền kinh tế Trung Quốc sẽ không bị « hạ cánh cứng », nhằm nói tới kịch bản nền kinh tế thứ hai của thế giới bị sụp đổ.
Bắc Kinh đang tìm cách tái cân bằng hình mẫu tăng trưởng, chuyển sang tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ, công nghệ mới và tiêu dùng nội địa. Nhưng việc chuyển tiếp đang gặp khó khăn vì lĩnh vực công nghiệp (từ ngành luyện thép đến sản xuất xi-măng tới hóa học) đều rơi vào tình trạng sản xuất dư thừa do lượng « cầu » giảm. Thêm vào đó, hai lĩnh vực chủ đạo, là xuất khẩu và đầu tư bất động sản, đóng góp lớn cho GDP của Trung Quốc, cũng bị tác động nặng nề.
Đánh giá về việc các doanh nghiệp nhà nước thống trị lĩnh vực công nghiệp, thủ tướng Lý Khắc Cường nhận xét : « Chính phủ kiểm soát các hoạt động mà đáng lẽ ra không nên can thiệp ». Ông cam kết thực hiện kế hoạch tái cấu trúc các tập đoàn lớn và giảm sản xuất dư thừa song không « sa thải hàng loạt nhân viên ». Khoảng 1,8 triệu nhân viên bị nghỉ việc trong lĩnh vực than đá và gang thép được chính phủ cam kết đào tạo và chuyển nghề cho họ.
Ông Lý Khắc Cường cũng tỏ ra lạc quan cho rằng Trung Quốc mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của tiến trình đô thị hóa và chuyển đổi, thông qua giai đoạn này sẽ xuất hiện nhiều động cơ tăng trưởng mới.
Bằng cách liên tục giảm thuế khóa và tối giản các thủ tục hành chính cùng nhiều biện pháp khác, Bắc Kinh đang muốn khuyến khích « đổi mới »« kinh doanh ». Cuối cùng, ông Lý Khắc Cường trấn an dư luận về tinh thần liên kết giữa các thị trường chứng khoán, cũng như những quan ngại ngày càng tăng đáng báo động của các khoản nợ xấu trong các ngân hàng, đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160316-trung-quoc-nen-kinh-te-khong-%C2%AB-ha-canh-cung-%C2%BB-va-tiep-tuc-cai-cach

Trung Quốc chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách để kích thích kinh tế

media
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu trong phiên khai mạc Quốc Hội Trung Quốc ngày 05/03/2016 tại Bắc Kinh.REUTERS/Jason Lee

Trung Quốc đề ra chỉ tiêu tăng trưởng từ 6,5% đến 7% cho năm 2016, trong bối cảnh kinh tế trì trệ và những khó khăn về cơ cấu vẫn kéo dài. Nhưng Bắc Kinh sẵn sàng để ngân sách thâm thủng thêm nhằm kích thích hoạt động kinh tế.
Trên đây là thông báo của thủ tướng Lý Khắc Cường trong bài phát biểu trước các đại biểu trong buổi khai mạc kỳ họp của Quốc hội Trung Quốc hôm nay, 05/03/2016. Ông Lý Khắc Cường đã trình bày bối cảnh không lấy gì là sáng sủa, với nền kinh tế thế giới phục hồi quá chậm, trong khi áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc đang gia tăng.
Đa số các chỉ số kinh tế Trung Quốc đều đang ở mức báo động, từ nhu cầu tiêu dùng, trao đổi thương mại, hoạt động sản xuất, cho đến đầu tư địa ốc. Đó là chưa kể những xáo trộn trên các thị trường tài chính, nguy cơ rút vốn ồ ạt ra khỏi nền kinh tế và nhất là tình trạng khả năng sản xuất dư thừa.
Trong bối cảnh như vậy, thay vì đề ra một tỷ lệ chính xác, chính phủ Bắc Kinh chỉ đưa ra một chỉ tiêu tăng trưởng trong khoảng từ 6,5% đến 7% cho năm 2016, để có một khuôn khổ hành động cho những cải cách cần thiết. Năm ngoái, Trung Quốc đã đề ra chỉ tiêu tăng trưởng 7%, nhưng cuối cùng chỉ đạt được 6,9%.
Để kích thích hoạt động kinh tế, chính phủ Bắc Kinh sẽ không ngần ngại tăng thâm thủng ngân sách, mà theo dự báo sẽ tăng lên mức 3% GDP trong năm nay, so với mức 2,3% năm ngoái. Chính phủ Trung Quốc dự trù mở rộng việc miễn thuế cho các doanh nghiệp và gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Trong khuôn khổ kế hoạch 5 năm ( 2016-2020 ), Bắc Kinh dự trù sẽ đầu tư 341 tỷ euro cho việc xây dựng các tuyến đường sắt và đường bộ.
Nhưng các nhà phân tích đã báo động về nguy cơ nợ công của Trung Quốc tăng vọt, năm nay có thể lên tới 43% GDP, theo thẩm định của cơ quan Moody’s. Theo hãng tin Bloomberg, tổng số nợ ( công và tư ) của Trung Quốc nay đã lên gần đến mức 250% GDP.
Kế hoạch 5 năm do thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày hôm nay cũng dự trù là trong vòng 5 năm tới, dân số Trung Quốc sẽ tăng thêm 45 triệu người ( gần bằng dân số của Tây Ban Nha ), nhưng quốc gia này hiện đang phải đối phó với tình trạng dân số lão hóa một cách đáng ngại. Theo số liệu chính thức, tính đến cuối năm 2015, dân số của Trung Quốc là 1,37 tỷ người.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160305-trung-quoc-chap-nhan-tang-tham-hut-ngan-sach-de-kinh-thich-kinh-te

Kinh tế mất đà, Bắc Kinh đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp Nhà nước

media
Một nhà máy của tập đoàn XCMG tại Từ Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 14/08/2015.REUTERS/Brenda Goh

Giờ đây khi mà nền kinh tế bị chững lại, lộ rõ những nhược điểm, Trung Quốc buộc phát động chiến dịch mới đẩy mạnh cải cách khu vực kinh tế Nhà nước. Cuộc cải cách hứa hẹn sẽ tấp nập với hoạt động sáp nhập, loại bỏ nhiều doanh nghiệp Nhà nước, vốn từ trước vẫn được coi là thực thể trụ cột của cả nền kinh tế.
Giới quan sát đánh giá đợt cải tổ lần này sẽ phải kéo dài và không có được kết quả tức thì giúp Trung Quốc phục hồi kinh tế.
Hôm 13/9 vừa qua, Bắc Kinh đã công bố những nét chính trong chương trình cải cách khu vực kinh tế Nhà nước có tên gọi : « Đường lối chỉ đạo cải cách sâu rộng khu vực doanh nghiệp Nhà nước ». Mục đích như báo chí chính thức nhấn mạnh là nhằm kích thích khả năng cạnh tranh quốc tế cho các doanh nghiệp Nhà nước, « biến các công ty đó trở thành những chủ thể độc lập trên thị trường ».
Các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc từ lâu nay vẫn giữ một vai trò chủ đạo, nhận được nhiều ưu đãi hơn so với khu vực kinh tế tư nhân, từ tài chính đến sự che trở của chính sách. Ngoài ra, doanh nghiệp Nhà nước tại Trung Quốc còn là nơi thường xảy ra các tệ nạn tham ô, tham nhũng hay lũng đoạn thị trường.
Tuy nhiên, giờ đây khi mà nền kinh tế thứ 2 thế giới này bị mất đà, giảm tốc ngoài dự kiến bởi đầu tư cũng như xuất khẩu sụt giảm - hai lĩnh vực do các doanh nghiệp Nhà nước nắm đa phần - thì ở Bắc Kinh người ta càng nhận thấy rõ hơn sự yếu kém của khu vực kinh tế Nhà nước và nhu cầu cấp bách cần phải cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế.
Chỉ thị của chính phủ về cải cách sâu rộng các doanh nghiệp Nhà nước vừa được ban hành liên quan đến khoảng 150 nghìn doanh nghiệp, trong đó có hàng trăm tập đoàn, tổng công ty có vốn 100% nằm dưới sự quản lý của chính phủ. Văn bản chưa đưa ra hướng dẫn thi hành cụ thể, chỉ kêu gọi đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.
Theo giới quan sát, đợt cải cách lần này sẽ là một bước đi quan trọng nhằm loại bỏ dần một số doanh nghiệp Nhà nước cũ và có thể tạo thêm hàng trăm công ty hoặc nhà đầu tư thuộc sở hữu nhà nước khác.
Bà Claire Huang, nhà kinh tế thuộc ngân hàng Société Générale tại Hồng Kông, nhận định trong đợt cải cách này sẽ có « nhiều cuộc sáp nhập, thôn tính cổ phần của các công ty Nhà nước để hình thành những tập đoàn Nhà nước lớn hơn, mạnh hơn ». Tuy nhiên cũng không nên hy vọng chủ trương này sẽ có tác dụng tích cực ngay đến nền kinh tế. Điều căn bản, theo chuyên gia này, là làm sao phải cải thiện được hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước. Điều này còn phải mất nhiều năm nữa.
Nhiều tập đoàn Nhà nước cũng đang rục rịch có những động thái cho cuộc hợp nhất để trở thành những « người khổng lồ » mới trên thế giới. Trong một cuộc họp báo, tại Bắc Kinh hôm 14/9, Phó chủ tịch Ủy ban Nhà nước về cải cách và phát triển, ông Liên Duy Lương đã giải thích việc đa dạng hóa nguồn vốn của các doanh nghiệp Nhà nước có thể hiểu là vốn tư nhân bên cạnh vốn Nhà nước. Vị quan chức này cũng bổ sung là Nhà nước sẽ giữ đa số cổ phần của các công ty thuộc khu vực gọi là « kinh tế an ninh », tức là các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia. Đây là điểm khiến các nhà đầu tư nước ngoài nghi ngại.
Đường hướng cải cách khu vực kinh tế Nhà nước này đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương trong kỳ họp cuối năm 2013, theo đó phải từng bước tạo điều kiện cho khu vực tư nhân chiếm lĩnh vị trí nhiều hơn trong nền kinh tế nhằm cân bằng tăng trưởng của đất nước.
Cải cách sẽ tạo ra nhiều cơ hội nhưng chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Giáo sư kinh tế Lưu Thụy, thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, đã nhận định : Doanh nghiệp Nhà nước là một ưu thế của chế độ Trung Quốc hiện nay. Tuy nhiên, trong hơn 30 năm cải cách mở cửa cũng đã bộc lộ ra nhiều vấn đề trong đó có tệ tham ô, tham nhũng ở lãnh đạo chủ chốt, lạm dụng để mưu lợi cá nhân.
Chính vì thế cuộc cải cách Doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc sẽ trở nên khó khăn, khốc liệt khi nó đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của giới lãnh đạo.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150915-kinh-te-mat-da-bac-kinh-day-manh-cai-cach-doanh-nghiep-nha-nuoc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten