woensdag 22 maart 2017

Chiến hạm Pháp sẽ tập trận với Nhật, Mỹ, Anh để đối phó Trung Quốc + Châu Âu kêu gọi tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông


Chiến hạm Pháp sẽ tập trận với Nhật, Mỹ, Anh để đối phó Trung Quốc

media
Chiến hạm Pháp Montcalm tham gia cuộc tập trận với NATO trên Địa Trung Hải ngày 13/03/2017.REUTERS/Antonio Parrinello
Reuters ngày 17/03/2017 đưa tin, nhằm phô trương sức mạnh quân sự trước Trung Quốc, Pháp sẽ điều một trong những chiến hạm hiện đại nhất là Mistral để dẫn đầu các cuộc tập trận trên bộ và trên biển ở đảo Tinian, tây Thái Bình Dương. Cuộc tập trận có sự tham dự của quân đội Nhật, Hoa Kỳ, và hai trực thăng quân sự của Anh.
Hãng tin Anh dẫn một nguồn tin cho biết cuộc tập trận sẽ diễn ra vào tuần lễ thứ hai và thứ ba trong tháng Năm. Một nguồn tin ẩn danh khác nói với Reuters : « Đây không chỉ đơn giản là một cuộc tập trận hải quân, mà còn nhằm gởi đến một thông điệp cho Trung Quốc ».
Trong lúc tăng cường sức mạnh với việc đóng thêm các hàng không mẫu hạm mới, Bắc Kinh còn mở rộng ảnh hưởng xa khỏi Thái Bình Dương. Các hành động này gây quan ngại cho Nhật Bản, Hoa Kỳ, và cả nước Pháp vốn kiểm soát nhiều hòn đảo ở Thái Bình Dương, trong đó có Tân Calédonie và Polynésie là lãnh thổ hải ngoại của Pháp.
Trung Quốc đang đóng chiếc tàu sân bay thứ hai là Sơn Đông (Shandong), ngoài chiếc Liêu Ninh (Liaoning) là tàu cũ mua lại của Ukraina và tân trang. Hồi tháng 12/2016, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đã dẫn đầu một đoàn chiến hạm đi ngang qua vùng biển phía nam Nhật Bản.
Đảo Tinian do Hoa Kỳ quản lý là một phần của quần đảo Bắc Mariana (trong đó có đảo Guam) nằm cách phía nam Tokyo khoảng 2.500 km.
Nhật Bản, đồng minh thân thiết của Mỹ sở hữu lực lượng Hải quân đứng thứ nhì châu Á sau Trung Quốc, đang xây dựng quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với cả Pháp và Anh. Còn Anh quốc hồi tháng 10/2016 đã điều bốn chiến đấu cơ Typhoon đến Nhật để tập luyện với Không quân Nhật Bản. Phi cơ Anh cũng đã từng bay qua Biển Đông để xác định quyền tự do đi lại trên vùng biển bị Bắc Kinh yêu sách chủ quyền.
Một phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản khi được hỏi về cuộc tập trận chung với Pháp, Mỹ, Anh nói rằng hiện chưa có gì được quyết định chính thức. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngày mai sẽ sang châu Âu hội đàm với các lãnh đạo EU, trong đó có việc gặp tổng thống Pháp François Hollande. Các viên chức của đại sứ quán Pháp, Mỹ tại Tokyo cũng như phát ngôn viên lực lượng Mỹ tại Nhật chưa sẵn sàng trả lời Reuters.

http://vi.rfi.fr/phap/20170318-thai-binh-duong-chien-ham-phap-se-tap-tran-voi-nhat-my-anh-de-doi-pho-trung-quoc

Châu Âu kêu gọi tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông

media
Hình ảnh vệ tinh cho thấy một trạm ra-đa được xây dựng trong quần đảo Trường Sa có tranh chấp trên Biển Đông.REUTERS/CSIS Asia Maritime Transparency Initiative/DigitalGlobe/
Các nước phải được "tự do lưu thông tại Biển Đông". Ủy ban Châu Âu hôm 22/06/2016 đưa ra cảnh báo ngoại giao đầu tiên với Bắc Kinh, sau vụ máy bay Trung Quốc ngăn chận một phi cơ quân sự Mỹ trên không phận Biển Đông tháng trước.
Thông cáo phát hành ngày hôm qua của Ủy Ban Châu Âu ghi rõ : « Khối lượng lớn hàng hóa thương mại đường biển qua vùng này cho thấy tự do hàng hải và hàng không là điều quan trọng hàng đầu đối với EU. Liên Hiệp Châu Âu cần cổ vũ Trung Quốc đóng góp vào sự ổn định của khu vực…và ủng hộ trật tự quốc tế trên cơ sở luật pháp ».
Ủy Ban Châu Âu tránh chỉ trích trực tiếp Bắc Kinh, đối tác thương mại chủ yếu của Liên Hiệp Châu Âu (EU), nhưng cảnh báo trong một văn bản mới về chính sách, là Châu Âu « phản đối các hành động đơn phương có thể phương hại đến nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng ». Đây là dấu hiệu cho thấy sự quan ngại của Châu Âu trước việc Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các đảo trên Biển Đông.
Dự thảo chính sách đối với Trung Quốc trong năm năm tới của Ủy ban Châu Âu viết : « EU muốn rằng tự do hàng hải và hàng không được tôn trọng tại Biển Hoa Đông và Biển Đông ». Các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ phải thông qua dự thảo này.
Trong khi Liên Hiệp Châu Âu giữ thái độ trung lập trong vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia Châu Á khác, Washington thúc giục Bruxelles lên tiếng phản đối việc Bắc Kinh yêu sách hầu như toàn bộ Biển Đông. Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc có hành vi cưỡng chiếm tuyến đường hàng hải huyết mạch mà Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan cũng đòi hỏi chủ quyền.
Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về đường 9 đoạn do Bắc Kinh tự vẽ ra, dù Trung Quốc từ chối tham dự và nói rằng tòa án Liên Hiệp Quốc không có thẩm quyền xét xử.
Tháng trước, hai chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay chặn một phi cơ trinh sát quân sự Mỹ trên Biển Đông, yêu cầu Washington chấm dứt giám sát gần Trung Quốc. Vụ này xảy ra một tuần sau khi khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS William P.Laurence đi vào vùng 12 hải lý xung quanh đá Chữ Thập mà Bắc Kinh đang ra sức đào đắp.
Dù cẩn trọng trong từ ngữ, Liên Hiệp Châu Âu ngày càng quan ngại trước tình trạng căng thẳng hiện nay, và bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian trong tháng 6/2016 đã kêu gọi Châu Âu tiến hành các cuộc tuần tra « thường xuyên và công nhiên » tại Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160623-chau-au-tu-do-hang-hai-hang-khong-bien-dong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten