Đây được coi là một trong những công trình kiến trúc tạc trên đá hùng vĩ nhất thế giới…
Trong lịch sử của đế chế Ai Cập cổ đại, Pharaoh Ramessese II được xếp vào danh sách những hoàng đế vĩ đại nhất.
Trong suốt hơn 60 năm trị vì của mình, ông đã chấn hưng Ai Cập, đưa quốc gia lên một tầm cao mới với những chiến công đánh bại quân thù, với các công trình kiến trúc đồ sộ từ cổ chí kim. Một trong số đó chính là ngôi đền thờ Abu Simbel.
Abu Simbel là hệ thống kiến trúc đền đá độc đáo được xây dựng từ khoảng năm 1264 - 1244 TCN, tại khu vực Nubia, phía Tây hồ Nasser, miền Nam Ai Cập.
Ngôi đền nằm trong quần thể 7 ngôi đền đá, được Ramessese II cho xây dựng trong suốt thời gian trị vì, nhằm củng cố uy quyền cũng như phát triển tôn giáo trên toàn Ai Cập cổ đại.
Theo các nhà sử học ghi chép, công trình đồ sộ này được xây dựng để thờ ba vị thần nổi tiếng của Ai Cập cổ đại.
Đó là thần sáng tạo Ptah (thần của các vị thần), thần Amun-Re (thần Mặt trời), thần Re-Harakti (thần bổn mạng của Pharaoh), đồng thời thờ cả chính vua Ramessese II, ngay khi ông vẫn còn đang sống và tại vị.
Abu Simbel được xây dựng vô cùng kì công, tỉ mỉ bởi các nghệ nhân và nô lệ Ai Cập trong khoảng thời gian 24 năm.
Đền được tạo tác ngay trực tiếp trên đá sa thạch, ban đầu là dạng thô rồi mới hoàn thiện theo đúng quy chuẩn xây dựng kim tự tháp và lăng mộ ở Thung lũng các vị vua.
Mặt tiền của đền thờ rộng 35m, được chạm khắc với 22 con khỉ đầu chó giơ tay lên trời - người hầu trung thành của Thần Mặt trời.
Hai bên chính giữa cửa ra vào đền, Ramessese II đã cho xây dựng 4 bức tượng khổng lồ cao hơn 20m. Tất cả chúng đều được tạc từ hình tượng của ông, trên đầu đội vương miện đôi Atef tượng trưng cho Pharaoh của cả thượng và hạ Ai Cập.
Đặc biệt, các nhà khảo cổ học cũng đã tìm được một tấm bia khắc bằng chữ tượng hình mô tả cuộc hôn nhân của vua Ramessese II với công chúa con vua Hattusili III, ấn định nền hòa bình giữa Ai Cập và Hittite.
Dưới thời Ai Cập cổ đại, Abu Simbel chưa một lần được trùng tu.
10 năm sau khi được xây dựng xong, một trận động đất lớn diễn ra và bức tượng thứ hai bên trái đã bị sập mất phần thân trên, rơi xuống ngay phía chân của ngôi đền.
Tuy nhiên, các Pharaoh Ai Cập đã quyết định để nó nguyên trạng mà không hề sửa chữa lại.
Từ lối vào đến nơi sâu nhất của ngôi đền kéo dài tới khoảng 70m. Cấu trúc bên trong của ngôi đền thuôn vào hình tam giác, theo phương thức xây dựng các ngôi đền cổ xưa.
Hành lang đầu tiên gồm 8 trụ cột lớn, là 8 pho tượng thần Osiris to lớn, - vị thần cai quản địa ngục, tượng trưng cho cái chết.
Qua tới hành lang thứ hai trong ngôi đền, ta có thể chiêm ngưỡng rất nhiều bức phù điêu chạm khắc bằng hình vẽ cũng như chữ tượng hình, thuật lại những chiến công lẫy lừng của vua Ramessese II như chống lại quân Hitttite, chiến thắng tại Nubia, Lybia…
Mỗi năm 2 lần, vào các ngày 21/2 và 21/10, ánh sáng Mặt trời lúc bình minh sẽ chiếu thẳng vào tượng thần Amun rồi từ từ sang phải tới tượng Ramessese II và cuối cùng tới thần Re-Harakhti.
Riêng thần Ptah, vị thần liên kết với thần bóng tối thì không hề được chiếu sáng. Dù vô tình hay cố ý sắp đặt thì phải nói hiện tượng này quả là một điều kỳ thú hiếm gặp trong kiến trúc tự cổ chí kim.
Cách ngôi đền lớn khoảng 100m về phía Đông Bắc, ta cũng có thể bắt gặp đền thờ Hathor và Nefertari, nơi còn được gọi là đền thờ nhỏ, dùng để thờ chính phi của Ramessese II.
Đây là lần thứ 2 trong lịch sử của Ai Cập cổ đại, một vị hoàng hậu lại được xây dựng đền thờ sau người đầu tiên là hoàng hậu Nefertiti - vợ Pharaoh Akhenaten.
Trong thập niên 1960, Abu Simbel trước nguy cơ chịu ảnh hưởng từ việc xây dựng đập Aswan đã được UNESCO tiến hành trùng tu.
Đền được tháo dỡ thành 13.000 mảnh nhỏ, đưa lên xây lại trên một mảnh đồi nhân tạo cao hơn trước 65m và phải mất tới 8 năm để hoàn thiện.
Bạn có thể xem thêm:
Geen opmerkingen:
Een reactie posten