woensdag 3 juli 2013

Ai Cập : Quân đội đứng về phía nhân dân

Thứ ba 02 Tháng Bẩy 2013

Ai Cập : Quân đội đứng về phía nhân dân

Quân đội Ai Cập đang gia tăng sức ép lên chính quyền của Tổng thống Morsi
Quân đội Ai Cập đang gia tăng sức ép lên chính quyền của Tổng thống Morsi
REUTERS/Sherif Abd Monam/Egyptian Presidency

Thanh Phương
Nắm vai trò trọng tài trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, quân đội Ai Cập cuối cùng đã quyết định đứng về phía nhân dân với việc gia tăng áp lực lên Tổng thống thuộc phe Hồi giáo Mohamed Morsi. Quyết định này dĩ nhiên đã làm hài lòng phe đối lập, nhưng hiện chưa biết tình hình Ai Cập sẽ diễn tiến như thế nào.


Các lãnh đạo quân đội Ai Cập ngày 01/07/2013 đã gia hạn 48 tiếng đồng hồ cho tất cả các bên để làm sao thỏa mãn các đòi hỏi của nhân dân, nếu không, quân đội sẽ buộc phải đề ra một « lộ trình » để đưa nước này ra khỏi khủng hoảng chính trị và sẽ giám sát việc thực hiện lộ trình đó. Tuy lời kêu gọi nói trên được đưa ra cho toàn bộ chính giới Ai Cập, nhưng rõ ràng đây là một bản tối hậu thư gởi đến Tổng thống Morsi, thuộc đảng Huynh đệ Hồi giáo.
Trong các cuộc biểu tình rầm rộ những ngày qua, người dân Ai Cập chỉ có một đòi hỏi duy nhất, đó là tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn, tức là ông Morsi phải ra đi.
Phong trào Tamarrod ( tiếng Ả Rập có nghĩa là « nổi dậy » ), phong trào đã khởi xướng các cuộc biểu tình đòi Tổng thống Morsi từ chức, cũng như những người biểu tình đang có mặt ở quảng trường Tahrir, Cairo tối ngày 01/07/2013 đã hoan nghênh tuyên bố của quân đội Ai Cập, cho rằng các quân nhân đã « đứng về phía nhân dân ».
Từ Chủ nhật vừa qua, ngày càng có nhiều người trong phe đối lập kêu gọi quân đội gây áp lực lên Tổng thống Morsi. Bộ trưởng Quốc phòng kiêm tổng tư lệnh quân đội, tướng Abdel Fattah al-Sissi vào tuần trước đã tuyên bố rằng quân đội sẽ không để cho đất nước rơi vào hỗn loạn. Trước đó, ông cũng đã cam kết « quân đội có nghĩa vụ can thiệp khi có nguy cơ các định chế Nhà nước sụp đổ, để tránh cho đất nước đi đến xung đột và rối loạn ». Nhưng cho tới nay, lãnh đạo quân đội Ai Cập chưa nói rõ là họ đứng về phe nào, cũng như là sẽ có hành động ra sao.
Trước mắt, Tổng thống Morsi đã bác bỏ tối hậu thư của quân đội, nhưng chính quyền của phe Hồi giáo đang ngày càng suy yếu, với việc 5 bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao Kamel Amr, tuyên bố từ chức. Trước tình hình này, Tổng thống Obama hôm qua đã gọi điện thoại cho Tổng thống Morsi bày tỏ sự quan ngại của ông, đồng thời kêu gọi các bên ở Ai Cập tự kềm chế. Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi các bên đối thoại với nhau, nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng mới này sẽ có « tác động quan trọng » đến tình hình những nước khác trong khu vực.
Sau khi Tổng thống Mubarak bị lật đổ vào đầu năm 2011 cho đến khi ông Morsi được bầu làm tổng thống tháng 6/2012, quân đội Ai Cập đã tạm nắm quyền lãnh đạo đất nước. Nay quân đội Ai Cập lại đứng trên tuyến đầu. Vấn đề là theo các nhà phân tích được hãng tin AFP trích dẫn, quân đội Ai Cập muốn đất nước ra khỏi khủng hoảng, tránh một cuộc nội chiến, nhưng lại không muốn trực tiếp đảm nhận quyền hành. Hơn nữa, trong thời gian tạm nắm quyền, quân đội Ai Cập bị các nhà đối lập chỉ trích là đã duy trì một chế độ độc đoán và đã gây ra nhiều vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng.
Nói chung, sự can thiệp của quân đội không phải là một giải pháp dài hạn, có điều phe đối lập ở Ai Cập hiện nay còn quá yếu để có thể lãnh đạo đất nước một cách ổn định.

http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20130702-ai-cap-quan-doi-dung-ve-phia-nhan-dan

Tổng thống Morsi quyết không từ chức


Cập nhật: 03:26 GMT - thứ tư, 3 tháng 7, 2013

Morsi phát biểu trên truyền hình
Tổng thống Morsi tỏ thái độ cứng rắn
Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi vẫn kiên quyết khẳng định ông vẫn là người lãnh đạo hợp pháp của đất nước giữa lúc các cuộc biểu tình ở thủ đô Cairo làm tổn thất thêm nhân mạng.
Trong một bài diễn văn vào tối muộn trên truyền hình, Morsi đã bác bỏ tối hậu thư của quân đội yêu cầu giải quyết khủng hoảng trước thời hạn 4/7.
Ông nói rằng không ai có thể ra lệnh cho ông và kêu gọi người biểu tình hãy ôn hòa. Tuy nhiên, ít nhất 16 người đã chết trong một cuộc tập hợp ủng hộ Morsi.

Kế hoạch của quân đội

Trước đó quân đội Ai Cập đã tiết lộ chi tiết của một bản thảo ‘lộ trình’ cho tương lai đất nước.
Theo những thông tin mà BBC có được thì ‘lộ trình’ này lên kế hoạch bầu cử tổng thống mới, đình chỉ Hiến pháp mới và giải tán Quốc hội.
Quân đội Ai Cập đã cảnh báo hôm 1/7 rằng họ sẽ nhảy vào cuộc trừ phi các phe phái tìm được giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Họ cho Tổng thống Morsi 48h để tìm kiếm thỏa thuận với phe đối lập.
Tối hậu thư này sẽ hết hạn vào lúc 16:30 giờ địa phương, tức 21:30 giờ Việt Nam thứ Tư ngày 3/7.
Trong bài diễn văn kéo dài 45’ trên truyền hình nhà nước, Morsi nói ông tôn trọng quyền biểu tình ôn hòa nhưng cũng nói rằng tôn trọng trật tự hiến pháp là ‘bảo đảm duy nhất giúp tránh có thêm đổ máu’.
“Một khi có bạo lực và hành động côn đồ thì tôi phải hành động,” ông phát biểu.
Morsi cũng nói rằng ông sẽ ‘hy sinh tính mạng’ để bảo vệ tính hợp pháp của Hiến pháp.
Ông cáo buộc tình trạng bạo loạn hiện nay là do tình trạng tham nhũng và những tàn dư của chế độ Hosni Mubarak, vị tổng thống bị lật đổ, và kêu gọi người biểu tình tôn trọng pháp trị.
Tổng thống Ai Cập kêu gọi thành lập một ủy ban hòa giải cũng như soạn thảo một bản hiến chương đạo đức cho báo chí. Ông nói rằng ông chuẩn bị gặp gỡ tất cả các phe phái và nhân vật để tiến hành đối thoại quốc gia.
Tuy nhiên, ông Mohammed Abdelaziz, lãnh đạo của phong trào đối lập Tamarod (Phản kháng), nói với hãng tin Pháp AFP rằng: “Có một vị tổng thống đang đe dọa người dân. Chúng tôi không xem ông ta là tổng thống của Ai Cập”.

Bạo lực bùng nổ

Đám đông ở Quảng trường Tahrir
Đã có sự ăn mừng khi có tin đồn quân đội sẽ đảo chính ông Morsi
Bạo lực đã bùng nổ ở một số nơi ở thủ đô Cairo hôm thứ Ba ngày 2/7. Các bệnh viện ở phía bắc, phía nam và trung tâm Cairo đã cho biết có thương vong.
Xung đột xảy ra nhiều hơn trên khắp đất nước sau khi các lãnh đạo của Huynh đệ Hồi giáo, đảng chính trị của Tổng thống Morsi, kêu gọi ủng hộ viên của họ xuống đường.
Bộ Y tế Ai Cập cho biết 16 người đã thiệt mạng và 200 người khác bị thương khi những người ủng hộ Morsi xung đột với lực lượng an ninh gần Đại học Cairo.
Trước đó Morsi đã gặp người đứng đầu các lực lượng vũ trang nước này, Tướng Abdel Fattah al-Sisi, ngày thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, chi tiết của các cuộc hội đàm này không được tiết lộ.
Các nguồn tin quân sự nói với BBC rằng cứ mỗi phút trôi qua vị thế của Morsi càng thêm ‘suy yếu’. Nguồn tin này cũng cho biết theo kế hoạch của quân đội thì Morsi sẽ được thay bằng một hội đồng các nhà kỹ trị và thường dân thuộc các đảng phái trước khi tổ chức bầu cử mới.
Sức ép đang chồng chất lên Tổng thống Morsi khi có đến sáu bộ trưởng trong nội các của ông từ chức, trong đó có Ngoại trưởng Kamel Amr.
Hôm thứ Ba ngày 2/7, người phát ngôn của Phủ Tổng thống và nội các cũng được đưa tin là đã từ chức.


Thêm về tin này

Geen opmerkingen:

Een reactie posten