vrijdag 8 februari 2013

Vì sao Nhật kết thân với Đông Nam Á?

Thứ tư, 23/1/2013, 16:29 GMT+7
Twitter
Facebook

Vì sao Nhật kết thân với Đông Nam Á?


Không lâu sau khi nhậm chức, tân thủ tướng Nhật Bản Abe và ngoại trưởng của ông công du ngang dọc 6 nước Đông Nam Á trong các chuyến công du đầu tiên. Điều gì thúc đẩy Nhật Bản quan tâm đến khu vực này đến thế?
> Thủ tướng Nhật thăm Việt Nam
> Nhật - Philippines tăng hợp tác biển


Có tới ba trong số bốn quốc gia mà ngoại trưởng mới của Nhật là Fumio Kishida chọn thăm đầu tiên thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á, gồm Philippines, Singapore và Brunei. Bản thân thủ tướng Shinzo Abe, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình, dù không định trước và vì hoàn cảnh phải hoãn chuyến đi Mỹ, đã chọn Việt Nam, Thái Lan và Indonesia để dừng chân.

Mối quan tâm và vai trò của Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á không phải là mới, và không chỉ vì mối bận tâm hiện nay về sự vươn lên của Trung Quốc. Trên thực tế, Nhật Bản từ lâu đã là một trong những đối tác đối thoại lâu đời nhất và quan trọng nhất của ASEAN. Mối quan hệ bắt đầu trở nên nồng ấm vào đầu năm 1977, khi Thủ tướng Takeo Fukuda ngay sau khi được bầu đã quyết định cải thiện hình ảnh của Tokyo trong khu vực, vốn bị sự chiếm đóng của Nhật Bản trong Thế chiến II làm phương hại. Kể từ đó, Nhật Bản đã đóng một vai trò nổi bật trong khu vực Đông Nam Á thông qua trợ giúp kinh tế, kinh doanh và văn hóa. Vai trò này vẫn được duy trì khi xuất hiện các nhân tố khác như Trung Quốc và các khó khăn kinh tế của Nhật.

Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Abe kể từ khi lên nhậm chức thủ tướng tháng trước.Ảnh: AFP

Thực tế là sự quy tụ của các sự kiện đang làm cho năm 2013 trở thành năm quan trọng cho nỗ lực củng cố quan hệ giữa Nhật Bản và các nước ở Đông Nam Á. Về hình thức, đây là năm kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản. Do đó, trong những tháng tới người ta có thể tiên liệu sẽ có nhiều trao đổi đoàn và các sự kiện hơn hàng năm giữa Tokyo và các nước Đông Nam Á, giống như những gì ASEAN và Ấn Độ đã làm năm 2012 để kỷ niệm 20 năm quan hệ giữa hai bên.

Điều quan trọng hơn là danh sách những mối quan tâm chung giữa Nhật Bản và Đông Nam Á giờ đây được cho là dài hơn trước rất nhiều. Về kinh tế, Nhật Bản đang tìm kiếm thị trường mới, trong lúc đang lún vào suy thoái kinh tế lần thứ 4 kể từ năm 2000 và quan hệ với Trung Quốc đang xấu đi. Trong khi đó ASEAN đang tìm kiếm đối tác để giúp xây dựng một cộng đồng kinh tế ASEAN toàn diện vào năm 2015 thông qua việc cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng. Thí dụ, trong chuyến thăm của Abe đến Bangkok, Thủ tướng Yingluck Shinawatra của Thái Lan đã tái khẳng định mong muốn Nhật Bản can dự vào dự án xây dựng cảng Dawei mà Thái Lan đang cùng phát triển với Myanmar, một sáng kiến mà phía Nhật Bản cũng bày tỏ qua tâm.

Về lĩnh vực an ninh, cả Nhật Bản và nhiều nước ở Đông Nam Á hiện đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, bên canh đó còn có một loạt các quan tâm sống còn về an ninh chung từ thảm họa thiên nhiên đến buôn bán ma túy và khủng bố. Việc Nhật Bản cung cấp 10 tầu tuần tra để tăng cường lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines trước năm 2014 là một điểm trao đổi chính trong cuộc gặp giữa Kishida với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario. Quan hệ Nhật-Philippines là một quan hệ quan trọng vì Tokyo là một trong hai đối tác chiến lược duy nhất của Philippines và cả hai nước đều là đồng minh của Mỹ. Về mặt biểu tượng, Manila là nơi cựu thủ tướng Fukuda đưa ra tuyên bố nổi tiếng của ông vào tháng 8 năm 1977 về quan hệ ASEAN-Nhật Bản, và về sau đã được biết đến là Học thuyết Fukuda.

Một số lĩnh vực khác cũng có thể chứng kiến sự phát triển trong quan hệ ASEAN-Nhật Bản trong năm 2013. An ninh năng lượng có thể sẽ được nhấn mạnh vì vấn đề có tầm quan trọng sống còn đối với việc thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN, và đồng thời là một ưu tiên cao đối với Brunei, nước sẽ giữ chức chủ tịch ASEAN năm nay. Tiến bộ có thể cũng sẽ đạt được trong lĩnh vực an ninh mạng vì cả hai bên đều dễ bị tổn thương trược các cuộc tấn công của tin tặc. Có thông tin hai bên đã bắt đầu các cuộc trao đổi về việc thiết lập một mạng lưới phòng thủ mạng chung.

Con đường cụ thể để tăng cường quan hệ giữa Nhật Bản và các nước Đông Nam Á sẽ được hai bên thiết lập trong những tháng tới. Nhưng nhu cầu hợp tác, không chỉ vì Trung Quốc mà bao gồm một loạt các lĩnh vực, là rất rõ ràng. Mối quan hệ tăng tiến giữa ASEAN với Nhật Bản chắc chắn sẽ là một xu hướng rõ rệt của năm 2013.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) sau cuộc gặp người đồng cấp Philippines Albert del Rosario tại Manila hôm 10/1. Ảnh: AFP

Phạm Ngọc Uyển (theo The Diplomat)
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten