Phi thuyền Mỹ sẽ lao vào thiên thạch
Một phi thuyền do Mỹ chế tạo sẽ lao vào hai thiên thạch để các nhà khoa học nghiên cứu biện pháp đối phó những tảng "đá trời" có nguy cơ gây họa cho trái đất.
Hình minh họa phi thuyền AIDA của Mỹ lao vào thiên thạch nhỏ hơn trong hệ thiên thạch Dydimos, trong khi phi thuyền khác của châu Âu (phía trên) quan sát vụ va chạm. Ảnh: Space. |
Các quan chức của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) thông báo một phi
thuyền nhỏ có tên AIDA (từ viết tắt của Asteroid Impact and Deflection
Assessment) của Mỹ sẽ bay tới Dydimos - một hệ thiên thạch đôi - vào năm 2022.
Khi đó Dydimos cách trái đất chừng 11 triệu km, Space đưa tin.
Didymos gồm hai thiên thạch có chiều rộng 800 m và 150 m. Chúng
xoay quanh nhau và không có khả năng gây họa cho trái đất trong tương lai.
Phi thuyền của Mỹ sẽ bay vào thiên thạch nhỏ hơn với tốc độ
khoảng 22.530 km/h, còn một phi thuyền của Cơ quan Vũ trụ châu Âu sẽ ghi lại
cảnh đụng độ. Trong khi đó, các thiết bị trên mặt đất cũng sẽ theo dõi cảnh
tượng ấy để các nhà khoa học tìm ra cách ngăn chặn một thiên thạch lao trúng
trái đất.
"Dự án này có ý nghĩa trên nhiều phương diện, từ khoa học ứng
dụng tới khai thác thiên thạch", Andy Cheng, một nhà nghiên cứu của Đại học John
Hopkins tại Mỹ, phát biểu. Cheng tham gia dự án AIDA.
Mức độ quan tâm của dư luận đối với thiên thạch trở nên lớn hơn
sau khi một thiên thạch lao xuống
miền trung nước Nga, giải phóng năng lượng tương đương 20-25 quả bom nguyên tử
mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai. Sau vụ
việc này, nhiều chính trị gia và nhà khoa học đã kêu gọi các chính phủ tăng
cường khả năng giám sát và ngăn chặn thiên thạch.
Minh Long
|
http://vnexpress.net/gl/khoa-hoc/2013/02/phi-thuyen-my-se-lao-vao-thien-thach/
Thứ sáu, 22/2/2013, 10:13 GMT+7
Thiên thạch khó có thể hủy diệt trái đất
Một thiên thạch phát nổ hay rơi được tới mặt đất hay không phụ
thuộc vào khả năng chịu áp suất nén do bầu khí quyển tác động. Chúng thường mất
đến 99% lượng vật chất trước khi chạm vào bề mặt trái đất.
> "UFO bắn tan thiên
thạch ở Nga"
Vệt khói thiên thạch để lại bầu trời miền trung nước Nga hôm 15/2. Ảnh: RIA Novosti. |
Thiên thạch nổ tung trên bầu trời Chelyabinsk, Nga ngày 15/2 vừa
qua có kích thước ước tính từ 15 m đến 17 m, tốc độ 18 km/giây, với khối lượng
khoảng từ 7.000 đến 10.000 tấn. Nó phát nổ ở độ cao khoảng 15-25 km, sức công
phá ước tính lên tới khoảng 500 kiloton TNT, tức khoảng 30 lần quả bom nguyên tử
do Mỹ thả xuống Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ II. Những vụ nổ thiên
thạch như vậy rất hiếm gặp, vì nó chỉ xảy ra khoảng một lần mỗi thế kỷ. Đây là
vụ nổ lớn nhất kể từ vụ nổ Tunguska năm 1908 ở Siberia, Nga. Các trạm quan trắc
sóng hạ âm đã tính toán thời gian thiên thạch bay vào bầu khí quyển và phát nổ
là 32,5 giây.
Mỗi ngày, trái đất nhận hàng ngàn mảnh thiên thạch bắn phá với
kích thước trải rộng từ vài nguyên tử tới một quả bóng rổ. Thiên thạch có thể
lao vào bầu khí quyển trái đất với vận tốc tối thiểu theo lý thuyết là khoảng 11
km/giây, nhưng chủ yếu tập trung ở khoảng 17 km/giây. Phần lớn các thiên thạch
khi lao vào bầu khí quyển, lớp không khí phía trước chúng sẽ bị nén rất mạnh,
tạo ra một sóng xung kích với áp suất nén cực lớn làm nóng lớp khí này và cả
thiên thạch, đồng thời kích thích vật chất trên thiên thạch này bốc cháy và phát
sáng, tạo thành một vệt sáng dài khi quan sát từ mặt đất mà ta gọi là sao băng.
Cũng chính áp suất từ các lớp khí tác động trở lại, và sự mất
cân bằng áp suất giữa phần trước và phần sau của thiên thạch là nguyên nhân
khiến nó đến một mức độ nhất định nào đó không chịu được nữa mà nổ tung. Càng đi
vào sâu, mật độ không khí càng dày, áp suất nén tác động lên thiên thạch càng
lớn, nó càng mất dần vật chất và càng dễ phát nổ.Theo ước tính thì thiên thạch
mất khoảng 95-99% khối lượng ban đầu của nó từ khi đi vào khí quyển cho tới mặt
đất.
Sao băng vốn là một hiện tượng hay xảy ra nhưng lại khó gặp vì
thời gian lướt qua của chúng quá ngắn, trong khi phần lớn chúng lại bị che bởi
ánh sáng chói chang khi lao vào trái đất lúc ban ngày. Các vụ nổ thiên thạch lớn
diễn ra thường xuyên trong suốt lịch sử trái đất, nhưng trở nên hiếm gặp trong
vài ngàn năm ngắn ngủi của văn minh loài người. Hơn nữa, phần lớn trong số chúng
lại diễn ra trên đại dương hay các vùng không có người ở. Sự kiện Tunguska năm
1908 mãi tới năm 1927 mới được khảo sát do nằm sâu trong khu vực hẻo lánh ở
Siberia.
Một thiên thạch phát nổ hay rơi được tới mặt đất phụ thuộc vào
khả năng chịu đựng áp suất nén gây ra do bầu khí quyển. Ngoài khối lượng lớn,
vận tốc cao, nó còn phải có cấu tạo từ các chất có mật độ cao, bền chặt. Theo Cơ
quan Vũ trụ và Hàng không Mỹ (NASA), các tiểu hành tinh cỡ nhỏ hay thiên thạch
vỡ trong bầu khí quyển đa số không thuộc loại có cấu tạo từ sắt và niken vốn bền
hơn và có thể chạm tới mặt đất. Thật vậy, từ các số liệu quan trắc trên, chúng
ta có thể ước đoán khối lượng riêng của thiên thạch rơi tại Nga ngày 15/2 vào
khoảng 2700-3900 kg/m3, tức là có thành phần cấu tạo chủ yếu là từ
đá. Hơn nữa, góc di chuyển của thiên thạch với mặt đất là khá xiên, nên quãng
đường tới mặt đất dài hơn và thời gian bay lâu hơn, làm tăng khả năng nó phát nổ
trước khi chạm đất.
Những "tiểu hành tinh sát thủ", có đường kính 1 km trở lên sẽ
tới được mặt đất và đủ để gây ra một vụ va chạm khủng khiếp với mức năng lượng
toả ra rất lớn, có sức mạnh huỷ diệt như thảm hoạ tiêu diệt hoàn toàn loài khủng
long từng thống trị hành tinh chúng ta khoảng 65 triệu năm về trước.
Một số ý kiến cho rằng thiên thạch này ở Nga không thể được phát
hiện vì nó bay tới vào ban ngày là hoàn toàn không chính xác. Các nhà thiên văn
có các loại kính thiên văn để có thể bao quát toàn bộ 360 độ bầu trời kể cả ngày
và đêm, thậm chí họ có kính thiên văn chuyên dụng để quan sát mặt trời. Lý do
thiên thạch này không bị phát hiện sớm chính là vì kích thước của nó không hề
lớn (chỉ khoảng 15 m), với khoảng cách xa từ ngoài khoảng không, rất khó để các
kính thiên văn có thể quan sát, xác nhận và khẳng định nó là một thiên thạch
đang lao về phía trái đất. Khi cháy sáng và nổ tung, thiên thạch này còn sáng
hơn cả mặt trời.
Vũ Lộc- Tuấn Duy
Geen opmerkingen:
Een reactie posten