vrijdag 8 februari 2013

Nỗi thống khổ của phụ nữ Ấn Độ

Thứ hai, 14/1/2013, 17:12 GMT+7
Twitter
Facebook

Nỗi thống khổ của phụ nữ Ấn Độ


Sau nhiều năm bị chồng và nhà chồng đối xử tàn tệ, một phụ nữ Ấn Độ bị bắt cóc, hãm hiếp, tra tấn và cuối cùng bị thảy vào một cái hố.


Trong suốt một năm sau đó, cha của người phụ nữ này cố gắng trong tuyệt vọng thuyết phục cảnh sát bắt những kẻ bị tố là đã giết cô, trong số đó có cả chồng cô. Những kẻ đó đã bị buộc tội nhưng vẫn nhởn nhơ ngoài đời. Bản thân người cha cũng là cảnh sát, ông Subedar Akhileshar Kumar Singh, tin rằng con gái ông bị giết vì bên thông gia không hài lòng với số của hồi môn, một bài báo trên Indian Express cho hay.

Những tội ác như vậy vẫn thường xuyên xảy ra ở Ấn Độ, nơi các nhà nghiên cứu cho rằng có đến 25.000 đến 100.000 phụ nữ bị giết mỗi năm chỉ vì mâu thuẫn quanh chuyện của hồi môn. Trong một số vụ việc kinh hoàng, phụ nữ còn bị thiêu sống.

Phụ nữ Ấn Độ cầu nguyện cho cô gái bị cưỡng hiếp hồi tháng trước ở New Delhi. Ảnh: AP

Vụ hiếp dâm tập thể trên xe buýt đang gây làn sóng phẫn nộ đặc biệt ở Ấn, thu hút sự chú ý của cả thế giới, nhưng bị hãm hiếp cũng chỉ là một phần trong những nỗi thống khổ vì phân biệt đối xử và bạo lực mà phụ nữ nước này phải chịu đựng. Họ không chỉ là nạn nhân của bạo lực tình dục mà cả bạo hành gia đình, tranh chấp trong gia tộc và nạn giết thai nhi gái, của sự thờ ở đối với trẻ em và người già. Những vấn nạn này ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em nghiêm trọng hơn nhiều so với đàn ông và thanh niên nam giới.

Nữ giới ở Ấn Độ đã có những bước tiến dài trong những thập kỷ qua. Tỷ lệ đến trường của họ giờ cũng bằng của nam giới, và họ đã tiến chân được vào nhiều ngành công nghiệp dù với tỷ lệ kém xa nam. Phụ nữ Ấn cũng đã trở thành các nhà lãnh đạo trong chính giới.

Nhưng phụ nữ ở New Delhi cũng như trên toàn đất nước nói rằng chính giới tính là yếu tố khiến họ dễ trở thành mục tiêu tấn công của vô số những thanh niên không nghề nghiệp, những người cho rằng sự thành công của phụ nữ chính là nguyên nhân thất bại của đời họ.

"Phụ nữ đang tiếp tục có những bước đột phá và đạt được nhiều thành tựu - nhưng trong một xã hội gia trưởng, điều này gây ra căng thẳng", tiến sĩ K. Srinath Reddy, chủ tịch Quỹ Y tế Ấn Độ, nói. "Và một trong các hiện thân của sự căng thẳng đó là nạn bạo lực nhằm vào phụ nữ".

Trong một xã luận trên The Hindustan Times, Sagarika Ghose, bình luận viên, viết: "Một nỗi lo sợ và căm ghét đối với những người phụ nữ dám khẳng định bản thân họ không chỉ ở vai trò người mẹ và người vợ đã ăn sâu bám rễ dưới lớp vỏ truyền thống".

Cái truyền thống ấy từ hàng thế kỷ nay đã trở thành mối nguy chết người cho những phụ nữ nào dám vứt bỏ hoặc không đáp ứng được. Sử dụng các thuật toán được nhà kinh tế học đoạt giải Nobel 1998 đưa ra, các nhà nghiên cứu cho rằng có đến 100 triệu "phụ nữ mất tích" ở Ấn Độ, và con số này tăng thêm 2 triệu mỗi năm.

Một số phụ nữ Ấn chết trước khi ra đời: các bà mẹ ở nước này vẫn còn sử dụng biện pháp phá thai nếu biết thai nhi là gái. Các nhà nghiên cứu cho hay số trẻ gái chết trước khi sinh chiếm 12% tổng số phụ nữ Ấn thiệt mạng vì nhiều lý do xoay quanh tệ phân biệt đối xử.

Lý do giải thích cho cái chết của "những phụ nữ mất tích" thường là tai nạn hay chấn thương. Nhưng giới nghiên cứu không tin là người Ấn vụng về và bị nhiều tai nạn đến thế. Họ ngờ rằng các lý do kia chỉ để che đậy các tội ác mà thôi.

"Tôi cho là có rất nhiều cái chết xuất phát từ chuyện của hồi môn, nhưng họ không báo án theo cách ấy", Siwan Anderson, giáo sư kinh tế học của đại học British Columbia, nói. Tình trạng trọng nam khinh nữ dẫn đến tỷ lệ suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ gái cao hơn trẻ trai, và sự thiếu hụt chăm sóc và dinh dưỡng còn kéo theo hậu quả là sức khỏe của nữ giới và bệnh tật, chẳng hạn biểu hiện ở số ca bị đau tim ở nữ, cao hơn nam.

Khi đến tuổi dậy thì, mặc dù các gia đình cai quản nghiêm ngặt , nhiều cô gái vẫn không được bảo vệ trước nạn lạm dụng tình dục, một phần là bởi những kẻ tấn công đều có ít nhiều quen biết với nạn nhân. Tuy nhiên những cấm cản của gia đình cũng có tác dụng tích cực nhất định, bởi nó khiến mỗi phụ nữ nước này có số bạn tình thấp, và hầu hết là còn trinh trắng khi kết hôn. Tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS nhờ đó giữ ở mức thấp tại Ấn.

Làm thế nào để bảo vệ phụ nữ nước này trước nạn lạm dụng tình dục là một câu hỏi khó, làm dấy lên nhiều tranh cãi.

Asaram Bapu, một tăng lữ nổi tiếng của người Hindu ở Ấn Độ, nói rằng nạn nhân của vụ cưỡng hiếp kinh hoàng trên xe buýt đã có thể tránh được kết cục thảm khốc nếu cô "cầm lấy bàn tay của một trong số những gã đàn ông kia và nói 'tôi coi anh như anh trai tôi'". Một số chính trị gia và nhà bình luận xã hội Ấn Độ đổ lỗi cho váy ngắn, trang phục hở hang, tình trạng không mặc áo khoác ở các cô gái, đổ lỗi cho thức ăn nhanh, chiêm tinh và những người phụ nữ làm việc ngoài xã hội.

Triển khai nhiều cảnh sát trên đường phố cũng chưa chắc giải quyết được vấn đề, bởi nhiều người trong số lực lượng này cũng tin rằng chỗ của phụ nữ là ở nhà, và họ khuyến cáo nữ sinh nên về nhà ngay khi tan trường.

Truyền thống ở Ấn Độ dường như cũng phần nào chấp nhận bạo lực. Một khảo sát do chính phủ tiến hành năm 2005 cho thấy 54% số phụ nữ nước này nói rằng chồng họ có lý khi đánh vợ, lý do thường được đưa ra biện hộ nhất là "thiếu tôn trọng nhà chồng".

Ánh Dương (theo NYT)
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten