maandag 18 februari 2013

Bí ẩn ngọn đồi vàng Ponagar người Chăm ở Khánh Hòa

Thứ hai, 18/2/2013, 15:01 GMT+7
Twitter
Facebook

Bí ẩn ngọn đồi vàng


Đêm giao thừa, cộng đồng người Chăm ở Khánh Hòa và Ninh Thuận thường ghé đồi Cù Lao dâng hương cho nữ thần Ponagar, trước thể hiện lòng thành, sau những mong thần nữ ban cho năm mới an lành, sung túc.


Tọa lạc ở cửa ngõ dẫn vào thành phố Nha Trang, gối đầu trên cầu xóm Bóng, đồi Cù Lao gắn liền với thắng tích Tháp Bà là nơi thờ thánh mẫu Thiên Y A Na mà cư dân địa phương quen gọi Ponagar. Có tuổi đời hơn 1.000 năm, ít ai biết được rằng đồi Cù Lao với điểm nhấn tháp thờ Bà từng là ngọn đồi vàng với vô số ngọc ngà, châu báu được các triều vua cúng tiến cho thần nữ… với nguyện cầu quốc gia được thanh bình, vương triều vững chắc!

Chuyện tưởng như hoang đường bởi khi thượng đỉnh đồi Cù Lao viếng thần nữ Thiên Y A Na, người ta chẳng thấy châu báu ngọc ngà, chỉ thấy những ngôi tháp cổ rêu phong, bên trong có tượng thần nữ (còn gọi là Thánh Mẫu hay Bà chúa xứ sở Ponagar), vài pho tượng thần voi, linga bằng đá và những tấm bia ký với chữ cổ hiếm người đọc được. Nhưng khi tìm hiểu nội dung bia đá thì những gì truyền tụng trong nhân gian về "ngọn đồi vàng" là chuyện có thật.

Ông Cham Sanh, nghệ nhân vỗ trống paranưng - loại trống cổ dùng trong ngày đại lễ, cho biết trong số gần 20 tấm bia ký có thể đọc được nội dung ở khu vực Tháp Cổ, có đến 7 bia ký được viết bằng chữ Chăm cổ, số còn lại được khắc bằng chữ Sanskrit của Ấn Độ.

Tháp cổ Ponagar. Ảnh: An ninh thế giới.

Trong số những bia ký ấy, có bia nói rõ việc dâng cúng của cải của các vua chúa cho Bà chúa xứ sở Ponagar: "Đức vua đã dâng cúng cho nữ thần của Ponagar những đồ vật sau: Một chiếc mũ miện vàng, một vòng cổ có các hạt châu ngọc. Ngài dâng cho nữ thần Nhỏ một số vật dụng và đồ trang sức được làm bằng vàng hoặc bạc và một chiếc mũ miện vàng nặng 9 thil (lạng) cùng một vòng cổ có những viên ngọc. Công chúa Garbhalaksmi, người chị cả của Paramabodhisatva, dâng cho nữ thần của Ponagar một vrat vàng nặng 56 thil. Pulyan Sri Yuvaraja, Hoàng tử Vyu, con cả của Sri Paramabodhisatva, đã dâng cúng cho nữ thần Nhỏ một chiếc đĩa bằng bạc nặng 33 thil".

Đây là trích đoạn trong bia ký số 2 khắc năm 1006 thời vua Paramabodhisatva, người bảo vệ vương triều và vương quốc Champa. Đến năm 1189, công chúa Suryadevi cùng những người thân đến dâng cúng các vị thần ở Ponagar nhiều vàng bạc châu báu. Điều này thể hiện qua bia ký số 6 được tìm thấy quanh cụm tháp cổ trên đồi Cù Lao: "Vào năm 1178, công chúa Ratnavali quý phái dâng cho nữ thần Pu Nagara một tharan bạc nặng 15 thil, một đồ trang sức đeo ngực bằng vàng nặng 1 thil 5 dram, một vòng đeo cổ bạc 15 thil".

Cùng với bia ký chữ Chăm, những bia ký Sanskrit (chữ Ấn Độ) được tìm thấy ở khu đền tháp Ponagar cũng đề cập đến việc dâng cúng vàng bạc, ngọc ngà cho nữ thần. "Vào năm Saka 840, chủ nhật ngày 11 nửa trăng khuyết tháng Suci (tháng 6), đức vua cho dựng hình bằng vàng nữ thần Bhagati để mong có được danh thơm trên toàn thế giới" - (trích bia ký số 6 của vua Indravarman III, niên đại 918 CN).

Một thời gian dài, tuổi đời của di tích Tháp Bà Ponagar là điều bí mật. Nhưng sau này, dựa vào những dòng bia ký do vua Satyavarman khắc năm 784 trên mặt tấm bia đá được tìm thấy ở khu vực này, người ta mới biết trước thế kỷ thứ VIII, trên đỉnh đồi Cù Lao từng có sự hiện diện của ngôi đền làm từ gỗ quý do vị vua huyền thoại Vicitrasagara dựng lên. Ngày ấy đền thờ thần Siva với linh vật Mukhalinga "ngời sáng như vàng và xua tan bóng tối ra khỏi thế giới".


Nữ thần quyền năng trong sự sùng bái của người dân bản xứ. Ảnh: An ninh thế giới.
Đến năm 774 ngôi đền thiêng bị "bọn người da đen dữ tợn và tàn nhẫn ở những thành thị khác đến bằng những chiếc thuyền và cướp đi Mukhalinga của thần, phóng lửa đốt ngôi đền của thần". Năm 784, ngôi đền được dựng lại cũng bằng gỗ. Năm 817, vua Harivarman phục hồi thánh đường Ponagar, kiên cố ngôi đền. Tính từ khi đền được xây dựng đến nay cũng đã gần 1.200 năm, cụm tháp cổ Ponagar là công trình kiến trúc cổ xưa có tuổi đời… kỷ lục hiếm thấy!

Một số bia ký Sanskrit được tìm thấy tại cụm tháp cổ đã nói lên dư âm của những lần các vị thần linh, chủ nhân của ngọn đồi vàng đổ lệ. Bia ký số 1 của vua Satyavarman khắc năm 784 nói rõ điều này: "Vào năm Saka 696, những kẻ đen đúa, độc ác và nhẫn tâm ở những thành phố khác, những kẻ ăn những thức ăn còn ghê tởm hơn thức ăn của lũ ma đói, những kẻ xấu xa và hung dữ như Yama đã đến đây bằng những chiếc thuyền. Bọn chúng như những Daityas được trang bị vũ khí làm ở thượng giới, đã lấy đi linga của thần và phóng lửa đốt nơi thờ thần".

Biết về cuộc cướp phá bất ngờ ấy, vua Sri Satyavarman đã thân chinh lên chiến thuyền, chỉ đạo đoàn quân hùng mạnh và kịp tiêu diệt những kẻ dám quấy phá ngọn đồi vàng. "Thế nhưng nhà vua rất thất vọng khi biết rằng Sivamukha cùng các đồ vật khác của linh vật trên thuyền bọn cướp đã chìm cả xuống biển, và thế là chiếc linga đã bị mất", bia đá số 1 nêu.

Chiến trận triền miên đã khiến nhiều báu vật trên đỉnh đồi vàng biến mất mà chẳng ai đưa ra con số thống kê chính xác hay ước lượng. Dựa vào các bia ký được tìm thấy, chỉ có thể biết rằng số báu vật bị cướp phá rất khổng lồ, đặc biệt là pho tượng nữ thần được đúc bằng vàng ròng. Điều này được ghi rõ ở tấm bia ký của vua Jaya Indravarman I năm 965 CN: "Bọn người Kambujas, những kẻ bị nhiễm thói tham lam và nhiều tật xấu khác đã phải chết sau khi lấy đi tượng hình bằng vàng mà trước đây đức vua cho làm".

Dựa vào sử Chăm và nghiên cứu thông tin từ các bia ký bằng đá, các nhà nghiên cứu biết được pho tượng nữ thần bằng vàng vua Indravarman III cho dựng vào năm 918 tại đền thờ Ponagar.

Sau khi pho tượng vàng bị cướp (năm 950), 9 năm sau (năm 959) vua Indravarman III qua đời. Kế tục sự nghiệp của tiên vương là vua Jaya Indravarman I. Năm 965, sau 15 năm kể từ khi bị quân Kambujas cướp phá, vua Jaya Indravarman I đã cho phục hồi đền thờ Ponagar. Lần này có lẽ để tránh lòng tham của các thế lực thù địch, tượng thần nữ được tạc bằng đá. Nhờ vậy mà các bia ký, tư liệu về sau không nhắc gì đến chuyện ngọn đồi thiêng bị cướp phá.

Có tuổi đời hơn 1.000 năm, tượng nữ thần Ponagar quyền năng cao 0,9 m, ngai đá (cao 1,7 m, rộng 1,05 m) hình vòm cung được chạm khắc họa tiết tinh xảo với hình rắn thần Makara huyền bí. Nữ thần được thể hiện trong thế ngồi xếp bằng (chân phải đặt trên chân trái, 2 tay chính duỗi ra đặt trên 2 đầu gối để trấn an người mộ tín và ban phước, 8 cánh tay phụ mỗi tay cầm các vật biểu trưng như mũi tên, đoản kiếm, mũi lao, chùy, tù và ốc, chuông, cung…).

Những chuyện ly kỳ về ngọn đồi vàng vẫn chưa dừng lại ở đó. Cả ngàn năm trôi qua nhưng đến nay, câu chuyện có phần huyền hoặc về kho báu ở ngọn đồi vàng vẫn còn được cư dân xứ trầm hương lưu truyền. Lời truyền rằng ngày trước, để tránh nạn cướp bóc, vua Chăm chẳng rõ giai đoạn nào đã cho xây dựng một đường hầm bí mật ăn thông từ đỉnh đồi xuống lòng biển. Khi có biến cố, những thầy cả, chức sắc sẽ đưa vật báu xuống đường ngầm bí mật ấy.

Hòn Đá Chữ nhìn từ đỉnh đồi vàng. Ảnh: An ninh thế giới.

Đó chính là lý do mà người ta từng đồn rằng chuyện về đêm, thấy vàng phát sáng rực ở khu vực đồi Cù Lao. Nhiều kẻ gian tà dày công kiếm tìm nhưng chẳng thể nào lần ra manh mối. Điều này được nhà văn Quách Tấn ghi trong tác phẩm Xứ trầm hương với mật đồ là Hòn Đá Chữ nằm dưới chân đồi, giữa mênh mông biển nước. Hòn Đá Chữ hay Hòn Chữ là khối đá khổng lồ có những ký tự cổ được gọi "khoa đẩu tự" - là kim chỉ nam mở cửa kho báu Chiêm Thành. Nhưng tiếc là đến nay vẫn chưa có ai giải mã được ý nghĩa của dòng ký tự ấy và những dòng chữ kia đang mờ dần theo thời gian, mang theo bí ẩn của kho báu.

Qua bao bể dâu nhưng cụm tháp cổ Ponagar vẫn sừng sững. Pho tượng thần nữ được vua Jaya Indravarman I cho tạc khắc cùng nhiều bia đá cổ vẫn tồn tại đến hôm nay. Ý thức được tầm giá trị vĩnh cửu trên các mặt văn hóa, lịch sử của ngọn đồi vàng ngày nào nên người dân xứ trầm hương rất trân quý, mỗi khi có chuyện vui buồn, đặc biệt trong dịp năm hết tết đến thường lên ngọn đồi vàng, lắng lòng ở ngôi đền thiêng, chia sẻ, tâm tình mọi điều với Bà mẹ xứ sở.

Theo An ninh thế giới
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten