woensdag 6 februari 2013

Indonesia : nền kinh tế năng động nhất Asean hiện nay

Thứ ba 05 Tháng Hai 2013

Indonesia : nền kinh tế năng động nhất Asean hiện nay

Một khu nhà đang xây, Jakarta, 30/01/2013.
Một khu nhà đang xây, Jakarta, 30/01/2013.
REUTERS/Supri

Lê Phước
Trong khi các nước đầu tàu kinh tế thế giới chao đảo trong khủng hoảng kinh tế, thì Indonesia vẫn tăng trưởng mạnh, và hiện tại đã là đích ngắm mới của các nhà đầu tư thế giới. Chủ đề này đã và đang thu hút sự quan tâm của báo giới Pháp. Nhật báo Le Monde số ra hôm nay dành hồ sơ bàn về kinh tế Indonesia với dòng tựa đáng chú ý: “Indonesia, đại gia mới của Châu Á”.

Trong bài xã luận của mình, Le Monde đã ví sự tăng trưởng của nền kinh tế Indonesia như sự cất cánh của chim thần Garuda. Trong Ấn Độ giáo, Garuda là một con vật cưỡi của thần Vishnu, được biểu thị bằng một con chim săn mồi có đầu người, với ba mắt và mỏ đại bàng cùng đôi cánh thật to. Garuda cũng chính là biểu tượng chính thức của Indonesia. Theo Le Monde, Garuda là biểu trưng sự phát triển vượt bật của Indonesia. Minh chứng cho sự phát triển đó là, hồi năm rồi, tăng trưởng của Indonesia đạt 6,3%, tức cao nhất trong khối G20 nếu trừ đi Trung Quốc.
Bàn về nguyên nhân của sự phát triển này, Le Monde tóm lược trong ba yếu tố chính:
Thứ nhất, đó là dân số nước này rất đông và tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh. Dân số Indonesia hiện gần 250 triệu người, tức cao nhất trong 10 nước Asean. Theo thống kê, hơn ¼ trong số đó có thu nhập hơn 330 đô la/tháng, tức kém hơn Trung Quốc và Thái Lan, nhưng cao hơn nhiều so với Ấn Độ và Việt Nam. Đó là một nguồn nhân công, và đặc biệt là một thị trường tiêu thụ lớn. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng Indonesia còn phải xây dựng thêm nhiều. Indonesia cần kích thích sản xuất nội địa, hạn chế xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.
Nguyên nhân thứ hai giúp Garuda Indonesia cất cánh, theo Le Monde, đó là sự ổn định chính trị. Tờ báo nhắc lại, kể từ sự ra đi của “nhà độc tài Suharto” sau cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 1998, đất nước này đã thật sự xác lập được dân chủ. Sự việc đó làm an tâm các nhà đầu tư quốc tế.
Thứ ba, Indonesia đã biết tận dụng sự năng động của nền kinh tế khu vực Đông Nam Á, khu vực năng động nhất thế giới. Indonesia nằm trên tuyến đường thương mại hàng hải giữa Ấn Độ và khu vực Viễn Đông, tạo điều kiện cho nước này thu hút các nhà kinh doanh trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, nhiều đại tập đoàn tại Indonesia là của những người Indonesia dân tộc Hoa, vì vậy những người này có rất nhiều mối liên hệ với hai khu vực năng động Hồng Kông và Singapore.
Ngoài ba điểm nêu trên, Le Monde còn nêu thêm một điểm thuận lợi khác của Indonesia, đó là hiện tại, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã đến giai đoạn bảo hòa, trong khi Inodonesia lại tỏ ra an toàn hơn Ấn Độ trong mắt nhà đầu tư. Vì thế, nước này đang trở thành “một mảnh đất ưu tiên để chinh phục” của tất cả các tập đoàn xuyên quốc gia trên thế giới.
Một bí quyết tăng trưởng
Cũng trong hồ sơ bàn về Indonesia, Le Monde đăng bài: “Sự tỉnh giấc về kinh tế của con rồng Indonesia”.
Bài viết bổ sung thêm một số thông tin đáng chú ý. Thứ nhất, đó là thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên của Indonesia. Kế đến, đó là đầu tư nước ngoài năm 2011 của Indonesia tăng 37%, đạt 19 tỷ đô la, và hứa hẹn năm nay sẽ đạt đến 21 tỷ đô la. Một điểm đáng lưu ý là không chỉ có các nhà đầu tư Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc tìm đến thị trường này, mà lượng đầu tư từ các nước Châu Âu cũng tăng lên.
Tờ báo nhận định, các nhà đầu tư tại Indonesia có thể có một nguồn lợi kép: đó là vừa tận dụng được thị trường tiêu thụ khổng lồ tại Indonesia, vừa sử dụng nước này làm bàn đạp để xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực. Tờ báo nhắc lại, giá lao động tại Indosia rẻ hơn nhiều so với các nước khác trong cộng đồng Asean, rẻ hơn phân nửa so với Trung Quốc.
Le Monde dẫn ra làm bằng trường hợp phát triển vượt bậc của thành phố Makassar. Thành phố này nằm cách Djakarta 1400 cây số về phía đông bắc, trên đảo Sulawesi, với dân số khoảng 1 triệu rưỡi người, được xem là cửa ngỏ phía đông của Indonesia. Tăng trưởng năm 2012 của Makassar là 8,6%, tức cao hơn mức trung bình 6,3% của cả Indonesia. Nguyên nhân phát triển của Makassar ngoài vị trí địa lý thuận lợi, ngoài nguồn nhân công dồi dào, còn có một điểm quan trọng mà như lời quan chức địa phương này tuyên bố: người ta có thể làm xong giấy phép lái xe chỉ trong 3 ngày trong khi ở địa phương khác phải đến 12 ngày, giấy phép xuất nhập khẩu chỉ trong một tháng trong khi ở địa phương khác là lâu hơn rất nhiều.
Bàn về mặt trái của chiếc mề đai, Le Monde cho biết, điểm yếu cần khắc phục lớn nhất của Indonesia đó là nạn tham nhũng lan tràn.
Nhật Bản thay đổi lập trường về Thế Chiến thứ 2
Nhìn sang Nhật Bản, nhật báo Công Giáo La Croix có bài chạy tựa: “Nhật hứa sẽ có một tuyên bố mới về thế chiến thứ hai”.
Tờ báo nhắc lại, hôm thứ sáu vừa qua, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người vừa bắt đầu nhiệm kỳ cách đây không lâu, đã tuyên bố, trong giai đoạn hai năm tới đây, chủ đề Nhật Bản và Thế Chiến thứ Hai sẽ được xem xét để Nhật đưa ra một tuyên bố mới “thích hợp với thế kỷ 21”. Ông Abe nói rõ, ông chia sẻ lập trường của các thế hệ tiền nhiệm về việc “Nhật đã gây nhiều tổn thất và đau thương cho nhiều nước”.
Trong khi đó, vào hôm trước đó, thủ tướng Abe lại tuyên bố muốn sửa đổi hiến Pháp hiếu hòa do các nước đồng minh áp đặt sau thế chiến thứ hai. Hiến Pháp này được soạn thảo năm 1947, trong đó điều 9 qui định, nước Nhật sẽ “vĩnh viễn” từ bỏ chiến tranh.
Nhật Bản và Thế Chiến thứ hai là một vấn đề gây căng thẳng xưa nay giữa Nhật và các nước láng giềng, từng là nạn nhân của chế độ quân phiệt Nhật như Trung Quốc, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Còn việc sửa hiến pháp hiếu hòa theo chủ trương của ông Abe cũng là điều dễ hiểu, bởi ông được xem là một chính trị gia “diều hâu” trên lĩnh vực ngoại giao, ông muốn cứng rắn hơn với Trung Quốc trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Giải thích thế nào đây cho một hành động hiếu hòa và một hành động có vẻ hiếu chiến diễn ra cùng thời điểm như trên của thủ tướng Abe?
La Croix dẫn lời một chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS) cho rằng, trong truyền thống Nho Giáo tại Nhật Bản, thật không dễ dàng để thế hệ sau dám chỉ trích hành động của tiền nhân. Thế nhưng, chủ trương xây dựng quân đội Nhật Bản đủ lớn mạnh để bảo vệ đất nước “đòi hỏi Nhật phải xin lỗi công khai các nạn nhân của quá khứ”. Chuyên gia này nhấn mạnh: “Các nhà lãnh đạo Nhật Bản phải có động thái (xin lỗi) mạnh mẽ hơn nữa” đối với biết bao phụ nữ ở hai miền Triều Tiên, ở Trung Quốc, là nạn nhân của chế độ quân phiệt Nhật trước kia “theo tấm gương của ông Willy Brandt (Thủ tướng Đức hồi những năm 1970), khi ông này đã thay mặt nước Đức quì gối nhận lỗi với người Do Thái và người Ba Lan”. Thế nhưng, chuyên gia này nhận định, Đức còn có Pháp để đàm phán, chứ đối với Nhật Bản thì đối thoại với Trung Quốc thời Mao Trạch Đông ngày xưa hay Trung Quốc “độc tài” ngày nay, hoặc với Bắc Triều Tiên, thì phức tạp hơn nhiều.
Hàn Quốc: giới công đoàn bị chèn ép?
Cũng tại Châu Á, nhật báo Libération nhìn sang Hàn Quốc với bài viết cho biết, giới công đoàn của nước này đã và đang bị chèn ép, mà nguyên nhân có thể là sự cấu kết giữa nhà cầm quyền và giới chủ doanh nghiệp.
Đầu tiên tờ báo đề cập đến vụ xì căng đan tại chi nhánh của một tập đoàn sản xuất thiết bị xe hơi của Pháp ở Hàn Quốc, theo đó nhiều kỹ sư ở đây phải chịu cảnh đi rửa cầu tiêu hay cắt cỏ. Nguyên nhân? Đó là vì họ đã không chấp nhận lời đề nghị rời khỏi công đoàn, vì thế họ bị lãnh đạo công ty sử dụng chiêu bài gây sức ép như trên.
Tờ báo cho biết thêm, sự việc trên nằm trong chiến dịch chống công đoàn của ban lãnh đạo công ty với sự tư vấn của công ty tư vấn Changjo Consulting. Về mặt chính thức, công ty này hoạt động nhằm cải thiện quan hệ giữa giới chủ với công nhân, nhưng trên thực tế, theo Libération, công ty này lại nhắm vào việc giúp giới chủ hạn chế hoạt động của giới công đoàn để trục lợi.
Tờ báo còn nói rõ, khách hàng của Changjo Consulting là chủ các doanh nghiệp xe hơi, các loại doanh nghiệp khác, và có cả các bệnh viện. Từ năm 2005 đến nay, công ty tư vấn này đã tham gia vào việc làm sụp đổ 14 cơ sở công đoàn với các biện pháp: mua chuộc công nhân làm tình báo, đe dọa. Bộ trưởng Lao động Hàn Quốc đã kết luận rằng, hành vi của Changjo Consulting là phi pháp và quyết định rút giấy phép hoạt động của công ty này.
Nhìn rộng ra, tờ báo dẫn lời một dân biểu Hàn Quốc cho biết, ở nước này, khi mà công nhân toan rục rịch đình công hay biểu tình gì đó, thì lập tức giới chủ đáp trả bằng biện pháp đóng cửa tạm thời nhà máy, rồi cho thành lập một tổ chức công đoàn mới thuộc phe mình, kế đến là kêu gọi mọi người tham gia vào. Để tăng cường sức ép đối với công nhân, giới chủ thường hợp tác với các công ty bảo vệ tư nhân. Tờ báo nhắc lại, hồi cuối tháng 7 năm ngoái, tại một xưởng ở Seoul, các công nhân đình công đã bị tấn công bởi một lực lượng nhân viên trật tự thuê hùng hậu với 200 người được trang bị dùi cui. Một nhân chứng cho biết, khi ấy cảnh sát cũng có mặt ở đó, nhưng vẫn để công nhân bị đàn áp, để hậu quả là hơn 30 người đình công bị thương.
Theo dân biểu nói trên, những sự việc vừa nêu cho thấy mức độ nghiêm trọng của phong trào bài công đoàn tại Hàn Quốc. Cũng theo dân biểu này, ở Hàn Quốc hiện có khoảng 3000 cơ sở hoạt động theo kiểu các công ty bảo vệ tư nhân và kiểu công ty tư vấn như đề cập bên trên. Một đại diện của giới công đoàn còn cho rằng, có sự liên kết giữa chính quyền và giới chủ để bức ép công đoàn.
Tờ báo nhắc lại, hoạt động công đoàn tại Hàn Quốc vốn bị đàn áp đến tận năm 1987, sau đó mới bắt đầu được khởi sắc nhờ vào quá trình dân chủ hóa đất nước. Thế nhưng, hoạt động công đoàn bắt đầu ảm đạm trở lại từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Số lượng công nhân tham gia công đoàn ngày càng giảm: hồi năm 1989, tỷ lệ tham gia công đoàn tại Hàn Quốc là 20%, thế nhưng hiện tại chỉ còn chưa tới 10%, và các hoạt động công đoàn hiện đang bị cấm trong tập đoàn danh tiếng Samsung.
Để đánh giá tổng quát thực trạng chèn ép công đoàn tại Hàn Quốc, Libération dẫn lời của dân biểu nói trên: “Hàn Quốc đã thoát khỏi chế độ độc tài, nhưng chưa thiết lập được dân chủ trong lĩnh vực lao động”.
Mali: Pháp sẽ ở lại Mali lâu dài?
Tiếp tục thông tin về chiến sự tại Mali, nhật báo Le Monde dành trang nhất chạy tựa “Nước Pháp sẽ ở Mali lâu dài”, nhưng đáng chú ý hơn đó là bài xã luận cũng đăng trên trang nhất với dòng tựa đáng chú ý: “Ngôn từ mới về Châu Phi của Paris”.
Tờ báo nhắc lại sự việc vào hôm thứ bảy rồi, trong chuyến thăm chiến trường Mali, tổng thống Pháp đã tuyên bố rằng, Pháp sẽ trụ lại Mali đến khi nào tình hình còn cần đến Pháp. Lời tuyên bố này, theo tờ báo, cho thấy, Pháp đã không còn e ngại đứng ở vị trí tiền tiêu.
Tờ báo nhắc lại, từ lâu, Pháp đã cố gắng tránh phải xuất hiện ở vị trí nước tiên phong trong cuộc chiến Mali, một thuộc địa cũ của Pháp ở Châu Phi. Việc Pháp can thiệp tại Mali dĩ nhiên là do số phận bị đe dọa của các công dân Pháp bị phe Hồi Giáo cực đoan bắt làm con tin trên lãnh thổ Mali. Thế nhưng, trong khoảng thời gian đó, ở hậu trường, Paris đã tích cực hành động với tư cách là nước tiên phong: các nhà ngoại giao Pháp soạn thảo và xúc tiến các nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về việc can thiệp quân sự, các chuyên gia Pháp làm việc bên cạnh các sĩ quan thuộc quân đội Tây Phi để xúc tiến việc thành lập lực lượng Châu Phi can thiệp vào Mali để tiến tới việc thế chân cho quân đội Pháp.
Việc Pháp can thiệp vào Mali, ngoài vấn đề con tin, còn nổi cộm lên hồ sơ an ninh khu vực. Le Monde nhấn mạnh, “một khối ung thư” đã phát triển ở Mali, khối ung thư đó chính là sự liên kết giữa các nhóm Hồi Giáo cực đoan và các tổ chức buôn bán ma túy. Khối ung thư đó đe dọa toàn khu vực. Và việc một nhóm Hồi Giáo cực đoan thuộc chi nhánh Al Qaida tại Bắc Phi-AQMI tấn công khu tổ hợp khí đốt In Amenas tại Algeri vừa qua cho thấy mối đe dọa nêu trên là hiện hữu : Phạm vi hoạt động của các nhóm khủng bố đã vượt xa khu vực trọng điểm là Gao hay Tombouctou.
Le Monde nêu rõ, lòng đất Mali không có tài nguyên thiên nhiên như một số chiến trường khác để cho các nước thi nhau giành giật. can thiệp vào Mali chỉ là vì mục tiêu an ninh khu vực, tức để ngăn sự lớn mạnh của lực lượng khủng bố chứ không phải vì lợi ích kinh tế. Bởi thế, các nước trong khu vực mới tỏ ra lạnh lùng với tình hình Mali.
Từ đầu, tổng thống Pháp François Hollande đã nhắc đi nhắc lại nguy cơ bất ổn trong khu vực trước sự lớn mạnh của các lực lượng khủng bố. Theo Le Monde, đó là cách để ông Hollande làm cho mọi người hiểu rằng, Pháp không can thiệp vào Mali để bảo vệ một chế độ đang lâm nguy. Tổng thống Pháp bên cạnh đó, cũng cam kết là sẽ không để tái diễn tình trạng Pháp đến Châu Phi với tư cách tìm thuộc địa như trước kia. Và hôm thứ bảy rồi, ông Hollande cũng tiến thêm một bước nữa khi khẳng định là nước Pháp đang trả nợ, “một món nợ máu” trong việc nhiều lính Châu Phi đã tử trận vì Pháp trong hai cuộc thế chiến của thế kỷ trước.
Như vậy, Pháp can thiệp vào Mali nhưng luôn lo ngại bị chỉ trích là thực dân như trước kia, vì thế Pháp đã ra sức né tránh đề cập đến vai trò là nước tiên phong. Rồi trong tình hình hiện tại, một câu hỏi lớn đặt ra: Pháp phải kết thúc tham chiến tại Mali chưa khi mà lực lượng Châu Phi dự định thay thế quân Pháp vẫn chưa sẳn sàng, khi mà các nước trong khu vực tỏ ra không mặn mà với tình hình Mali?
Tờ báo kết luận: Trong bối cảnh như thế, Pháp lại phải tiếp tục bám trụ tại Mali, và nếu như Châu Phi và Châu Âu lo ngại Pháp áp đặt quyền bảo hộ với Mali, thì họ hãy đứng ra làm nhiệm vụ quốc tế của mình.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130205-indonesia-nen-kinh-te-nang-dong-nhat-asean-hien-nay

Geen opmerkingen:

Een reactie posten