Phùng Thức/Người Việt Thời trước biến cố 1975, người kinh doanh trái cây ở Sài Gòn theo mùa, theo vụ. Ngày nay, các loại cây ăn quả quí như xoài, bưởi, thanh long... thường có quanh năm.
Tất nhiên do trình độ thâm canh các nhà vườn miền Nam đã tiến bộ, nhưng một phần cũng là nhờ các loại thuốc kích thích tăng trưởng, bảo quản có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhưng chưa có lúc nào Sài Gòn lại tràn ngập các loại trái cây thuận mùa bán đổ đống, bán bằng xe tải, xe đẩy... như lúc này. Một bà nội trợ, kêu chồng tấp vô lề đường Lý Thường Kiệt, nơi người bán đổ một đống thanh long đỏ rực. Sau khi lựa được một mớ, bà quay qua chúng tôi nói. “Xuống tới Sài Gòn, sang qua biết mấy tay mà chỉ có 4,000 đồng một ký, vậy là nhà vườn bán ra chỉ cỡ năm trăm hay một ngàn; nhà vườn đúng là lỗ sặc máu. Mua ủng hộ đi anh.” Vậy đó, 4,000 đồng tiền Việt Nam ở Sài Gòn lúc này chỉ đủ trả cho công bơm 2 cái bánh xe gắn máy. Chúng tôi đi về phía quận 8, ghé chợ chiều Phạm Thế Hiển, hai bên đường vào chợ đông nghẹt công nhân, người lao động thì bắt gặp một tấm bảng đen, trên đó có dòng chữ viết bằng phấn học trò: Bưởi Năm roi không hột bao ăn 7,000 đồng/2 trái.
Cô bạn đi cùng chúng tôi nói. “Em mới thấy trước chợ Xóm Củi bưởi năm ngàn một trái, có một khúc đường rớt xuống bảy ngàn hai trái, chắc đi thêm chút nữa giá còn rẻ hơn ly trà đá.” Chúng tôi lại tiếp tục đi dọc theo bến Bình Ðông, vào lúc nước ròng những ghe trái cây từ miền Tây lên nằm phơi mình như cá mắc cạn trên dòng kênh đen thui. Ðứng trên đường, hỏi giá một ghe bán dừa xiêm. Chị dân quê theo chồng làm nghề thương hồ nói. “Anh muốn mua loại nào, dừa xiêm ba trái hai chục ngàn, dừa ta năm ngàn một trái.” Ði thêm một đoạn đường thấy một đống thơm đổ trên lề đường, treo bảng mười ngàn ba trái. Dù chưa kể đến các loại trái cây nhà nghèo khác như ổi, chuối, đu đủ, chôm chôm, mận; nhưng một điều chúng tôi dám chắc là nếu ở Sài Gòn lúc này, bạn chỉ cần chi ra một số tiền bằng giá một tô phở bình dân khoảng 25,000 đồng là bạn có thể mang về nhà một túi bự trái cây của nhà vườn Ðồng Bằng Sông Cửu Long. Tin tức về chuyện Trung Quốc đóng cửa khẩu làm hàng hóa nông sản Việt Nam có thể là một phần nguyên nhân. Chuyện các thương lái Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn gian manh để ép giá, lừa gạt, thậm chí giựt tiền hàng của các nhà vườn là chuyện thường ngày đau khổ của người nông dân Việt Nam; nhưng bỏ mặc cho bọn gian thương Trung Quốc hoành hành trên mồ hôi nước mắt của lương dân mới là điều mà mọi người đang căm phẫn. Mới đây, nhân vụ việc các nhà buôn bất lương tung những lô hàng nho tươi, lê, táo Trung Quốc dán nhãn Mỹ, Tân Tây Lan để lừa gạt người tiêu dùng thì báo chí lề phải lên tiếng ầm ĩ... họ kêu gào là “cảnh giác trước trái cây độc hại không rõ nguồn gốc”. Nhưng cả thể chế cai trị lại bỏ mặc cho tình trạng trái cây Việt Nam điêu đứng. Ðúng là người tiêu dùng Việt Nam hiện nay rất sợ ăn trái cây Trung Quốc, nhưng nếu để tình trạng trái cây Việt Nam rớt giá không phanh như hiện nay nông dân sẽ phá vườn, bán đất... thì trước sau gì cũng phải nhập cảng trái cây độc hại Trung Quốc để rước cái chết từ từ vào thân. Một người quen, anh Tám Lộc, một nhà vườn ở huyện Phong Ðiền-Cần Thơ, cho biết: “Mấy năm nay, hễ Trung Quốc ăn cái gì thì nhà vườn mình trồng cái đó, ban đầu thì có giá, sau hết ăn thì chặt cây phá vườn trồng thứ khác, thương lái của Trung Quốc nắm đầu, nắm cổ nhà vườn thiếu điều quây như dế.” Cả miền Nam với hàng ngàn heta đất vườn và các giống trái cây ngon nổi tiếng như xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Cái Mơn, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn... nhưng không hề quá đáng khi nói rằng hiện nay để sống được và có thu nhập, người nông dân Việt Nam cũng chỉ biết có mỗi con đường là thâm canh trái mùa vụ để bán có giá và ai cũng biết để có những loại trái cây ngon ra được trái mùa vụ, không có cách nào khác hơn là bắt buộc phải sử dụng những loại phân bón, thuốc thực vật độc hại. Một nhà vườn ở Vĩnh Long nói. “Ngay vườn cây nhà tôi đây, trái của cây nào để người nhà, bà con ăn thì trồng riêng, còn để bán thì trồng theo bán.” Chuyện đa số người Việt Nam từ bỏ thói quen ăn trái cây Trung Quốc hiện nay có phải là một cơ hội cho trái cây Việt Nam và nhà vườn Việt Nam không thì cứ nhìn vào thực trạng trái cây nội địa đang bán đổ đống trên vỉa hè, trước cửa chợ là biết. Nếu gọi là mua trái cây nội địa đổ đống như là một nghĩa cử để giúp đỡ người nông dân thì đó là một việc giống như làm “từ thiện” rất đau lòng. |
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=154393&zoneid=310
Geen opmerkingen:
Een reactie posten