zaterdag 29 september 2012

Pháp và sự hình thành mỹ thuật hiện đại Việt Nam

28 Tháng Chín 2012   
Huế- Victor Tardieu
Huế- Victor Tardieu
@Bảo Tàng Cernuschi
Thanh Hà
« Từ sông Hồng đến Cửu Long» giới thiệu đến những tầm nhìn khác nhau của các nghệ sĩ Pháp và Việt về cùng một vùng đất còn rất xa lạ ở vào đầu thế kỷ XX là Đông Dương. Trường Mỹ thuật Đông Dương Hà Nội là nhịp cầu nối liền hai dòng sáng tác Đông và Tây. RFI phỏng vấn bà Christine Shimizu, giám đốc kiêm quản thủ bảo tàng Cernuschi. Bà cũng là một trong hai người điều hành triển lãm này.
Tạp chí văn hóa của RFI tuần trước đã giới thiệu đến quý thính giả và các bạn triển lãm « Từ sông Hồng đến Cửu Long, tầm nhìn Việt Nam » tại viện bảo tàng Cernuschi, quận 8 Paris. Hôm nay chúng ta cùng trở lại với sự kiện này để tìm hiểu thêm về vai trò và ảnh hưởng của các họa sĩ người Pháp đối với hội họa nói riêng và nền mỹ thuật hiện đại nói chung của Việt Nam.
Giải thưởng Đông Dương, được thành lập từ năm 1910 cấp học bổng cho các nghệ sĩ Pháp sang Đông Dương sáng tác. Giải thưởng này cũng là điểm khởi đầu của giao lưu văn hóa hóa Pháp – Việt. Những giải thưởng đầu tiên như họa sĩ François de Marliave (1911), Charles Fouqueray (1914) hay Géo Michel (1923) đã đến và sáng tác rất nhiều từ Đông Dương.
Hành trình về phương Đông ấy đã cho phép họ đem về Pháp và triển lãm nhiều tác phẩm với một cái nhìn thực tế hơn về một vùng đất, mà cho đến khi đó, mới chỉ có « trong trí tưởng tượng » của các nhà sáng tác.
Phải đợi đến năm 1924, nhờ nỗ lực của họa sư Victor Tardieu, cùng với sự hợp tác của họa sĩ trẻ, Nguyễn Nam Sơn, trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời tại Hà Nội. Victor Tardieu là giám đốc điều hành trường Mỹ thuật Đông Dương Hà Nội cho đến ngày ông qua đời vào năm 1937.
Trường Mỹ thuật Hà Nội với nhiều bộ môn khác nhau (từ kiến trúc đến hội họa, từ nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật trang trí đến sơn mài…) là chiếc nôi của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Đấy cũng là nơi những tài năng của Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX đã thăng hoa và tỏa sáng, như Lê Văn Đệ, Mai Thứ, Vũ Cao Đàm, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, ...
Trường Mỹ thuật là nơi nhiều thế hệ các nghệ sĩ Pháp ( Louis Rollet, André Maire, Lucien Lièvre, Léo Crastre, Alix Aymé …) đến đến giảng dạy và mở ra một chân trời mới cho các họa sĩ trẻ Đông Dương.
Triển lãm « Từ sông Hồng đến Cửu Long » giới thiệu với khách tham quan Paris khoảng 70 tác phẩm, từ hội họa đến sơn mài và điêu khắc … Trong số những tác phẩm của các nghệ sĩ Pháp, ta thấy có Femmes et Flamboyants- Thiếu phụ và cây phượng vĩ của Henry Vollet ; có Vịnh Hạ Long của Charles Fouqueray hay Lucien Lièvre ; có kinh đô Huế trong nhãn quan của Louis Rollet ; có lăng Tự Đức dưới bút pháp của François de Marliave ; có con thuyền đơn độc trên mặt nước sông Hương ( Henri Mège ; có bức sơn dầu của Tardieu về một góc Hà Nội, có bức tượng đồng Mọi sắc sảo của Manette de Lyee de Belleau ; có buổi Trưa hè yên tĩnh của Alix Aymé, hay Peuples des Hauts Plateaux – Dân tộc Cao Nguyên của André Maire.
Vậy thì câu hỏi đặt ra là sự cọ sát và tiếp cận với các nghệ sĩ Pháp đã đem lại những gì cho ngành hội họa mỹ thuật hiện đại Việt Nam ? Cuộc hội ngộ với phương Đông đã thay đổi và ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp sáng tác của những nhà nghệ thuật Pháp ?
Trước hết bà Christine Shimizu, giám đốc kiêm quản thủ bảo tàng Cernuschi và là một trong hai người điều hành cuộc trưng bày giới thiệu qua về triển lãm « Từ sông Hồng đến Cửu Long, tầm nhìn Việt Nam » :
Christine Shimizu : "Cuộc triển lãm này đưa người xem theo dòng thời gian cùng với sự phát triển của hội họa Việt Nam. Một phần những tác phẩm được trưng bày là những sáng tác của các nghệ sĩ Pháp đã đến Đông Dương từ cuối thế kỷ thứ 19. Đó là phần đầu của cuộc triển lãm, với nhiều tác phẩm của các họa sĩ Pháp từng đoạt Giải thưởng Đông Dương. Giải thưởng gồm một năm học bổng và sau đó họ được cử đến giảng dậy tại trường Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội thêm một năm nữa.
Ở phần thứ nhì, chúng tôi tập trung vào những tác phẩm của các danh họa Việt Nam, được đào tạo từ trường Mỹ thuật Đông Dương –Hà Nội. Trong số đó phải kể đến một vài sáng tác của cố họa sư Nam Sơn, đồng sáng lập viên trường Mỹ thuật Đông Dương. Bên cạnh những tac phẩm hội họa, còn có cả những bức sơn mài cũng từ trường Mỹ thuật Đông Dương - Hà Nội. Ở đây, chúng tôi muốn giới thiệu đến công chúng tài năng của các họa sĩ trẻ Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đấy là những bức họa được thực hiện với những kỹ thuật khác nhau, chẳng hạn như sơn dầu hay than vẽ và đương nhiên là phải kể đến tranh lụa".
RFI : Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng, đã đem lại những gì và đã ảnh hưởng như thế nào đến mạch sáng tác của các nghệ sĩ Pháp, nếu không muốn nói là ảnh hưởng đến cả sự nghiệp nghệ thuật và cuộc đời của họ ?
Christine Shimizu : "Những người như là Lucien Lièvre, Henri Dabadie hay Michel Géo đã bị sắc màu của Đông Dương làm mê hoặc. Sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương, phong cảnh đồng quê, đời sống thôn dã là nguồn sáng tác đa dạng và hết sức phong phú. Các nghệ sĩ này đã đưa nhiều đề tài mới vào tác phẩm của mình. Đó là những đề tài chưa từng được hội họa Pháp cũng như của Việt Nam quan tâm. Chẳng hạn như họ đề cập đến các sinh hoạt ven sông, đến làng quê … Họ cũng đã có một cái nhìn hoàn toàn mới về các sắc tộc thiểu số ở vùng cao nguyên. Tôi muốn nói đến nữ họa sĩ Marie Antoinette Bouillard Devé (hai bức tranh sơn dầu Portrait- Chân DungTerre Rouge, femme de CochinchineĐất đỏ, phụ nữ Nam Kỳ ), hay một tác giả khác là Léa Lafugie ( Tonkin- Bắc KỳHà Giang, Đồng Văn, Lô Lô )"
RFI : Riêng đối với trường hợp của bà Alix Aymé, hành trình Đông Dương đã thay đổi hẳn cuộc đời bà.
Christine Shimizu : "Đúng, Alix Aymé là một nhà hội họa. Bà đã theo chồng (Paul de Fauterau –Vassel) sang Trung Quốc và sau đó là sang Đông Dương công tác. Họ định cư tại Hà Nội.Riêng bản thân bà đã ở lại Hà Nội cho đến năm 1945. Alix Aymé đã đem lại một tầm nhìn mới không chỉ cho ngành hội họa Việt Nam mà bà còn có những đóng góp rất lớn đối với nghệ thuật sơn mài của Việt Nam.
Trong một chuyến tham quan Nhật Bản, Alix Aymé đã tiếp cận với nghệ thuật sơn mài của Xứ phù tang. Tại trường Mỹ thuật Hà Nội, bà dẫn dắt học trò đến với « nghệ thuật trang trí » rất thịnh hành ở Pháp thời đó và bà cũng đã đem đến một làn gió mới cho nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Chẳng hạn như bà đã truyền lại nghệ thuật thếp vàng của ngành sơn mài Nhật Bản".

Peuple des Hauts Plateaux/ Dân tộc Cao Nguyên- André Maire
@Edition Findakly 2012/Christian Murtin



RFI : Trở lại với vai trò và ảnh hưởng của trường Mỹ thuật Đông Dương đối với nền mỹ thuật hiện đại của Việt Nam ?
Christine Shimizu : "Đương nhiên sự hình thành của trường Mỹ thuật Đông Dương là một cột mốc quan trọng, đã đưa hội họa cũng như nền mỹ thuật Việt Nam sang một ngõ rẽ khác. Các nghệ sĩ trẻ của Việt Nam thời đó và những người được tuyển chọn vào trường, chỉ một sớm một chiều đã tiếp cận với một phong cách mới, với những kỹ thuật mới. Tại đây, họ đã khám phá tranh sơn dầu, tranh khắc gỗ, màu nước … Họ không chỉ vẽ trên giấy mà còn vẽ trên vải.
Về phương diện nghệ thuật, các họa sĩ Việt Nam thời đó được tiếp cận với trường phái hiện thực, và họ cũng đã có những khái niệm mới trong cách bố trí, trong tầm nhìn và chiều sâu của bức họa. Trong tinh thần của trường phái hiện thực, các danh họa Việt Nam thời bấy giờ đã chú ý đến những chủ đề rất ‘riêng tư’ với những cảnh sinh hoạt thường ngày trong đời sống của người Việt, trong một gia đình chẳng hạn.
Có những cảnh chưa bao giờ được đưa vào hội họa, chẳng hạn như bức tranh lụa của Tô Ngọc Vân với bốn cô thợ thêu (Les brodeuses) hay bức họa với tranh khổ lớn Trong Gia Đình- En Famille của Lê Văn Đệ hay tác phẩm Lên Đồng – La Sorcière (năm 1931) của Nguyễn Phan Chánh.
Những bức họa kể trên cho thấy đời sống và phong tục của người dân Việt Nam. Trước đó thì hội họa Việt Nam thường được biết tới qua những bức chân dung của các vị chức sắc, hay những bức tranh thờ phụng .. Qua giao lưu với các nghệ sĩ Pháp, nền mỹ thuật Việt Nam quan tâm nhiều đến khía cạnh thực tế của cuộc sống, đến thiên nhiên (chẳng hạn như là những bức họa nói về Vịnh Hạ Long) cũng như là đến những sinh hoạt bình thường nhất trong cuộc sống, trong một gia đình …
Đó cũng là thời điểm mà nhiều họa sĩ Việt Nam đã đưa vào nghệ thuật tranh vẽ khỏa thân. Bức thiếu nữ khỏa thân, tranh sơn dầu của Mai Thứ được trưng bày trong cuộc triển lãm này , đương nhiên đã gây xôn xao trong dư luận Việt Nam thời đầu thế kỷ trước.
Trong một bức thư đề ngày 11/12/1932 gửi đến người vợ, cha đẻ của trường Mỹ thuật Đông Dương, Victor Tardieu viết « Tôi hài lòng khi thấy những gì mình gây dựng là có thực và tôi có thể rời khỏi nơi đây nhưng vẫn biết rằng, công việc đó được tiếp tục ».
Giáo sư Tardieu đột ngột từ trầni vào năm 1937. Trường Mỹ thuật Đông Dương Hà Nội đã đào tạo được rất nhiều nhân tài và các học trò của trường đã trở thành những nghệ sĩ bậc thầy của nền mỹ thuật Việt Nam và của cả nước Pháp.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120928-phap-va-su-hinh-thanh-cua-my-thuat-hien-dai-viet-nam

Geen opmerkingen:

Een reactie posten