Công ty thăm dò dầu khí Soco International Plc (SIA)
cho hay có thể sẽ cùng Việt Nam đầu tư vào khu vực vẫn đang tranh chấp
với Trung Quốc ở Biển Đông.
Hãng tin tài chính Bloomberg hôm 22/9 vừa có cuộc phỏng vấn với Tổng giám đốc SIA Ed Story tại Bangkok, trong đó ông Story nói công ty của ông có thể sẽ ký hợp đồng với phía Việt Nam trong năm tới.
Theo thống kê của hãng dầu BP Plc, sản lượng dầu thô Việt Nam sản xuất đang sụt giảm. Sau khi đạt đỉnh điểm 427.000 thùng vào năm 2004, sản lượng hàng năm của Việt Nam đã giảm gần 1/4, năm ngoái đạt 328.000 thùng/ngày.
Ông Story được dẫn lời nói: "Ở sâu ngoài khơi Việt Nam có một số bồn trũng mà chúng tôi cho là có tiềm năng đáng kể, có khả năng kéo lại sản lượng đang sụt giảm".
"Một số bồn trũng này nằm trong các khu vực [tranh chấp] chủ quyền."
Việt Nam và Trung Quốc lâu nay đã đối đầu trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông. Cả Bắc Kinh và Hà Nội đều phản đối lẫn nhau, nhưng lời đe dọa của Trung Quốc với tư cách nước lớn dường như có trọng lượng hơn.
'Không làm ăn ở Trung Quốc'
Cách thức dọa dẫm của Bắc Kinh thường là cảnh báo các tập đoàn nước ngoài muốn làm ăn với Việt Nam phải ngừng công việc nếu không muốn các dự án của họ với Trung Quốc bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, theo ông Ed Story, Soco may mắn hơn các công ty khác đang muốn hoạt động ở các vùng tranh chấp tại Đông Nam Á là "không có ý định" làm ăn ở Trung Quốc.
Ông phát biểu: "Nói tới các khu vực mở thi ̀phải nói tới thăm dò nước sâu và tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Nhưng chúng tôi sẵn sàng đối diện một số mạo hiểm".
Soco đã khai thác chừng 60.000 thùng dầu thô mỗi ngày tại hai mỏ dầu ngoài khơi Việt Nam, trong đó chủ yếu là mỏ Tê Giác Trắng ở Lô 16-1, cách Vũng Tàu chừng 100 km.
Soco đang trong tình trạng được cho là thừa tiền đầu tư nhưng lại thiếu cơ hội, bởi vậy nên muốn tìm kiếm các dự án mà các công ty khác ít nhòm ngó, với vốn khởi đầu thấp.
Một phúc trình của cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ năm 2012 nói việc tiến hành thăm dò khai thác ngày càng nhiều tại các vùng nước sâu và nhu cầu năng lượng ngày càng lớn tại châu Á đang khiến mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc gia tăng trong những năm gần đây.
Thu nhập từ xuất khẩu dầu thô của Việt Nam trong tám tháng đầu năm nay là 5,54 tỷ đôla, chiếm chừng 8% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.
Theo ông Ed Story, nếu muốn dầu thô tiếp tục đóng góp lớn cho nền kinh tế thì Việt Nam sẽ phải vươn xa ra ngoài khơi, làm ăn với các công ty "có thể chịu được áp lực".
Geen opmerkingen:
Een reactie posten