zaterdag 19 augustus 2023

Tổng thống Biden chọn Trại David lịch sử để họp thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn có ý nghĩa gì?

 

Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản siết chặt quan hệ quân sự, kinh tế tại thượng đỉnh Camp David

18/08/2023
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) gặp mặt Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (giữa) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trước một cuộc họp 3 bên tại Thượng đỉnh G7 ở Hiroshima hồi tháng 5 vừa qua.

Tại cuộc gặp thượng đỉnh Camp David hôm 18/8, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ tăng cường quan hệ kinh tế và quân sự khi ba nước đồng minh này tìm cách thể hiện sự đoàn kết trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và các mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói trong một cuộc họp báo tại Camp David rằng cuộc gặp thượng đỉnh sẽ công bố "các bước quan trọng" để tăng cường hợp tác an ninh ba bên, bao gồm cam kết tham vấn lẫn nhau trong thời kỳ khủng hoảng.

Ông Sullivan cho biết các bước này sẽ bao gồm một kế hoạch tập trận quân sự kéo dài nhiều năm, phối hợp và tích hợp sâu hơn về phòng thủ tên lửa đạn đạo và cải thiện việc chia sẻ thông tin, liên lạc trong khủng hoảng cũng như phối hợp chính sách "cùng với việc ứng phó với các tình huống bất ngờ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".

Theo ông Sullivan, ba nhà lãnh đạo cũng sẽ công bố các sáng kiến kinh tế và an ninh năng lượng mới bao gồm cơ chế cảnh báo sớm về sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Cam kết, nhưng chưa đến mức tạo ra một liên minh chính thức, sẽ là tâm điểm của cuộc gặp thượng đỉnh Camp David đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden dành cho các nhà lãnh đạo nước ngoài và cho thấy một động thái quan trọng đối với Seoul và Tokyo, vốn có lịch sử lâu dài về sự bất hòa và không tin tưởng lẫn nhau.

Ông Biden hôm 18/8 chào đón Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đến nơi nghỉ dưỡng của tổng thống Mỹ trên sườn núi, nơi ba nhà lãnh đạo dự kiến sẽ có vài giờ để vạch chiến lược về cách đối phó với những căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hơn thế nữa.

Hội nghị thượng đỉnh dự kiến sẽ đưa ra một loạt tuyên bố chung, bao gồm các cam kết thiết lập đường dây nóng giải quyết khủng hoảng, hợp tác về các công nghệ mới nổi và gặp gỡ hàng năm.

Sự kiện này cũng mang tính biểu tượng: với sự khuyến khích của Washington, Tokyo và Seoul đang tìm cách giải quyết các mâu thuẫn trong quá khứ khi Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên trong những năm 1910-1945.

Những mối bất hòa đó là một trong những lý do khiến ba nhà lãnh đạo hiện không xem xét một hiệp ước phòng thủ chung bên cạnh những hiệp ước tương tự mà Mỹ đang có riêng với từng nước Hàn Quốc và Nhật Bản, các quan chức Mỹ giấu tên nói khi cung cấp thông tin trước về cuộc gặp thượng đỉnh.

Không có hành động cụ thể nào của ba nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật-Hàn ở Camp David được cho là sẽ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc, mặc dù Bắc Kinh đã cảnh báo rằng những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường quan hệ với Hàn Quốc và Nhật Bản có thể "làm gia tăng căng thẳng và đối đầu trong khu vực".

Trong khi Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ muốn tránh khiêu khích Bắc Kinh, Trung Quốc tin rằng Washington đang cố gắng cô lập họ về mặt ngoại giao và bao vây họ về mặt quân sự.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết tại cuộc họp báo về cuộc gặp thượng đỉnh rằng Mỹ không "tập trung" vào việc gửi thông điệp tới Trung Quốc, nhưng hành vi của Triều Tiên, Trung Quốc và Nga đã "tạo động lực" cho các đồng minh hợp tác với nhau.


Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản siết chặt quan hệ quân sự, kinh tế tại thượng đỉnh Camp David (voatiengviet.com)

Tổng thống Biden chọn Trại David lịch sử để họp thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn có ý nghĩa gì?

18/08/2023
Tổng thống Hoa Kỳ Dwight D. Eisenhower và Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev chụp ảnh tại Trại David, ở Thurmont, Maryland, ngày 25/9/1959.

Tổng thống Joe Biden sẽ đưa Trại David trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế vào ngày 18/8 khi ông tiếp đón các nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Hàn Quốc ở đó, một sự trở lại vinh quang cho một nơi nghỉ dưỡng trên núi đã trở nên không thể xóa nhòa trong lịch sử ngoại giao.

Một quan chức chính quyền cấp cao cho biết ông Biden đã chọn khu đất bình dị trên đồi ở Maryland cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn đầu tiên vì Trại David thường được sử dụng để tượng trưng cho tình bạn mới hình thành hoặc khó có được.

“Chắc chắn trong trường hợp của hội nghị thượng đỉnh này, chúng tôi hình dung Trại David sẽ đánh dấu một khởi đầu mới cho tất cả chúng ta với tư cách là đối tác ba bên giữa Hoa Kỳ, Cộng hòa Triều Tiên (Hàn Quốc) và Nhật Bản. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng tính biểu tượng ở đây rất mạnh mẽ và thực sự có thể không được tuyên bố quá mức,” quan chức này nói.

Các ông Biden, Fumio Kishida của Nhật Bản và Yoon Suk Yeol của Hàn Quốc dự kiến sẽ gặp nhau tại Laurel Lodge lịch sử. Bữa trưa làm việc của họ dự kiến sẽ diễn ra trong Cabin của Tổng thống, Aspen Lodge, và nếu thời tiết tốt, một cuộc họp báo buổi chiều sẽ diễn ra ngoài trời trong khung cảnh rừng cây.

Được xây dựng bởi Cơ quan Quản lý Tiến độ Công trình, chương trình cơ sở hạ tầng do Tổng thống Franklin Roosevelt tạo ra trong thời kỳ Đại suy thoái, trại đã là nơi tổ chức các cuộc điều giải hạ giảm căng thẳng quốc tế. Nổi tiếng nhất, Tổng thống Jimmy Carter đã làm trung gian cho Hiệp định Trại David vào năm 1978 giữa Tổng thống Ai Cập Anwar al-Sadat và Thủ tướng Israel Menachem Begin.

Nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trại David, khi đó được gọi là “Shangri-La”, là Thủ tướng Anh Winston Churchill, người đã ở đó để thảo luận về Thế chiến Thứ hai với Tổng thống Roosevelt. Các bức ảnh lưu trữ của Hoa Kỳ cho thấy họ đang ở gần một con suối, ông Roosevelt đang cầm một chiếc cần câu và ông Churchill đang cầm một điếu xì gà.

Kể từ đó, nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài đã được mời đến khu phức hợp rộng 180 mẫu ở Dãy núi Catoctin phía tây Maryland. Thủ tướng Liên Xô Nikita Krushchev đã đến thăm Tổng thống Dwight Eisenhower ở đó vào năm 1959, vài năm trước khi Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 khiến căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh sôi sục.

Năm 2000, Tổng thống Bill Clinton đã sử dụng Trại David để cố gắng lôi kéo Thủ tướng Israel Ehud Barak và Tổng thống Palestine Yasser Arafat tham gia một thỏa thuận hòa bình, nhưng kết thúc thất bại.

Sau này khi ông Arafat, người bị đổ lỗi cho sự bế tắc, gọi ông Clinton là “con người vĩ đại”, ông Clinton đã viết trong hồi ký về câu trả lời ngắn gọn của mình.

“Tôi không phải là một người vĩ đại. Tôi là kẻ thất bại, và ông đã biến tôi thành kẻ thất bại,” ông nói với Arafat.

Nơi các Tổng thống nghỉ ngơi

Trại David cũng là nơi các tổng thống nghỉ ngơi sau những mệt mỏi khắc nghiệt ở văn phòng và thoát khỏi sự tù túng của Tòa Bạch Ốc, dinh thự điều hành đầy đồ cổ mà ông Truman từng gọi là “Nhà tù Trắng Vĩ đại”.

Tổng thống Ronald Reagan đã đến Trại David 189 lần trong tám năm. Ngược lại, Tổng thống Donald Trump thích các khu nghỉ dưỡng chơi gôn của riêng mình và chỉ đến Trại David 15 lần trong 4 năm cầm quyền. Ông đã phải từ bỏ kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 ở đó vào năm 2020 vì đại dịch Covid-19. Ông Eisenhower, người đặt tên Trại David theo tên cha và cháu trai của mình, nướng bít tết cho gia đình và bạn bè. Tổng thống George W. Bush đạp xe leo núi. Ông Carter thích câu cá ở suối trên núi.

Có một lần Tổng thống George W. Bush tiếp đón nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin tại Trại David và giới thiệu ông Putin với chú chó Scotland của ông, Barney. Trong chuyến thăm Nga sau đó, ông Putin đã cho ông Bush xem chú chó Labrador đen to lớn của mình và nói rằng nó “to hơn, khỏe hơn, nhanh hơn Barney”, ông Bush nói.

Những điều dường như là đời thường ở Trại David đôi khi có thể trở thành tiêu đề lớn, như khi Tổng thống George H.W. Bush ra ngoài chạy bộ và bỗng dưng nhịp tim đập bất thường, khiến Tòa Bạch Ốc bị đặt vào tình trạng khủng hoảng.

“Marlin, xem liệu ông có thể cho tôi một kỳ nghỉ hai tuần sau vụ này không?” ông Bush đang hồi phục đã nói với thư ký báo chí Marlin Fitzwater sau đó.


Tổng thống Biden chọn Trại David lịch sử để họp thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn có ý nghĩa gì? (voatiengviet.com)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten