Maui: Người chết cháy lên tới 67, người sống sót trở về nhà
MAUI, Hawaii (NV) – Số người thiệt mạng vì hỏa hoạn ở Maui đã lên tới 67, giới chức thông báo chiều Thứ Sáu, 11 Tháng Tám. Những người sống sót đã bắt đầu có thể quay về Lahaina để xem xét thiệt hại tài sản.
Maui County cho biết lực lượng cứu hỏa tiếp tục chiến đấu với lửa cháy, vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn, trong một bản cập nhật tình hình đăng tải trên trang mạng.
Màu xám tro bao phủ trung tâm Maui, con đường huyết mạch Front Street gần như thành bình địa. Các tòa nhà chỉ còn là những đống đổ nát. Những con gà trống vẫn hay chạy rông trên đường phố Hawaii, nay sục sạo mớ tro tàn, dường như là dấu hiệu và màu sắc của sự sống còn lại trên con đường một màu xám xịt hàng chục chiếc xe trơ khung sắt nối đuôi nhau.
Xe cháy bị các cột điện thoại đè lên. Những chiếc trụ kéo thang máy trơ ra chĩa lên trời, nơi trước đây là những tòa chung cư. Nước trong hồ bơi cũng một màu xám vì tro bao phủ. Những chiếc xe đạp của trẻ con và đồ chơi đã chảy nhựa biến dạng vì sức nóng vương vãi đó đây.
Trận cháy rừng lan qua đô thị lần này là thiên tai mang lại chết chóc nhiều nhất trong hàng thập niên, vượt qua mức 61 người chết vì sóng thần năm 1960.
Năm 1946, sóng thần làm thiệt mạng 150 người ở đảo Big Island, khiến cho lãnh thổ này thiết lập một hệ thống báo động có còi hụ phòng khi trường hợp khẩn cấp xảy đến. Mỗi tháng, còi báo động đều hú để thử nghiệm mức độ sẵn sàng ứng phó.
Thế nhưng, nhiều người sống sót qua cơn hỏa hoạn vừa rồi cho các nhà báo biết là họ không nghe thấy còi hụ báo động, khiến cho họ không kịp chuẩn bị, và chỉ biết đã nguy cấp khi quá trễ, là lúc thấy lửa hoặc nghe tiếng nổ gần kề.
Hồ sơ quản lý báo động khẩn cấp cho thấy không có còi hụ vang lên để mọi người biết mà thoát thân kịp thời. Thay vào đó, giới chức thông báo qua vô tuyến viễn thông, bằng điện thoại di động, trên truyền hình, và qua đài phát thanh. Tiếc là những phương tiện đó bị giới hạn do lửa cháy đã làm cúp điện và mất sóng điện thoại.
Ngoài ra, phía Tây đảo Maui là nơi tập trung dân cư không có xe cao hạng nhì trên đảo và tỷ lệ người không nói tiếng Anh cao nhất đảo. Điều này cũng có thể đã giới hạn thông tin kịp thời trong trường hợp khẩn cấp vì ngôn ngữ sử dụng là tiếng Anh.
Thống Đốc Josh Green cho phép người dân ở Lahaina có thể trở về nhà để xem xét thiệt hại tài sản và đi lại trong khu vực. Có lệnh giới nghiêm từ 10 giờ đêm tới 6 giờ sáng Thứ Bảy hôm sau. (TTHN)
Maui: Người chết cháy lên tới 67, người sống sót trở về nhà (nguoi-viet.com)
Thế giới tiếc thương Lahaina: Cây đa, mái chùa và nhà thờ mấy thế kỷ bị lửa rừng thiêu đốt
MAUI, Hawaii (NV) – Những chốn nơi nằm sâu trong quá khứ hoàng gia Hawaii, trong đó có một cảnh trí nghệ thuật nhộn nhịp người xem và một cây đa đồ sộ nhất của Hoa Kỳ, chỉ là vài ba trong số các lý do khiến Lahaina trở thành địa điểm du lịch được ưa chuộng nhiều trên đảo Maui. Có hơn 2 triệu người, tức là chừng 80% tổng số du khách của Maui, đến viếng thành phố này mỗi năm, bị quyến rũ vì những bãi biển đẹp mắt, tiệm ăn ngon miệng và cái ưu thế mà người dân địa phương vẫn tự hào là “trên một ngàn năm lịch sử phong phú,” BBC viết hôm Thứ Năm, 10 Tháng Tám.
Tuy nhiên, hiện không ai biết được chính xác nét phong phú lịch sử đó có còn đứng vững được nữa hay không sau trận cháy rừng tàn hại và gieo chết chóc tràn lan trên đảo Maui.
Các giới chức địa phương cho hay hằng chục cơ sở kinh doanh đã bị phá hủy, trong đó phần lớn nằm trên khu phố biểu tượng Front Street, cùng với một bến cảng đầy tính lịch sử trên hòn đảo nay không còn nữa. Cái tên Lahaina, mà trong tiếng địa phương có nghĩa là “mặt trời ác nghiệt,” là nói về thứ khí hậu vừa nóng vừa khô của nơi này, từng mang nhiều ý nghĩa văn hóa và chính trị, với một lịch sử dài đằng đẵng trước khi người Âu Châu đặt chân đến quần đảo Hawaii hồi năm 1778.
Nhà cai trị đầu tiên của một quần đảo Hawaii thống nhất, Kamechameha Đại Đế, chinh phục vùng trời nước mênh mang này vào năm 1795. Bảy năm sau, tức là vào năm 1802, Lahaina trở thành kinh đô của Vương Quốc Hawaii, một vị thế mà đế đô này vẫn giữ mãi cho đến năm 1845.
Chỉ trong vòng vài thập niên thôi, Lahaina đã trở thành một trục chính cho kỹ nghệ đánh bắt cá voi của thế giới, để rồi trở thành một hải cảng nhộn nhịp, thu hút sự chú ý của các phái bộ truyền đạo Kitô cũng như niềm ao ước của các chàng thủy thủ từ bốn phương phiêu bạt đến chốn này.
Sau đó, vào năm 1860, ngành đồn điền kinh doanh mía đường khởi sự hoạt động, trở thành kỹ nghệ sản xuất đầu tiên của dân địa phương mãi cho đến năm 1999.
“Nơi đây có lẽ là một trong những địa điểm mang nhiều ý nghĩa nhất trong lịch sử Hawaii. Đây là chốn nơi vua chúa và nữ hoàng ngự trị,” đó là lời của bà Theo Morrison, một người dân Hawaii vừa lên đường đi Anh thì ngọn lửa vô tình phủ chụp xuống Lahaina. “Đây là một trung tâm tinh thần và văn hóa và cũng là thủ đô đầu tiên của quần đảo, nắm giữ vai trò cực kỳ quan trọng… chúng tôi lấy làm hãnh diện về lịch sử của mình.”
Ngoài những mất mát trông thấy tại Front Street ra, cây đa nổi tiếng và nhà thờ mấy thế kỷ tại Lahaina cũng trở thành những tổn thất chẳng kém đớn đau cả cho dân cư trên đảo lẫn cho du khách bốn phương.
Nổi tiếng thật nhiều là cây đa cao 60 foot (18 mét), bao phủ cả một vùng rộng lớn tới 1.94 mẫu Anh (0.78 hectare) gần bằng một khu phố. Cây đa được trồng từ năm 1873 bên ngoài dinh thự của Kamehameha Đại Đế trong dịp đánh dấu 50 năm phái bộ truyền giáo Tin Lành đặt chân đến Lahaina. Mới hồi Tháng Tư năm nay, cây đa lịch sử đó đã mừng sinh nhật thứ 150 của mình. Hình ảnh chụp được sau trận hỏa hoạn cho thấy cây đa đã bị đốt cháy nhưng vẫn còn đứng đó thi gan cùng tuế nguyệt. Trang web của thành phố chia sẻ niềm tin cây đa sẽ hồi phục, nói rằng “nếu gốc rễ còn tươi, rất có thể nguyên cây sẽ sống lại.”
Nhà thờ Waiola là nơi những bản thánh ca và lời nguyện cầu nửa đêm bằng tiếng Anh và thổ ngữ Hawaii hằng vang vọng trước khi ngôi thánh đường bị ngọn lửa rừng nuốt chửng vào hôm Thứ Ba. Đây là kiến trúc mà phái bộ truyền giáo đã dựng lên hồi thập niên 1820. Nhà thờ Waiola mới mừng sinh nhật thứ 200 vào hồi Tháng Năm vừa rồi. Nghĩa trang của nhà thờ từng là nơi an nghỉ cuối cùng của hoàng gia Vương Quốc Hawaii trong những năm đầu lập quốc.
Trong số các địa điểm bị tàn phá này cũng cần phải nhắc tới Viện Bảo Tàng Chùa Wo Hing, nơi hội họp và cúng vái của cộng đồng di dân Trung Hoa từ bao đời nay. Chùa Wo Hing được xây dựng hồi năm 1909 qua sự đóng góp công sức của các thợ di dân từ Trung Hoa đến làm việc cho đồn điền trồng mía trên đảo, để rồi định cư luôn tại quê hương mới này.
Cộng đồng Trung Hoa cũng còn xây dựng một mái chùa hai tầng lầu tại trung tâm thành phố Lahaina, gọi là Nhà Giao Tiếp Xã Hội Wo Hing. Ngoài các phòng hội, nơi đây còn thiết trí các bàn thờ dùng cho việc cúng vái nữa. Sau khi được tu sửa, địa điểm này được gọi là Bảo Tàng Viện Wo Hing.
Cho đến khi ngọn lửa rừng phũ phàng giáng xuống đảo Maui, những vết tích của quá khứ xa xăm vẫn còn rành rành ra đó tại Lahaina… (TTHN)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten