donderdag 17 augustus 2023

‘Mommy & Me Vietnamese’ của Sophie Bảo Trân dành cho trẻ từ 1 tuổi

 ‘Mommy & Me Vietnamese’ của Sophie Bảo Trân dành cho trẻ từ 1 tuổi

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Mommy & Me Vietnamese” của Sophie Bảo Trân là chương trình duy nhất ở hải ngoại dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho thiếu nhi trên YouTube. Tuy mới ra mắt cộng đồng có vài tháng nhưng đã gây tiếng vang trong giới phụ huynh khi thấy con em mình say mê theo dõi.

Cô giáo Bảo Trân luôn mặc áo dài khi dạy các em. (Hình: Sophie Bảo Trân cung cấp)

Khi còn ở tuổi thiếu nhi, Sophie Bảo Trân từng xuất hiện nhiều lần trong các chương trình của trung tâm băng nhạc Thế Hệ Trẻ do cha mẹ cô sáng lập.

“Trung tâm Thế Hệ Trẻ sản xuất những chương trình đầu tiên ở hải ngoại dành cho thiếu nhi, khai trương trong thập niên 1990 và đến 2015, vì tình trạng băng dĩa giả nên phải đóng cửa,” cô Sophie buồn buồn kể.

Và giờ đây, là mẹ của đứa con gái đầu lòng 18 tháng tên Aria Nguyễn Ngàn Thương, cô Bảo Trân lại muốn thực hiện “Mommy & Me Vietnamese” để vừa dạy tiếng Việt cho con gái mình, vừa dạy các em thiếu nhi gốc Việt tại hải ngoại với nỗ lực bảo tồn ngôn ngữ Việt cũng như văn hóa Việt cho thế hệ gốc Việt tương lai.

“Mommy & Me Vietnamese” dạy tiếng Việt theo trình độ của em bé từ 1 tuổi trở lên.

Cô Bảo Trân nói: “Cách Bảo Trân dạy là bắt đầu với những thứ gần gũi với các em nhất để các em học xong là áp dụng được liền trong cuộc sống hằng ngày.”

“Có nhiều người hỏi Bảo Trân lý do vì sao chưa có chương trình ‘Mommy & Me Vietnamese’ về màu sắc, hình thể, đánh vần, những con thú vật và những con số,” cô tiếp.

Cô không muốn dạy các em những khái niệm hơi xa xôi đó vì trung tâm Thế Hệ Trẻ đã làm những chương trình về những đề tài đó rất hay rồi và cô cũng đã “upload” tất cả lên YouTube cùng trang với “Mommy & Me Vietnamese” cho các em xem rồi.

Hơn nữa, quan niệm về giáo dục của cô thực tế hơn.

Cô chia sẻ: “Bảo Trân nghĩ, khi mới học một ngôn ngữ, việc quan trọng nhất là học những từ ngữ có thể sử dụng ngay và nhiều lần thì mới thấm được. Thực tế là trong một ngày các em cần nói về hình tam giác mấy lần so với nói chữ ‘ăn, uống, ngủ?’”

Một sự tinh tế, nhạy bén khác của Bảo Trân cho thấy cái “tâm” của cô là cô muốn làm một chương trình dài, không cắt ráp chớp nhoáng để tập cho bộ óc đang phát triển của các em có sự tập trung cần thiết.

“Nếu ‘edit’ quá nhanh như các chương trình thiếu nhi của Mỹ thì hấp dẫn hơn đối với các em nhưng sẽ ảnh hưởng đến sự tập trung bền bỉ, không mau chán rất cần thiết cho các em sau này,” cô trình bày.

Âm nhạc là một phần quan trọng của “Mommy & Me Vietnamese.” (Hình: Sophie Bảo Trân cung cấp)

“Mommy & Me Vietnamese” là cái “nghiệp” của cô Sophie Bảo Trân vì thực hiện đến đâu, cô phải bỏ tiền túi ra đến đó.

Cô đóng góp quá nhiều thời gian vào chương trình, phải tự mua “props” như thú nhồi bông và nhiều đồ chơi để lôi cuốn các em, ấy là chưa nhắc đến chuyện phải trang bị máy móc nữa.

Ngoài ra, cô phải bỏ ra rất nhiều thời gian sau mỗi chương trình.

“Cực lắm, nhưng Bảo Trân thấy vui. Hôm nào vừa quay xong chương trình mới, tối về, sau khi cho Aria Ngàn Thương đi ngủ, Bảo Trân bắt đầu cặm cụi cắt ráp chương trình đến 3, 4 giờ sáng,” cô nói.

Chương trình “Mommy & Me Vietnamese” đầu tiên ra mắt khán giả trên YouTube hồi Tháng Hai, đến nay mới có sáu tháng mà đã được đón tiếp một cách nồng nhiệt.

Cô nhận được rất nhiều “comment” động viên tinh thần của các phụ huynh và những hỗ trợ khác của những cơ sở thương mại quan tâm đến tương lai giới trẻ gốc Việt hải ngoại.

Cô Bảo Trân nói: “Gia đình nước mắm Red Boat cũng rất quý công việc của Bảo Trân nên ủng hộ rất nhiều. Nhạc sĩ Cao Bá Thông cũng thấy thương các em thiếu nhi nên góp phần làm nhạc và thâu âm, quay phim cho ‘Mommy & Me Vietnamese’ để các em lớn lên ở hải ngoại cũng có nhiều chương trình chuyên nghiệp, hình đẹp, nhạc hay.”

Và vì cô muốn các em luôn luôn thấy cô giáo mặc áo dài, Áo Dài by CuteSass đã hỗ trợ tất cả áo dài của cô Bảo Trân mặc khi dạy trong “Mommy & Me Vietnamese.”

Cô Bảo Trân, với nỗi đam mê giáo dục thế hệ trẻ, đã cẩn thận hoạch định chương trình “Mommy & Me Vietnamese” một cách cẩn thận.

Nụ cười hồn nhiên nắc nẻ của bé Aria Nguyễn Ngàn Thương là nguyên nhân Sophie Bảo Trân thực hiện “Mommy & Me Vietnamese.” (Hình: Sophie Bảo Trân cung cấp)

Mỗi chương trình là một bài học về văn hóa Việt bằng tiếng Việt với những chủ đề thực tế như:

-Gia đình: Cha, mẹ, ông bà.

-Các cử chỉ của bé: Vỗ tay, hôn gió.

-Các bộ phận cơ thể: Tay, chân, đầu.

-Ẩm thực Việt: Cháo, phở, bánh mì.

-Ngày của mẹ: Cách bày tỏ sự yêu thương với mẹ.

-Ngôn ngữ ký hiệu của bé (để các em bé học cách giao tiếp trước khi biết nói).

-Ngày của cha: Từ vựng và bài hát về cha.

-Mùa Hè: Từ vựng và bài hát liên quan đến mùa Hè.

Và những chương trình “Mommy & Me Vietnamese” sắp tới sẽ là:

-Giờ tắm rửa.

-Tết Trung Thu.

-Halloween.

-Lễ Tạ Ơn.

-Giáng Sinh.

-Tết Nguyên Đán.

-Sinh nhật.

-Trái cây Việt.

Đam mê giáo dục thấm sâu trong máu, kỳ sinh nhật vừa rồi, cô Bảo Trân không nhận quà cáp mà xin người thân đóng góp vào một quỹ để cô có tài chính làm chương trình mới.

Cô vui vẻ khoe: “Không những gia đình và bạn bè đóng góp mà rất nhiều người Bảo Trân chưa bao giờ gặp nhưng rất quý chương trình cũng đóng góp hậu hĩnh. Trong đó cũng có người Mỹ để lại lời nhắn rằng ông không phải là người Việt nhưng có vợ Việt với em bé 22 tháng, ông rất cảm kích chương trình và vui lòng giúp đỡ.”

Muốn ủng hộ “Mommy & Me Vietnamese” của Sophie Bảo Trân, vào trang gofund.me/b0aa6817.

Cô tâm sự: “Bảo Trân không làm ‘Mommy & Me Vietnamese’ để kiếm tiền mà chỉ cần có đủ tài chính để làm được nhiều chương trình hấp dẫn và bổ ích mà thôi.”

Gia đình Sophie Bảo Trân. Từ trái, Sophie Bảo Trân cùng bé gái Aria Nguyễn Ngàn Thương, chồng là Luật Sư Brian Nguyễn, cha mẹ là ông Quang Trung và bà Nhã Ý (giám đốc trung tâm Thế Hệ Trẻ) và em gái Jennifer Ngọc Trân. (Hình: Sophie Bảo Trân cung cấp)

Cô nhận thấy chương trình thiếu nhi sản xuất ở Việt Nam không thích hợp cho thiếu nhi hải ngoại.

“Các em thiếu nhi hải ngoại thấy các bạn trong chương trình cũng sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ đang cố gắng học tiếng Việt sẽ cảm thấy gần gũi hơn và dễ học hơn,” Bảo Trân phân tích.

Ngoài ra cô cũng thấy một hàng rào văn hóa nếu phụ huynh cho con em theo dõi chương trình thiếu nhi do trong nước sản xuất.

Cô giải thích: “Các em ở Hoa Kỳ có những đồ chơi và thú nhồi bông khác nên lúc xem những chương trình sản xuất ở Việt Nam thì không thích và gần gũi được.”

Muốn liên lạc Bảo Trân, gởi email về mommyandmevietnamese@gmail.com.

Để xem video mới nhất của cô Sophie Bảo Trân, vào youtube.com/watch?v=bqYvp5kjRnY. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com

‘Mommy & Me Vietnamese’ của Sophie Bảo Trân dành cho trẻ từ 1 tuổi (nguoi-viet.com)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten