Ukraine ngày 6/6 gọi Nga là một quốc gia khủng bố tại tòa án hàng đầu của Liên hiệp quốc khi các phiên điều trần bắt đầu trong vụ kiện về việc Moscow ủng hộ phe ly khai thân Nga bị cáo giác bắn hạ chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines vào năm 2014.
Đây là lần đầu tiên luật sư của Ukraine và Nga gặp nhau tại Tòa án Công lý Quốc tế ICJ, còn được gọi là Tòa án Thế giới, kể từ khi Moscow tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine hôm 24/2/2022. Các toán pháp lý với hàng chục đại diện đã được mỗi bên cử đến.
Một hội đồng gồm 16 thẩm phán tại ICJ bắt đầu nghe tuyên bố của Ukraine rằng Moscow đã vi phạm hiệp ước chống khủng bố của Liên hiệp quốc bằng cách trang bị và tài trợ cho các lực lượng thân Nga vốn đã bắn hạ chiếc máy bay phản lực, giết chết tất cả 298 hành khách và phi hành đoàn.
Ukraine cũng yêu cầu tòa án có trụ sở tại The Hague ra lệnh cho Nga ngừng phân biệt đối xử với nhóm sắc tộc Tatar ở Crimea, một bán đảo Ukraine bị Nga chiếm đóng từ năm 2014.
Trong bài phát biểu khai mạc, Đại sứ lưu động Ukraine Anton Korynevych đã bình luận về việc đập thủy điện Nova Kakhovka vừa bị nổ tung vài giờ trước đó trên lãnh thổ do Nga kiểm soát ở vùng Kherson phía nam Ukraine. Kyiv nói Nga cho nổ con đập; Điện Kremlin đã đổ lỗi cho những gì họ nói là sự phá hoại của Ukraine.
“Nga không thể đánh bại chúng tôi trên chiến trường, vì vậy họ nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự để cố gắng khiến chúng tôi phải khuất phục”, ông Korynevych nói trong các phiên điều trần, mô tả hành động của Nga là “hành động của một quốc gia khủng bố.”
“Mới hôm nay Nga đã cho nổ tung một con đập lớn..., gây ra nhiều cuộc sơ tán thường dân, thiệt hại sinh thái và đe dọa sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.”
Moscow đã tìm cách bác bỏ vụ kiện, cho rằng ICJ không có thẩm quyền.
Chuyến bay MH17 bị một phi đạn do Nga sản xuất bắn hạ vào ngày 17/7/2014 trên bầu trời phía đông Ukraine do lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát.
Tháng 11 năm ngoái, một tòa án Hà Lan đã kết án vắng mặt hai người Nga và một người Ukraine theo phe ly khai vì vai trò của họ và kết án họ tù chung thân. Tòa án phát hiện ra rằng Nga có “sự kiểm soát tổng thể” đối với các lực lượng ly khai.
Ukraine muốn tòa án phán rằng Moscow đã vi phạm hiệp ước chống khủng bố bằng cách cung cấp tiền và vũ khí cho các lực lượng thân Nga ở Ukraine kể từ năm 2014, bao gồm cả nhóm bị cáo buộc bắn hạ MH17.
Nga đã tẩy chay các phiên điều trần tại tòa án vào tháng 3 năm 2022 giải quyết yêu cầu của Ukraine áp dụng các biện pháp khẩn cấp, trong một vụ kiện khác của ICJ, trong đó Kyiv đang phản bác cáo buộc của Nga về tội diệt chủng đối với những người nói tiếng Nga ở Ukraine. Kyiv gọi tuyên bố đó là sự biện minh không có thật cho cuộc xâm lược của Nga.
Ukraine cũng lập luận rằng Nga đang phân biệt đối xử với người sắc tộc Ukraine và người Tatar ở Crimea trong nỗ lực xóa bỏ nền văn hóa của họ.
“(Nga) đang theo đuổi một dự án dài hạn nhằm xóa bỏ các quyền và nền văn hóa đã khiến Ukraine trở thành một quốc gia đa sắc tộc đáng tự hào, để xóa sạch những gì tạo nên người Ukraine và những gì tạo nên người Tatar ở Crimea,” ông Harold Koh, một luật sư của chính phủ Ukraine, nói.
Nga phủ nhận các vi phạm nhân quyền có hệ thống trên lãnh thổ Ukraine mà nước này chiếm đóng.
Tòa án đã hoãn lại vào ngày 6/6 sau khi Ukraine kết thúc phần trình bày của mình. Nga sẽ có cơ hội trả lời vụ kiện của Kyiv vào ngày 8/6 tại tòa.
Các phán quyết của ICJ, tòa án hàng đầu của Liên hiệp quốc về tranh chấp giữa các quốc gia, có tính ràng buộc nhưng không có cơ chế thực thi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng là đối tượng của lệnh bắt giữ từ Tòa án Hình sự Quốc tế, cũng ở The Hague, với cáo buộc tội ác chiến tranh liên quan đến việc trục xuất cưỡng bức trẻ em Ukraine. Điện Kremlin phủ nhận điều này.
Ukraine lên án Nga là ‘nhà nước khủng bố’ tại Tòa án Thế giới (voatiengviet.com)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten