zaterdag 24 juni 2023

Người Thượng ở Đắc Lắc tấn công chính quyền vì... tức nước vỡ bờ? : đàn áp về tôn giáo và bần cùng hóa về đất đai của chính quyền

 

Người Thượng tấn công chính quyền vì tức nước vỡ bờ?

Một nghi phạm người Thượng bị công an bắt do liên quan đến vụ tấn công. Có gần 70 người đã bị bắt giữ, theo thông báo của công an

Đại diện hai tổ chức người Thượng ở hải ngoại bác bỏ sự dính líu với vụ tấn công vào trụ sở chính quyền ở Đắc Lắc hôm 11/6 và cho rằng chính sự đàn áp về tôn giáo và bần cùng hóa về đất đai của chính quyền đã ‘đẩy người Thượng đến bước đường cùng’, theo tìm hiểu của VOA.

Dường như chính quyền Việt Nam đang chĩa mũi dùi vào các nhóm người Thượng ở hải ngoại và cho rằng họ ‘đứng sau dụ dỗ, kích động các tay súng thực hiện vụ tấn công’.

Hôm 20/6, phát biểu trước Hội nghị cấp cao về chống khủng bố của Liên Hiệp Quốc tại New York, Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa, đã gọi vụ bạo động ở Đắc Lắc là ‘khủng bố’.

“Có đối tượng là thành viên của một tổ chức có trụ sở tại Mỹ nhận lệnh chỉ đạo từ tổ chức này xâm nhập về Việt Nam và dàn dựng vụ tấn công,” ông Việt phát biểu tại New York theo bản ghi được Cổng thông tin điện tử Bộ Công an đăng tải nhưng không nói rõ tên tổ chức nào.

Trước đó, hôm 16/6, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an cáo buộc rằng vụ tấn công này là ‘do một số đối tượng FULRO lưu vong kích động gây chia rẽ giữa người Kinh với người dân tộc thiểu số’.

Lên án bạo lực

Tuy nhiên, đại diện ở hải ngoại của hai tổ chức người Thượng là ‘Người Thượng vì Công Lý’ (MSFJ) và Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên đều bác bỏ cáo buộc này.

“Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên chúng tôi không có một người nào liên quan đến vụ nổ súng vừa rồi. Khi mà nghe tin như vậy, tôi có hỏi thăm hết tất cả nhưng nơi nào có Hội thánh hoạt động, đặc biệt là ở Đắc Lắc, thì không có người nào tham gia vấn đề như vậy,” Mục sư Aga, trưởng Hội thánh, vốn đã sống lưu vong ở bang North Carolina, Mỹ, nói với VOA.

Mục sư này nói hội thánh của ông đang ‘bị chính quyền chụp mũ, vu khống’. “Chính quyền đang lợi dụng cơ hội này để dập tắt luôn hội thánh của chúng tôi,” ông nói.

Về phần mình, từ Quận Cam, bang California, ông Y Phíc Hdok, thành viên lưu vong của nhóm ‘Người Thượng vì Công Lý’ nói với VOA rằng ‘không có thành viên nào trong nhóm của ông ở Việt Nam tham gia vào vụ tấn công’.

“Tất cả các thành viên chúng tôi đã được đào tạo, huấn luyện và nâng cao sự hiểu biết về nhân quyền, luật Việt Nam, luật quốc tế,” ông Y Phíc giải thích lý do tổ chức ông không liên quan đến vụ việc. “Nhưng chính quyền luôn vu khống cái mà chúng tôi không làm.”

Cả hai ông Y Phíc và Aga đều bày tỏ sự bất ngờ và bàng hoàng khi biết tin về vụ tấn công và lên án hành động này.

Ông Y Phíc nói rằng cá nhân ông và MSFJ ‘hoàn toàn không ủng hộ bạo lực’ và kêu gọi người Thượng ‘nên đấu tranh theo cách ôn hòa, đúng luật pháp Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế’, còn mục sư Aga cho rằng hành động dùng bạo lực để giết người là ‘không thể chấp nhận được’.

“Chúng tôi không dùng bạo lực, không gây chết chóc cho người khác vì chúng tôi tin vào Đức Chúa Trời,” ông phân trần và cho rằng những người tham gia vụ tấn công ‘đã hành động thiếu suy nghĩ vì không hiểu biết’.

Bước đường cùng?

Tuy nhiên, cả hai ông đều bày tỏ sự cảm thông đối với các hung thủ và cho rằng họ ‘đã bị đuổi đến bước đường cùng’.

Mục sư Aga chỉ ra việc người Thượng đã bị chính quyền tịch thu đất đai với giá thấp để giao cho các công ty tư nhân làm kinh tế khiến người dân mất đi nguồn sống.

“Người đồng bào sống chủ yếu bằng vấn đề làm nương làm rẫy, trồng trọt này khác. Ngoài ra họ không biết làm gì hơn. Còn anh em người Kinh thì họ có cách khác để làm ăn như buôn bán kinh doanh này khác,” ông giải thích.

“Nếu mất đất canh tác thì họ sống bằng cái gì? Lấy gì nuôi gia đình?” vị mục sư này nói thêm và dẫn chứng lúc ông còn ở Việt Nam, ông đã từng chứng kiến những miếng đất màu mỡ, bằng phẳng ở khu vực đồi Charlie bị thu hồi với giá chỉ từ 10 đến 20 triệu đồng một hectare.

Ngoài ra còn có hiện tượng người Kinh đến Tây Nguyên làm kinh tế mới, cũng theo mục sư này. Khi họ đến chỉ hai bàn tay trắng, nhưng sau này giàu lên thì người Kinh ‘quay sang cho bà con đồng bào vay nặng lãi’.

“Đến lúc nào đó đồng bào không thể trả nổi thì họ bị người Kinh lấy đất trừ nợ. Cho nên bây giờ người đồng bào rất thiếu đất.”

Ông Y Phíc Hdok chỉ ra rằng người Thượng ‘đã chịu rất nhiều thiệt thòi trên chính mảnh đất tổ tiên bao đời của họ’.

“Chính quyền có những chính sách di dân tự do cho nhiều người di dân từ miền Bắc vào để canh tác,” ông kể. “Lúc đó người bản địa giúp đỡ họ rất nhiều, xem họ như con như cái, họ thiếu cơm chúng tôi cho ăn, sau đó khi họ có mọi thứ họ cần, họ không còn xem người bản địa ra gì nữa, quay lại cắn những người đã từng giúp họ.”

Có những công ty lên Tây Nguyên lập dự án trồng cây cà phê, cao su để phát triển kinh tế cho người dân, ông nói thêm, nhưng ‘sau khoảng 10-20 năm thì thu luôn đất đai của họ’.

Kết quả là, theo lời ông Y Phíc, tất cả người bản địa bị đẩy ra xa thành phố. “Quay lại đây 5 năm thôi không nói gì xa xôi, người bản địa không còn gì,” ông Y Phíc nói.

Ngoài vấn đề đất đai, mục sư Aga còn nhấn mạnh đến sự đàn áp tôn giáo nhằm vào người Thượng.

“Chính quyền không bao giờ cho người dân tự do bày tỏ niềm tin tôn giáo mà lựa chọn. Họ bắt ép anh em chúng tôi phải gia nhập Hội thánh Tin lành Việt Nam chịu sự kiểm soát của chính quyền,” ông cho biết.

Chính quyền ‘ngó lơ’

Theo lời mục sư Aga thì trước đây người Thượng cũng đem những bức xúc của mình đi khiếu nại với chính quyền, nhưng ‘không những không được giải quyết mà còn bị bắt bớ, đánh đập’.

“Con người Tây Nguyên ai cũng biết họ rất hiền lành, ôn hòa, đặc biệt họ rất tin tưởng vào Đảng, tin vào chính quyền, Nhà nước Việt Nam, nhưng ngược lại chính quyền cộng sản Việt Nam gần như họ không quan tâm đến đồng bào Tây Nguyên gì mấy,” mục sư Agar giãi bày.

Tuy nhiên, khi ‘bị đẩy vào bước đường cùng’ thì người dân không còn cách nào khác ngoài cách ‘sẵn sàng đối diện cái chết để làm liều’, ông lý giải cho hành động của những người tấn công.

Còn ông Y Phíc cũng cho rằng nguyên nhân sâu xa của vụ tấn công là ‘người dân đã không chịu nổi với cách chính quyền đối đãi với họ’.

“Khi họ đã không còn con đường để sống thì họ sẽ phải hy sinh, chứ nếu họ còn cuộc sống bình thường thì họ dại gì đi làm chuyện này,” ông lập luận và chỉ ra một đoạn video quay lại hành động của nhóm vũ trang mà ông xem có tay súng la lớn là ‘Chúng tôi không chịu nổi nữa’.

Cũng như mục sư Aga, ông Y Phíc cho biết ‘người Thượng không cất được tiếng nói của mình, và chính quyền không bao giờ lắng nghe họ’. “Mỗi khi họ đòi lại sự công bằng, đất đai, tôn giáo, hay cất lên tiếng nói thì họ đều bị dập tắt, cáo buộc họ phản động, quy vào tội chống phá nhà nước, có thể bị bỏ tù một cách vô cớ,” ông bày tỏ.

Ông khẳng định không có mâu thuẫn sắc tộc giữa người Thượng với người Kinh. Theo lời ông thì người Thượng ‘không hề ghét hay thù hận người Kinh mà chỉ thấy bị tổn thương nặng nề cả vật chất lẫn tinh thần’, thay vào đó ông cáo buộc ‘chính chính quyền mới là thủ phạm gây chia rẽ giữa người Kinh và người Thượng’.

‘Cần quan tâm đến người Thượng’

Mục sư Aga cho rằng vụ bạo động ở Đắc Lắc có lẽ đã không xảy ra nếu chính quyền ‘quan tâm giải quyết những bức xúc của người Thượng’.

“Cần giải quyết công bằng cho họ, còn nếu tiếp tục chèn ép thì người Thượng sẽ tiếp tục mất niềm tin vào chính quyền,” ông phân tích. “Họ chỉ càng nuôi dưỡng hận thù mà thôi.”

Vị mục sư này cũng kêu gọi ‘đồng bào người Thượng đấu tranh ôn hòa’ bằng con đường khiếu kiện từ địa phương đến trung ương, nếu không được thì xuống đường biểu tình đòi quyền lợi’.

“Chính quyền nên tôn trọng quyền người bản địa, tôn trọng luật pháp quốc tế về nhân quyền, xóa bỏ chính sách đàn áp người Ê-đê, tạo điều kiện để người dân cất lên tiếng nói, phải lắng nghe họ,” ông Y Phíc kêu gọi.

Ông Y Phíc bày tỏ lo ngại về số phận hơn 70 người đang bị chính quyền bắt giữ do liên quan đến vụ tấn công mà ông cho rằng ‘đa số là người vô tội’. Ông cũng cho biết có hai nhà truyền đạo Tin Lành ở huyện Krông Ana đang bị chính quyền nhân cơ hội này ‘bắt giữ vào sáng ngày 20/6 mà không có lý do’

“Chính quyền nghi ai và ghét ai là họ đều bắt hết,” ông cáo buộc và cho biết chính quyền ‘tuyên truyền cho người dân để bắt những người mặc đồ răn ri’ và có nhiều người đã bị đánh oan đến ‘bể đầu, chảy máu, gãy xương, và thậm chí bị xúc phạm đến danh dự’.

Cả hai ông Y Phíc và Aga mặc dù sống ở Mỹ những vẫn giữ liên hệ chặt chẽ với những người trong nước để nắm tình hình, hai ông cho biết. Mục sư Aga nói đến giờ có một số người tình nghi ‘đã bị chính quyền bắn chết’ qua lời bạn bè và gia đình họ nói với ông. VOA không thể kiểm chứng thông tin này.


Người Thượng tấn công chính quyền vì tức nước vỡ bờ? (voatiengviet.com)


Vụ nổ súng ở Đắk Lắk: Công an khởi tố tội khủng bố, mức án lên đến tử hình

Các nghi phạm bị công an bắt giữ. Họ đang đối mặt với cáo trạng và bản án nặng nề

Công an Việt Nam khởi tố 75 nghi phạm trong vụ tấn công ở Đắk Lắk về tội khủng bố với mức án lên đến tử hình và cáo buộc vụ tấn công ‘được dàn dựng, chỉ đạo từ bên ngoài’, phát ngôn nhân Bộ Công an được báo chí trong nước dẫn lời cho biết hôm 23/6.

Trung tướng Tô Ân Xô được trang Công an Nhân dân trích lời nói Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk quyết định khởi tố vụ án ‘Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân’.

Ngoài ra, còn có 9 người khác cũng bị khởi tố với các tội danh nhẹ hơn, trong đó là 7 người về tội ‘Không tố giác tội phạm’, 1 người về tội ‘Che giấu tội phạm’ và 1 người khác về tội ‘Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép’.

Tội ‘Khủng bố chống chính quyền nhân dân’ theo Điều 113 Bộ luật Hình sự là một trong những tội danh chống chính quyền nặng nhất. Theo đó, những ai xâm phạm tính mạng cán bộ, công chức hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức sẽ đối mặt với mức án từ 12 đến 20 năm tù, chung thân hay tử hình. Đặc biệt, bị cáo chuẩn bị phạm tội cũng bị phạt từ 1 đến 5 năm tù.

Các lãnh đạo công an Việt Nam gần đây đã thay đổi cách gọi vụ việc ở Đắk Lắk từ ‘tấn công’ thành ‘khủng bố’. Tướng Xô đánh giá với báo chí rằng ‘đây là vụ khủng bố gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, hành vi rất man rợ, mất nhân tính, quyết tâm phạm tội đến cùng’.

Công an Việt Nam cũng bắt đầu chĩa mũi dùi vào ‘yếu tố bên ngoài’. Theo lời ông Xô được Công an Nhân dân dẫn lại, vụ tấn công ‘có sự hậu thuẫn, chỉ đạo từ một số tổ chức, cá nhân ở nước ngoài’ và ‘có đối tượng từ nước ngoài xâm nhập trái phép về Việt Nam để dàn dựng, chỉ đạo tấn công khủng bố’.

Đại diện của hai nhóm đấu tranh người Thượng ở Mỹ là ‘Người Thượng vì Công lý’ và ‘Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên’ mà VOA liên lạc đều bác bỏ cáo buộc của công an mà họ cho là ‘vu khống’ nhằm lấy cớ trấn áp.

Ngoài số súng đạn, trong đó có cả súng quân dụng và súng tự chế, và vật liệu nổ mà công an đã tịch thu được, họ còn thu giữ 10 lá cờ FULRO, ông Xô cho biết. FULRO là tên viết tắt của Mặt trận Thống nhất Đấu tranh cho các Sắc tộc bị áp bức, một tổ chức đấu tranh của người Thượng từ lâu đã không còn hoạt động.

Trước đó, hôm 20/6, Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa Việt Nam cũng đã lên tiếng trước quốc tế rằng vụ tấn công ở Đắk Lắk là ‘hoạt động khủng bố có tổ chức’.

Phát biểu tại Hội nghị người đứng đầu lực lượng chống khủng bố các nước do Liên Hợp Quốc tổ chức tại New York, Tướng Việt cho rằng ‘một tổ chức ở Mỹ’ đứng sau vụ tấn công và kêu gọi các nước và các tổ chức quốc tế ‘hợp tác chặt chẽ với Việt Nam’ trong vụ việc, nhưng ông không đưa ra các bằng chứng cụ thể.

Thiếu tướng Lê Vinh Quy, giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, hé lộ thêm rằng các đối tượng gây án ‘bị các tổ chức phản động nước ngoài lôi kéo qua Internet’.

“Những người này sau đó lợi dụng các mâu thuẫn nhỏ, các bất cập ở địa phương để lôi kéo thêm những người khác từ các buôn làng khác tham gia”, tướng Quy được Cổng thông tin điện tử Chính phủ dẫn lời nói tại buổi họp mặt báo chí hôm 21/6.

“Họ đồn thổi việc không công bằng trong chính sách dân tộc, đất đai gây chia rẽ, mất đoàn kết”, ông Quy nói và cho biết các đối tượng này ‘mong muốn thành lập nhà nước riêng’.

Vụ tấn công vào rạng sáng ngày 11/6 ở trụ sở chính quyền hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, đã khiến 9 người chết, trong đó có 4 công an viên, 2 cán bộ và một số dân thường.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten