CEO tàu lặn Titan: phá cách, phá luật và kết cục bi thảm
- Holly Honderich, Callum May & Jemma Crew
- BBC News, Washington DC & London
Stockton Rush muốn được biết đến như một nhà phát kiến và dường như không quan trọng ông ấy thực hiện điều đó như thế nào.
Thông minh, nghị lực, sinh ra trong gia đình giàu có, ước mơ của ông là trở thành người đầu tiên đặt chân lên sao Hỏa.
Khi nhận ra rằng điều đó khó có thể xảy ra trong đời, ông hướng sự chú ý của mình ra biển khơi.
"Tôi muốn trở thành Thuyền trưởng Kirk và trong cuộc đời của chúng ta, ranh giới cuối cùng là đại dương", ông nói với một nhà báo hồi năm 2017.
Đại dương hứa hẹn những chuyến phiêu lưu, adrenaline và điều kỳ bí. Ông cũng tin rằng biển khơi mang đến triển vọng lợi nhuận - nếu ông ấy có thể tạo ra thành công cho chiếc tàu lặn mà ông đã giúp thiết kế, và ông đã chỉ đạo công ty OceanGate của mình chế tạo.
Ông có một tinh thần phá cách thu hút mọi người, khiến ông được nhân viên, hành khách và nhà đầu tư ngưỡng phục.
“Niềm đam mê của ông ấy thật đáng kinh ngạc và tôi đã tin vào nó,” Aaron Newman, người đã tham quan bằng tàu lặn Titan của ông Rush và cuối cùng trở thành nhà đầu tư của OceanGate, cho biết.
Nhưng tham vọng bay bổng của ông Rush cũng lôi kéo cả sự dò xét từ các chuyên gia trong ngành, những người cảnh báo rằng ông đang đốt cháy giai đoạn, đặt sự cải tiến lên trên cả an toàn và những nguy cơ có thể dẫn đến những hậu quả tàn khốc.
Đó không phải là điều mà ông Rush sẵn lòng chấp nhận.
Tuần trước, ông ấy và bốn người khác trên tàu Titan đã thiệt mạng khi chiếc tàu phát nổ.
"Bạn được nhớ đến vì những quy tắc mà bạn phá vỡ", ông Rush từng nói, trích dẫn lời của tướng Mỹ Douglas MacArthur.
"Tôi đã phá vỡ một số quy tắc," ông ấy nói về Titan. "Tôi nghĩ rằng tôi đã phá vỡ chúng bằng logic và kỹ thuật tuyệt vời đằng sau tôi."
Stockton Rush Đệ Tam sinh năm 1962 tại California trong một gia đình giàu lên nhờ dầu mỏ và vận tải biển.
Ông được gửi đến một trường nội trú danh giá, Học viện Phillips Exeter ở New Hampshire, và tiếp tục lấy bằng cử nhân kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Đại học Princeton năm 1984.
Năm 19 tuổi, ông trở thành phi công trẻ nhất trên thế giới đủ điều kiện lái máy bay phản lực, mức cao nhất mà một phi công có thể đạt được.
Ông ấy đã làm việc trên máy bay F-15 và các chương trình tên lửa chống vệ tinh, với hy vọng cuối cùng sẽ tham gia chương trình không gian của Mỹ và trở thành một phi hành gia.
Nhưng cuối cùng, tham vọng đó đã mất đi sức hấp dẫn khi chuyến đi lên Hành tinh đỏ dường như ngày càng xa tầm với.
"Nếu ai đó cho tôi biết lý do thương mại hoặc quân sự để lên sao Hỏa là gì, tôi sẽ tin rằng điều đó có thể xảy ra," ông Rush nói với tạp chí Fast Company.
"Đó chỉ là mơ ước."
Vì vậy, ông ấy chuyển tầm nhìn xuống đại dương và vào năm 2009, ông thành lập OceanGate, một công ty tư nhân cung cấp cho khách hàng - ông Rush thích thuật ngữ "nhà thám hiểm" hơn - cơ hội trải nghiệm du lịch biển sâu, bao gồm cả xác tàu Titanic.
Công ty có trụ sở tại Everett, bang Washington, có quy mô nhỏ và gắn kết chặt chẽ. Rush sẽ chủ trì các cuộc họp toàn thể nhân viên tại trụ sở chính, trong khi vợ ông là Wendy - một sinh viên khác cùng khóa 1984 của Princeton - là giám đốc truyền thông cho ông.
Một nhân viên cấp dưới làm việc tại OceanGate từ năm 2017 đến 2018, yêu cầu giấu tên, cho biết trụ sở công ty mang cảm giác ấm cúng và gần gũi, với hệ thống dây điện và thiết bị dường như ở khắp mọi nơi. "Không khí rất tự do."
Đứng đầu là ông Rush.
"Ông ấy thực sự mê đắm những gì ông ấy đang làm và rất giỏi trong việc truyền đi niềm đam mê đó cho những người làm việc ở đó," một nhân viên nói với BBC.
Tại một cuộc họp nhân viên, ông Rush đã mang theo kính thực tế ảo để mọi người cùng trải nghiệm chuyến tham quan kỹ thuật số dưới nước. Ông Rush nói với họ rằng đây là mục tiêu mà họ hướng tới - cho phép nhiều người hơn thưởng thức cảnh quan này. "Đây là thế giới tôi muốn," ông nói với họ.
Ông Newman, nhà đầu tư, cho biết ông Rush "không phải là người lãnh đạo từ phía sau, chỉ bảo mọi người phải làm gì - ông ấy lãnh đạo từ phía trước".
Ông Newman đã lên tàu Titan cùng với ông Rush để xem xác tàu Titanic vào mùa hè năm 2021.
Lần đầu tiên gặp nhau, ông Rush đã “dành hàng giờ đồng hồ” để trò chuyện với ông Newman về tiềm năng khám phá đáy đại dương.
Ông Rush "đi theo con đường của riêng mình", ông Newman nói.
Ký ức của ông Newman về OceanGate là một đội ngũ quan tâm lẫn nhau.
Và vợ của ông Rush, bà Wendy, "thông minh, thận trọng, đảm bảo rằng ông ấy đang làm mọi thứ một cách hoàn hảo và không đốt cháy giai đoạn hay bỏ sót thứ gì", ông nói.
Ông Newman bị ông Rush thu hút đến mức quyết định đầu tư vào OceanGate. "Bạn biết đấy, tôi không biết liệu mình có bao giờ thấy được lợi nhuận hay không. Đó không phải là vấn đề," ông nói.
"Vấn đề là trở thành một phần của điều gì đó mang tính thử nghiệm và đang tạo ra bước đột phá mới, đồng thời thúc đẩy công nghệ của chúng ta cũng như cách thế giới vận hành, đi đến những nơi và làm những điều tuyệt vời, đó chính là ý nghĩa của việc này."
Ông Newman tự mô tả mình là một nhà đầu tư nhỏ. Là một công ty tư nhân, OceanGate không bắt buộc phải công bố tất cả các hồ sơ tài chính.
Hồ sơ tài chính của Mỹ từ tháng 1 năm 2020 cho thấy ông Rush và các giám đốc đồng sự của ông đã bán cổ phần của công ty trị giá 18 triệu USD, được cho là đã được sử dụng để đổ vào việc phát triển tàu lặn Titan.
Để bù lại chi phí, công ty tàu lặn của OceanGate, "chiếu sáng tốt và thoải mái", đi kèm với mức giá 250.000 USD cho một chuyến du hành dưới đại dương.
Khách hàng của Mr Rush là những người cực kỳ giàu có thích cảm giác mạnh, sẵn sàng chi số tiền đó cho một cuộc phiêu lưu chỉ một lần trong đời.
Doanh nhân người Las Vegas, Jay Bloom, đã nhắn cho ông Rush về việc tham gia vào chuyến lặn, trước khi đã từ chối chỗ của mình và con trai phút chót trong chuyến du thám định mệnh.
Ông ấy cho biết cơ hội được nhìn cận cảnh xác tàu sẽ là một trải nghiệm trong "danh sách cần làm". Ông ấy nói về việc bạn có thể nói rằng "mình đã làm được điều mà rất ít người có cơ hội làm được".
Bất chấp số tiền lớn đổ vào, thiết bị của OceanGate đôi khi mang lại cảm giác "tự chế".
Cựu nhân viên cấp dưới nói với BBC rằng anh ấy rất ngạc nhiên khi thấy rằng thiết kế điện của Titan bao gồm các bảng mạch điện có sẵn, trái ngược với việc sử dụng thiết kế nội bộ, tùy chỉnh như các công ty công nghệ khác.
David Pogue, một nhà báo của CBS News, người từng thăm gia xác tàu Titanic vào năm 2021 cùng ông Rush, cho biết chủ công ty đã lái con tàu Titan bằng thiết bị điều khiển chơi game và sử dụng "các ống chì rỉ sét từ công ngành xây dựng làm tăng phô".
Tuy nhiên, ông Rush đảm bảo với ông Pogue rằng điều duy nhất thực sự quan trọng là thân tàu, được chế tạo từ một vật liệu không theo thông thường và phần lớn chưa được thử nghiệm kĩ cho tàu lặn biển sâu: sợi carbon với titan.
Ông Rush hiểu sợi carbon đã được áp dụng thành công cho du thuyền và hàng không, và tin rằng nó sẽ cho phép việc sản xuất tàu lặn của ông rẻ hơn so với thép tiêu chuẩn công nghiệp.
"Có một quy tắc là bạn không được làm như vậy," ông Rush nói vào năm 2021. "Chà, tôi đã thực hiện."
Hình dạng ống của Titan cũng khác thường. Thân tàu ngầm lặn sâu thường có dạng hình cầu, nghĩa là nó chịu một lượng áp suất như nhau tại mọi điểm, nhưng tàu lặn Titan có cabin hình trụ. OceanGate đã được trang bị các cảm biến để phân tích tác động của việc thay đổi áp suất khi nó được hạ xuống.
Khung nhìn bằng kính, nơi mà hành khách có thể nhìn ra ngoài, chỉ được chứng nhận ở độ sâu 1.300m, cạn hơn rất nhiều so với độ sâu của đáy đại dương nơi có xác tàu Titantic.
Rob McCallum, một nhà thám hiểm từng là cố vấn cho OceanGate, trở nên lo ngại khi ông Rush quyết định không lấy chứng nhận chính thức cho chiếc tàu lặn.
Tàu lặn có thể được chứng nhận hoặc "đăng kiểm" bởi các tổ chức hàng hải, như American Bureau of Shipping hoặc Lloyd's Register, nghĩa là phương tiện phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định như độ ổn định, độ bền, an toàn và hiệu suất. Nhưng quá trình này là không mang tính bắt buộc.
Trong email gửi cho ông Rush vào tháng 3 năm 2018, mà BBC News được xem, ông McCallum viết: "Ông đang muốn sử dụng một công nghệ nguyên mẫu chưa được phân loại ở một nơi rất nguy hiểm. Tôi đánh giá cao tinh thần kinh doanh và cải tiến, nhưng ông có khả năng đặt một toàn bộ ngành công nghiệp vào rủi ro.
"4.000m bên dưới Tây Dương không phải là nơi ông có thể phớt lờ các quy tắc."
Ông Rush, dường như rất phẫn nộ, đã trả lời rằng ông "mệt mỏi với những tay trong ngành cố gắng sử dụng lý lẽ về sự an toàn để ngáng đường đổi mới".
Ông nói, an toàn là "về văn hóa, không phải về mặt giấy tờ". Ông ấy nói về việc cần "thiết kế hợp lý, thử nghiệm rộng rãi và được sự đồng thuận của những người tham gia", nhưng lại nói một mảnh giấy không đảm bảo an toàn cho tàu lặn.
Mặc dù thừa nhận đã làm sai lệch một số nguyên tắc, chẳng hạn như giới hạn khung nhìn của tàu mà ông cho là "quá bảo thủ", nhưng ông Rush nói hệ thống an toàn của Titan "vượt xa" bất kỳ thứ gì khác đang được sử dụng.
Ông ấy viết: "Tôi biết rằng phương pháp tiếp cận đổi mới, tập trung vào kỹ thuật của chúng tôi (trái ngược với quy trình thiết kế tập trung vào tuân thủ các tiêu chuẩn hiện có) đi ngược lại với tính chính thống của thiết bị lặn, nhưng đó là bản chất của sự đổi mới."
Ông McCallum cho biết cuộc trao đổi căng thẳng đã kết thúc sau khi các luật sư của OceanGate đe dọa sẽ có hành động pháp lý.
Nhưng ông McCallum không phải là người duy nhất có liên đới tới công ty lên tiếng về sự an toàn.
Chỉ vài tháng trước đó, cựu nhân viên của OceanGate, David Lochridge, đã nêu lên những lo ngại trong một báo cáo kiểm tra mà xác định "nhiều vấn đề gây lo ngại nghiêm trọng về an toàn", bao gồm cả cách thân tàu đã được thử nghiệm.
Cũng trong năm 2018, Hiệp hội Công nghệ Hàng hải đã gửi một lá thư tới OceanGate cáo buộc họ đưa ra những tuyên bố sai lệch về việc thiết kế của họ vượt quá các tiêu chuẩn an toàn của ngành và cảnh báo rằng phương pháp "thử nghiệm" của OceanGate có thể dẫn đến "kết quả tiêu cực (từ nhẹ đến thảm khốc)".
Trong một bài đăng trên blog vào năm 2019, ông Rush khẳng định rằng phần lớn các vụ tai nạn hàng hải là do lỗi vận hành. Ông cho biết OceanGate rất coi trọng các yêu cầu về an toàn, nhưng việc thông báo cho một tổ chức bên ngoài về từng hiệu chỉnh trước khi con tàu được thử nghiệm trong thực tế là "điều ghét cay ghét đắng của quá trình đổi mới nhanh chóng".
Nhân viên cũ nói với BBC rằng khi còn làm việc tại OceanGate, anh ấy cảm thấy tin tưởng vào cam kết đảm bảo an toàn của ông Rush.
"Rush là một người rất điềm tĩnh, ông ấy biết cần phải làm gì," anh nói. "Ông ấy đã tham gia mọi chuyến lặn, ông ấy là người lái cho từng người, và đó là vì ông ấy tin tưởng vào sự an toàn của tàu lặn."
Ông Newman nói với BBC rằng chiếc tàu lặn có thể chưa được chứng nhận, nhưng đã được thử nghiệm rộng rãi.
Ông Rush "đã giới thiệu những ý tưởng mới và tác phẩm mới không theo quy ước và một số người không thích điều đó", ông nói.
Ông nói: “Ý kiến rằng đây là một thứ gì đó độc đáo và Stockton đã làm sai điều gì đó là không thành thật.
Chính ông Rush đã nói với phóng viên Mr Pogue của CBS vào năm ngoái rằng "nếu bạn chỉ muốn được an toàn, đừng ra khỏi giường".
"Đừng ngồi vào xe của bạn. Đừng làm gì cả. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ gặp một số rủi ro, và đó thực sự là một câu hỏi về lời-lỗ, thiệt-hơn. Tôi nghĩ tôi có thể làm điều này bằng cách phá vỡ các quy tắc một cách an toàn," ông nói.
Vấn đề đặt ra là tại sao dù có những lần lặn thành công khác, nhưng chuyến đi cuối cùng của chiếc tàu lại kết thúc trong thảm kịch, ông Newman nói.
"Rõ ràng là thân tàu chịu áp suất đã nổ tung, phải không? Và câu hỏi đặt ra là tại sao nó lại nổ tung?"
Guillermo Söhnlein, người đồng sáng lập OceanGate và là đối tác kinh doanh cũ của Rush, cho biết bản thân ông sẽ không thực hiện cách tiếp cận khác.
"Cộng đồng tàu lặn dưới nước trên toàn cầu rất nhỏ và tất cả chúng ta đều biết nhau, và tôi nghĩ nhìn chung tất cả chúng ta đều tôn trọng ý kiến của nhau.
Ông Söhnlein nói: “Điểm mấu chốt là mọi người đều có ý kiến khác nhau về cách thiết kế tàu lặn.
Sau khi con trai ông cũng bày tỏ lo ngại về tàu lặn, Jay Bloom đã từ chối lời mời từ ông Rush.
"Tôi chắc chắn rằng ông ấy thực sự tin vào những gì mình nói," ông Bloom nói. "Nhưng ông ấy đã rất sai lầm."
Tai nạn tàu Titan và đắm tàu Hy Lạp: Đâu là giá trị cuộc sống?
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c2v8dv05083o?at_medium=social&at_link_type=web_link&at_ptr_name=facebook_page&at_link_id=CB845212-13F2-11EE-9EFC-C1237F934D9D&at_link_origin=BBC_news_Vietnamese&at_campaign_type=owned&at_bbc_team=editorial&at_format=link&at_campaign=Social_Flow&fbclid=IwAR2T4sSaMD3iQAk3VkMs1XDlDz8_7VbzOmlPdSBPYHS0ooUx8BF2AWgjV8U
Geen opmerkingen:
Een reactie posten