zaterdag 6 november 2021

Liên Xô giấu nhẹm mỏ kim cương lớn nhất thế giới, trữ lượng đủ dùng trong 3.000 năm nữa

 

Liên Xô giấu nhẹm mỏ kim cương lớn nhất thế giới, trữ lượng đủ dùng trong 3.000 năm nữa

  •  1 2 3 4 5 3,33
  • 1.192

Mỏ kim cương với trữ lượng khổng lồ ở Siberia, đủ để cung cấp cho nhân loại sử dụng thêm 3.000 năm nữa.

Liên Xô giấu nhẹm khu mỏ

Khu vực rừng Taiga, ở Siberia, Nga từ lâu đã nổi tiếng với các khu mỏ kim cương với trữ lượng khổng lồ, trong đó có thể kể đến khu mỏ tại hố thiên thạch Popigaï với hàng nghìn tỷ carat kim cương, với khả năng khai thác 1.800kg quặng mỗi năm. Sự tồn tại của khu mỏ này đã được giữ bí mật trong nhiều thập kỷ do ẩn mình sâu trong cái lạnh của rừng Taiga, với trữ lượng khổng lồ có thể kích động "một cuộc cách mạng công nghiệp" trên toàn thế giới.

Khu mỏ kim cương Popigaï nhìn từ trên cao
Khu mỏ kim cương Popigaï nhìn từ trên cao. (Ảnh: NATGEO)

Trầm tích Popigaï thực tế đã được phát hiện vào đầu những năm 1970 tại một khu vực hẻo lánh ở phía đông Siberia, cách thị trấn gần nhất là Khantiga 400 km và cách thủ phủ Krasnoyarsk 2.000km về phía bắc.Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, đây ngay lập tức được coi là nguồn khai thác và dự trữ của cải chiến lược của Liên Xô và sự tồn tại của nó hoàn toàn là bí mật.

Theo tiết lộ của Nikolai Pokhilenko (Giám đốc Viện Địa chất và Khoáng sản Sobolev ở Novosibirsk) thì khu mỏ này nằm trong miệng núi lửa có đường kính cả trăm kilomet, được hình thành sau va chạm của một tiểu hành tinh với Trái đất cách đây 35 triệu năm.

Nhiệt độ cao và áp suất lớn từ vụ va chạm đã ngay lập tức biến than chì trong đất ở Siberia thành những viên kim cương nhỏ trong khu vực có bán kính lên tới 10km tính từ điểm rơi. Những viên kim cương "công nghiệp" này thường có đường kính từ 0,5 đến 2mm, có màu ánh xám, xanh lam hoặc vàng.

Kim cương Nga có độ bền cao.
Kim cương Nga có độ bền cao. (Ảnh: 13 Heures / France 2)

Theo các chuyên gia của viện, trữ lượng carat của kim cương tại mỏ Popigaï lớn gấp 110 lần trữ lượng kim cương của thế giới và có độ bền cao hơn gấp đôi so với kim cương sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Pokhilenko chia sẻ thì Liên Xô thời kỳ đó ưu tiên xây dựng các nhà máy kim cương tổng hợp để bảo toàn khu mỏ trong bí mật.

Trong sự hỗn loạn về kinh tế và ý thức hệ sau khi Liên Xô tan rã vào cuối năm 1991, thông báo về sự tồn tại của mỏ hầu như không được chú ý. Đây cũng là lý dó chính khiến mỏ Popigaï đã bị bỏ rơi và bị lãng quên trong gần 30 năm cho đến tận khi Viện Địa chất và Khoáng sản Sobolev tìm thấy nó một lần nữa.

Trữ lượng tương đương 3.000 năm cung ứng

Trầm tích tìm thấy tại mỏ Popigaï.
Trầm tích tìm thấy tại mỏ Popigaï. (Ảnh: sciencemall-usa.com).

Giám đốc viện Sobolev nhấn mạnh hiện nay tuy mới chỉ khai thác 0,3% khu vực mỏ Popigaï, nhưng lượng kim cương tại đây đã lên đến 147 tỷ carat. Trong khi đó trữ lượng kim cương trên thế giới ước tính khoảng 5 tỷ carat. Nhà khoa học cũng cho biết thêm rằng: "Với tốc độ sử dụng kim cương công nghiệp hiện nay, trữ lượng của Popigaï tương ứng với 3.000 năm cung ứng" và có thể dẫn đến "một cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới", đặc biệt là trong việc chế tạo máy bay và ô tô.

Guennadi Nikitine, Phó Giám đốc công ty Yakoutnipromalmaz ở Yakutia (Đông Siberia) chuyên về ngành kim cương, lo lắng: "Miệng núi lửa Popigaï có thể làm đảo lộn tình hình trên thị trường kim cương. Không thể nói trước được giá sẽ ra sao". Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng việc thăm dò các khu bảo tồn Popigaï có thể là quá đắt đỏ, khu mỏ này nằm trong vùng băng giá vĩnh cửu, cách xa bất kỳ đường bộ hoặc đường sắt nào.

 Viên kim cương sau khi chế tác.
Viên kim cương sau khi chế tác. (Ảnh: Sajjad Hussain / AFP)

Nikolai Tutchkov, một chuyên gia tại Viện Sobolev, nhận xét: "Mỏ kim cương này rất biệt lập, nằm cách bờ biển Bắc Cực gần 200km và cách thị trấn gần nhất hơn 400km. Tuy nhiên, việc thăm dò mỏ Popigaï có thể được kết hợp với việc khai thác các mỏ khoáng sản khác gần đó, điều này sẽ làm giảm chi phí".

Thật vậy, một lượng lớn công nhân khoảng 800 người đã được huy động để khai thác các khu mỏ ngày đêm với mức lương cao ở Nga, lên tới 2.000 euro mỗi tháng. Tuy nhiên họ làm việc luân phiên và được nghỉ 15 ngày do thời tiết quá lạnh và việc khai thác không hề dễ dàng. Họ phải làm việc trong điều kiện gió rít ở -25°C. Một công nhân cho biết: "Chúng tôi phải nghỉ từ 15 đến 20 phút mỗi giờ để làm ấm vì ở đây quá lạnh".

Số đá kimberlite được tìm thấy sâu trong lòng đất ở các khu mỏ sau đó sẽ được nghiền nhỏ và phân loại. Những viên kim cương sau đó được tinh chế theo một công thức bí mật và được phân loại kĩ càng. Những viên đá đẹp nhất sẽ được hoàn thiện ở Moscow.

Cập nhật: 05/11/2021 Theo Tổ Quốc

https://khoahoc.tv/lien-xo-giau-nhem-mo-kim-cuong-lon-nhat-the-gioi-tru-luong-du-dung-trong-3-000-nam-nua-116937?fbclid=IwAR0r0BLJej3aYot-VNdBfsEF5TF2EXWSat8LzJNaJZAUusEt8yv93NFKxaY

Geen opmerkingen:

Een reactie posten