vrijdag 26 november 2021

GS Vũ Quốc Thúc, Bắc Đẩu Tinh Luật Học Việt Nam, qua đời ở Paris, Pháp Quốc, hưởng Đại thọ 102 tuổi (1920-2021).

 

GS Vũ Quốc Thúc, Bắc Đẩu Tinh Luật Học Việt Nam, qua đời ở tuổi 102

24/11/2021

Giáo sư Vũ Quốc Thúc trả lời phỏng vấn RFI ngày 08/03/2012. (Hình: Thanh Phương - RFI)

Thiện Ý


Một người cháu gọi Gs Vũ Quốc Thúc là cậu ruột ở Houston, Bs Bùi Bảo có báo tin cho chúng tôi qua điện thoại, rằng Gs Vũ Quốc Thúc vừa qua đời vì tuổi gia sức yếu, vào sáng Chủ nhật 21-11-2021 tại một bệnh viện ở Thủ đô Paris, Pháp Quốc, hưởng Đại thọ 102 tuổi (1920-2021).

Giáo sư Thúc đậu Thạc sĩ kinh tế đại học Pháp quốc, nguyên Khoa Trưởng Đại học Luật Khoa Sài Gòn, là vị thầy khả kính và khả ái của những người thầy trường Luật và của nhiều thế hệ cựu sinh viên luật khoa Việt Nam Cộng Hòa sau ngày giành độc lập từ tay thực dân Pháp.

Tang lễ giáo sư Thúc sẽ được cử hành lúc 11 giờ thứ năm 25/11/2021 tại Giáo xứ Việt Nam, số 2 Villa des Épinettes - 75017 Paris (Métro: Porte de Saint-Ouen), Pháp quốc.

Giáo sư Vũ Quốc Thúc là tên tuổi lớn trong ngành luật học và chính trường quốc gia Việt Nam sau ngày Pháp trao trả độc lập hoàn toàn cho chính quyền chính thống quốc gia của vua Bảo Đại vào năm 1954. Nhưng Việt Nam có số phận không may đã rơi vào thế gọng kìm của cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu hình thành sau Thế Chiến II, giữa hai khối cộng sản đứng đầu là Liên Xô cũ (nay là Cộng Hòa Liên Bang Nga sau khi chuyển thể qua dân chủ) với khối tư bản đứng đầu là Hoa Kỳ. Hầu hết các nhà trí thức Việt Nam tốt nghiệp Tây học đều phục vụ trong chính quyền quốc gia của vua Bảo Đại, sau là Việt Nam Cộng Hòa kế thừa ở Nam Việt Nam; đối kháng với chính quyền cộng sản ở nửa nước Miền Bắc trên vĩ tuyến 17 theo sự phân định của Hiệp Định Genève 1954 ký kết giữa nhà cầm quyền thực dân Pháp với chính quyền Hồ Chí Minh của đảng CSVN. Gs Vũ Quốc Thúc là một trong phần đông các trí thức này. Sau đây là sơ lược tiểu sử của Gs Vũ Quốc Thúc, được nhiều người coi như ngôi sao Bắc Đẩu trong ngành luật học Việt Nam.

Theo Wikipedia, Giáo sư Vũ Quốc Thúc là kinh tế gia lỗi lạc Việt Nam và chính khách Việt Nam Cộng Hòa. Ông được xem là người góp phần quan trọng trong việc đào tạo môn kinh tế học tại trường Đại học Luật khoa Saigon và Trường Hành chính Quốc gia Việt Nam Cộng hòa, đồng tác giả của "Kế hoạch Lilienthal - Vũ Quốc Thúc" - Kế hoạch phát triển kinh tế miền Nam Việt Nam 10 năm hậu chiến của Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa. Ông cũng từng có thời giữ chức Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (1955-1956).

I - Thân thế và sự nghiệp

Giáo sư Vũ Quốc Thúc sinh ngày 5 tháng 8 năm 1920 tại Nam Định. Ông từng theo học Trường Cao đẳng Luật học (École Supérieure de Droit) tại Hà Nội và tốt nghiệp tại đây năm 1942.

Gs.Vũ Quốc Thúc có một thời kỳ tham gia trong chính quyền Quốc gia Việt Nam và sau đó là Việt Nam Cộng hòa, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các chánh phủ Quốc gia từ thập niên 50 đến 1975, như là Bộ trưởng Giáo dục thời Chính phủ Bửu Lộc (1953-1954), Thống Đốc Ngân hàng Quốc gia, Cố vấn cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, Khoa Trưởng Đại học Luật Khoa Sài Gòn, Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Tái Thiết Hậu Chiến thời Đệ Nhị Cộng hòa khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chấp chính đến cuối năm 1971, và là đồng tác giả của các phúc trình nổi tiếng như Phúc Trình Staley – Vũ Quốc Thúc (1961), Phúc Trình Lilienthal – Vũ Quốc Thúc (1968) về kế hoạch tái thiết kinh tế hậu chiến tại Miền Nam.

Nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của Thủ tướng Pháp Raymond Barre là người bạn cùng dự thi văn bằng Thạc sĩ khóa năm 1950 với ông, nên giáo sư Thúc đã được qua định cư tại Pháp năm 1978, ngụ tại Nanterre, và được bổ nhiệm làm giáo sư dạy môn kinh tế tại Đại học Paris kể từ năm 1978 cho đến ngày nghỉ hưu vào năm 1988.

II - Kế hoạch Lilienthal - Vũ Quốc Thúc

Từ năm 1965, chiến tranh cục bộ đã đặt ra yêu cầu nghiên cứu một kế hoạch cho thời kỳ mà cả phía Mỹ và Việt Nam cộng hòa đều nghĩ là chiến tranh sẽ kết thúc với sự chiến thắng của quân đội quốc gia Việt Nam Cộng Hòa. Gs Vũ Quốc Thúc là trưởng phái đoàn phía Việt Nam trong cuộc soạn thảo ra bản Kế hoạch Kinh tế hậu chiến. Vào thời đó, đây là công trình kinh tế học nổi tiếng nhất của ông, cả ở miền Nam lẫn ở Mỹ.

Thời kỳ sau Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam sụp đổ cho tới khi Mỹ trực tiếp tham chiến (1963-1965) là giai đoạn xáo trộn, gần như không có chính phủ, không có chủ trương đường lối rõ ràng. Các chính phủ thay đổi liên tiếp… Tướng M.Taylor làm Tổng chỉ huy quân đội kiêm Đại sứ Mỹ tại miền Nam, ông này rất lưu ý tới việc phát triển kinh tế của miền Nam, coi đó là điều kiện tối quan trọng đảm bảo cho chiến thắng về quân sự. Chính phủ Mỹ đã cử một chuyên gia kinh tế là David E. Lilienthal (bạn thân của tổng thống Mỹ lúc đó) sang phối hợp với chính phủ Việt Nam cộng hòa để khởi thảo Kế hoạch kinh tế hậu chiến mà Vũ Quốc Thúc là đồng tác giả. Đến khoảng năm 1969 thì công trình này ra đời. Nhưng nó chưa được thực thi thì tình hình đã mau chóng biến đổi hoàn toàn khác với những dữ liệu trong bản kế hoạch.

Theo GS Vũ Quốc Thúc, nội dung của Kế hoạch kinh tế hậu chiến là đẩy mạnh khai hoang và làm thủy lợi kết hợp với điện khí hóa ở đồng bằng sông Cửu Long. Mục đích cuối cùng của kế hoạch này không phải là kinh tế, mà là chính trị: theo Lilienthal, đụng đến vùng đồng bằng này là đụng đến Mặt Trận Giải Phóng công cụ của Cộng sản Bắc Việt. Vì những lợi ích kinh tế, có thể là cả nông dân và chính quyền vùng giải phóng sẽ sẵn sàng tham gia vào kế hoạch này. Sự dính líu đó có thể làm suy yếu mối quan hệ giữa Miền Bắc với công cụ Mặt trận Giải phóng ở miền Nam. Nhưng kế hoạch này chưa được thực thi thì đã bùng nổ cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân của CSBV. Mặt khác, vì kế hoạch này chỉ tính đến miền Nam, không tính đến Campuchia là thượng nguồn của sông Mê Kông, nên bị Campuchia phản đối. Nội công ngoại kích, kế hoạch Lilienthal-Vũ Quốc Thúc thất bại. Song kế hoạch này đã được Bộ Ngoại thương của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (CSBV) in làm sách tham khảo với tên gọi "Kế hoạch phát triển kinh tế miền Nam Việt Nam 10 năm sau chiến tranh của Mỹ-nguỵ", xuất bản tại Hà Nội năm 1971 (375 trang). Và sau này được Đặng Phong tham khảo trong việc đề ra chiến lược phát triển kinh tế cho Việt Nam thời “Mở cửa” làm ăn theo “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” (theo khẩu hiệu tuyên truyền là giả). Thực tế đã và đang “Kinh tế thị trướng, định hướng tư bản chủ nghĩa” là thật.

Thiện Ý
Tổng hợp tài liệu.


GS Vũ Quốc Thúc, Bắc Đẩu Tinh Luật Học Việt Nam, qua đời ở tuổi 102 (voatiengviet.com)


Giáo sư Vũ Quốc Thúc (1920-2021) - một trí thức dấn thân, một người yêu nước thiết tha

Giáo sư Vũ Quốc Thúc (1920-2021) - một trí thức dấn thân, một người yêu nước thiết thaGiáo sư Vũ Quốc Thúc
 Hình cáo phó của gia đình

Giáo sư Vũ Quốc Thúc sinh năm 1920, tại Nam Định, là một giáo sư, một chính khách góp phần quan trọng trong việc đào tạo những thế hệ luật sư, chính khách cho Việt Nam từ năm 1951 đến 1975.
Về giáo dục, Giáo sư Vũ Quốc Thúc nguyên là Phó Khoa trưởng, phụ trách môn Kinh tế tại Đại học Luật khoa Hà Nội (1953-1954), nguyên Khoa trưởng, phụ trách môn Kinh tế  tại Đại học Luật khoa Saigon (1954-1975). Giáo sư Thúc cũng giảng dạy tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (Saigon) và Viện Đại Học Đà Lạt*.
Sau biến cố 1975, ông sang Pháp (1978) cư ngụ tại thành phố Nanterre và tiếp tục dạy tại đại học Créteil (1978-1988) cho đến khi về hưu.

Về chính trị, giáo sư Vũ Quốc Thúc đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng dưới thời Việt nam Cộng Hoà như Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục và Thanh niên trong nội các Bửu Lộc (1953), Thống đốc Ngân hàng Quốc gia (1955-1956), Cố vấn Tổng Thống Ngô Đình Diệm (1955)
Ngoài ra, ông cũng là đồng tác giả Phúc trình Staley - Vũ Quốc Thúc, Lilienthal – Vũ Quốc Thúc (1968); Trưởng nhóm Nghiên cứu Kế hoạch Hậu chiến (1963); Quốc vụ khanh trong nội các Trần Văn Hương (1968); Quốc vụ khanh đặc trách Tái thiết và Phát triển trong nội các Trần Thiện Khiêm (1971)*
Tại hải ngoại, giáo sư Vũ Quốc Thúc viết hồi ký mang tên “Thời đại của tôi” được báo Người Việt xuất bản năm 2010 thuật lại cuộc đời của ông trải qua các giai đoạn biến động của đất nước.
Tang lễ giáo sư Vũ Quốc Thúc sẽ được cử hành vào ngày thứ năm 25/11 tại Giáo xứ Việt Nam, quận 17 Paris.
Để tưởng nhớ một người thầy khả kính của nhiều thế hệ sinh viên, một kẻ sĩ* đã trải qua bao thăng trầm của đất nước, đài Á Châu Tự Do (RFA) có cuộc phỏng vấn với một đồng môn và cũng là đồng nghiệp với giáo sư Vũ Quốc Thúc, đó là Luật sư Lê Trọng Quát, hiện cư ngụ tại ngoại ô Paris.
RFA : Thưa luật sư Lê Trọng Quát, xin ông có thể nói qua về sự nghiệp của Giáo sư Vũ Quốc Thúc trong ngành luật cũng như về giáo dục không ạ?
Luật sư Lê Trọng Quát: Trước hết người ta biết Giáo sư Thúc nhiều vì ông là một vị khoa trưởng trường luật ở tại Việt Nam trong rất nhiều năm. Ông ta có thể gọi là người đầu tiên được bằng thạc sĩ luật khoa để dạy đại học luật khoa đầu tiên của nước Việt Nam. Khi sang Pháp thì ông được dạy tại trường đại học luật khoa ở Créteil một thời gian trước khi về hưu.

RFA: Riêng về sự nghiệp chính trị của giáo sư Vũ Quốc Thúc chắc cũng là một con đường khá dài, xin luật sư có thể tóm tắt được không ạ?
Luật sư Lê Trọng Quát: Tôi có thể nói theo thứ tự thời gian :
Khi Ngân hàng - trước kia của Pháp- bàn giao lại cho Việt Nam để làm Ngân hàng Quốc gia Việt Nam thì ông Thúc là Thống đốc Ngân hàng Quốc gia đầu tiên của Việt Nam.
Sau khi làm Thống đốc Ngân hàng quốc gia một thời gian thì ông trở về trường luật làm khoa trưởng, rồi được mời làm Quốc Vụ Khanh đặc trách về kinh tế trong chính phủ Việt Nam Cộng Hoà.
Ông lại còn làm Trưởng Nhóm Nghiên cứu về Kế hoạch Phát triển Kinh tế. Giáo sư Thúc cũng đặc trách Nhóm Nghiên cứu về đồng bằng sông Cửu Long, và cuối cùng, Giáo sư Thúc cũng làm Quốc Vụ Khanh lần thứ hai trong chính phủ Trần Thiện Khiêm, cũng đặc trách về kinh tế.
Tóm lại, trong thời kỳ Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà thì ông Thúc đã tham gia chính sự rất nhiều.

vuquocthuc12344.jpeg
Hình minh hoạ: (Từ trái qua) Tổng thống Ngô Đình Diệm, Giáo sư Kinh tế Vũ Quốc Thúc và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu


RFA: Được biết luật sư sang Pháp đúng vào ngày 29/4/1975, nhưng Giáo sư Vũ Quốc Thúc thì còn kẹt ở lại Việt Nam, tuy không bị đi tù cải tạo nhưng mãi đến năm 1978, Giáo sư Thúc mới được đến Pháp, đây cũng là một câu chuyện khá đặc biệt, xin luật sư có thể cho biết thêm.
Luật sư Lê Trọng Quát: Đó cũng là một câu chuyện rất là hi hữu. Sau 1975, Giáo sư Thúc cũng như nhiều người khác bị kẹt ở lại Sài Gòn, nhưng sau nhờ một sự tình cờ, bạn học của Giáo sư Thúc là một người Pháp –ông Raymond Barre- lúc đó là Thủ tướng của chính phủ Pháp. Ông Barre là Thủ tướng mà cũng là bạn học của giáo sư Thúc. Giáo sư Thúc nhờ ông Barre can thiệp với Thủ tướng Phạm văn Đồng. Nhờ sự can thiệp đó mà vài năm sau, Giáo sư Thúc được sang Pháp.

RFA : Vừa là đồng môn, vừa là đồng nghiệp, sau này khi sang Pháp thì luật sư và Giáo sư Vũ Quốc Thúc cũng vẫn liên lạc với nhau chứ ạ ?
Luật sư Lê Trọng Quát: Trong thời gian hai năm gần đây thì giáo sư Thúc rất yếu. Chúng tôi có đến thăm nhà ba lần thì chỉ thấy ông nằm vậy thôi, nhưng đầu óc còn minh mẫn lắm, còn ngâm thơ, còn nói chuyện. Còn cách đây gần hơn nữa thì chúng tôi không thể đến được vì confinement (phong toả) thứ hai là ông đã yếu lắm, cho đến sáng hôm qua thì tôi được tin giáo sư Thúc từ trần.

RFA : Giáo sư Vũ Quốc Thúc cũng được biết đến qua phúc trình Staley-Vũ Quốc Thúc năm (1961) và phúc trình Liliantal-Vũ Quốc Thúc (1968) về tái thiết kinh tế Việt Nam thời hậu chiến, xin luật sư cho ý kiến về hai bản phúc trình này và tính khả thi của nó?

Luật sư Lê Trọng Quát: Chúng ta nên nhớ rằng Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam rất nhiều, từ khi ông Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng, Hoa Kỳ đã giúp đỡ rất nhiều để Việt Nam đứng vững được về phương diện kinh tế. Sự giúp đỡ, muốn được lâu dài hiệu quả hơn để đi đến sự tự túc, bớt sự viện trợ của Hoa Kỳ thì Hoa Kỳ mới bàn với chính phủ Việt Nam để làm một chương trình phát triển kinh tế đặc biệt cho Việt Nam, thì giao cho ông Vũ Quốc Thúc và ông Staley, kinh tế gia của Hoa Kỳ để lo cho việc đó.
Giáo sư Thúc cũng để nhiệt tâm làm việc đó với ông Staley, lúc đó có lẽ chưa có kết quả cụ thể vì lúc đó chúng ta nên nhớ là Việt Nam vừa phải tập trung mọi phương tiện để chống Cộng, vừa phải điều hành việc nước của chính phủ lúc đó. Cho nên chương trình phát triển kinh tế chỉ trong vòng nghiên cứu chứ chưa đến giai đoan thực hiện được.

RFA : Theo luật sư thì tại sao nó không thực hiện được?
Luật sư Lê Trọng Quát: Tôi thấy việc đó hơi sớm, bởi vì cái nghiên cứu một chương trình phát triển toàn bộ của Việt Nam từ một nền kinh tế hậu chiến (của một nước chậm tiến) trở nên một nền kinh tế phú cường thì gay go lắm, khó lắm ! Thì chỉ trong vòng nghiên cứu chứ chưa đi vào phương diện thực hành.

RFA: Sau khi ra hải ngoại thì Giáo sư Vũ Quốc Thúc còn quan tâm đến những công cuộc liên quan đến việc vận động dân chủ cho Việt Nam không?

Luật sư Lê Trọng Quát: Có thể nói qua về lập trường chính trị của Giáo sư Thúc, thì ông là một người yêu nước, thiết tha yêu nước. Sau khi ra hải ngoại mấy chục năm, tôi gặp ổng nhiều lần, cũng có làm việc chung thì thấy ông lúc nào cũng dấn thân, muốn tham gia chính trị để vãn hồi sự độc lập, tự do, dân chủ cho quê hương. Ông là một người rất ôn hoà.
RFA : Như luật sư đã nhận xét, Giáo sư Vũ Quốc Thúc là một người ôn hoà, có lẽ vì thế mà ông mong muốn Việt Nam trong tương lai sẽ đi theo thể chế trung lập như Thuỵ Sĩ để có hoà bình, không bị xâu xé bởi các đại cường, thế nhưng giữa Giáo sư Vũ Quốc Thúc và luật sư đã có bất đồng trong quan điểm này phải không?

Luật sư Lê Trọng Quát: Ông Thúc mong muốn, ước mơ một Việt Nam độc lập và trung lập, trung lập !...
Đối với mọi người Việt Nam yêu nước thì cái đó lý tưởng lắm, nếu được độc lập như Thuỵ Sĩ hay Áo quốc gì đó….Tôi thì nghĩ là chuyện đó chưa có thể đến với Việt Nam được trong thời gian còn lâu dài, bởi vì về phương diện địa chính trị thì mình phải đứng bên cạnh một anh Trung Hoa hết sức là mạnh mà bây giờ còn là mưu đồ xâm lăng Việt Nam. Mình không thể có cái thế độc lập, trung lập được !
Nếu mà mình trung lập, độc lập thì là mình tự trói tay mình. Do đó tôi có nhiều lần bàn cãi với giáo sư Thúc về chuyện đó.

RFAXin luật sư câu hỏi cuối, dù có những bất đồng về một vài quan điểm, thế nhưng, sau  bao nhiêu năm cùng làm việc, xin luật sư cho một nhận xét về Giáo sư Vũ Quốc Thúc dưới nhãn quan của ông ạ.
Luật sư Lê Trọng Quát: Đó là một nhà trí thức dấn thân, chứ không phải trí thức tháp ngà, thứ hai. Giáo sư Thúc là một người yêu nước chân thành, thiết tha, luôn luôn lo toan việc nước dù gặp những sự thay đổi của thời cuộc và vẫn luôn luôn mơ tưởng một ngày được về quê hương tự do. Điều thứ ba, Giáo sư Thúc là một nhà mô phạm, một bậc thầy của hàng vạn sinh viên trường luật. Về phương diện giáo dục. Giáo sư Thúc đã đào tạo không biết bao nhiêu là môn đệ. Ông đã làm cái thiên chức đó một cách tuyệt vời.
Đài Á Châu Tự Do xin cám ơn luật sư Lê Trọng Quát.

*(Từ áo thụng luật khoa đến áo gấm điền viên, Giáo sư Vũ Quốc Thúc vừa thiên thu vĩnh biệt- Lê Đình Thông)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten