Thượng đỉnh Trump-Kim không đạt thỏa thuận, do BTT đòi "bỏ toàn bộ cấm vận"
Kim Jong Un (T) và Donald Trump trong khu vườn của khách sạn Metropole, Hà Nội, ngày 28/02/2019.
REUTERS/Leah Millis
Cuộc họp thượng đỉnh thứ hai giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội đã kết thúc sớm hơn dự kiến vào hôm nay, 28/02/2019, mà không đạt được một thỏa thuận nào. Hai bên đã không đưa ra một tuyên bố chung như dự kiến. Tổng thống Trump giải thích ông đã quyết định rời bàn thương lượng, do lãnh đạo Bình Nhưỡng nhất quyết đòi bãi bỏ toàn bộ các trừng phạt, điều mà Washington hiện chưa thể đáp ứng.
Từ Hà Nội, đặc phái viên Thanh Hà gởi về bài tường trình :
Có thể nói thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 gay cấn từ đầu đến cuối, với quá nhiều những bất ngờ vào giờ chót. Mọi việc diễn ra hoàn toàn khác với điều mong đợi. Vào khoảng một giờ trưa nay, trong lúc báo giới bắt đầu chuẩn bị đợi theo dõi lễ ký kết bản tuyên bố Hà Nội, thì phát ngôn viên báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết hai phái đoàn Mỹ và Bắc Triều Tiên đã hủy bữa ăn trưa. Chỉ ít phút sau, xe của đoàn Bắc Triều Tiên rời khỏi khách sạn Metropole, nơi diễn ra thượng đỉnh. Còn đoàn hộ tống tổng thống Donald Trump cũng đã vội vã quay lại khách sạn Marriott, cách Metropole khoảng 10 cây số. Ngay lập tức chúng tôi hay tin là tổng thống Mỹ sẽ họp báo lúc 2 giờ chiều, tức sớm hơn dự kiến.
Đây là một bất ngờ lớn, khiến mọi người tại trung tâm báo chí quốc tế bị hụt hẫng, vì ai cũng kỳ vọng Washington và Bình Nhưỡng sẽ đạt được một số thỏa thuận, dù là tối thiểu và đôi bên sẽ đặt bút ký vào một bản « Tuyên bố Hà Nội », cho dù không ai dám đoán một cách cụ thể văn bản đó gồm những gì. Bất ngờ hơn nữa, là sáng nay, khi đôi bên gặp lại nhau để bắt đầu một ngày làm việc thứ nhì, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã tuyên bố ông « không bi quan về tiến triển của hội nghị » và « nếu có ý định tiếp tục phát triển hạt nhân thì ông đã không đến Hà Nội làm gì ».
Giải thích của tổng thống Trump
Cùng với ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, tổng thống Mỹ đã họp báo trong hơn 45 phút và điều hơi lạ là nguyên thủ Hoa Kỳ đã mở đầu buổi nói chuyện với các phóng viên bằng cách đề cập ngắn gọn đến căng thẳng Ấn Độ-Pakistan, đến viện trợ nhân đạo cho Venezuela, trước khi giải thích về nguyên nhân khiến hai phái đoàn Mỹ và Bắc Triều Tiên bỏ dở thượng đỉnh.
Trước hết, nguyên thủ Hoa Kỳ đánh giá cuộc gặp lại lãnh đạo Bắc Triều Tiên lần này là « tích cực », nhưng để đạt được một thỏa thuận thì « đấy lại là chuyện khác ». Theo giải thích của nguyên thủ Hoa Kỳ, khúc mắc tại Hà Nội lần này nằm ở chỗ Bình Nhưỡng đòi xóa bỏ toàn bộ cấm vận, nhưng lại « nhượng bộ thấp hơn so với điều Mỹ mong đợi ». Dù vậy theo lời ông Donald Trump, lãnh đạo Bắc Triều Tiên cam kết ngưng thử tên lửa và hạt nhân. Cuối cùng tổng thống Mỹ vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại, bởi ông tin tưởng Kim Jong Un là một người « thẳng thắn » với « những quan điểm khác với Hoa Kỳ » và nguyên thủ Mỹ đã trông thấy những tiềm năng to lớn đang chờ đợi Bắc Triều Tiên.
Về phần ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo giải thích đôi bên đã ra về sớm hơn dự kiến, bởi lãnh đạo Bắc Triều Tiên chưa « sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi của Hoa Kỳ và đàm phán cần có thêm thời gian ». Dù vậy lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ vẫn « lạc quan » về tiến trình giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Ngay sau khi kết thúc buổi họp báo trưa nay, tổng thống Mỹ đã lên máy bay về lại Washington.
Lần đầu Kim Jong Un trả lời phóng viên quốc tế
Tại Hà Nội, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un hôm qua 27/02/2019 đã trả lời các nhà báo nước ngoài. Theo AFP, đây là lần đầu tiên kể từ khi nắm quyền lãnh đạo Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong Un không từ chối trả lời, khi phóng viên nước ngoài đặt câu hỏi.
Khi phóng viên của báo Mỹ Washington Post hỏi liệu ông có nghĩ là sẽ đạt được một thỏa thuận với tổng thống Mỹ Donald Trump hay không, nhà lãnh đạo Kim Jong Un trả lời : « Còn quá sớm để nói điều đó … Nhưng tôi không nói rằng tôi cảm thấy bi quan ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190228-thuong-dinh-trump-kim-khong-dat-thoa-thuan-do-bac-trieu-tien-van-doi-bo-cam-van
Giải mã vì sao thượng đỉnh Mỹ-Triều ‘không ký được gì’ ở Hà Nội
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28/2 đã rời Hà Nội, kết thúc cuộc họp hai ngày với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un mà không đạt thỏa thuận nào.
Michael Cohen khai Trump chỉ đạo ông nói dốiĐiều Trump muốn từ cuộc gặp với Kim
Theo tiết lộ của ông Trump tại cuộc họp báo, Bắc Hàn muốn lệnh trừng phạt được xóa hoàn toàn, nhưng "chúng tôi không thể làm vậy".
"Đôi khi bạn phải từ chối và lần này là vậy," ông Trump nói thêm.
Ông Trump cho hay: "Họ muốn dỡ bỏ trừng phạt, nhưng không chịu làm đúng lĩnh vực chúng tôi muốn."
"Họ sẵn sàng cho chúng tôi một số nơi nhưng lại không phải nơi chúng tôi muốn."
Ông Trump nói việc dỡ bỏ khu hạt nhân Yongbyon đã được đề cập ở Hà Nội nhưng "không đủ".
"Phải nhiều hơn. Nhưng ông ấy muốn mọi trừng phạt phải xóa đi đầu tiên."
Tổng thống Mỹ còn cho hay Mỹ đã nêu ra các địa chỉ vũ khí bí mật của Bắc Hàn, gồm cả "kế hoạch làm giàu uranium" mà chưa từng được báo chí đăng tải.
"Họ ngạc nhiên là chúng tôi biết hết," ông Trump bảo.
Có mặt cùng tổng thống ở buổi họp báo, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói việc không đạt thỏa thuận ở Hà Nội chưa có nghĩa là việc giải giáp hạt nhân đã bế tắc.
"Tôi vẫn lạc quan," ông Pompeo nói.
Ông Pompeo bày tỏ hy vọng hai phía sẽ mở lại đàm phán cấp chuyên viên "trong những ngày, tuần sắp tới".
Trước đó, hai nhà lãnh đạo được mong đợi đưa ra tuyên bố về tiến trình phi hạt nhân hóa.
Chia sẻ tại buổi họp báo sau hội nghị tại Hà Nội, ông Trump cho biết chưa có kế hoạch nào cho buổi hội nghị lần ba.
Theo kế hoạch ban đầu, Nhà Trắng đã lên kế hoạch trong ngày cho "Lễ Ký kết thỏa thuận chung" cũng như một buổi ăn trưa làm việc cho hai nhà lãnh đạo, nhưng kế hoạch này đã không được thực hiện do cả hai cùng hủy bỏ đột ngột.
Nam Hàn cho biết kết quả của cuộc đàm phán là "đáng tiếc", nhưng họ tin tưởng rằng Mỹ và Bắc Hàn đã "đạt được những tiến bộ có ý nghĩa hơn thời gian trước".
Chuyện gì xảy ra vào ngày 28/2?
Ngày đầu tiên, 27/2, chứng kiến lãnh đạo Mỹ và Bắc Hàn gặp nhau ngắn 20 phút ở khách sạn Metropole, rồi ăn tối cùng trợ lý.Ngày thứ hai, 28/2, mở đầu trong khi dư luận tưởng rằng sắp có thỏa thuận nào đó công bố.
Theo kế hoạch, ngày 28/2 sẽ gồm cuộc gặp trực tiếp, ăn trưa, và lễ ký kết.
Ông Trump và Kim đi bộ dọc hồ bơi khách sạn. Thậm chí ông Kim còn phát biểu với báo chí quốc tế rằng ông không tới Việt Nam làm gì nếu đã không có thiện chí.
Ông Kim nói ông hoan nghênh ý tưởng mở văn phòng liên lạc của Mỹ ở Bình Nhưỡng, và ông Trump cũng tán thưởng.
Nhưng sau đó, khi phóng viên được báo hiệu chuẩn bị cho họp báo, thì tình hình thay đổi.
Tin đồn loan ra rằng họp báo sẽ diễn ra sớm hai tiếng.
Sau đó Nhà Trắng xác nhận tin đồn, rồi lại cho hay rằng hai lãnh đạo không có thỏa thuận gì nhưng sẽ gặp lại nhau dịp nào đó.
Ăn trưa và lễ ký bị hủy bỏ.
Rồi ông Trump tổ chức họp báo với ngoại trưởng Mỹ, trước khi ra máy bay ở sân bay Nội Bài về nước.
Đâu là mấu chốt của vấn đề?
Theo Tổng thống Trump, ông Kim đề nghị sẽ tháo dỡ toàn bộ khu liên hợp Yongbyon - cơ sở nghiên cứu và sản xuất trọng yếu trong chương trình hạt nhân của Bắc Hàn.Nhưng đổi lại, ông Kim muốn Mỹ dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt - điều mà Mỹ đã không chuẩn bị để thương thảo.
Một câu hỏi về mạng lưới các cơ sở hạt nhân khác ngoài Yongbyon cũng đã được đặt ra.
Tháng trước, Stephen Biegun, Đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Bắc Hàn nói, tại các buổi đàm phán trước hội nghị, Bắc Hàn nói sẽ phụ thuộc vào các biện pháp của Mỹ để cân nhắc phá hủy tất cả cơ sở phát triển các chất phóng xạ hạt nhân (plutonium và uranium).
Yongbyon ở Bắc Hàn được biết đến là nguồn sản xuất plutonium duy nhất, nhưng quốc gia này được cho là còn có ít nhất hai cơ sở sản xuất uranium khác.
Các biện pháp của Mỹ nay được hiểu là việc dỡ bỏ tất các lệnh trừng phạt, điều mà Tổng thống Trump sẽ không đồng ý.
Tại buổi họp báo, Tổng thống Trump cho biết ông Kim chỉ đề nghị hủy bỏ Yongbyon chứ không phải toàn bộ hệ thống hạt nhân ở Bắc Hàn.
Tổng thống Trump nói khi ông nhắc đến một cơ sở hạt nhân khác ngoài Yongbyon, phái đoàn Bắc Hàn đã tỏ ra "ngạc nhiên" bởi những gì ông Trump biết.
Đây là bước lùi của Trump?
Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên của hai nhà lãnh đạo diễn ra tại Singapore hồi tháng 6/2018 bị chỉ trích vì không đạt được nhiều thỏa thuận.Ông Trump được mong đợi sẽ đạt được thỏa thuận về phi hạt nhân hóa tại hội nghị lần hai tại Hà Nội.
Thất bại lần này sẽ được xem như là một bước lùi đối với một nhà giao dịch tự phong như ông Trump, người đã nói về mối quan hệ lịch sử của mình với ông Kim như một thành tựu chính sách quan trọng.
Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh ông Trump đang phải đối mặt với sự giám sát gia tăng ở Mỹ về các giao dịch kinh doanh và cáo buộc có quan hệ với Nga, sau khi ông Michael Cohen - luật sư cũ của Trump ra làm chứng trước quốc hội hôm thứ Tư.
Phi hạt nhân hóa nghĩa là gì?
Cả Mỹ và Bắc Hàn chưa đưa ra quan điểm rõ ràng về phi hạt nhân hóa. Trước đó Washington nói rằng, Bắc Hàn phải đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân và hủy bỏ tất cả các cơ sở hạt nhân trước khi việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt được cân nhắc.Trong khi đó, quan điểm phi hạt nhân hóa của ông Kim được cho là một thỏa thuận chung mà theo đó Mỹ phải rút lực lượng quân sự khỏi bán đảo Nam Hàn.
Khi được hỏi tại cuộc họp báo hôm thứ Năm, ý nghĩa của việc phi hạt nhân hóa là gì, ông Trump nói:
"Đối với tôi điều đó khá rõ ràng, chúng ta phải loại bỏ hạt nhân".
Ông Trump cho biết phái đoàn Mỹ "có một vài lựa chọn và lần này chúng tôi quyết định không thực hiện bất kỳ lựa chọn nào". Ông nói thêm rằng ông cảm thấy "lạc quan" và cho biết các cuộc đàm phán đã giúp hai quốc gia "đạt được vị trí để có một kết quả thực sự tốt" trong tương lai.
Mối quan hệ Mỹ - Bắc Hàn sau hội nghị sẽ ra sao?
Hai nhà lãnh đạo tỏ vẻ hòa hợp tại hội nghị tại Hà Nội, giống như điều họ đã làm tại hội nghị trước đó ở Singgapore. Cả hai đi bộ bên hồ bơi cho các phóng viên chụp ảnh dù không nói gì nhiều.Sau cuộc hội đàm tại Hà Nội, ông Trump nói ông Kim là "một người đàn ông ít nói" và mô tả mối quan hệ của cả hai là "rất mạnh mẽ".
Mặc dù không đạt được thỏa thuận gì, hội nghị thượng đỉnh lần hai đã vẫn được xem như là bước tiến quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ của hai quốc gia.
Cuối năm 2017, họ đã đe dọa lẫn nhau khi ông Trump gọi ông Kim là "người đàn ông tên lửa nhỏ", còn ông Kim gọi ông Trump là "ông già loạn trí".
Trước hội nghị, đã có một cuộc đàm phán về khả năng tuyên bố kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Và giờ đây, với việc hội nghị Trump-Kim kết thúc đột ngột, mục đích của cuộc đàm phán nói trên chắc sẽ còn lâu mới đạt được.
Hàn Quốc thiệt hại nhất?
Cơ quan nghiên cứu IHS Markit nói Hàn Quốc là bên thiệt hại nhất sau khi hội nghị Hà Nội không đạt thỏa thuận.Theo IHS Markit, tỉ lệ ưa chuộng của dư luận với tổng thống Moon Jae-in đã giảm thường xuyên. Tỉ lệ này chỉ tăng ngắn ngủi khi xảy ra hội nghị liên Triều tháng Chín 2018.
Vì vậy, khi không có tiến bộ về Bắc Hàn, IHS Markit nói ông Moon chỉ còn dựa vào chính sách đối nội để thu hút cử tri. Nhưng cử tri Hàn Quốc thì đã phê phán chính phủ vì không cải thiện được các số đo kinh tế ví dụ như thất nghiệp.
IHS Markit cũng nói nay tăng thêm rủi ro ngoại giao Mỹ - Triều đổ vỡ.
Theo tổ chức này, Kim Jong-un sẽ khó giữ mặt mũi với trong nước khi không đạt kết quả cụ thể.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc bình luận:
"Dự kiến ông Trump sẽ đối diện chỉ trích nặng nề hơn về ngoại giao của ông với Bình Nhưỡng từ giới chỉ trích ở Washington DC.
Nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế liên Triều của Hàn Quốc có lẽ sẽ gặp thất vọng nặng nề.
Còn ông Kim sẽ phải nghĩ lại chiến lược của mình, vì tiếng nói của giới chức quân đội cứng rắn trong nước có thể tăng thêm một chút."
Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa phát biểu nói nước này mong Hoa Kỳ và Bắc Hàn "tiếp tục đối thoại và tôn trọng những quan ngại của nhau".
Cho đến giờ này, Bắc Hàn chưa ra tuyên bố gì.
Ông Kim Jong-un không mở họp báo giống Donald Trump, và dư luận đang chờ xem liệu Bình Nhưỡng có phát ngôn gì hôm nay hay không.
Trong một tin liên quan, truyền thông Hàn Quốc nói tàu hỏa màu xanh của ông Kim Jong-un hiện đang đậu tại Nam Ninh, Trung Quốc.
Có đồn đoán có thể ông Kim sẽ phải đi máy bay tới Trung Quốc, rồi mới dùng tàu hỏa quay về Bình Nhưỡng. Trong kịch bản này, có thể tàu hỏa Bắc Hàn sẽ chờ ở Bắc Kinh hay Quảng Châu.
Nhà lãnh đạo Bắc Hàn còn ở lại Việt Nam, và sẽ mở đầu chuyến thăm chính thức hai ngày từ thứ Sáu 1/3.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten