Mỹ tái khẳng định duy trì cấm vận Bình Nhưỡng cho đến khi phi hạt nhân hóa
Lễ kỷ niệm 71 năm ngày thành lập quân đội Bắc Triều Tiên, tại Bình Nhưỡng. Ảnh do KCNA công bố ngày 08/02/2019
KCNA via REUTERS
Hơn một chục ngày trước thượng đỉnh Mỹ- Bắc Triều Tiên lần thứ nhì, câu hỏi vẫn là Washington có giảm nhẹ hay xóa bỏ lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên hay không. Ngày 14/02/2019, đại sứ Hoa Kỳ tại Seoul Harry Harris tuyến bố : lệnh cấm vận tiếp tục có hiệu lực cho tới khi nào Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa.
Phát biểu trên đây được đưa ra nhân dịp ông Harris tham dự một diễn về an ninh tại thủ đô Hàn Quốc vào lúc nguyên thủ Mỹ và Bắc Triều Tiên chuẩn bị gặp lại nhau tại Việt Nam trong hai ngày 27 và 28/02/2019.
Đại sứ Mỹ nhắc lại, cùng với đồng minh là Hàn Quốc, mục tiêu chung của Washington và Seoul vẫn là "phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bắc Triều Tiên và có thể kiểm chứng được". Mỹ và Hàn Quốc cũng đồng ý là "các biện pháp trừng phạt phải được duy trì" cho đến khi nào Bình Nhưỡng không còn vũ khí hạt nhân. Cũng tại diễn đàn về an ninh tổ chức tại Seoul hôm nay, đại sứ Mỹ không quên nhấn mạnh đến vai trò của Trung Quốc trên hồ sơ Bắc Triều Tiên. Ông nói "nếu không có sự đồng tình của Trung Quốc liên quan đến vế trừng phạt, chúng ta không thể đạt được những tiến bộ đã có được ngày hôm nay".
Việt Nam - Bắc Triều Tiên : Thêm một dấu hiệu báo trước Kim Jong Un công du Việt Nam ?
Ngày 14/02/2019, ngoại trưởng Việt Nam kết thúc chuyến công tác Bình Nhưỡng trong ba ngày để chuẩn bị cho thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong Un tại Việt Nam. Trên đường về nước, ông Phạm Bình Minh và phái đoàn đã quá cảnh tại Bắc Kinh.
Phóng viên của hãng tin Hàn Quốc Yonhap trông thấy ngoại trưởng Việt Nam cùng với phát ngôn viên bộ Ngoại Giao bà Lê Thị Thu Hằng và cục trưởng Cục Lễ Tân Mai Phước Dũng tại sân bay quốc tế Bắc Kinh.
Chuyến công tác của ngoại trưởng Việt Nam nhằm chuẩn bị cho thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên tại Hà Nội và cũng có thể lãnh đạo Bắc Triều Tiên nhân dịp này chính thức viếng thăm Việt Nam.
Tuy nhiên, vào lúc Việt Nam và Bắc Triều Tiên chưa xác định về tin ông Kim Jong Un công du Việt Nam thì Yonhap tiết lộ một chi tiết : cuối tuần qua đại sứ Bắc Triều Tiên bên cạnh Liên Hiệp Quốc ông Kim Song cho biết kinh tế thị trường không còn là một "vấn đề" đối với Bắc Triều Tiên. Yonhap nhắc lại trong thập niên 1980 Bình Nhưỡng từng coi việc Hà Nội tiến hành chính sách cải tổ kinh tế như một sự "phản bội", Việt Nam đã quay lưng lại với đối với mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Theo trang mạng của Mỹ Minjok Tongshin, hôm 10/02/2019 khi tiếp một phái đoàn đại diện cho một tổ chức Hàn Quốc tại Hoa Kỳ ủng hộ tiến trình thống nhất hai miền Triều Tiên, đại sứ Kim Song được hỏi Bình Nhưỡng có còn "hiềm khích" với Việt Nam vì chính sách Đổi Mới hay không, nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên này trả lời : "Đó là quá khứ, bây giờ là hiện tại".
Phát biểu ngắn gọn được trang mạng Minjok Tongshin được cho là một dấu hiệu mới báo trước Kim Jong Un sẽ chính thức viếng thăm Việt Nam, đánh dấu gần 70 năm bang giao hai nước.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190214-my-duy-tri-cam-van-binh-nhuong
Geen opmerkingen:
Een reactie posten