vrijdag 15 februari 2013

Một người sưu tầm được 250 cây kiếm thời Tây Sơn

Một người sưu tầm được 250 cây kiếm thời Tây Sơn Thursday, February 14, 2013 6:27:16 PM
 QUẢNG NGÃI (NV) - Ông Lâm Dũ Xênh, ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, là người sưu tầm được một lô kiếm thời Tây Sơn, gồm 250 cây, cách nay không lâu.
Dù bị chôn vùi dưới đất hơn 200 năm, lô kiếm 250 thanh được ông Xênh sưu tập vẫn còn dễ nhìn, phần chuôi bằng đồng còn khá chắc. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)


Báo Tuổi Trẻ Xuân Quý Tỵ cho hay, “Trân trọng vật quý từ một triều đại chống ngoại xâm hiển hách trong lịch sử dân tộc, ông Xênh bó kiếm thành nhiều bó bằng vải đỏ, đặt lư hương, giá đèn ngay trên bàn kiếm để hương khói mỗi tháng đôi ba lần...”

Ðiều đặc biệt, theo báo Tuổi Trẻ, ông Lâm Dũ Xênh đã hiến tặng những cây kiếm Tây Sơn này cho nhiều bảo tàng ở Việt Nam.

“Mở đầu cho việc hiến tặng kiếm Tây Sơn, cuối tháng 11, 2011, ông Xênh đã tặng Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Ðịnh) 21 thanh kiếm.”

“Sau đó, ông Xênh lần lượt tặng kiếm Tây Sơn cho bảo tàng quân đội, bảo tàng các tỉnh Lâm Ðồng, Bình Ðịnh, Vĩnh Long, Thừa Thiên-Huế. Ðể một số bảo tàng ở ba miền đất nước đều có kiếm Tây Sơn trưng bày cho nhiều người ngắm xem, nghiên cứu.”

Theo lời báo Tuổi Trẻ, “Chỉ trừ Bảo tàng Quang Trung - mảnh đất nhau rốn, nơi phát tích của nhà Tây Sơn - được ông tặng 21 thanh kiếm, những bảo tàng khác đều được ông tặng 9 thanh kiếm bởi theo ông, ‘số 21 là con số giềng mối, còn số 9 là con số tốt.’”

Tin cho hay, địa điểm tìm thấy lô kiếm là An Khê, tỉnh Gia Lai, vùng cư dân Ba Na chủ yếu lúc bấy giờ, được gọi là vùng Tây Sơn thượng đạo, cũng là yếu tố cho thấy đây là kiếm Tây Sơn.

Ông Xênh mua được số kiếm này cách nay gần 5 năm từ một người rà tìm phế liệu đào được ở vùng An Khê.

Theo mô tả của báo Tuổi Trẻ, “250 thanh kiếm với 98% là kiếm ngắn, dài từ 30-50cm tính cả chuôi (cán), còn lại chỉ dăm bảy thanh kiếm dài có thể gọi là giáo, mác.”

“Hơn 200 năm nằm dưới đất, lưỡi kiếm sắt dù bị han gỉ vẫn chưa bị hư hại nhiều, chưa bị biến dạng, phần chuôi bằng đồng bị ten xanh nhưng cả đến lỗ nhỏ để buộc dây ở cuối chuôi vẫn còn nguyên, phần đầu chuôi đều được tạo hình hoa mai tám cánh.”

Với dự tính sẽ lập bảo tàng tư nhân, ông Xênh nói ông cũng chỉ giữ lại cho bảo tàng tương lai của mình 9 thanh kiếm - bằng số kiếm mà ông đã hiến tặng các bảo tàng.

Những thanh kiếm trong bộ sưu tập của ông Xênh. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)


Vẫn theo báo Tuổi Trẻ, “Kiếm là loại binh khí chủ yếu của quân Tây Sơn, trong đó kiếm ngắn - đoản kiếm - chiếm đa số, tiện dụng cho quân binh đánh cận chiến. Kiếm Tây Sơn phần lớn có lưỡi thẳng, không có bao đậy, có chuôi (cán) bằng đồng, đầu chuôi có hình hoa mai, cuối chuôi có lỗ để buộc dây. Ðây là loại khí giới thông dụng, dễ chế tác, gần gũi với tầng lớp nông dân tham gia nghĩa binh, trở nên là loại binh khí lợi hại, góp phần làm nên những chiến công lớn của quân Tây Sơn.” (KN)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=161870&zoneid=2

Geen opmerkingen:

Een reactie posten