Khán giả 'dậy sóng' vì tải nhạc trực tuyến bị thu phí
Ngạc nhiên, buồn vì không còn được 'xài chùa'; vui vì thị
trường nhạc trong nước dần chuyên nghiệp hay cuống quýt tải nhạc trước 1/11...
là phản ứng trái chiều của nhiều người khi 5 website ở VN dự kiến thu phí
download.
> Thu phí tải nhạc trực tuyến ở Việt Nam từ 1/11
> Thu phí tải nhạc trực tuyến ở Việt Nam từ 1/11
Sau khi đăng tải thông tin MV Corp và 5 website âm nhạc lớn ký
thỏa thuận hợp tác, dự kiến đồng loạt thu phí tải nhạc trực tuyến vào ngày 1/11, mức giá
1.000 đồng cho mỗi lần tải, VnExpress.net nhận hàng trăm ý kiến của bạn
đọc với nhiều tranh luận trái chiều. Trên các mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều
nhận xét, bình luận, góp ý về động thái mới của các website âm nhạc.
Trong vòng 24 tiếng đồng hồ, hơn 12.000 lượt độc giả tham gia
khảo sát của VnExpress.net. Trong đó, 79,7% số phiếu cho rằng mức giá
1.000 đồng cho một lần tải nhạc trên mạng là quá cao, 15,9% nhận định mức phí
này phù hợp. Chỉ có 4,3 % nhận xét nó quá rẻ (kết quả tính từ 16h34 phút ngày
15/8 đến 16h30 ngày 16/8).
|
Không ít người bày tỏ ý kiến vui mừng như: "Đây là thước đo cho
sự thành công của sản phẩm mà ca sĩ làm ra. Phải hay thì người ta mới bỏ tiền ra
down về. Như thế sẽ thanh lọc được mấy ca sĩ vớ vẩn hát linh tinh" (blogger
Nguyễn Sơn Tùng), "Tuyệt vời, hãy chứng tỏ người Việt Nam văn minh và biết làm
ra tiền" (blogger Nguyễn Trung Kiên).
Độc giả Hoàng Anh Quốc, nhà ở quận Thủ Đức, chia sẻ quan điểm về
vấn đề này: "Khi biết tin tôi cảm thấy rất bình thường, vì tôi nghĩ đây là chuyện cần thiết và cũng đã đến lúc Việt Nam phải
làm giống như các nước khác trên thế giới. Tôi không 'sốc', cũng
không lo lắng bởi tôi coi đây như là chuyện đương nhiên sẽ xảy ra, chỉ không
biết là nó đến vào lúc nào thôi. Quan điểm của tôi là cứ theo luật mà làm. Thời
gian đầu, chắc chắn mọi người cũng sẽ phản ứng, nhưng dần dần họ sẽ quen với
việc phải trả tiền khi muốn sở hữu một cái gì đó, cụ thể ở đây là âm nhạc".
Về mức tải nhạc 1.000 đồng một bài hát, theo anh Quốc là vừa
phải, không cao không thấp. "Một đoạn nhạc chờ tải mất 3.000 đồng mà một bài hát
tải về để nghe trên nhiều thiết bị chỉ mất có 1.000 đồng đối với tôi là mức giá
chấp nhận được". Trước kia, thỉnh thoảng anh Quốc vào các bảng xếp hạng hoặc
danh sách ca khúc mới để tải những bài hát của các ca sĩ yêu thích về laptop.
Sau đó, anh sẽ nghe kỹ, bài nào thích thì copy vào thiết bị di động. "Thế nhưng,
nếu phải trả tiền thì tôi sẽ cân nhắc việc chọn lựa bài hát để tải chứ không tải
tràn lan nữa", anh nói.
Các blogger bàn tán về việc thu phí tải nhạc trên mạng. Ảnh
chụp màn hình.
|
Với anh Nhuận Khoa, nhà ở Bình Thạnh, TP HCM thì việc thu phí
tải nhạc trực tuyến sẽ mang đến một thay đổi khó khăn trong thói quen sử dụng
nhạc trên mạng Internet của anh. "Tôi sẽ phải sửa chữa thói quen của mình. Mà
thường những gì ngược lại thói quen ta cần có thời gian (thậm chí rất dài) để
thay đổi. Nhất là việc ngược lại này lại làm chúng ta tốn kém hơn, không thoải
mái hơn".
Anh Khoa cũng cho rằng, việc nghe nhạc và download miễn phí từ
lâu đã trở thành thông lệ tại Việt Nam. "Tôi tạm không bàn đến tính đúng luật
hay không vì đây là câu chuyện dài và chúng ta cần có rất nhiều bên liên quan để
đưa ra câu trả lời rốt ráo. Tôi muốn nói đến một thực tế. Vậy nên, khi đưa ra
một điều luật nào đó để thay đổi thực tế, cần có một cuộc khảo sát hay tính toán
thật tinh tế để cho thấy việc thay đổi này là đúng, là hiệu quả", Khoa nói.
Câu chuyện bản quyền đã nhiều lần nhen nhóm, thổi bùng rồi lịm
tắt trên thị trường nhạc số Việt. Vì thế với những khán giả như anh Khoa, anh
Quốc, ngoài quan tâm đến vấn đề cách thức chi trả cho nhu cầu nghe nhạc, họ còn
muốn biết những người thực hiện sẽ đặt lợi ích của người dùng lên hàng đầu như
thế nào. Khán giả cần được chứng minh để nhận thức rõ vì sao mọi người cần thay
đổi thói quen.
Trong khi chờ đợi điều đó, chuyện có khá nhiều ý kiến e dè và
không vui trước thông tin trên cũng dễ hiểu.
Thứ nhất, mức giá mỗi lần tải nhạc 1.000 đồng thoạt nghe có vẻ ít nhưng nhiều
khán giả cho rằng, con số này sẽ rất lớn, tính theo lượng người dùng dịch vụ
hiện nay. Chính vì vậy, lời kêu gọi của blogger Đặng Trần Tuyển
"Tranh thủ down nhạc về gấp nha bà con ơi! Tải nhanh còn kịp" cũng trùng với tâm
lý của nhiều người nghe nhạc trên mạng hiện nay. Thậm chí có khán giả còn dự
đoán "trào lưu nghe nhạc bằng CD (lậu) sẽ trở lại".
Nhiều fan cho rằng động thái thu phí của các website chẳng khác
nào "nằm mơ giữa ban ngày". Trong và ngoài nước hiện nay có vô số trang web cung
cấp nhạc miễn phí, kể cả MV, điển hình là youtube... Vì thế, người nghe nhạc
Việt Nam sẽ không dễ dàng để bị "móc túi" tại 5 website này mà sẽ chuyển sang sử
dụng hàng trăm trang web khác.
Thứ hai, vấn đề phân chia số tiền
thu được cho các bên quản lý và chủ sở hữu thực sự của tác phẩm cũng là điều
được rất nhiều người quan tâm.
Blogger ShaNgâyThơ chia sẻ với giọng đầy châm biếm: "Nước ngoài
thu cái này thì mình tin là đến được tay nghệ sĩ, còn Việt Nam mình thì sao?...
Mình rất ủng hộ việc thu tiền cho nghệ sĩ, nhưng làm ơn đưa tiền tới cho người
ta nghen!".
Lo ngại này của khán giả không phải là không có cơ sở khi thực
trạng không minh bạch trong việc đối soát, công bố doanh thu luôn là vấn đề gây
lo ngại. Ở thế độc quyền, các nhà mạng thường hốt bạc khi được trả với tỷ lệ cao
hơn chủ sở hữu thật sự của tác phẩm âm nhạc. Và những chủ sở hữu này chỉ biết
dựa vào những con số từ đơn vị mà họ ủy quyền kinh doanh ca khúc.
Trong dự án của MV Corp và 5 website âm nhạc, số tiền bản quyền
thu được, sau khi trừ đi các chi phí, đơn vị phân phối và các website sẽ được
hưởng 45%. 55% còn lại sẽ trả về cho đơn vị cung cấp nội dung (ca sĩ, nhạc sĩ,
hãng ghi âm....). Con số ăn chia này còn khá cách biệt so với nước ngoài, lấy ví
dụ như với iTunes, tỷ lệ chia là 30% thuộc về các website, còn 70% thuộc về đơn
vị cung cấp nội dung. Tại buổi hội thảo ngày 15/8, ông Phùng Tiến Công - Phó tổng giám
đốc MV Corp - cho biết khi chương trình đi vào vận hành, trong tương lai, đơn vị
này sẽ cố gắng điều chỉnh lại tỷ lệ này cho thích hợp.
Biểu đồ cho thấy thị phần nhạc số thế
giới.
|
Việc thu phí tải nhạc mạng thực tế chỉ là việc "cũ người mới
ta". Hiện tại, các nước châu Á như: Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan,
Hàn Quốc... đã thực hiện điều này. Còn vấn đề mà khán giả mong muốn nữa là các
nhà mạng trong nước sẽ tiến hành cách thức thu phí hiệu quả như thế nào, và chất
lượng của sản phẩm âm nhạc sẽ khác ra sao so với thời gian còn được sử dụng miễn
phí?
Thoại Hà
Geen opmerkingen:
Een reactie posten