zondag 17 februari 2013

Giáo sư Mỹ nói người Việt Nam “hung hăng” vì “ăn nhiều thịt”

Giáo sư Mỹ nói người Việt Nam “hung hăng” vì “ăn nhiều thịt”
Saturday, February 16, 2013 3:06:21 PM




“Tôi không cố ý viết để chỉ trích”

Thiên An/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - “Tôi đề cập đến vấn đề ăn thịt và sự hung hăng theo một cách viết rất tệ. Hơn 40 năm làm báo, viết về đủ mọi thứ trên thế giới, chưa bao giờ tôi nhận một phản ứng lớn đến như vậy,” Giáo Sư Joel Brinkley nói về bài bình luận ông viết, đăng trên Chicago Tribune ngày 29 Tháng Giêng, trong đó ông liệt kê và phê phán ẩm thực cùng tính cách người Việt Nam.
Hình Giáo Sư Joel Brinkley, tác giả của bài bình luận và bài viết này trên trang mạng của tờ báo Chicago Tribune.

Trả lời nhật báo Người Việt, ông nói, nếu có cơ hội, ông “sẽ thay đổi bài bình luận”.
Mở đầu bài báo, ông viết: “Bạn không cần phải ở Việt Nam lâu để nhận ra một điều khác thường. Bạn sẽ không nghe chim hót, không thấy sóc leo trèo trên cây hay chuột lục lọi thùng rác. Chó không đi dạo ngoài đường. Thật ra, hầu như không còn động vật hoang dã hay thú nuôi nào để thấy. Chúng đã đi đâu? Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết: Hầu hết đã bị ăn thịt.”
Ðoạn văn gây phản ứng mạnh nhất có lẽ là đoạn sau đây, được đăng trích nhiều nhất: “Việt Nam luôn là một quốc gia hung hăng (aggressive). Quốc gia này từng tham gia 17 trận chiến với Trung Quốc trong hơn 1,000 năm và tấn công Cambodia vô số lần... Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong khi Ấn Ðộ ảnh hưởng nhiều quốc gia trong khu vực... Chắc chắn điều này có ảnh hưởng phần nào.”
“Tôi muốn nói là người Việt Nam thường xuyên ăn thịt... hàm lượng đạm đáng kể trong ẩm thực giúp giải thích sự hung hăng của đất nước này so với các nước láng giềng.”
Giáo Sư Brinkley đề cập đến các thói quen ăn thịt chó hay thịt thú rừng của người Việt Nam, và ông dùng Lào và Cambodia, hai nước mà ông “từng nghiên cứu và viết sách” để chứng minh rằng người Việt Nam “hung hăng,” có ẩm thực “khác thường”.
Người Việt trong nước và hải ngoại, cũng như rất nhiều người nước ngoài, đã hoặc đang sống tại Việt Nam, gửi ý kiến phản đối bài viết, cũng như gửi thư bày tỏ giận dữ với tác giả.
“Là một cựu học sinh Stanford, tôi thấy sự thiếu chuyên nghiệp của nhà báo này là không chấp nhận được,” cô Trang Phạm, cư dân thành phố Mountain View, viết. “Hơn nữa, là một người gốc Việt sinh ra và lớn lên tại Mỹ, tôi từng đến thăm Việt Nam nên biết được những điều viết trong bài báo này bị cường điệu quá mức.”
Một độc giả người Mỹ, làm việc tại Sài Gòn từ ba năm trước, gửi bài phân tích từng chi tiết trong bài bình luận của Giáo Sư Joel Brinkely, và gọi bài viết là “hoang đường”, “kỳ thị”.
Ðến ngày 1 Tháng Hai, ban biên tập của Chicago Tribune đăng đính chính, xin lỗi vì đã tải đăng bài của ông Brinkley: “Bài bình luận (...)không đạt tiêu chuẩn báo chí của tờ báo. Chúng tôi có quy trình biên tập gắt gao, nhưng đã không thực hiện đủ cho bài viết này. Chúng tôi xin lỗi vì những gì đã xảy ra, và hứa sẽ bảo đảm quy trình biên tập về sau.”
Gần nửa tháng sau khi bài bình luận xuất hiện trên mạng Internet, hàng chục ngàn người truyền nhau bài viết. Cho đến gần giữa Tháng Hai, có ít nhất hai thỉnh nguyện thư yêu cầu trường Stanford đuổi việc Giáo Sư Brinkley, một thư có gần hai ngàn chữ ký, thư kia có hơn bốn ngàn chữ ký.
Ông Joel Brinkley là một giáo sư chuyên ngành báo chí tại Ðại Học Stanford, một trong những đại học hàng đầu của California và cả Hoa Kỳ. Bên cạnh việc giảng dạy, ông cộng tác cho tờ Chicago Tribune.
Trước đó, ông viết cho New York Times hơn 23 năm và từng đoạt giải thưởng Pulitzer, giải thưởng báo chí danh giá hàng đầu thế giới.
Giáo Sư Brinkley nói với nhật báo Người Việt là chưa bao giờ gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ độc giả như trường hợp bài bình luận hồi Tháng Giêng.
“Tôi từng làm việc ở hơn 50 quốc gia khác nhau, rất nhiều lần tại các nước Ðông Nam Á. Tôi thăm Việt Nam hai lần, vào Tháng Mười Hai năm ngoái và Tháng Giêng năm nay, nghe, thấy và phỏng vấn một số người. Hội Ðộng Vật Hoang Dã Thế Giới (World Wildlife Fund) kể tên Việt Nam là quốc gia bạo hành đối với động vật hoang dã nhiều nhất thế giới, nên tôi quyết định viết để nói lên hiện tượng này.”
“Chưa bao giờ phản ứng của độc giả lại mạnh mẽ đến thế. Rất nhiều người Việt Nam gửi thư bày tỏ tức giận. Họ, cũng như nhiều người khác, quá nhạy cảm khi bị phê bình,” Giáo Sư Brinkley nói. “Tôi cảm phục đất nước Việt Nam, tôi không cố ý viết để chỉ trích họ.”
Tuy hầu hết các ý kiến được gửi vào trang mạng của tờ Chicago Tribune bày tỏ giận dữ về bài viết của Giáo Sư Brinkley, một số rất ít độc giả chỉ viết “dù sao đây chỉ là mục tạp ghi” hoặc “việc chó bị bắt để giết thịt ở Việt Nam quả là có thật”.
Về phần số độc giả còn lại, nhiều người vẫn không chấp nhận lời giải thích của giáo sư này sau khi ông đăng hình một cơ sở làm thịt chuột tại Việt Nam. Bên cạnh đó, ông nói: “Chính một số người thuộc nhà cầm quyền Việt Nam trước đây từng gọi người Campuchia là ‘lười biếng,’ sự thật là họ ăn ít chất đạm hơn, nhỏ con hơn, và hiền (passive) hơn người Việt.”
Trên các trang thỉnh nguyện thư, cứ khoảng nửa tiếng là lại có người ký tên yêu cầu Ðại Học Stanford đuổi việc ông. Hầu hết các chữ ký này mang tên, họ Việt Nam.

Liên lạc tác giả: vu.an@nguoi-viet.com

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=161954&zoneid=1

Geen opmerkingen:

Een reactie posten