Châu Ðốc qua thời
gian Friday, February 15, 2013 6:49:53 PM | ||
| ||
Sơn Nam Trần Văn Chi Chàng đi Châu Ðốc, Nam Vang, Nỗi sầu em chịu đa mang một mình. (Ca dao) Châu Ðốc nghĩa là vùng đất mới được khai thác sau cùng. Châu là vùng đất, Ðốc là sau cùng.
Châu Ðốc, bao gồm An Giang, thời Nam Kỳ Lục Tỉnh là điểm dừng chân cuối cùng của công cuộc Nam tiến chứ không phải xứ Hà Tiên-Cà Mau như nhiều người hiểu lầm! Ðây là vùng đồng bằng trũng thấp, chợt có rặng núi Sam nhô lên la liệt núi tiếp núi. Châu Ðốc nằm bên ngã ba của sông Châu Ðốc và sông Hậu, cách Sài Gòn khoảng 250km, cách Long Xuyên khoảng 55km. Một số món ăn mà các bạn nên thưởng thức khi đến Châu Ðốc: như mắm, bún nước kèn, đường thốt nốt... Nếu về núi Sam, Châu Ðốc vào mùa nước nổi, thế nào cũng phải tìm món canh chua độc đáo cá ba sa nấu với bông điên điển! Châu Ðốc qua thời gian Do tranh chấp nội bộ Chân Lạp, Nặc Tôn chạy sang Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ cầu cứu với chúa Võ Vương, là vị chúa thứ 8 của nhà Nguyễn (1). Chúa sai thống suất Trương Phúc Du đưa Nặc Tôn lên làm vua Chân Lạp. Năm 1757, vua Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long (nằm giữa sông Tiền và sông Hậu tương ứng với Châu Ðốc, Sa Ðéc bây giờ) để tạ ơn chúa Nguyễn. Năm 1757, Nguyễn Cư Trinh vâng lịnh dem quân từ dinh Long Hồ vào vùng nầy thành lập ba đạo là Châu Ðốc đạo, Tân Châu đạo và Sa Ðéc đạo. Ðến Gia Long năm 1808, Châu Ðốc thuộc huyện Vĩnh Ðịnh, phủ Ðịnh Viễn, trấn Vĩnh Thanh, thuộc Gia Ðịnh thành. Trấn Thủ Vĩnh Thanh Lưu Phước Tường đem 3,000 dân binh xây dựng Ðồn Châu Ðốc. Sau do bị nước lụt làm lở sụp nhiều nơi, nên Trấn Thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại phải cho tu bổ lại, có tăng cường thêm đá xanh ở một số nơi cho được kiên cố. Năm 1832, khi vua Minh Mạng đổi trấn thành tỉnh, Gia Ðịnh chia thành Nam Kỳ lục tỉnh: Biên Hòa, Gia Ðịnh, Ðịnh Tường, Vĩnh Long, An Giang Hà Tiên, trấn Châu Ðốc đổi thành tỉnh An Giang, tỉnh lỵ đặt tại thành Châu Ðốc. Ðứng đầu tỉnh An Giang là chức Tổng Ðốc (kiêm quản tỉnh Hà Tiên nên gọi Tổng Ðốc An Hà), giúp việc có 2 Ty Bố Chánh và Án Sát. Năm 1834, vua Minh Mạng cho triệt phá thành Châu Ðốc cũ xây dựng thành Châu Ðốc mới theo hình bát quái. Sau khi 3 tỉnh miền Ðông bị mất về tay Pháp, quan Kinh Lược Phan Thanh Giản về cố thủ 3 tỉnh miền Tây: cho dựng tại Vĩnh Long một Văn Thánh Miếu và lập tại tỉnh thành An Giang, lập trường thi hương Châu Ðốc, để đáp ứng việc học hành khoa cử của con dân 3 tỉnh còn lại. Năm 1868, Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây, rồi Nam Kỳ thành 24 hạt thì hạt Châu Ðốc gồm Long Xuyên và Sa Ðéc. Ngày 30 tháng 12 năm 1899, toàn quyền Ðông Dương đổi hạt Tham Biện thành tỉnh; chia An Giang thành 2 tỉnh Châu Ðốc và Long Xuyên. Có thể câu ca dao: Ðèn nào cao bằng đèn Châu Ðốc,... xuất hiện trong thời gian này. Ðến cuối năm 1956, chính quyền Ngô Ðình Diệm sát nhập Châu Ðốc với Long Xuyên thành tỉnh An Giang. Hiện nay Châu Ðốc là 1 thị xã biên giới sầm uất thuộc tỉnh An Giang, có diện tích tự nhiên 99.95 km2, dân số trên trên 100,000 người, là cửa ngõ ra 2 tỉnh Tà Keo, Kandal và Thủ đô PhnomPenh của Campuchia. Ðến thăm Châu Ðốc bạn dễ nhận ra người dân bản xứ cái gì cũng chầm chậm, không ồn ào, không hấp tấp như nơi khác. Châu Ðốc với Kinh Vĩnh Tế Kinh Vĩnh Tế, biển Hà Tiên, Ghe thuyền xuôi ngược bán buôn dập dìu. (Ca dao) Năm 1819, vua Gia Long cho lệnh đào con kinh song song với đường biên giới Việt Nam-Chân Lạp, bắt đầu từ bờ tây sông Châu Ðốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành, thuộc thị xã Hà Tiên. Kinh đào sau đặt là kinh Vĩnh Tế. Ðường đi Châu Ðốc xa vời Gửi thư thì khó, gởi lời thì không Anh đi Châu Ðốc Nam Vang, Viết thơ nhắn lại em khoan lấy chồng. Công trình kéo dài từ Nguyễn Văn Nhơn làm tổng trấn Gia Ðịnh Thành (1819-1820) cho đến thời Tướng Lê Văn Duyệt làm tổng trấn Gia Ðịnh thành (1820-1832) mới xong. Kinh có chiều dài là 87km, 340, rộng 30 m, độ sâu trung bình khoảng 2.55m. Ước tính trong 5 năm, các quan phụ trách đã phải huy động đến hơn 90,000 dân binh. Tổng số ngày công là 3,463,500, và khối lượng đất đào là: 2,845,035 m3. Bởi công việc nặng nhọc, nơi “sơn lam chướng khí”; việc ăn uống, thuốc men thảy đều thiếu thốn, khiến số người chết vì bệnh tật, kiệt sức, vì thú dữ như sấu, rắn rít... hơn 6,000 dân binh đã bỏ thây nơi miền hoang dã. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), nhà vua cho đúc Cửu đỉnh để làm quốc bảo và tượng trưng cho sự miên viễn của hoàng gia, hình kinh Vĩnh Tế được chạm khắc trên Cao đỉnh. Xây chùa Tây An: Trấn Yên cõi Tây Cuộc chiến giữa nước Xiêm La và Ðại Nam thời Thiệu Trị, diễn ra trên lãnh thổ Cao Miên từ 1841 đến 1845 kết thúc. Nguyễn Tri Phương rút quân về đóng ở Trấn Tây Chân Lạp, đợi quân Xiêm thi hành những điều ước đã định. Năm 1846, Nặc Ông Ðôn dâng biểu tạ tội và sai sứ đem đồ phẩm vật sang triều cống, nhìn nhận sự bảo hộ song phương của Xiêm và Ðại Nam. Tháng 2 năm 1847, Thiệu Trị phong cho Nặc Ông Ðôn làm Cao Miên quốc vương, xuống chiếu truyền cho quân thứ ở Trấn Tây rút về An Giang. Từ đó nước Chân Lạp lại có vua, và việc ở phía Nam mới được yên ổn. Năm 1847, Tổng đốc An-Hà là Doãn Uẩn vui mừng vì lập được đại công đánh đuổi được quân Xiêm La, bình định được Chân Lạp, nên đã cho xây dựng một ngôi chùa bằng tường gạch, nền cuốn đá xanh, mái lợp ngói; và đặt tên là Tây An tự với hàm ý trấn yên bời cõi phía Tây! Chùa Tây An tọa lạc tại ngã ba, cận kề chân núi núi Sam, kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Ðộ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên tại Việt Nam. Chùa theo phái Ðại Thừa, có tới 11,270 tượng lớn nhỏ bằng gỗ. Sách Ðại Nam nhất thống chí viết về chùa Tây An như sau: Chùa đứng trên núi, mặt trước trông ra tỉnh thành, phía sau dựa vào vòm núi, tiếng người vắng lặng, cổ thụ âm u, cũng là một thắng cảnh thiền lâm vậy. Chùa cho thấy ngay sự hiện diện của một tín ngưỡng trong dân gian: đó là tín ngưỡng thờ Mẫu. Việc thờ Mẫu gắn liền với thờ Phật là trường hợp bình thường trong nhiều chùa chiền, phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng bình dân. Kiểu dáng bày trí theo mô thức “tiền Mẫu, hậu Phật” (phía trước thờ Mẫu, phía sau thờ Phật), khác với nhiều ngôi chùa miền Bắc (tiền Phật, hậu Mẫu). *** Tổng đốc An-Hà là Doãn Uẩn xây chùa vì lập được đại công đánh đuổi được quân Xiêm La, bình định được Chân Lạp. Ngôi chùa có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Ðộ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên tại Việt Nam, chùa Tây An còn mang ý nghĩa tiềm ẩn to lớn là trấn yên bờ cõi phía Tây. Chú thích: (1) Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát chính là vị vương sai người phỏng theo áo của người Chăm và áo sườn xám của Trung Hoa chế ra chiếc áo dài Việt Nam. Trang phục này cho đến nay vẫn được coi là trang phục truyền thống dân tộc. |
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=161926&zoneid=310
Geen opmerkingen:
Een reactie posten