zaterdag 2 februari 2013

850 năm ngày xây dựng Nhà thờ Đức Bà Paris

Thứ sáu 01 Tháng Hai 2013
850 năm ngày xây dựng Nhà thờ Đức Bà Paris
Nhà thờ Đức Bà Paris thu hút hàng năm 14 triệu lượt du khách, nhân 850 tuổi dự trù đón tiếp 20 triệu khách thăm viếng (Reuters)
Nhà thờ Đức Bà Paris thu hút hàng năm 14 triệu lượt du khách, nhân 850 tuổi dự trù đón tiếp 20 triệu khách thăm viếng (Reuters)
Tuấn Thảo
Cách đây hơn 8 thế kỷ, vào năm 1163, vua nước Pháp thời bấy giờ là Louis VII và Đức Giáo hoàng Alessandro III đặt viên đá đầu tiên để khởi công xây cất Nhà thờ Đức Bà Paris. Giai đoạn đầu là xây dựng chính điện thánh đường do giám mục Maurice de Sully điều hành. Mãi đến hai thế kỷ sau, công trình xây cất mới chính thức hoàn tất. Năm 2013, nước Pháp tổ chức lễ hội ăn mừng sinh nhật lần thứ 850 của Nhà thờ Đức Bà Paris.
Chương trình lễ hội sẽ kéo dài một năm, từ trung tuần tháng 12 năm 2012 cho đến ngày cuối năm 2013. Kể từ đầu năm nay, quảng trường và mặt tiền Nhà thờ Đức Bà Paris đã được tân trang lộng lẫy, huy hoàng. Sự kiện một công trình kiến trúc đồ sộ như vậy vẫn còn đứng vững có thể được xem như nhờ có phép lạ. Nhà thờ Đức Bà vẫn tồn tại sau bao thăng trầm lịch sử, trải qua giai đoạn đập phá thời Cách mạng Pháp hay xung đột giao tranh thời Đệ Nhị Thế Chiến.
Từ ngày đặt viên đá xây dựng đầu tiên cho tới tận ngày hôm nay, hình tượng của Nhà thờ Đức Bà Paris đã gắn liền với lịch sử nước Pháp. Chính tại nơi này mà vào năm 1230, vua Saint-Louis đã làm lễ rước vòng gai của Đức Chúa. Đội quân Thập Tự Chinh đã đưa thánh tích này từ Constantinople về Paris. Năm 1455, phiên xử nhằm minh oan và phục hồi danh dự của thánh Jeanne d’Arc đã diễn ra tại chính điện Nhà thờ Đức Bà Paris.
Hơn ba thế kỷ sau, hoàng đế Napoléon Đệ Nhất đã chọn nơi này làm lễ đăng quang vào năm 1804, với sự hiện diện của Đức Giáo hoàng Pie VII. Vào cuối tháng 8 năm 1944, chuông nhà thờ đã ngân vang khi tướng De Gaulle bước vào chính điện để tưởng niệm các binh sĩ trận vong nhân ngày giải phóng thủ đô Paris khỏi ách chiếm đóng của quân đội Đức Quốc Xã.
Vào ngày 12 tháng 12 vừa qua, Tổng Giám Mục Paris Đức Hồng y André Vingt-Trois, đã khai mạc chương trình sinh hoạt với sự hiện diện của bộ trưởng bộ Nội vụ Pháp Manuel Valls và thị trưởng Paris, ông Bertrand Delanoë. Quảng trường mặt tiền của Nhà thờ đã được thiết kế thành Lộ trình của Đức Bà, và toàn bộ các sinh hoạt đều đặt dưới sự phối hợp của tổ chức mang tên "Notre Dame de Paris 2013". Ông Jean François Lemercier, tổng thư ký ban tổ chức chương trình kỷ niệm sinh nhật lần thứ 850 của Nhà thờ Đức Bà Paris cho biết vài nét chính:
Trong khuôn khổ chương trình sinh hoạt nhằm kỷ niệm 850 năm ngày xây dựng Nhà thờ Đức Bà Paris, mục tiêu đầu tiên của chúng tôi là đón tiếp 20 triệu khách, bao gồm các đoàn thăm viếng và khách hành hương. Ngoài công việc hướng dẫn du khách, văn phòng thông tin của chúng tôi còn có nhiệm vụ phối hợp điều hành các sinh hoạt. Chẳng hạn như chúng tôi lập ra nhiều lộ trình viếng thăm: mục đích là tạo điều kiện cho khách tham quan và khách hành hương khám phá Nhà thờ Đức Bà Paris dưới nhiều góc độ khác nhau : nghệ thuật kiến trúc, lịch sử công trình, các buổi lễ thánh nhạc, các sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh.
Rất nhiều ấn phẩm được xuất bản nhân dịp này để phản ánh công việc bảo tồn Nhà thờ Đức Bà Paris qua bao giai đoạn lịch sử. Chương trình kỷ niệm 850 năm Nhà thờ Đức Bà Paris kéo dài trong vòng một năm, trong đó có nhiều sự kiện quan trọng, trùng hợp với những ngày lễ lớn của người Công giáo như lễ Phục Sinh, lễ Thăng Thiên, lễ Chư Thánh … Ngoài ra, Tổng giáo phận Paris còn chủ trì nhiều sinh hoạt biểu tượng gắn liền với lịch sử của Nhà thờ Đức Bà Paris.
Vào ngày 9 tháng Hai năm 2013, sẽ có lễ rước chuông. Sau khi trùng tu mặt tiền Nhà thờ Đức Bà Paris, chúng tôi sẽ rước 9 quả chuông đồng từ vùng Normandie về Paris, rồi gắn lên tháp chuông nhà thờ. Còn ngày 6 tháng Năm năm 2013, là ngày hội thế giới của đàn ống (orgue), nhân dịp này chúng tôi phối hợp với rất nhiều thánh đường trên toàn cầu, để cùng tổ chức 850 buổi lễ thánh nhạc trên năm châu lục. Một cách tượng trưng, chúng tôi muốn thắp sáng 850 ngọn nến để mừng sinh nhật 850 tuổi của Nhà thờ Đức Bà Paris.
Không phải ngẫu nhiên mà Nhà thờ Đức Bà Paris đã chọn trung tuần tháng Hai năm 2013 làm lễ rước chuông. Các quả chuông đồng được trùng tu tại thị trấn Villedieu les Poêles, ở vùng Normandie, nơi có truyền thống lâu đời rèn đúc chuông nhà thờ. Sau khi làm lễ phước lành, các quả chuông đồng sẽ được đưa về tháp chuông Nhà thờ Đức Bà. Giáo sư Jean Pierre Cartier, chuyên nghiên cứu về nghệ thuật và lịch sử Paris cho biết ý nghĩa của sự kiện này :
Vào ngày 10 tháng Hai năm 1638, tức cách đây gần bốn thế kỷ, vua Louis XIII đã ký một chỉ dụ, qua đó nhà vua thề nguyện lòng mộ đạo cũng như sự trung thành đối với Giáo hội. Cũng cần biết rằng vào thời đó, nước Pháp chưa có thể chế tam quyền phân lập, và vương triều thời bấy giờ khẳng định Công giáo như một quốc giáo. Nhưng điều quan trọng hơn nữa, là qua văn thư này, nhà vua Louis XIII đã cho tiến hành một kế hoạch trùng tu quan trọng, không những nhằm mục đích bảo tồn mà còn góp phần xây dựng thêm để khuếch trương tầm vóc của Nhà thờ Đức Bà Paris.
Tính chất nguy nga, đồ sộ của Vương cung Thánh đường không phải được xây cất một sớm một chiều, mà là nhờ vào sự kết hợp của nhiều kiến trúc sư (Jean de Chelles, Pierre de Montreuil, Pierre de Chelles, Jean Ravy, Jean le Bouteiller, Viollet le Duc …) qua nhiều thời kỳ khác nhau, nâng công trình xây dựng này lên hàng đầu nghệ thuật kiến trúc gothic. Điều mà khách tham quan cũng như khách hành hương nhìn thấy tận mắt là kết quả chung cuộc của một công trình xây dựng, nhưng đa số chúng ta ít nhận thức được tất cả những giọt mồ hôi và nước mắt đã đổ xuống để giúp cho Nhà thờ Đức Bà Paris đứng vững để rồi tỏa sáng cho tới tận ngày nay.
Chỉ dụ của vua Louis XIII đánh dấu một cột mốc lịch sử quan trọng, vì các triều vua sau đó tiếp tục tài trợ việc bảo tồn công trình này. Ngay bên trong Nhà thờ Đức Bà Paris, có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật lớn, trong số này có một bức tượng điêu khắc nổi tiếng đặt ở bàn thờ chính điện. Bức tượng cho thấy vua Louis XIII quỳ gối bên phải Đức Mẹ Maria, nhà vua ở trong tư thế dâng hiến vương miện cho Thánh Nữ Bác Ái (La Pieta) để thề nguyện lòng trung thành với Đức Mẹ.
Một trong những sinh hoạt nổi bật của chương trình kỷ niệm 850 năm ngày xây dựng Nhà thờ Đức Bà Paris, chính là các buổi lễ thánh nhạc. Hàng năm, Nhà thờ Đức Bà Paris tổ chức khoảng 100 buổi trình diễn thánh ca kết hợp dàn đàn ống với các ca đoàn nhà thờ cũng như với các học sinh nhạc viện Nhà thờ Đức Bà Paris. Ông Simon Cnockaert, giám đốc khoa Thánh nhạc cho biết :
Ngay từ thời khởi công xây dựng Nhà thờ Đức Bà Paris, đã nảy sinh một phong trào sáng tác thánh nhạc. Phong trào này đánh dấu ngày khai sinh thể loại thánh ca đa âm phức điệu không những ở Pháp mà còn trên toàn châu Âu. Trước đó, vào thời Trung Cổ, thánh ca nhà thờ thường theo truyền thống đơn âm như thánh ca Gregory, ban đầu chỉ phổ biến trong các tu viện. Phong trào này sẽ phất triển rất mạnh, hình thành nguyên một trường phái riêng biệt hẳn hoi trong âm nhạc hàn lâm, cổ điển và nhiều tác giả lớn trải qua nhiều thế kỷ sau đó tại châu Âu từ Johannes Brahms, Anton Bruchner đến Félix Mendelson, từ Wolfgang Amadeus Mozart đến Johann Sebastian Bach đều đã góp công sáng tác làm giàu thêm bộ vựng tập.
Khoa thánh nhạc của Nhà thờ Đức Bà Paris chẳng những duy trì truyền thống này mà còn tìm cách khuyến khích các soạn giả thời nay tiếp tục con đường sáng tác thánh nhạc như trường hợp của nhạc sĩ Yves Castagnet. Ngoài ca đoàn của Nhà thờ Đức Bà Paris, chúng tôi còn mời nhiều ca đoàn đến từ các quốc gia khác sang Paris biểu diễn. Các buổi trình diễn ở đây đều miễn phí vì mục tiêu hàng đầu không phải là kinh doanh lợi nhuận hay nhằm mục đích tiêu khiển giải trí, mà là làm giàu đời sống tâm linh của khách hành hương hay người thăm viếng đến từ thập phương.
Về phần mình, đô trưởng Paris, ông Bertrand Delanoë, sau khi tham gia buổi lễ khai mạc chương trình Notre Dame de Paris 2013, cho biết cảm nhận của ông cũng như ý nghĩa của chương trình sinh hoạt trong vòng 12 tháng liên tục nhằm kỷ niệm 850 năm ngày xây dựng Nhà thờ Đức Bà đối với Tòa Đô chính Paris :
Tại thành phố Paris, ít có một địa điểm nào mà lại thấm nhuần cái hồn của thủ đô nước Pháp cho bằng Nhà thờ Đức Bà. Khoản thời gian dài 850 năm đã tạo cho công trình này một bề dầy lịch sử đáng kể, nhưng bên cạnh đó còn có cái quan hệ tình cảm gắn bó mật thiết của người dân thủ đô đối với Nhà thờ Đức Bà Paris. Một sự kiện quan trọng khác là Nhà thờ Đức Bà Paris là một trong những công trình kiến trúc lịch sử thu hút nhiều lượt du khách nhất.
Tính trung bình, hàng năm, Nhà thờ Đức Bà Paris lôi cuốn 14 triệu lượt du khách, và đặc biệt năm nay, nhân dịp sinh nhật 850 tuổi, công trình này sẽ thu hút khoảng 20 triệu lượt khách thăm viếng. Đối với tôi, điều này rất có ý nghĩa : cho dù khách thăm viếng đến từ các vùng miền khác của nước Pháp hay là du khách nước ngoài, cho dù đối tượng này là người không theo đạo Chúa hay là khách hành hương mộ đạo, thì tất cả đều muốn chiêm ngưỡng tận mắt Nhà thờ Đức Bà Paris. Vẻ đẹp lạ thường cũng như tầm vóc đồ sộ của công trình đã biến Nhà thờ Đức Bà Paris thành một kiệt tác, một kỳ quan, điều đó vượt lên trên sự khác biệt quan điểm.
Nhà thờ mở rộng cánh cửa để tiếp đón mọi người, bất kể quốc tịch, màu da, địa vị xã hội, hay khác biệt tín ngưỡng. Rất có thể là nhà văn Victor Hugo trong tác phẩm văn học của ông (thằng gù Nhà thờ Đức Bà Paris) đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng trong tâm trí của du khách một hình ảnh rất đẹp : Nhà thờ Đức Bà Paris do vua chúa xây cất nhưng không phải thuộc quyền sở hữu đế vương mà lại dành cho tất cả mọi người. Thông điệp ấy vẫn còn giá trị biểu tượng cho tới tận ngày nay.

http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20130201-nha-tho-duc-ba-paris

Geen opmerkingen:

Een reactie posten