maandag 15 juli 2013

Việt Nam : Nông dân bỏ vườn vì trái cây Trung Quốc

Nông dân bỏ vườn vì trái cây Trung Quốc

Nhóm phóng viên từ VN
2013-07-12
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

nguoilamvuonlienketvoituodulichdebantraicay-305.jpg
Người dân bán lẻ trái cây phục vụ khách du lịch ĐBSCL, ảnh chụp hôm 08-06-2013.
RFA PHOTO



Chi phí quá cao

Theo một tour du lịch, chúng tôi ghé thăm những nhà vườn ở Cần Thơ, đương nhiên đây là những khu vườn điểm với diện tích trên hai mươi hecta, trồng đủ các loại cây trái, từ cây quất miền Trung cho đến cây dừa Nam Bộ, cây sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, thanh long ruột đỏ, xoài tượng, ổi xẻ, mãng cầu… Có thể nói rằng mọi thứ trái cây, vật nuôi theo mô hình vườn ao chuồng đều có mặt ở miệt vườn miền Tây. Nhưng không hiểu sao ông chủ miệt vườn lại không vui. Hỏi ra mới biết, ông luôn đối diện với thua lỗ.
Ông Thiết, chủ vườn cây mà chúng tôi đến thăm ở quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ chia sẻ với chúng tôi rằng dường như tất cả mọi chủ miền vườn miền Tây Nam Bộ đều đối diện với nguy cơ thay đổi ngành nghề, bỏ vườn đi làm thuê hoặc kinh doanh. Vì làm vườn thời bây giờ không có ăn, giá dịch vụ, phân, tro quá cao, so với cách đây một năm, giá phân, tro, thuốc đã đội lên gấp năm lần nhưng giá sản phẩm chỉ nhích lên một chút.
Giải thích cho vấn đề này, ông Thiết nói thêm là mọi thứ hàng hóa của Việt Nam đều hiếm hoi, ví dụ như các nhà máy sản xuất phân bón hết 80% dùng công nghệ Trung Quốc để sản xuất, chỉ cần sử dụng chừng ba năm thì công nghệ xuống cấp, uống điện như uống nước lã, buộc nhà sản xuất phải đôn giá, mà đây là tình hình chung, mọi thứ dịch vụ điện, nước, xăng, nguồn nguyên liệu, lương công nhân đều tăng giá nên nhà sản xuất buộc phải nâng giá, và họ cũng nhân cơ hội này đẩy giá lên cao để bù vào những cổ phần ma cũng như những khoản chung chi khác.
Kết cục, người chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là nông dân, vì xét cho cùng, trong thị trường Việt Nam, mua bất cứ thứ gì cũng đều có thuế trong đó, mua một bó rau cải, tưởng là không có thuế nhưng trên thực chất, nó đã gánh thuế của thuốc trừ sâu, phân bón và tiền điện tưới nước hằng ngày, đó là chưa nói đến chỗ ngồi để bán cũng có vài ngàn đồng tiền thuế mỗi ngày.
vuonthanhlongruotdo-250.jpg
Vườn cây Thanh Long, loại có ruột đỏ ở Miền Tây, ảnh chụp hôm 08-06-2013. RFA PHOTO.

Song song với vấn đề này lại là chuyện nguồn trái cây từ Trung Quốc nhập qua Việt Nam nhiều vô kể, thượng vàng hạ cám đều có, giá cả cũng rất rẻ. Ông Thiết nói rằng cho đến thời điểm bây giờ ông vẫn không hiểu được vì sao trái cây của Trung Quốc lại có giá thành quá thấp, đè bẹp thị trường trái cây Việt Nam trong khi trồng và duy trì một mùa trái không hề dễ dàng một chút nào. Đặc biệt là trái cây Trung Quốc còn cõng thêm chi phí vận chuyển từ nước họ sang Việt Nam, nhưng vẫn đè giá xuống thấp còn chưa đầy 50% giá trái cây nhà vườn miền Tây, chính vì thế, nông dân miền Tây chỉ còn một lựa chọn là bỏ vườn, mặc cho nó phát triển theo tự nhiên, đợi khi nào ra trái thì thu hoạch, để thời gian và tiền bạc đi buôn bán.
Một chủ vườn trái cây khác, tên Tư Hưng hiện đang là thương lái trái cây trên chợ nổi Cái Răng, than thở với chúng tôi rằng làm thương lái trên chợ nổi mỗi ngày kiếm được từ hai trăm đến bốn trăm ngàn đồng, kể ra số tiền này cũng đủ để trang trải mọi chuyện trong gia đình, nhưng mỗi khi nghĩ đến miệt vườn rộng gần ba chục hecta bỏ cỏ mọc của mình, ông rất đau lòng. Hiện tại, người làm công cho ông đã trôi dạt tứ xứ để kiếm sống, mà phần lớn lao động miệt vườn bây giờ đã kiếm chỗ làm ở nơi khác vì họ nhận thấy làm vườn quá bấp bênh, thu nhập cũng không hấp dẫn, suốt ngày ngồi làm cỏ trong vườn cây hay cắt tỉa cây cối, chẳng có cơ hội tiếp xúc với ai. Công việc vừa buồn lại vừa cho thu nhập thấp.

Thương lái TQ chơi khăm

Cạnh tranh không nổi với thương lái Trung Quốc Ông Tư Hưng cho biết thêm là hiện tại, ông không thể nào cạnh tranh nổi với thương lái Trung Quốc, ông mua trái cây ở chợ nổi Cái Răng, di chuyển lên miệt Sài Gòn bỏ mối, lên đây ông đụng đầu với thương lái Trung Quốc và thật sự bị họ chơi khăm.
Mietvuonmientay-250.jpg
Nhà vườn ở Miền Tây, ảnh chụp hôm 08-06-2013. RFA PHOTO.

Chúng tôi lấy làm lạ vì sao lại có chuyện thương nhân Trung Quốc hoạt động dọc ngang  trên bến sông và các chợ Sài Gòn, ông Tư Hưng cười chua chát nói rằng không cần người Trung Quốc nói xí lô xí la đến các chợ Sài Gòn buôn bán thì mới là thương lái Trung Quốc đâu.
Người Việt Nam, nói tiếng Việt, ăn cơm Việt, gốc Việt hoàn toàn nhưng lại sang áp phe với thương lái Trung Quốc để đưa trái cây về Việt Nam, ép giá thương lái Việt Nam, làm cho thị trường trái cây Việt Nam trở nên rối loạn và thương lái Việt Nam phải điêu đứng, nhà vườn Việt Nam phải bỏ vườn hoang, thì đó đích thị là thương lái Trung Quốc rồi chứ Việt Nam gì nữa!
Ông còn nói thêm rằng không hiểu sao người Việt Nam lại dễ bị dụ và kém ý thức dân tộc đến vậy, mặc nhiên bỏ lơ những người đồng bào của mình phải điêu đứng nhìn vườn cây mà lắc đầu vì thua lỗ, cứ thế mà tuồn hàng Trung Quốc qua xâm chiếm thị trường Việt Nam, mà trái cây Trung Quốc thì đầy rẫy chất độc trong đó, nhất là những loại trái mọng nước như cam, táo tàu, nho, nhãn, vải… Đó là chưa nói đến thuốc độc khác dùng để xử lý trái cây lâu bị thối trong quá trình vận chuyển.
Một thương lái khác tên Trung, nói rằng nếu chỉ cần trên thị trường giảm đi một nửa lượng trái cây Trung Quốc thì nhà vườn có thể sống được, có thể có lợi nhuận. Còn trong đà này, nguy cơ sẽ có những nhà vườn Trung Quốc tại Việt Nam là chuyện chắc chắn.
Giải thích thêm, ông Trung nói rằng trong tình hình hiện nay, muốn cạnh tranh với trái cây Trung Quốc, nhà vườn Việt Nam buộc phải xử dụng hóa chất và kỹ nghệ của Trung Quốc để làm cho cây đậu nhiều trái, mau thu hoạch và chu kỳ ra trái dày hơn bình thường. Muốn vậy, bắt buộc phải dùng hóa chất Trung Quốc. Ông Trung cũng biết rằng có một số nhà vườn miền Tây bắt đầu dùng phương pháp này để duy trì vườn trái cây.
Ông Trung lắc đầu chua chát nói rằng trên đà này, người Việt Nam sẽ thụ động nhận vào cơ thể một lượng chất độc hóa học rất cao thông qua trái cây, và lúc đó, người nông dân Việt Nam sẽ biến thành người nông dân Trung Quốc, không chừng, chúng ta lại tự tiếp tay cho người Trung Quốc để giết hại đồng tộc bằng những trái ngọt và cuộc đời nông dân chân lấm tay bùn. Đó là điều đau xót và kinh hãi nhất!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/give-up-orchards-due-to-cheap-cn-fruits-07122013085644.html

Nông dân Bình Phước điêu đứng vì thương lái Trung Quốc

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2013-06-19
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

Căn nhà của một người trồng điều ở Bù Đăng, Bình Phước
Căn nhà của một người trồng điều ở Bù Đăng, Bình Phước
RFA

Nghe bài này
Nói về Bình Phước, có lẽ, thế mạnh kinh tế của tỉnh này nằm gọn trong hai mảng, trồng điều và trồng cao su, riêng mảng cao su, cũng giống như Gia Lai, những cánh rừng cao su mới trồng của Bình Phước hoàn toàn không cho mủ, ngành trồng rừng ở đây chỉ còn trông mong vào cây điều.
Nhưng, trong suốt hai năm nay, cây điều Bình Phước bị lụn bại bởi thương lái Trung Quốc, những chiêu bài lừa đảo và phá hoại kinh tế của người Trung Quốc đã làm cho nông dân Bình Phước thật sự điêu đứng và tuyệt vọng.

Những vườn điều xơ xác
Đi dọc theo quốc lộ 14, từ Buôn Mê Thuột qua Bình Phước, có thể nói, ngoài nhà cửa, nhìn đâu cũng thấy ngút ngàn một màu xanh cao su và cây điều. Cây điều cùng mùi thơm quyến dụ của nó vừa mang hương vị ấm áp của người dân miền cao nguyên đất đỏ vừa hứa hẹn một tương lai đổi đời, cơm no, áo ấm cho cả một vùng cư dân rộng lớn vốn kham khổ mấy mươi năm nay. Thế nhưng…!
Theo lời một người nông dân tê Trữ, chủ vườn điều rộng hơn hai mươi hecta, bộc bạch thì dường như cây điều không còn là mũi nhọn kinh tế đối với miền cao nguyên đất đỏ này nữa, một phần vì nguồn xuất khẩu hạt điều bị đình trệ, một phần nữa người nông dân bị thương lái Trung Quốc lừa mua lá điều, họ tuốt sạch lá để bán, kết cục bi thảm, nhiều vườn điều phải chặt gốc.
Người nông dân ở đây không đến nỗi ngu ngốc đến độ dễ bị lừa đến thế, ông và nhiều bà con vẫn hiểu rằng chơi với Trung Quốc là chơi với kiến lửa, nó không đốt mình là chuyện quá lạ. Nhưng rồi, cái lộ trình của nhà nước đẩy dần bà con vào cái rọ Trung Quốc
Ông Trữ
Ông Trữ nói thêm rằng người nông dân ở đây không đến nỗi ngu ngốc đến độ dễ bị lừa đến thế, ông và nhiều bà con vẫn hiểu rằng chơi với Trung Quốc là chơi với kiến lửa, nó không đốt mình là chuyện quá lạ. Nhưng rồi, cái lộ trình của nhà nước đẩy dần bà con vào cái rọ Trung Quốc.
Giải thích thêm về cái lộ trình nhà nước và cái rọ Trung Quốc, ông Trữ nói rằng thật ra, đầu ra cho hạt điều nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung đã phụ thuộc, đã lún quá sâu vào thị trường Trung Quốc. Nghĩa là từ trước đến nay, dù nói ra hay không nói ra, phần lớn các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu hạt điều của Việt Nam, đặc biệt là của Bình Phước đều nhắm vào thị trường Trung Quốc và bị chi phối bởi các thương lái nước này.
Lá điều khô được thu mua để bán cho thương lái.
Lá điều khô được thu mua để bán cho thương lái. Courtesy Tuoitre

Chính vì thế, mọi hoạt động mua bán, gom hàng, xuất hàng và xả hàng của các doanh nghiệp này đều dựa vào nhiệt kế thị trường Trung Quốc, nếu như Trung Quốc không nhập hạt điều, chắc chắn, thương gia Việt Nam sẽ ứ hàng, và một khi ứ hàng, họ sẽ đè giá hạt điều thị trường Việt Nam xuống thấp, thiệt thòi cuối cùng vẫn rơi vào người nông dân.
Và, điều đó đã diễn ra gần hai năm nay, các thương lái Trung Quốc tỏ ra không mặn mà với nguồn hạt điều của Bình Phước, lượng hàng tồn kho và hư hỏng do để quá lâu, không được bảo dưỡng tốt càng ngày càng nhiều, giá hạt điều trên thị trường Bình Phước bị rớt so với nhiều năm trước, trong khi giá điện, giá xăng dầu, giá thuê nhân công và thuê đất lại tăng. Đến nước này, người nông dân buộc phải tự cứu mình bằng mọi giá.

Tự cứu không bằng tự tử
Người nông dân khác tên Thắng, sống cách thị xã Đồng Xoài, Bình Phước chưa đầy 5km, thuộc khu dân cư đồng bào thiểu số… và người Quảng Nam di dân trong chương trình kinh tế mới sau 30 tháng Tư 1975, chia sẻ với chúng tôi rằng cả một rừng điều mênh mông gần hai trăm ngàn hecta quanh khu vực ông sống đang lâm vào khủng hoảng, nghĩa là suốt gần hai năm nay, giá phân tăng gần năm lần, trước đây mua một bao phân bón, chỉ tốn 100 ngàn đồng, bây giờ, tốn gần 500 ngàn đồng mới mua được một bao, giá điện tăng, giá xăng cũng tăng, mọi thứ vật giá leo thang, trong khi giá hạt điều lại bị rớt.
Chỉ cần giá hạt điều rớt một năm thôi là mọi hoạt động chăm sóc cây điều của năm sau sẽ khó khăn hơn nhiều. Trong khi đó, vật giá liên tục leo thang nên bà con nông dân đành lắc đầu, bỏ cho rừng điều phát triển tùy hứng, cho trái tùy hứng.
Lá điều chất thành núi này núi nọ khắp các huyện cao nguyên đất đỏ nhưng chờ hoài không thấy thương lái Trung Quốc đến mua, lúc này, bà con mới tá hỏa nhận ra mình bị lừa. Và cú lừa này hết sức đau vì một khi không bán được lá, không có tiền mua phân bồi dưỡng cho gốc điều, mùa sau, cây điều càng cho trái èo ọp, tệ hại hơn những mùa trước
Trong lúc người nông dân đang bế tắc vì nguồn thu nhập từ hạt điều bị eo hẹp thì các thương lái Trung Quốc sang gạ mua lá điều khô với giá từ năm ngàn đồng đến mười ngàn đồng trên mỗi ký lô. Lúc này, dù có đề phòng cách gì, bà con vẫn phải cầm chổi ra quét ngoài rừng điều để gom lá khô. Đến khi lá khô gom tạm sạch ở các gốc điều, thương lái Trung Quốc lại trở bài, chê lá điều không đạt tiêu chuển, loại này họ chỉ mua với giá từ hai trăm đồng đến bảy trăm đồng mỗi ký.
Bà con lỡ phóng lao, buộc phải nhắm mắt theo lao, vì công lao động bỏ ra cả gần tháng trời để gom lá điều khô, cuối cùng bán không được mấy đồng, hơn nữa, điều đang mùa ra lá, nên nhắm mắt mà hái đợt lá đó phơi khô để bán kiếm tiền đi chợ, đợi có tiền, bón phân cho gốc điều, không chừng cây tức lá, ra bội trái. Nghĩ vậy, ông Thắng và bà con thi nhau vặt lá điều.
Lá điều chất thành núi này núi nọ khắp các huyện cao nguyên đất đỏ nhưng chờ hoài không thấy thương lái Trung Quốc đến mua, lúc này, bà con mới tá hỏa nhận ra mình bị lừa. Và cú lừa này hết sức đau vì một khi không bán được lá, không có tiền mua phân bồi dưỡng cho gốc điều, mùa sau, cây điều càng cho trái èo ọp, tệ hại hơn những mùa trước không chăm sóc.
Kết cục, nông dân chịu cảnh mất mùa, nhiều rừng điều phải chặt gốc, chuyển sang trồng một thứ cây gì đó. Mà thứ cây gì đó thì bà con vẫn chưa nghĩ ra!
Suy cho cùng, lời ông Trữ và ông Thắng, lời của những nông dân chân lấm tay bùn, quen sống chất phác và siêng năng nghe ra lại lắm suy tư và hiểu biết thế sự. Sự hiểu biết này không đến từ sự tuyên truyền hay truyền đạt của nhà cầm quyền mà đến từ kinh nghiệm xương máu mà họ phải trả giá một cách rất oan uổng!

Geen opmerkingen:

Een reactie posten