zaterdag 6 juli 2013

Việt Nam nên học theo Mã Lai và Singapore

Việt Nam nên học theo Mã Lai và Singapore Friday, July 05, 2013 7:28:57 PM







SÀI GÒN (NV) - Nhà cầm quyền Hà Nội nên học theo cách điều hành các công ty của Singapore và Malaysia hầu  tăng khả năng sản xuất cho các công ty quốc doanh nổi tiếng “lời giả lỗ thật” tại Việt Nam.

Một người vá bánh xe đạp cho khách hàng trên lề đường phố Hà Nội. Kinh tế Việt Nam năm ngoái và cả năm nay tăng trưởng chậm nhất trong suốt 13 năm qua. Nông dân và những dân nghèo thành phố bị ảnh hưởng nặng nhất vì sự điều hành kinh tế kém cỏi của nhà nước CSVN. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Theo ông Marco Breu, giám đốc điều hành của tổ chức tư vấn đầu tư McKinsey tại Việt Nam, cho rằng các nước Malaysia và Singapore đã trao quyền rộng rãi cho các công ty quốc doanh lớn và nổi tiếng như Temasek Holdings Pte (Singapore) và Khazanah Nasional Bhd ( Malaysia). Các công ty này tự điều hành lấy một cách chuyên nghiệp, dồn hết tâm trí vào việc sinh lợi.

Nhưng tại Việt Nam, các công ty quốc doanh đều được trao cho các đảng viên là bè cánh, phe nhóm thường được gọi là “nhóm lợi ích” cầm đầu. Phần lớn không phải là chuyên viên trong các ngành sản xuất chế tạo, hoặc có kinh nghiệm hay khả năng quản trị và kinh doanh.

Theo một bài phân tích của báo tài chính Bloomberg, Singapore đã lập công ty quốc doanh Temasek năm 1974 để từ đó tiến đến thành lập các công ty quốc doanh khác như công ty điện thoại và hãng hàng không.


Cho đến Tháng ba 2013, Temasek điều hành các khoản đầu tư lên tới $169 tỉ USD và có tài sản ròng lên đến $27 tỉ USD (tính tới cuối năm 2012).

Một số không ít các đại xí nghiệp quốc doanh của Hà Nội, từ tập đoàn đến tổng công ty, rớt vào tình trạng “lời giả lỗ thật” vì chúng được nuông chiều tối đa, vay tiền bừa bãi do các “lệnh mồm” hay “cách này cách khác” từ cấp cao, bất chấp luật lệ.

Đây là cách điều hành “linh hoạt” công thức “kinh tế thị trường theo định hướng chủ nghĩa xã hội” của CSVN dẫn đến sự sụp đổ hoặc ngắc ngoải của rất nhiều xí nghiệp mà báo Đất Việt nêu ra trong số ra ngày Thứ Sáu 19/4/2013.

Cuối năm ngoái, nhiều bài báo trong nước cho biết không ít các đại gia quốc doanh của Việt Nam nợ gấp 10 lần vốn sở hữu. Khối nợ khổng lồ của các xí nghiệp quốc doanh đè nặng lên hệ thống ngân hàng, trì kéo nền kinh tế.

Nhà cầm quyền Hà Nội bối rối với các kế hoạch cứu nguy từ thị trường địa ốc, giải quyết nợ xấu ngân hàng, trong khi hệ thống sản xuất thì đình đốn, hàng tồn kho quá nhiều.

Một trong những vấn nạn của hệ thống quốc doanh CSVN là các đại gia vươn tay đầu tư bừa bãi ra hàng trăm loại sản xuất và dịch vụ khác nhau. Công ty đóng tàu biển cũng đầu tư vào cả nuôi heo. Khi công ty mẹ mắc kẹt là cả một đoàn hàng mấy chục công ty điêu đứng theo.

Tháng hai vừa qua, nhà cầm quyền trung ương đòi các đại gia quốc doanh chỉ tập trung vào các ngành kinh doanh chính yếu, thay vì ôm đồm nhưng chưa thấy kết quả gì đáng khích lệ. Vẫn là điều hành kinh tế theo lệnh của các “nhóm lợi ích”.

Chính phủ các nước Singapore và Malaysia cho các công ty quốc doanh áp dụng phương cách điều hành xí nghiệp được áp dụng phổ biến, đồng thời đòi hỏi tiêu chuẩn quản trị cao hơn. Nhờ vậy, các công ty của họ thành công, bán được cổ phần của các công ty quốc doanh rồi đem tái đầu tư ra nước ngoài.

Nhờ kinh doanh hiệu quả và thành công Temasek đang nắm cổ phần quan trọng tại các công ty lớn hàng đầu Đông Nam Á như Singapore Telecommunications Ltd. (ST), DBS Group Holdings Ltd., U.K. lender Standard Chartered Plc; và Industrial & Commercial Bank of China Ltd., ngân hàng lớn nhất Singapore.

Khazanah làm chủ phần lớn cổ phần tại những công ty lớn của Malaysia như công ty điện Tenaga Nasional Bhd., tập đoàn điện thoại di động Axiata Group Bhd., công ty tín dụng đầu tư tài chính CIMB Group Holdings Bhd., và cả bệnh viện IHH Healthcare Bhd. 
Việt Nam từng bị các tổ chức lượng giá đầu tư quốc tế Moody’s Investors Service và Standard & Poor’s hạ thấp vị thế trên thang điểm đánh giá đầu tư vì những tai tiếng của tập đoàn đóng tàu Vinashin và những căn bệnh khác.

Theo ông Breu nhận xét, các công ty quốc doanh của Việt Nam không được giao trọn quyền kinh doanh vì chúng được sử dụng như những công cụ trong chính sách kinh tế của nhà nước “theo định hướng XHCN”.

“Trong các công ty quốc doanh của Việt Nam, người ta sẽ tìm thấy nhiều sự kém hiệu quả vì chúng có thể không được điều hành theo các nguyên tắc kinh doanh.” Ông Breu nói. “Nhiều lần, chúng được vận hành như một cách giữ cho nạn thất nghiệp ở mức thấp hơn”.
Ông cho rằng rất khó mà đột ngột sa thải 30% đến 40% nhân công nếu không có một kế hoạch tái huấn luyện cho họ.

Theo nhận xét của ông Việt Nam muốn tăng trưởng trở lại ở nhịp độ hơn 6% một năm thì phải tăng được năng suất cho các ngành chế tạo và dịch vụ lên 50%.

“Trừ phi anh thay đổi tận gốc rễ hệ thống quốc doanh, cải tổ chúng, anh sẽ chỉ có thể tăng trưởng được từ 4.5% đến 5%.” Ông Breu nói. (TN)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten